Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2675/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐÀO TẠO LẠI, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TAY NGHỀ CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chương trình hành động số 38-CtrHĐ/TU ngày 08 tháng 7 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2817/LĐTBXH-DN ngày 28 tháng 3 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp.

Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, Bí thư Thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Thủ trưởng các Sở ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Các Sở, ngành thành phố;
- Các Đoàn thể thành phố;
- VPUB: CPVP; Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX-VN) L.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO, ĐÀO TẠO LẠI, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TAY NGHỀ CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2675/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

I. THỰC TRẠNG TAY NGHỀ CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn lao động đông và thu hút lực lượng lao động nhiều tỉnh, thành khác đến làm việc. Với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nguồn nhân lực của thành phố trong thời gian qua đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ - kỹ thuật, tay nghề công nhân, người lao động là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo ra năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và công nhân; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần tích cực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Năm 2011, dân số của thành phố trên 7,4 triệu người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 5,3 triệu người, chiếm 71,6% dân số của thành phố; số người đang làm việc trong các thành phần kinh tế trên 3,8 triệu người; số người trong độ tuổi lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố Hồ Chí Minh học tập, sinh sống và làm việc khoảng 1,7 triệu người.

Trên địa bàn thành phố có trên 95.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (có quy mô dưới 300 lao động) chiếm 98,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, chiếm 63,52 trong tổng số doanh nghiệp nhà nước, chiếm 99,24% tổng số doanh nghiệp dân doanh và 91,38% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đến cuối năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đang làm việc trong các thành phần kinh tế đạt 61%, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trước khi vào làm trong các doanh nghiệp còn ở mức cao, nhiều ngành nghề cần lao động qua đào tạo không tuyển đủ nhân lực. Điển hình là các nghề thuộc lĩnh vực cơ khí, xây dựng và mới nhất là nhân lực cho công nghệ phần mềm công nghệ thông tin, các nghề mới trong lĩnh vực dịch vụ.

Do nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa có chiến lược về nhân lực phù hợp; sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật công nghệ sản xuất nên tay nghề của người lao động chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Các cơ sở dạy nghề chưa xem doanh nghiệp là khách hàng của mình, chương trình và công nghệ đào tạo cập nhật không theo kịp sự phát triển của thực tế kỹ thuật, công nghệ.

Để khắc phục tình hình này, cần đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp với nội dung như sau :

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2007;

- Luật Giáo dục 2005; và Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục 2008;

- Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

- Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về việc làm;

- Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Chương trình hành động (Số 38-CtrHĐ/TU) của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

III. MỤC TIÊU

Bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố giúp nâng cao khả năng tương thích với yêu cầu mới của sản xuất kinh doanh; tăng hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm, ổn định việc làm góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như công nhân và người lao động để đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp làm việc tại các doanh nghiệp đạt 70% trở lên.

IV. ĐỐI TƯỢNG

Là công nhân và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tại thành phố.

V. NỘI DUNG

a) Đào tạo: Đối với công nhân chưa được đào tạo qua trường lớp trước khi vào làm tại doanh nghiệp.

Nội dung đào tạo là cung cấp kiến thức căn bản về nghề, công việc đang làm và kỹ năng cần thiết, đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật - công nghệ; có khả năng sử dụng thành thạo, an toàn thiết bị, dụng cụ trong quá trình thực hiện công việc. Hoàn thành nội dung này, công nhân được cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

b) Đào tạo lại: Đối với công nhân thay đổi vị trí, nhiệm vụ trong quy trình sản xuất - kinh doanh; hoặc do thay đổi cơ cấu sản phẩm, thay đổi công nghệ, thiết bị, …

Yêu cầu đào tạo lại là giúp công nhân trang bị đủ kiến thức, kỹ năng mới, tương thích quy trình sản xuất, yêu cầu sản phẩm và công nghệ kỹ thuật mới. Sau đào tạo lại, công nhân được cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

c) Bồi dưỡng nâng cao tay nghề: Giúp công nhân cập nhật, nâng cao tay nghề, nâng cao hiệu quả lao động (năng suất, chất lượng,…). Sau lớp bồi dưỡng, công nhân được cấp chứng nhận bồi dưỡng hoặc chứng nhận bậc nghề.

