Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2013/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 19 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VÀ NUÔI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 35/2007/QĐ-BGTVT ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố vùng nước các cảng biển thuộc các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế nội dung quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi thủy sản của Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 15/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành quy định về việc quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VÀ NUÔI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định về quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản xuất, kinh doanh giống thủy sản là các hoạt động nhân giống, ương nuôi, thuần dưỡng, vận chuyển, dịch vụ giống thủy sản thương phẩm.

2. Giống thủy sản thương phẩm là giống của các loài thủy sản sử dụng để nuôi thương phẩm.

3. Cơ sở nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm thẻ chân trắng thâm canh là nơi diễn ra hoạt động nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ.

a) Vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng là khu vực có một hoặc nhiều cơ sở nuôi với diện tích tối thiểu 30 ha và sử dụng chung nguồn nước cấp;

b) Nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh là hình thức nuôi có đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy trình kỹ thuật đáp ứng điều kiện nuôi thâm canh và bán thâm canh, mật độ thả nuôi từ 10 con/m2 trở lên, có khả năng đạt năng suất trên 1,5 tấn/ha/vụ nuôi;

c) Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là hình thức nuôi tôm sú với mật độ nuôi thả nuôi dưới 10con/m2, có khả năng đạt năng suất đến 0,5 tấn/ha/vụ nuôi;

d) Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh là hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng có đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy trình kỹ thuật đáp ứng điều kiện nuôi thâm canh thích hợp, có khả năng đạt năng suất trên 5 tấn/ha/vụ nuôi.

4. Cơ sở nuôi cá tra thâm canh là nơi diễn ra hoạt động nuôi cá tra do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ.

a) Vùng nuôi cá tra thâm canh là khu vực có một hoặc nhiều cơ sở nuôi cá tra với diện tích nuôi tối thiểu 30 ha và sử dụng chung nguồn nước cấp.

b) Nuôi cá tra ao thâm canh là hình thức nuôi cá tra với mật độ thả từ 20 - 40 con/m2, có khả năng đạt năng suất từ 160 - 320 tấn/ha/vụ nuôi.

5. Nuôi bè trên sông là hình thức nuôi thủy sản thâm canh, bè đóng bằng vật liệu thích hợp, neo đậu tại một vị trí theo quy định.

6. Nuôi đăng quầng là hình thức nuôi thủy sản sử dụng diện tích mặt nước ven sông, có ít nhất một mặt là lưới chắn và nuôi tại một vị trí theo quy định.

7. Nuôi nhuyễn thể (bao gồm nghêu, sò) là hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nguồn thức ăn và chế độ chăm sóc quản lý phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của khu vực cồn, bãi ven biển.

8. Sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản là sổ cung cấp những quy định pháp luật có liên quan và ghi chép thông tin về nuôi thủy sản của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

9. Cơ quan Môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị, thành.

10. Cơ quan Thú y: Chi cục Thú y, Trạm Thú y các huyện, thị, thành.

11. Báo cáo đánh giá tác động môi trường là bản báo cáo phân tích, dự báo các tác động môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án.

12. Đề án bảo vệ môi trường là bản báo cáo mô tả hiện trạng hoạt động, kê khai và đánh giá về các loại chất thải phát sinh, các biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ sở đã, đang và sẽ áp dụng; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng chống các sự cố về môi trường.

13. Bản cam kết bảo vệ môi trường là bản phân tích, dự báo các loại chất thải phát sinh của dự án cụ thể để đưa ra các biện pháp xử lý chất thải, nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Chương II

ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VÀ NUÔI THỦY SẢN

Điều 3. Điều kiện về địa điểm sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản

1. Điều kiện chung:

a) Theo quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

b) Môi trường đất và nước không bị nhiễm bẩn bởi chất thải của khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, bến cảng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật,...

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nuôi tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, ngoài đảm bảo các điều kiện chung nêu tại Khoản 1 của Điều này, phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Đối với địa điểm sản xuất, kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng phải tách biệt với cơ sở sản xuất, kinh doanh và vùng nuôi tôm sú.

b) Đối với cơ sở nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh và tôm thẻ chân trắng thâm canh phải có ao xử lý nước cấp và thải theo quy định.

c) Đối với bãi nuôi nhuyễn thể phải là những bãi triều có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp ở gần cửa sông, bằng phẳng, độ dốc thấp, ít sóng gió và chỉ được nuôi ở những bãi triều có nền đáy cát bùn hoặc bùn cát để đảm bảo điều kiện sinh sống, phát triển.

3. Đối với nuôi bè: Chỉ được nuôi tại các vùng nước được quy hoạch và cho phép neo đậu theo lý trình của các tuyến sông (Phụ lục 1 đính kèm).

4. Đối với nuôi đăng quầng: Chỉ được nuôi tại các vùng nước được quy hoạch hoặc cho phép nuôi đăng quầng theo lý trình của các tuyến sông (Phụ lục 2 đính kèm).

Điều 4. Điều kiện về vệ sinh thú y

Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản phải đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Điều kiện về môi trường

1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải lập và đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; trường hợp cơ sở đã hoạt động, nhưng không có giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường (hoặc các loại giấy môi trường tương đương) phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xác nhận.

b) Khi có dự án mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thì chủ cơ sở phải đăng ký và thực hiện đầy đủ các quy định về môi trường theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trước khi hoạt động.

