Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ SẢN
****

Số : 27/2006/QĐ-BTS

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU, CẤP HIỆU, CỜ HIỆU VÀ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT CỦA THANH TRA THUỶ SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thuỷ sản;
Căn cứ  ý kiến của Tổng Thanh tra tại văn bản số 2488/TTCP - PC ngày 15 tháng 12 năm 2006;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “quy định tạm thời về trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu và phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Thuỷ sản”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 749/TS-QĐ ngày 09 tháng 11 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc ban hành quy định về cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và trang phục của Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 3.  Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thuỷ sản hoặc Sở có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Tạ Quang Ngọc

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU, CẤP HIỆU, CỜ HIỆU VÀ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT CỦA THANH TRA THUỶ SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2006/QĐ-BTS ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu và phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Thuỷ sản.

2. Quy định này áp dụng đối với Thanh tra Bộ Thuỷ sản, Thanh tra Sở Thuỷ sản, Thanh tra viên, cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra đó.

Điều 2. Quy định về chế độ sử dụng

1. Thanh tra viên Thanh tra Thuỷ sản khi làm nhiệm vụ phải mang theo Thẻ Thanh tra viên, mặc đúng trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu và biển hiệu theo quy định.

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không thuộc lực lượng Thanh tra Thuỷ sản sử dụng trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu của Thanh tra Thuỷ sản hoặc sử dụng trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu tương tự gây nhầm lẫn với Thanh tra Thuỷ sản.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống Thanh tra Thuỷ sản có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản và sử dụng đúng quy định trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu và phương tiện thiết bị kỹ thuật được cấp phát; nếu để mất mát, hư hỏng phải báo cáo ngay với cơ quan chủ quản; nghiêm cấm việc tẩy xoá, sửa chữa, cho mượn trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu và các phương tiện, thiết bị, kỹ thuật của Thanh tra Thuỷ sản để dùng vào mục đích khác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả xảy ra.

Hết giờ làm nhiệm vụ, cán bộ, công chức, Thanh tra viên Thanh tra Thuỷ sản phải để lại cơ quan các phương tiện thiết bị kỹ thuật để quản lý, bảo quản theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra viên Thanh tra Thuỷ sản khi không còn làm công tác thanh tra phải giao nộp lại cho cơ quan Thanh tra Thuỷ sản phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, các phương tiện, thiết bị, kỹ thuật đã được cấp, những giấy tờ liên quan khác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả xảy ra nếu không giao nộp đầy đủ, kịp thời.

Chương 2:

CỜ HIỆU, PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU, BIỂN HIỆU VÀ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT CỦA THANH TRA THUỶ SẢN

Điều 3. Cờ hiệu Thanh tra Thuỷ sản

1. Cờ hiệu Thanh tra Thuỷ sản được treo trên các phương tiện kiểm tra, kiểm soát và các vị trí trang trọng khác của Thanh tra Thuỷ sản.

2. Cờ hiệu Thanh tra Thuỷ sản hình tam giác cân, có tỷ lệ kích thước chiều rộng (đáy tam giác cân) bằng 2/3 chiều dài (chiều cao tam giác cân); ở giữa (trọng tâm tam giác cân) thêu phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản, phù hiệu có đường kính bằng 1/3 chiều rộng cờ; xung quanh cờ thêu viền nẹp có chiều rộng bằng 1/20 chiều rộng cờ. Nếu cờ màu xanh nước biển; viền nẹp màu vàng tươi. Vải may cờ và chỉ thêu là sợi tổng hợp, có độ bền cao.

Điều 4. Phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản

1. Phù hiệu là biểu tượng của lực lượng Thanh tra Thuỷ sản. Phù hiệu được may trên cờ hiệu, tay áo; được gắn trên mũ, ve áo; gắn hoặc vẽ trên phương tiện; in trên biển hiệu và Thẻ Thanh tra viên Thuỷ sản.

2. Phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản hình tròn, có 2 vòng tròn đồng tâm màu vàng tươi. Giữa 2 vòng tròn có dòng chữ “Thanh tra Thuỷ sản Việt Nam”. Bên trong vòng tròn là biểu tượng ngành Thuỷ sản. Nền phù hiệu màu xanh nước biển; chữ màu đỏ cờ Tổ quốc. Các phù hiệu gắn trên mũ, ve áo làm bằng kim loại không gỉ, dập nổi các vòng tròn, chữ viết, biểu tượng ngành Thuỷ sản. Quy cách cụ thể các loại phù hiệu :

a) Phù hiệu thêu trên cờ hiệu có đường kính bằng 1/3 chiều rộng cờ.

b) Phù hiệu gắn trên mũ :

- Phù hiệu gắn trên mũ Kêpi có đường kính bằng 32mm, gắn cùng với cành tùng mạ bạc hai bên.

- Phù hiệu gắn trên mũ mềm có đường kính bằng 25 mm, không có cành tùng.

c) Phù hiệu gắn trên áo :

- Phù hiệu ve áo làm bằng vải màu xanh nước biển, hình bình hành có kích thước các cạnh 57 x 31mm xung quanh thêu viền vàng tươi rộng 1,5mm; ở giữa gắn phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản có đường kính 15mm làm bằng kim loại.

- Phù hiệu trên tay áo : Thêu trên vải sợi tổng hợp màu xanh nước biển. Phù hiệu hình khiên có bề rộng bằng 70mm, chiều cao bằng 90mm. Chính giữa thêu biểu tượng ngành Thuỷ sản đường kính bằng 18mm; bên trên biểu tượng ngành có dòng chữ “Thanh tra Thuỷ sản”; bên dưới biểu tượng ngành có dòng chữ “Bộ Thuỷ sản” (đối với Thanh tra Bộ) hoặc tên tỉnh (đối với Thanh tra Sở); xung quanh hình khiên viền nỉ màu vàng tươi rộng 1,5mm, chữ màu đỏ cờ.

d) Phù hiệu gắn hoặc in, vẽ trên phương tiện tuần tra : tuỳ thuộc vị trí trên phương tiện chọn kích thước cho phù hợp.

3. Các phù hiệu gắn trên mũ, ve áo phải có ốc vít hoặc ghim cài đảm bảo gắn chắc chắn vào mũ, ve áo; phù hiệu tay áo phải được may liền với áo; các đường nét trên phù hiệu phải rõ ràng, chữ phải rõ, đủ dấu.

Điều 5. Cấp hiệu Thanh tra Thuỷ sản

1. Cấp hiệu của Thanh tra Thuỷ sản được gắn trên 2 cầu vai áo để phân biệt thẩm quyền của các chức danh lãnh đạo hoặc chuyên môn trong cơ quan Thanh tra Thuỷ sản.

2. Cấp hiệu Thanh tra Thuỷ sản gắn trên cầu vai áo được làm bằng vải sợi tổng hợp màu xanh nước biển dài 120mm, đầu ngoài rộng 50mm, đầu trong rộng 40mm, độ chếch đầu nhọn 18mm; xung quanh thêu màu vàng tươi rộng 5mm, các vạch cách nhau 5mm; đầu trong có cúc bằng kim loại, dập nổi ngôi sao, mạ bạc; có các ngôi sao kim loại màu vàng tươi (đối với Thanh tra viên Thuỷ sản thuộc Bộ Thuỷ sản) và màu bạc (đối với Thanh tra viên thuỷ sản thuộc Sở Thuỷ sản hoặc Sở có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về thuỷ sản). Cụ thể như sau :

a) Chánh Thanh tra Bộ : 3 vạch, 3 ngôi sao;

b) Phó chánh Thanh tra Bộ : 3 vạch, 2 ngôi sao;

