Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2693/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ Quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Căn cứ Thông tư số 50/2012/TT-BQP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong quân đội;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Cục Kiểm soát TTHC/VPCP;
- Tổng cục Chính trị;
- Cục Chính sách/TCCT;
- Lưu: VT, CCHC, Hg (05).

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Phùng Quang Thanh

 

CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2693/QĐ-BQP ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Bộ Quốc Phòng)

PHẦN I.

DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Số TT

Tên thủ tục hành chính

Lĩnh vực

Cơ quan thực hiện

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH DO CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG THỰC HIỆN

1

Thủ tục thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong quân đội.

Chính sách

Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong quân đội.

PHẦN II.

NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Thủ tục thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong quân đội.

a) Trình tự thực hiện:

- Sau khi Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sắp xếp, chuyển đổi công ty, Công ty xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư: Lập danh sách toàn bộ số lao động tại thời điểm quyết định sắp xếp, chuyển đổi công ty; danh sách lao động cần sử dụng (trường hợp công ty giải thể, phá sản thì không cần lập danh sách này); danh sách lao động không có nhu cầu sử dụng;

- Công ty phối hợp với BCH Công đoàn tổ chức Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức để cho ý kiến về danh sách người lao động.

- Trên cơ sở ý kiến của Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức, Công ty chốt danh sách người lao động dôi dư;

- Công ty hoàn thiện phương án giải quyết người lao động dôi dư, báo cáo cấp trên (cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng) thẩm định và trình Bộ Quốc phòng (qua Cục Kinh tế-Cơ quan thường trực) phê duyệt;

- Sau khi Thủ trưởng Bộ phê duyệt, Công ty ký Quyết định giải quyết hưởng chính sách cho từng người lao động dôi dư nghỉ việc, cấp phiếu học nghề miễn phí cho người lao động có nhu cầu học nghề.

b) Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Công ty.

c) Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ:

+ Văn bản đề nghị phương án giải quyết lao động dôi dư;

+ Phương án giải quyết lao động dôi dư do sắp xếp công ty;

+ Danh sách người lao động có tên trong công ty tại thời điểm sắp xếp, chuyển đổi;

+ Danh sách người lao động cần sử dụng theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh tại thời điểm sắp xếp, chuyển đổi;

+ Danh sách người lao động không có nhu cầu sử dụng tại thời điểm sắp xếp, chuyển đổi;

+ Danh sách người lao động nghỉ hưu trước tuổi và dự toán kinh phí chi trả tại thời điểm quyết định nghỉ việc;

+ Danh sách người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thiếu thời gian đóng BHXH tại thời điểm có quyết định nghỉ việc;

+ Danh sách người lao động thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hưởng trợ cấp và dự toán kinh phí chi trả tại thời điểm quyết định nghỉ việc;

+ Danh sách người lao động thực hiện hợp đồng lao động xác định từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hưởng trợ cấp và dự toán kinh phí chi trả tại thời điểm có quyết định nghỉ việc;

- Số lượng hồ sơ: 06 bộ.

d) Thời hạn giải quyết:

- Tại Công ty: Không quá 45 ngày làm việc;

- Tại cấp đầu mối trực thuộc Bộ: Không quá 10 ngày làm việc;

- Tại Bộ Quốc phòng: Không quá 15 ngày làm việc (bao gồm cả thời gian thẩm định của Cục Kinh tế/BQP).

đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân người lao động.

e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Quốc phòng

- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Công ty

- Cơ quan phối hợp: Đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ, Cục Kinh tế BQP.

g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

- Quyết định về giải quyết nghỉ việc hưởng chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu.

- Phiếu học nghề miễn phí (cho người lao động có nhu cầu học nghề).

h) Lệ phí: Không.

i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không

k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

- Người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời gian từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng trong công ty TNHH một thành viên do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu được chuyển đổi từ công ty nhà nước nhưng chưa giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP, nay tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Cổ phần hóa, giao, bán chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp (gọi chung là Công ty); giải thể, phá sản.

- Người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào Công ty trước ngày 21/4/1998 đang chờ việc, tại thời điểm sắp xếp lại, công ty vẫn không bố trí được việc làm.

- Người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào Công ty trước ngày 26/4/2002, nay sắp xếp lại theo phương án giải thể, phá sản.

l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính

- Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ Quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

- Thông tư số 50/2012/TT-BQP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong quân đội.