VI. BIỆN PHÁP

1. Các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề):

a) Chủ động liên hệ với các doanh nghiệp:

- Nắm nhu cầu của doanh nghiệp về đào tạo, đào tạo lại; bồi dưỡng nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề; bồi dưỡng công nghệ, kỹ thuật mới cho công nhân.

- Phối hợp với bộ phận kỹ thuật của doanh nghiệp xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo theo từng ngành nghề và cấp trình độ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

- Thỏa thuận và ký hợp đồng bồi dưỡng, đào tạo với doanh nghiệp;báo cáo đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho công nhân theo chương trình đã thỏa thuận với doanh nghiệp (tại cơ sở dạy nghề và tại doanh nghiệp) .

b) Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thi/kiểm tra công nhận tốt nghiệp, xác nhận bậc thợ cho công nhân.

c) Cấp chứng nhận bậc thợ, chứng chỉ đào tạo nghề cho công nhân.

d) Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện.

2. Các doanh nghiệp:

a) Hàng năm, tùy tình hình cụ thể, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề, bậc thợ để cấp chứng chỉ, chứng nhận cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự tổ chức được thì phối hợp với cơ sở dạy nghề để tổ chức thực hiện theo nội dung sau:

- Cung cấp và tạo điều kiện để cơ sở dạy nghề nắm nhu cầu đào tạo; đào tạo lại; bồi dưỡng nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề công nhân của doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động đăng ký tham gia.

- Phối hợp với cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo theo từng ngành nghề và cấp trình độ.

- Thỏa thuận và ký hợp đồng đào tạo với cơ sở dạy nghề và tạo điều kiện cho cơ sở dạy nghề được sử dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình bồi dưỡng, đào tạo.

- Cử chuyên gia phối hợp quản lý và tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập cho người học.

- Phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức thi/kiểm tra công nhận tốt nghiệp, xác nhận bậc thợ cho công nhân.

b) Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao tay nghề, bậc thợ tại doanh nghiệp.

3. Các hình thức đào tạo:

a) Đào tạo, đào tạo lại theo chương trình sơ cấp nghề hoặc dạy nghề thường xuyên theo chương trình không chính quy:

Cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm thực hiện theo chương trình đã xây dựng, thống nhất với doanh nghiệp và đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ hoàn thành khóa học cho người học theo quy định khi tốt nghiệp.

b) Bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ; bổ sung kiến thức, kỹ năng:

Cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng. Cơ sở dạy nghề cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học (theo mẫu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn).

c) Bồi dưỡng nâng bậc thợ: Cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra xác nhận bậc thợ. Cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp cấp chứng nhận bậc thợ (theo mẫu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn).

4. Kinh phí:

Kinh phí doanh nghiệp chi cho hoạt động này được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Khoản 2 Điều 104 Luật Giáo dục; Khoản 5 Điều 55 Luật Dạy nghề; Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ; Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tổ chức triển khai chương trình này đến các đơn vị hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phối hợp cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong ký kết hợp đồng, xây dựng chương trình và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo.

b) Đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện.

c) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận-huyện hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc nhắc nhở đối với những doanh nghiệp trong thẩm quyền quản lý.

d) Cung cấp các loại phôi: chứng nhận bậc nghề, chứng chỉ hoàn thành khóa học, chứng chỉ sơ cấp nghề cho cơ sở dạy nghề (và doanh nghiệp có nhu cầu).

e) Tổng hợp, báo cáo tình hình tổ chức thực hiện của doanh nghiệp hàng năm. Đề xuất khen thưởng những doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả chương trình.

2. Cơ quan thuế: Hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán chi phí thực hiện chương trình này để tính thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố: Có kế hoạch vận động các doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý thực hiện chương trình. Giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu cần đào tạo, đào tạo lại cho các cơ sở dạy nghề. Kiểm tra, phối hợp với doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện.

4. Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Vận động, tư vấn cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.

5. Liên đoàn Lao động thành phố: Hướng dẫn, vận động công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tham gia thực hiện để đảm bảo quyền và lợi ích cho doanh nghiệp và công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp.

6. Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp có liên quan đến việc đào tạo nghề tham gia thực hiện chương trình; hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở Đoàn phối hợp cùng Công đoàn làm nòng cốt trong việc tham gia thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho công nhân và vận động công nhân, người lao động trẻ tích cực tham gia./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