c) Trưởng phòng Thanh tra Bộ : 2 vạch, 3 ngôi sao;

d) Phó trưởng phòng Thanh tra Bộ : 2 vạch, 2 ngôi sao;

e) Chánh Thanh tra Sở : 2 vạch, 3 ngôi sau;

f) Phó Chánh Thanh tra Sở 2 vạch, 2 ngôi sao;

g) Đội trưởng và các chức danh tương đương thuộc Thanh tra Sở : 1 vạch, 3 ngôi sao;

h) Đội phó và các chức danh tương đương thuộc Thanh tra Sở : 1 vạch, 2 ngôi sao;

i) Thanh tra viên : 1 vạch, 1 ngôi sao;

k) Chuyên viên, nhân viên và các chức danh khác : 1 vạch, không có ngôi sau.

Điều 6. Biển hiệu Thanh tra Thuỷ sản

1. Biển hiệu Thanh tra Thuỷ sản dùng cho cán bộ công chức của cơ quan Thanh tra Thuỷ sản khi thi hành công vụ. Biển hiệu được đeo trước ngực hoặc gắn trên nắp túi áo ngực bên trái.

2. Biển hiệu Thanh tra Thuỷ sản làm bằng Mica hoặc giấy không thấm nước ép Plastic kích thước biển hiệu 84 x 50mm (hoặc 90 x 60); phần trên rộng 15mm, màu xanh nước biển, in phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản bên trái và dòng chữ “Thanh tra Thuỷ sản Việt Nam” màu vàng tươi; phần dưới bên trái là ảnh 3 x 4cm; ảnh chụp kiểu chứng minh nhân dân, đội mũ Kêpi, mặc trang phục Thanh tra Thuỷ sản có đủ phù hiệu, cấp hiệu, bên phải có các dòng chữ ghi rõ họ và tên, chức danh theo cấp bậc hoặc ngạch Thanh tra viên, số hiệu Thanh tra viên hoặc số hiệu công chức. Các dòng chữ in màu xanh nước biển, chữ sắc nét, đủ dấu.

Điều 7. Trang phục thuỷ sản :

1. Trang phục của Thanh tra Thuỷ sản gồm : áo, quần (xuân hè và thu đông), mũ kêpi, mũ mềm, carơvat, thắt lưng, giầy da, dép có quai hậu, ủng, mũ bảo hiểm, găng tay, bít tất, quần áo bảo hộ lao động, cặp đựng tài liệu …

2. Áo xuân hè :

Kiểu áo Bludông, vai áo có quai để đeo cấp hiệu, 2 túi ngực, chất liệu vải sợi tổng hợp màu ghi sáng.

3. Áo thu đông :

a) Áo Veston :

Đối với nam : theo kiểu áo nam sĩ quan quân đội, màu ghi sáng, có lớp vải lót, 4 túi có nắp, cổ hình chưc V vai áo có quai để cài cấp hiệu, 4 khuy, cúc áo bằng nhựa có màu theo màu áo.

Đối với nữ : theo kiểu áo nữ sĩ quan quân đội, màu ghi sáng, có lớp lót; hai túi phía dưới hơi chéo có nắp chìm, áo chít eo cổ hình chữ V, vai áo có quai đeo cấp hiệu, có 3 khuy, cúc áo bằng nhựa có màu theo màu áo.

b) Áo sơ mi dài tay mặc trong áo Veston : kiểu thông thường màu trắng.

c) Áo gile ; màu ghi sáng, cầu vai có quai đeo cấp hiệu.

4. Quần âu :  kiểu bình thường màu ghi sáng, lưỡi trai và quai mũ màu đen, cầu mũ màu xanh nước biển, giữa lưỡi trai và cầu mũ có 2 sợi nỉ màu vàng tươi.

