Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 27/2008/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 15 tháng 07 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC TIẾP DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005;
Căn cứ Nghị định số: 136/2006/NĐ-CP, ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo”;
Căn cứ Quyết định số 822/QĐ-TT-CP, ngày 25 tháng 04 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ “Ban hành quy định chế độ báo cáo công tác Thanh tra”;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại tờ trình số: 24/TTr-PC, ngày 20 tháng 05 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định “Quy định chế độ báo cáo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 55/2005/QĐ-UB, ngày 22 tháng 09 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Quy định về chế độ báo cáo công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cá nhân có liên quan, căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo quyết định số 27/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Báo cáo công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại quy định này là văn bản tổng hợp phản ánh đầy đủ kết quả thực hiện Luật Khiếu nại tố cáo của Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình trên địa bàn tỉnh. Báo cáo phải chính xác, khách quan, đầy đủ, kịp thời về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 2. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm lập báo cáo công tác xét khiếu tố gửi về Thanh tra tỉnh, để Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 3. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ các nội dung khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gửi về. Dự thảo báo cáo tổng hợp công tác xét khiếu tố trong toàn tỉnh gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương II

NỘI DUNG VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 4. Báo cáo tháng, quý, năm (Báo cáo tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm):

Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm báo cáo toàn bộ tình hình công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền và lĩnh vực mình đang quản lý gửi Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng nội dung và thời gian quy định.

Đối với bộ phận tiếp dân của Văn phòng Tỉnh ủy, văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh gửi báo cáo tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư về thanh tra tỉnh vào ngày thứ 3 hàng tuần để Thanh tra tỉnh tổng hợp báo cáo chung toàn tỉnh, đồng thời thực hiện báo cáo theo định kỳ nói trên.

Điều 5. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm ban hành các văn bản quy định chi tiết chế độ và trách nhiệm báo cáo tình hình công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân thuộc đơn vị mình quản lý để thực hiện.

Điều 6. Nội dung báo cáo.

Báo cáo tình hình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, lĩnh vực do mình quản lý.

Gồm các nội dung sau:

- Ban hành các văn bản pháp luật, quy chế, điều lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về Luật Khiếu nại, tố cáo;

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về Luật Khiếu nại, tố cáo;

- Kết quả thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

- Đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Tổng hợp công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

- Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết khiếu nại tố cáo.

- Tổng kết về kinh nghiệm và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn (Nội dung được quy định cụ thể tại Điều 80 Luật Khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi bổ sung năm 2005).

- Kết quả xử lý sau thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp có thẩm quyền;

- Đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xét khiếu tố.

Điều 7. Thời điểm lấy số liệu và thời hạn gửi báo cáo

a) Đối với báo cáo tháng: Số liệu lấy từ ngày 30 tháng trước đến ngày 30 tháng sau và thời hạn gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 05 của tháng kế tiếp trong năm báo cáo. Thanh tra tỉnh tổng hợp Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10 hàng tháng.

b) Đối với báo cáo Quý I: Số liệu lấy từ ngày 01 tháng 12 năm trước đến ngày cuối cùng của tháng 2 của năm báo cáo, thời hạn gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 05 của tháng 3.

c) Đối với báo cáo 6 tháng, 9 tháng số liệu lấy từ ngày 1 tháng 12 năm trước đến hết ngày 30 tháng 5 và ngày 30 tháng 8 của năm báo cáo và thời hạn gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 05 của tháng 6 và tháng 9.

d) Đối với báo cáo tổng kết năm: Số liệu lấy từ ngày 1 tháng 12 năm trước đến hết ngày cuối cùng của tháng 11 của năm báo cáo và thời hạn gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 05 của tháng 12 của năm báo cáo.

Điều 8. Báo cáo đột xuất

Báo cáo đột xuất là báo cáo khi trên địa bàn tỉnh phát sinh vụ việc mới, bất thường, nghiêm trọng, phức tạp trong lĩnh vực xét khiếu tố, liên quan đến chính trị, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành các cơ quan đơn vị thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo gửi về Thanh tra tỉnh để Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh khi có yêu cầu.

Điều 9. Báo cáo chuyên đề xét khiếu tố

Báo cáo chuyên đề xét khiếu tố là báo cáo nhằm tổng kết kết quả hoạt động của đơn vị về lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân, Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo chuyên đề theo yêu cầu chỉ đạo chung của tỉnh.

Nội dung báo cáo chuyên đề sẽ có hướng dẫn riêng khi có yêu cầu.

Điều 10. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh thuộc thẩm quyền của mình có trách nhiệm gửi đến Thanh tra tỉnh các văn bản sau:

1. Quyết định thành lập đoàn thanh tra;

2. Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh của  Đoàn Thanh tra hoặc của người ban hành quyết định thanh tra;

3. Quyết định giải quyết đơn khiếu nại hoặc kết luận giải quyết đơn tố cáo, công văn trả lời các kiến nghị, phản ánh của công dân.

4. Các quyết định xử lý sau thanh tra.

Các văn bản trên phải được gửi đến Thanh tra tỉnh ngay sau khi ban hành.

Điều 11. Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, báo cáo công tác thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 12. Việc chấp hành những quy định về chế độ báo cáo, thời hạn báo cáo của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh là tiêu chuẩn được xét thi đua hàng năm theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Việc trình ký và ban hành chế độ báo cáo công tác khiếu nại, tố cáo:

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, có trách nhiệm nhận báo cáo tháng, quý, năm do Thanh tra tỉnh tổng hợp và dự thảo để xử lý trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành;

Việc quản lý và sử dụng báo cáo lĩnh vực khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật về bảo vệ tài liệu lưu trữ nhà nước.

Điều 14. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quy định này có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Điều 15. Giao cho Chánh Thanh tra tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này, đồng thời mở sổ theo dõi tình hình chấp hành chế độ báo cáo của Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tổng hợp số liệu và dự thảo báo cáo việc thực hiện gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Các quy định chế độ báo cáo công tác tiếp dân, tiếp nhận nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh được bãi bỏ./.