2. Đối với cơ sở nuôi thủy sản

a) Cơ sở nuôi thủy sản có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, phê duyệt; trường hợp cơ sở đã hoạt động, nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc các loại giấy môi trường tương đương) phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định và phê duyệt.

b) Cơ sở nuôi thủy sản có diện tích mặt nước nhỏ hơn 10 ha phải lập và đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi triển khai dự án; trường hợp cơ sở đã hoạt động nhưng không có giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường (hoặc các loại giấy môi trường tương đương) phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, chứng nhận.

c) Khi có dự án mở rộng quy mô nuôi thủy sản thì chủ cơ sở phải đăng ký và thực hiện đầy đủ các quy định về môi trường theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trước khi tiến hành hoạt động.

3. Các cơ sở nêu tại Khoản 1, 2 của Điều này phải thu gom và xử lý các loại chất thải (xác động vật thủy sản, nước thải,…) đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hồ sơ môi trường đã được chấp nhận và các quy định khác của pháp luật về môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VÀ NUÔI THỦY SẢN

Điều 6. Trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

1. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

2. Đăng ký với Cơ quan Thú y để được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y.

3. Đăng ký với Cơ quan Môi trường để được thẩm định và cấp giấy chứng nhận hoặc xác nhận cơ sở đủ điều kiện về môi trường.

4. Đăng ký kinh doanh theo quy định. Riêng đối với cơ sở không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì chủ cơ sở phải khai báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã). Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện của pháp luật quy định về ngành, nghề kinh doanh.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi thủy sản trong ao

1. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi thủy sản trong ao với mục đích kinh doanh.

a) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi thủy sản trong ao.

b) Đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã để được cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản, được hướng dẫn thực hiện các thủ tục về điều kiện vệ sinh thú y và môi trường theo quy định.

c) Giám sát, phát hiện, khai báo và xử lý kịp thời dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; không được phép xổ, xả nước và xác thủy sản bị bệnh ra môi trường bên ngoài khi chưa thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

2. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi thủy sản trong ao không với mục đích kinh doanh.

Thực hiện theo các quy định tại Điểm a,c, Khoản 1 của Điều này.

Điều 8. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi bè

1. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi bè.

2. Đăng ký với Chi cục Thủy sản để được cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi bè theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã để được cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản.

4. Theo dõi, giám sát, phát hiện, khai báo và xử lý kịp thời dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Điều 9. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi đăng quầng

1. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi đăng quầng.

2. Đăng ký với Chi cục Thủy sản để được kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi đăng quầng.

3. Đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã để được cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản.

4. Theo dõi, giám sát, phát hiện, khai báo và xử lý kịp thời dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Điều 10. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi nhuyễn thể

1. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi nhuyễn thể.

2. Đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã để được cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản.

3. Theo dõi, giám sát, phát hiện, khai báo và xử lý kịp thời dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Điều 11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hướng dẫn thủ tục đăng ký và quy trình kiểm tra, thẩm định điều kiện vệ sinh thú y và quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ấp Bắc tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quy định này cho các đối tượng có liên quan.

3. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện:

a) Công tác kiểm dịch giống thủy sản.

b) Công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; cơ sở nuôi cá tra, cơ sở nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh; tôm thẻ chân trắng thâm canh.

c) Công tác kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi bè và giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi thủy sản đăng quầng.

d) Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Ngành.

đ) Ban hành biểu mẫu sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản trong phạm vi của quy định này.

4. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 12. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Hướng dẫn việc thực hiện thủ tục môi trường và các quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện việc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc các đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

3. Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 13. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Sở Giao thông vận tải

Hướng dẫn lắp đặt các tín hiệu và xác nhận an toàn giao thông đường thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi thủy sản (nuôi bè và nuôi đăng quầng) trên các tuyến sông, kênh được phân cấp quản lý.

Điều 15. Đề nghị Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 11

Hướng dẫn lắp đặt các tín hiệu và xác nhận an toàn giao thông đường thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi thủy sản (nuôi bè và nuôi đăng quầng) trên các tuyến sông được phân cấp quản lý.

Điều 16. Sở Tài chính

Thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí của các sở, ngành có liên quan đến công tác triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này.

Điều 17. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quy hoạch vùng, khu sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý.

2. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng hạ tầng đối với các hoạt động đầu tư nuôi thủy sản đăng quầng trên địa bàn quản lý.

3. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc cấp, đổi hoặc thu hồi giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và xem xét, thẩm định, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chứng nhận bản cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

5. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bệnh thủy sản theo quy định hiện hành.

6. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý.

7. Hướng dẫn lắp đặt các tín hiệu và xác nhận an toàn giao thông đường thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi thủy sản (nuôi bè và nuôi đăng quầng) trên các tuyến sông, kênh phân cấp cho cấp huyện quản lý.

Điều 18. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quy hoạch vùng, khu sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý.

2. Tổ chức triển khai nội dung của Quy định này đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý.

3. Tổ chức tiếp nhận và cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý.

4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bệnh thủy sản theo quy định hiện hành.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản nêu tại Quy định này sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Các cơ sở không đăng ký cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản; không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.