5. Mũ kêpi : kiểu mũ quân đội, màu ghi sáng, lưỡi trai và quai mũ màu đen, cầu mũ màu xanh nước biển, giữa lưỡi trai và cầu mũ có 2 sợi nỉ màu vàng tươi.

6 Mũ mềm : kiểu mũ mềm của Quân đội màu ghi sáng.

7 Các trang phục khác : kiểu bình thường có trên thị trường :

- Carơvat, bít tất : màu ghi sáng;

- Giầy da đen, thấp cổ, buộc dây lưng, ủng cao su đen;

- Mũ bảo hiểm mô tô : màu ghi sáng, 2 bên có dòng chữ “Thanh tra thuỷ sản”.

8. Vải may trang phục

a) Áo xuân hè : Vải sợi tổng hợp, màu ghi sáng.

b) Quần áo thu đông, áo ghilê, mũ kêpi, mũ mềm : vải tổng hợp pha len (hoặc Gabadin pha len) màu ghi sáng.

Điều 8. Niên hạn sử dụng cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục Thanh tra Thuỷ sản

1. Niên hạn sử dụng cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục Thanh tra Thuỷ sản được quy định cụ thể theo bảng dưới đây (riêng năm đầu được cấp 2 bộ) :

TT

Tên gọi

Đơn vị tính

Niên hạn sử dụng

1

Mũ kêpi

Chiếc

1 chiếc/1 năm

2

Mũ mềm

Chiếc

nt

3

Phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu

bộ

1 bộ/1năm

4

Quần áo xuân hè

bộ

2 bộ/1 năm

5

Quần áo thu đông

bộ

1 bộ/1 năm

6

Áo sơ mi dài tay

chiếc

2 chiếc/1năm

7

Áo gile

chiếc

1 chiếc/2 năm

8

Áo măng tô

chiếc

1 chiếc/3 năm

9

Carơvat

chiếc

1 chiếc/1 năm

10

Thắt lưng da

chiếc

1 chiếc/1 năm

11

Cặp đựng tài liệu

chiếc

1 chiếc/1 năm

12

Bít tất

đôi

5 đôi/năm

13

Giầy da

đôi

1 đôi/1 năm

14

Dép da

đôi

1 đôi/1 năm

15

ủng cao su

đôi

1 đôi/1 năm

16

Mũ bảo hiểm

chiếc

1 chiếc/2 năm

17

Áo mưa

chiếc

1 chiếc/1 năm

18

Đèn pin

chiếc

1 chiếc/1 năm

2. Trường hợp cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục bị mất mát, hư hỏng có lý do chính đáng được xác nhận của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra Thuỷ sản sẽ được xem xét cấp lại hoặc được đổi lại cấp hiệu, biển hiệu khi có thay đổi chức vụ hoặc chức danh.

Điều 9. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật

1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của Thanh tra Thuỷ sản bao gồm :

a) Tàu tuần tra (Tàu kiểm ngư), ca nô, xuồng cao tốc;

b) Ô tô con, ô tô bán tải; mô tô 2 bánh;

c) Máy bộ đàm, máy ảnh, camera, máy ghi âm;

d) Các thiết bị văn phòng;

đ) Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác theo yêu cầu nghiệp vụ của từng chuyên ngành thuỷ sản.

2. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật theo quy định hiện hành.

3. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Giám đốc Sở Thuỷ sản hoặc Sở có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về thuỷ sản quyết định việc bố trí trụ sở làm việc, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở theo phân cấp.

4. Ngoài những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nêu tại khoản 1 Điều này, khi tiến hành nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trong trường hợp cần thiết, lực lượng Thanh tra viên thuộc các cơ quan Thanh tra Thuỷ sản được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan Thanh tra Thuỷ sản cấp dưới để phục vụ công tác thanh tra theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Ký hiệu nhận biết phương tiện tuần tra của Thanh tra Thuỷ sản

1. Tàu tuần tra (Tàu kiểm ngư)

1.1 Loại tàu : Tàu tuần tra.

1.2. Màu sơn : Phần chìm (dưới mớn nước) màu đen, chống hà.

Mạn khô và lan can : màu xanh nước biển; ca bin màu ghi sáng.

