ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2016/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa IX, kỳ họp lần thứ 2 về Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 447/TTr-SNN&PTNT-KHTC ngày 31/10/2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tư pháp; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số: 27/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020, gồm các lĩnh vực:
a) Đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản;
b) Sản xuất nhân tạo, ương nuôi giống thủy sản;
c) Nuôi thủy sản thương phẩm;
d) Tiêu thụ sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Doanh nghiệp có trụ sở hoặc có chi nhánh hạch toán độc lập đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trực tiếp đầu tư vào sản xuất trên địa bàn tỉnh (gọi là nhà đầu tư);
b) Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc tổ chức thực hiện các nội dung trong Quy định này.
Điều 2. Giải thích một số từ ngữ
Những từ ngữ tại Quy định này được hiểu như sau:
1. Giống thủy sản mới: Là giống thủy sản lần đầu du nhập vào địa bàn Quảng Nam và nằm trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
2. VietGAP (Việt Nam Good Agriculture Practice): Là quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam.
3. Nuôi thủy sản nước mặn, lợ: Là nuôi các đối tượng thủy sản nồng độ muối từ 5 phần ngàn (%o) trở lên.
4. Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố được gọi chung là UBND cấp huyện; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn được gọi chung là UBND cấp xã.
1. Để được hỗ trợ, nhà đầu tư phải xây dựng dự án đầu tư theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Đối với các nội dung hỗ trợ nuôi thủy sản thương phẩm; sản xuất, ương nuôi giống thủy sản thì dự án phải nằm trong vùng quy hoạch ngành thủy sản được UBND tỉnh phê duyệt; trường hợp dự án thực hiện tại vùng chưa có quy hoạch cho ngành thủy sản thì chỉ xem xét các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và phải có văn bản chấp thuận cho phép đầu tư của UBND tỉnh.
3. Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành của pháp luật. Đối với các dự án có xây dựng công trình thì cần đảm bảo điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và nhà đầu tư cần có trách nhiệm với người dân tại vùng xây dựng dự án nếu dự án có tác động đến người dân.
4. Các dự án chỉnh trang, xây dựng mới cơ sở hạ tầng về nuôi tôm thương phẩm phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y; bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Các dự án sản xuất và kinh doanh giống thủy sản phải đáp ứng điều kiện sản xuất và kinh doanh giống thủy sản.
5. Tùy theo từng nội dung hỗ trợ, tại các điều của Quy định này có các điều kiện hỗ trợ bổ sung.
Điều 4. Nguồn kinh phí, nguyên tắc áp dụng hỗ trợ
1. Nguồn kinh phí hỗ trợ:
Kinh phí thực hiện cơ chế này từ nguồn ngân sách tỉnh.
Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2016-2020 là 20 tỷ đồng.
2. Nguyên tắc áp dụng hỗ trợ:
a) Nhà nước chỉ hỗ trợ một lần sau đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư theo dự án phê duyệt và được UBND tỉnh đồng ý cấp kinh phí hỗ trợ.
b) Các vùng, các đối tượng nếu đang được hưởng những chính sách khác không trùng với những chính sách tại Quy định này thì tiếp tục hưởng những chính sách đó; nếu trùng với những chính sách tại Quy định này nhưng có mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
c) Mỗi dự án chỉ được hưởng hỗ trợ từ các nội dung trong phạm vi một Điều (trong các Điều 5,6,7,8,9,10) của Quy định này.
Điều 5. Về đầu tư cơ sở hạ tầng
1. Quy mô dự án và mức hỗ trợ:
a) Quy mô dự án:
- Dự án xây dựng khu nuôi tôm lót bạt thâm canh: Diện tích tối thiểu 03 ha và sản lượng tối thiểu 30 tấn tôm/năm;
- Dự án xây dựng, chỉnh trang hạ tầng nuôi tôm vùng triều: Diện tích tối thiểu 05 ha và sản lượng tối thiểu 20 tấn tôm/năm;
b) Mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng:
- Đường giao thông: Được ưu tiên lồng ghép các dự án đường giao thông, nếu người sản xuất tự bỏ vốn đầu tư được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án.
- Đường điện: Được ưu tiên lồng ghép các dự án đường điện 3 pha vào khu sản xuất; trường hợp người sản xuất tự bỏ vốn đầu tư xây dựng được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí nhưng không quá 120 triệu đồng/dự án.
- Nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt: Được ưu tiên lồng ghép các dự án đầu tư; trường hợp người sản xuất tự bỏ vốn đầu tư xây dựng được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí nhưng không quá 30 triệu đồng/dự án.
- Hệ thống xử lý nước thải: Được ngân sách hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án.
