Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2010/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 16 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ THUỘC TỈNH NAM ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại tờ trình số 352/TTr-SKHCN ngày 18/8/2010 về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nam Định,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nam Định.

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện quyết định này.

Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

- Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Hồng Phong

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ THUỘC TỈNH NAM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2010/Q Đ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Nam Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nam Định đã được Nhà nước bảo hộ; Những nội dung khác về quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý không đề cập tại Quy định này thì áp dụng theo các quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, các nhân Việt Nam; tổ chức cá nhân nước ngoài vè các chủ thể khác theo quy định của Pháp luật dân sự (gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc quản lý, đăng ký, sử dụng Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nam Định.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi quy định này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. Chỉ dẫn địa lý: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể;

2. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: Là tên của một vùng, một địa phương, hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, là tên của một quốc gia, được dùng để gắn lên một sản phẩm nông sản hoặc thực phẩm để mô tả sản phẩm:

- Có nguồn gốc từ vùng, nơi hoặc quốc gia tương ứng;

- Có chất lượng đặc thù của nguồn gốc địa lý tạo nên;

- Việc sản xuất, chế biến được tiến hành trong phạm vi của vùng địa lý đã được xác định.

3. Chỉ dẫn địa lý có tiềm năng được bảo hộ: Là các sản phẩm có lợi thế về danh tiếng và chất lượng đặc thù gắn với các địa danh cụ thể, có khả năng được nhà nước bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bằng hình thức đăng bạ chỉ dẫn địa lý.

4. Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý: là quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý, bao gồm: Đăng ký hoặc cho phép đăng ký chỉ dẫn địa lý; Quản lý chỉ dẫn địa lý; Quyền trao và thu hồi quyền chỉ dẫn địa lý.

5. Quyền cử dụng chỉ dẫn địa lý: Là quyền gắn (in, dán, đúc, dập hoặc hình thức khác) chỉ dẫn địa lý đó trên sản phẩm và giấy tờ giao dịch nhằm mua, bán và quảng bá, giới thiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý.

6. Đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý: Là hoạt động nhằm xác lập quyền được sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân hội đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật.

7. Trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý: là quyết định của chủ sở hữu hoặc của tổ chức được chủ sở hữu ủy quyền cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

8. Tem chỉ dẫn địa lý: Là tem có tên chỉ dẫn địa lý, được gắn trên đơn vị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và được sử dụng một lần cho từng đơn vị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.

9. Tổ chức quản lý nội bộ chỉ dẫn địa lý: Là tổ chức tập thể đại diện cho các thành viên sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, được thành lập dưới hình thức hợp tác xã, hiệp hội hoặc hình thức khác theo quy định của Pháp luật.

10. Tổ chức quản lý ngoại vi: là tổ chức có thẩm quyền đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý tại địa phương có chức năng kiểm tra và giám sát quá trình sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quyền đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được thực hiện quyền đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nếu được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép; Trường hợp tổ chức, cá nhân là thành viên của một tổ chức tập thể thì quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về tổ chức tập thể đó.

Trong trường hợp không thành lập được tổ chức tập thể và không có tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nào đăng ký thì quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về cơ quan hành chính nhà nước tại khu vực địa lý có chỉ dẫn địa lý và phải được Ủy ban nhân dân cho phép.

Điều 5. Thẩm quyền quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh, ủy quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ cấp, gia hạn, thu hồi quyền sử dụng địa lý đã được bảo hộ cho tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật.

2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ quản lý chỉ dẫn địa lý của tỉnh.

Điều 6. Trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

1.Điều kiện để được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý khi có đủ các điều kiện sau:

a. Được thành lập hợp pháp (nếu là tổ chức);

b. Tự nguyện đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý với cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý.

c. Tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đúng theo hồ sơ đăng bạ chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu trí tuệ.

d. Có chứng cứ xác định sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được sản xuất, kinh doanh thuộc vùng địa danh tương ứng.

đ. Có hồ sơ đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (theo Khoản 2 điều này).

2. Hồ sơ đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Hồ sơ đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, gồm:

a. Đơn đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (mẫu đơn do Sở Khoa học và Công nghệ quy định).

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nhưng không là thành viên của tổ chức tập thể đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý, có xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã về sản phẩm được sản xuất thuộc khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; cá nhân thì Chủ tịch UBND cấp xã, phải xác nhận người đó không thuộc đối tượng quy định tại điểm f, khoản 1, Điều 7 Quy định này;

b. Bản sao có công chứng Quyết định cho phép thành lập tổ chức hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;

c. Cam kết sản xuất sản phẩm theo quy trình bắt buộc và chất lượng sản phẩm đảm bảo các điều kiện đã được bảo hộ;

d. Quy chế quản lý nội bộ chỉ dẫn địa lý của tổ chức tập thể;

đ. Mẫu bao bì, nhẫn hiệu sản phẩm (nếu có);

e. Bản kê khai: địa bàn sản xuất, quy trình sản xuất, sản lượng hàng năm, địa bàn tiêu thụ;

Toàn bộ hồ sơ được lập thành 03 bộ, nộp cho Cơ quan cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý 02 bộ, lưu tại sơ sở 01 bộ.

3. Trình tự, thủ tục trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

a. Tổ chức, các nhân gửi 02 (hai) bộ hồ sơ đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đến Sở Khoa học và Công nghệ;

b. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ phải thẩm định để trao quyền hoặc từ chối trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;

c. Trường hợp từ chối trao quyền phải nêu rõ lý do và trả lời bằng van bản.