1.3 Các ký hiệu :

a) Hai bên mạn khô : có hai vạch sơn màu vàng tươi từ đuôi tàu đến khoang mũi và kẻ xiên 450 lên hết lan can phía mũi tàu. Bề rộng mỗi vạch sơn : 100mm, khoảng cách 2 vạch 50mm, cách đường mớn nước 50mm (Có thể 1 vạch vàng, một vạch đỏ, đỏ trên, vàng dưới).

b) Hai bên thành Cabin : sơn màu xanh nước biển, trên đó có dòng chữ “Thanh tha Thuỷ sản” + tên tỉnh màu trắng. Kiểu chữ : chữ in, đứng, sắc nét, đủ dấu.

c) Chính giữa phía trước, trên nóc Cabin : gắn phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản.

d) Cờ hiệu : treo trên nóc Cabin, dưới cờ Tổ quốc.

2. Ca nô, xuồng cao tốc :

2.1 Màu sơn : Màu ghi sáng (loại composite theo màu sơn có sẵn của nhà sản xuất).

2.2 Ký hiệu : 2 bên mạn có vạch sơn màu xanh nước biển, trên có dòng chữ “Thanh tra Thuỷ sản” + tên tỉnh màu trắng; đầu dòng chữ vẽ phù hiệu Thanh tra Thuỷ sản.

Bề rộng vạch sơn, kích thước chữ : chọn phù hợp, cân đối với vị trí trên ca nô, xuồng.

2.3 Cờ hiệu ;  Treo phía lái ca nô, xuồng.

3. Ô tô

3.1 Màu sơn : Màu ghi sáng (hoặc màu sơn có sẵn của nhà sản xuất)

3.2 Ký hiệu : Hai bên thành ô tô có vạch sơn màu xanh nước biển rộng 20mm kể từ đuôi đến đầu xe giữa có dòng chữ “Thanh tra Thuỷ sản” + tên tỉnh màu trắng.

3.3 Cờ hiệu: Cắm ở đầu bên phải xe.

4. Mô tô

4.1 Ký hiệu: Phía trước, bên trên chắn bùn gắn tấm biển sơn màu xanh nước biển, hai mặt bên tấm biển có 2 dòng chữ “Thanh tra Thuỷ sản” + tên tỉnh. Biển gắn dọc theo chắn bùn, có hình cong theo độ cong của chắn bùn.

4.2 Cờ hiệu : Treo phía trước xe, đảm bảo không gây cản trở cho người điều khiển xe

Điều 11. Chế độ và kinh phí mua sắm cờ hiệu, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Thuỷ sản

Kinh phí cho việc mua sắm cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác của các cơ quan Thanh tra Thuỷ sản được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm do cấp có thẩm quyền phê duyệt được quy định tại Thông tư liên tịch số 42/2006/TTLT/BTC-TTCP ngày 15 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước và Thông tư của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn về lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan Thanh tra Thuỷ sản.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành

1. Chánh Thanh tra Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thống nhất mẫu trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu Thanh tra Thuỷ sản theo quy định này trên phạm vi toàn quốc.

Định kỳ Chánh Thanh tra Bộ kiểm tra việc thực hiện quy định này và báo cáo Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.

2. Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Giám đốc các Sở Thuỷ sản hoặc Sở có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về thuỷ sản có trách nhiệm thu hồi và xử lý theo thẩm quyền đối với phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu đã cấp cho lực lượng Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trước đây.

3. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh ngoài phạm vi điều chỉnh của bản quy định này, các Sở Thuỷ sản hoặc Sở có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về thuỷ sản cần kịp thời phản ảnh, đề xuất về Bộ Thuỷ sản (qua Thanh tra Bộ) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.