- Đối với các dự án sản xuất tại Khu nuôi trồng thủy sản tập trung do Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất thì nhà đầu tư không được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mà chỉ hỗ trợ miễn phí hoàn toàn nguồn nước mặn cấp vào ao nuôi trong thời gian 03 năm đầu kể từ khi dự án đi vào hoạt động sản xuất (đối với các vùng có xây dựng hệ thống cấp nước mặn).
2. Điều kiện hỗ trợ:
Các dự án phải được UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ thì mới được triển khai và nhà đầu tư nhận kinh phí hỗ trợ khi công trình xây dựng hoàn thành. Nhà đầu tư phải xuất trình các chứng từ, hóa đơn, hợp đồng trong năm sản xuất. Năm sản xuất được tính từ ngày bắt đầu sản xuất đến khi tròn 12 tháng.
Điều 6. Hỗ trợ phát triển trang trại thủy sản
1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% kinh phí lập hồ sơ (đo đạc vẽ bản đồ, phí, lệ phí) để cấp giấy chứng nhận trang trại nhưng không quá 3 triệu đồng/trang trại.
2. Đối với các dự án sản xuất để nuôi trồng thủy sản hàng hóa đạt tiêu chí trang trại (hạn điền từ 2,1 ha trở lên, giá trị sản lượng sản phẩm 700 triệu đồng/năm) được ngân sách hỗ trợ kinh phí xây dựng chỉnh trang bờ vùng, bờ thửa, hệ thống xử lý nước cấp, thoát, ao xử lý nước thải với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 200 triệu đồng/trang trại.
3. Trang trại đã được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được hỗ trợ kinh phí phòng các loại dịch bệnh trong danh mục bệnh động vật thủy sản công bố dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có nguy cơ phát dịch cao, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại.
Điều 7. Sản xuất, ương nuôi giống thủy sản
1. Quy mô và mức hỗ trợ:
a) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nhân tạo giống tôm sú: Sản lượng tối thiểu 50 triệu con/năm; mức hỗ trợ 100 triệu đồng/dự án;
b) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nhân tạo giống tôm thẻ: Sản lượng tối thiểu 200 triệu con/năm; mức hỗ trợ 200 triệu đồng/dự án;
c) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nhân tạo giống các loại thủy sản nước mặn, lợ khác: Đạt doanh thu tối thiểu 01 tỷ đồng/năm; mức hỗ trợ 50 triệu đồng/dự án;
d) Dự án ương dưỡng giống cá, cua nuôi nước mặn, lợ: Sản lượng tối thiểu 100.000 con giống/năm (giống cua kích thước tối thiểu 1,2 cm; giống cá kích thước tối thiểu từ 5cm); Mức hỗ trợ 4 triệu đồng/10.000 con giống, tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án.
2. Điều kiện hỗ trợ:
a) Địa điểm xây dựng dự án sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại vùng Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, nếu ở vùng khác thì phải có sự chấp thuận cho phép của UBND tỉnh.
b) Nhà đầu tư sản xuất nhiều loại đối tượng giống thủy sản thì chỉ được hỗ trợ 01 loại giống.
c) Nhà đầu tư phải xuất trình các chứng từ, hóa đơn, hợp đồng, hồ sơ kiểm dịch (nếu là tôm giống) trong năm sản xuất. Năm sản xuất được tính từ ngày bắt đầu sản xuất đến khi tròn 12 tháng.
Điều 8. Nuôi thủy sản thương phẩm
1. Quy mô và mức hỗ trợ:
a) Du nhập giống mới vào nuôi trồng: Hộ gia đình, cá nhân nuôi giống thủy sản mới với diện tích tối thiểu 0,5 ha đối với ao hồ hoặc 500 m2 đối với bể hoặc 400 m3 đối với nuôi lồng, bè được hỗ trợ đến 50% tiền mua con giống nhưng tối đa là 30 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở.
b) Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá, có quy mô từ 06 lồng trở lên. Mỗi lồng có thể tích (phần ngập nước) tối thiểu 60m3, vật liệu làm lồng bằng khung kim loại, khung nhựa hoặc khung gỗ, có lớp lưới nilon xung quanh (lưới không gút), 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên (tối thiểu 08 phi/lồng) hoặc các phao khác phù hợp. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 150 triệu đồng.
Với quy cách lồng như trên, nếu lồng nuôi cá bằng lưới có gút chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 100 triệu đồng.
c) Hỗ trợ cho tổ hợp tác, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá có quy mô từ 20 lồng trở lên. Mỗi lồng có thể tích (phần ngập nước) tối thiểu 60m3, vật liệu làm lồng bằng khung kim loại, khung nhựa hoặc khung gỗ, có 1 lớp lưới nilon xung quanh, 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên (tối thiểu 08 phi/lồng) hoặc các phao khác phù hợp. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 300 triệu đồng.
2. Đối tượng hỗ trợ: Chỉ hỗ trợ cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân (không hỗ trợ cho Doanh nghiệp).