Điều 7. Thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bị thu hồi, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a. Không tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý liên tục từ 2 (hai) năm trở lên kể từ ngày được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;

b. Sản phẩm không đáp ứng điều kiện bảo hộ;

c. Chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân khác;

d. Sử dụng tem chỉ dẫn địa lý không đúng quy định;

đ. Tổ chức bị giải thể hoặc phá sản;

e. Tổ chức, cá nhân tự nguyện chấm dứt việc sử dụng chỉ dẫn địa lý;

f. Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh.

2. Trình tự, thủ tục thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

a. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kẻ từ khi Sở Khoa học và Công nghệ hoặc cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, Sở Khoa học và Công nghệ phải tổ chức kiểm tra để quyết định biện pháp xử lý.

b. Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi, tổ chức, cá nhân bị thu hồi phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và số tem chỉ dẫn địa lý chưa sử dụng về Sở Khoa học và Công nghệ;

c. Trường hợp cá nhân bị thu hồi thuộc đối tượng quy định tại điểm f khaonr 1 Điều 7 của Quy định này thì chậm nhất 05 ngày Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND cấp xã, nơi cá nhân đó tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và số tem chỉ dẫn địa lý chưa sử dụng;

d. Trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm công bố danh sách tổ chức, cá nhân bị thu hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng;

đ. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý do vi phạm một trong các điểm a,b,c,d khoản 1 Điều 7, Quy định này, thì sau 2 (hai) năm kể từ ngày có quyết định thu hồi, mới được xem xét trao lại quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; hồ sơ, trình tự, thủ tục trao lại được áp dụng như trao ứd chỉ dẫn địa lý lần đầu.

Điều 8. Quyền của tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

1. Được gắn logo và các yếu tố liên quan đến Chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, trên biển hiệu kinh doanh, hoặc trên các giấy tờ giao dịch của tổ chức, cá nhân.

2. Có quyền tự bảo vệ khi phát hiện bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp:

a. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấm dứt ngay các hành vi vi phạm chỉ dẫn địa lý được Nhà nước bảo hộ;

b. Ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý mà mình đã được quyền sử dụng hợp pháp;

c. Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đối với chỉ dẫn địa lý bị vi phạm;

d. Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xử lý các hành vi vi phạm chỉ dẫn địa lý; hành vi gây ô nhiễm môi trường khu vực mang chỉ dẫn địa lý;

3. Được tham gia vào các chương trình và hoạt động quảng bá Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Điều 9. Kinh phí quản lý chỉ dẫn địa lý

Kinh phí quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nam Định được đảm bảo từ các nguồn sau:

1. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh;

2. Các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ; các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật và các khoản thu hợp pháp khác;

3. Việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý

1. Sở Khoa học và Công nghệ

a. Phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách Pháp luật về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý;

b. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển chỉ dẫn địa lý của tỉnh;

c. Ban hành các quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý cụ thể cho từng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ;

d. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý; thẩm định hồ sơ; thực hiện các thủ tục theo quy định để trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hoặc thu hồi, gia hạn, sửa đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho từng chỉ dẫn địa lý cụ thể; Công bố danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm và bị thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;

e. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về ssd chỉ dẫn địa lý; quản lý logo, tem, nhãn và chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; tham gia giải quyết các tranh chấp về chỉ dẫn địa lý khi có yêu cầu;

f. Điều tra, xác định danh mục, lộ trình, hình thức bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống của tỉnh có tiềm năng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý;

g. Đề xuất, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, ứng dụng các chương trình, dự án về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý của tỉnh;

h. Phê duyệt nội dung, hình thức, chất lượng, tem, logo, bao bì nhãn mác của chỉ dẫn địa lý;

i. Phê duyệt các quy chế quản lý nội bộ chỉ dẫn địa lý.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, đánh giá các tác động môi trường của các dự án đầu tư gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lưoij thế so sánh và tính đặc thù;

b. Đề xuất, thẩm định các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường các khu vực địa lý này.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a. Triển khai các biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo tồn gien; bảo quản sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Quản lý công tác giống, giám sát kiểm tra quy trình kỹ thuật canh tác truyền thống các sản phẩm nông nghiệp mang chỉ dẫn địa lý;

b. Thẩm định cà xác nhận các quy trình kỹ thuật trong canh tác, sản xuất, chế biến các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý;

c. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên qun thực thi quyền sở hữu trí tuệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm, xử lý các vi phạm về sử dụng chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực nông nghiệp.

4. Sở Công thương

a. Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành có liên quan quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nam Định;

b. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm, xử lý vi phạm về sử dụng chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực công thương;

c. Thẩm định và xác nhận các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chế biến các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực công nghiệp;

5. Các Sở, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định có trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ đất, bảo vệ môi trường khu vực địa lý có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ, khuyến khích sản xuất các sản phẩm có lợi thế so sánh; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống ở địa phương.

7. Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

a. Tuân thủ Quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý của tỉnh và các quy định của luật pháp hiện hành;

b. Cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín và hình ảnh của tổ chức; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng;

c. Cam kết nâng cao chất lượng và tham gia quảng bá sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý của tỉnh Nam Định;

d. Không chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;

đ. Bảo vệ môi trường của khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý;

e. Thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất bắt buộc trng sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và quy chế quản lý nội bộ chỉ dẫn địa lý mà tổ chức và cá nhân là thành viên;

f. Thực hiện các quy định về in ấn, quản lý và sử dụng tem chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu sản phẩm;

g. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải lưu giữ hồ sơ về quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý của mình để xuất trình theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý được khen thưởng theo quy định của Luật thi đua khen thưởng.

2. Tổ chức, cá nhân lợi dụng chực vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc bao che cho những hành vi vi phạm, xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý; xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến danh tiếng, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các sở, ngành, UBND các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.