3. Điều kiện hỗ trợ:
Đối với các nội dung tại điểm b và c, khoản 1 Điều này thì năng suất đối với cá nuôi nước mặn, lợ tối thiểu là 0,5 tấn/lồng/năm; năng suất đối với cá nuôi nước ngọt tối thiểu là 1,5 tấn/lồng/năm.
Cơ sở nuôi lồng, bè phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện nuôi cá lồng, bè hiện hành.
Điều 9. Hỗ trợ xây dựng vùng nuôi tôm theo quy trình VietGAP hoặc vùng nuôi an toàn dịch bệnh
1. Quy mô dự án:
Diện tích tối thiểu 03ha/vùng/dự án đối với nuôi tôm lót bạt thâm canh hoặc tối thiểu 05ha/vùng/dự án đối với vùng triều.
2. Nội dung và mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ đến 100% chi phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xây dựng vùng nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
b) Hỗ trợ đến 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo để làm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú ý, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm; mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án.
c) Hỗ trợ kinh phí thuê Tổ chức thực hiện chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP; mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/dự án.
d) Hỗ trợ chi phí lẫy mẫu giám sát dịch bệnh và cấp giấy chứng nhận vùng nuôi an toàn dịch bệnh thủy sản; mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/dự án.
Điều 10. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi theo VietGAP
1. Hỗ trợ mua sắm phương tiện:
a) Quy mô và mức hỗ trợ:
Hỗ trợ không quá 30% chi phí mua sắm phương tiện (xe vận chuyển, ghe vận chuyển), thiết bị (bể chứa, máy sục, thùng chứa..) phục vụ bảo quản, thu mua, tiêu thụ sản phẩm là cá nuôi; mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.
b) Điều kiện hỗ trợ:
- Nhà đầu tư trực tiếp tiêu thụ hoặc có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm có chứng nhận VietGAP cho hộ gia đình, tổ chức nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh từ 02 năm trở lên, sản lượng tiêu thụ tối thiểu 100 tấn/năm;
- Nhà đầu tư phải mua các phương tiện, thiết bị trên; có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người nuôi cá, hợp đồng được xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ sau khi hợp đồng được thực hiện 01 năm.
2. Hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, kho dự trữ, bảo quản để thu mua sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP:
a) Quy mô và mức hỗ trợ:
Dự án có sản lượng thu mua hằng năm tối thiểu từ 100 tấn tôm thương phẩm hoặc 100 tấn cá (bao gồm cả cá nuôi nước mặn, lợ, ngọt); mức hỗ trợ 100 triệu đồng/dự án để xây dựng, mua các thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ sơ chế, dự trữ.
b) Điều kiện hỗ trợ:
- Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí sau khi nhà đầu tư xây dựng nhà sơ chế, dự trữ xong và đã thu mua đủ số lượng sản phẩm theo quy định.
- Các cơ sở thu mua, sơ chế này phải được cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Điều 11. Quy trình thực hiện hỗ trợ đầu tư, cấp phát vốn và quyết toán kinh phí
1. Để được hỗ trợ, nhà đầu tư phải xây dựng dự án đầu tư, được Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định, phê duyệt. Nhà đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ gửi theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin ghi trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư.
3. Sau khi nhà đầu tư nộp đủ hồ sơ theo quy định; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế nơi có dự án đăng ký đầu tư.
4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định có đại diện của: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có dự án triển khai. Trên cơ sở các nội dung quy định hỗ trợ của cơ chế này so với đề nghị hỗ trợ của nhà đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập báo cáo thẩm tra dự án, phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư.
5. Sau khi có Quyết định hỗ trợ đầu tư của UBND tỉnh, nhà đầu tư thực hiện dự án như đã đăng ký. Sau khi dự án hoàn thành, tùy theo điều kiện đăng ký hỗ trợ tại Quy định này, nhà đầu tư thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị nghiệm thu của nhà đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thành lập đoàn kiểm tra, nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu dự án hoàn thành có chữ ký của các đại diện tham gia nghiệm thu làm cơ sở trình UBND tỉnh Quyết định kinh phí hỗ trợ.
Điều 12. Lập dự toán, phương thức hỗ trợ, thanh quyết toán
1. Lập dự toán:
Hằng năm, vào thời điểm lập dự toán thu, chi ngân sách. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ gửi đến Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư để cân đối nguồn, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của địa phương báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
2. Phương thức hỗ trợ:
Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc đối tượng được hưởng các khoản hỗ trợ của ngân sách Nhà nước theo quy định tại Quyết định này, được UBND tỉnh quyết định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và dự án được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiệm thu hoàn thành, gửi hồ sơ trực tiếp (hoặc qua đường bưu điện) đến Sở Tài chính. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo dấu công văn đến), Sở Tài chính thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ, cấp kinh phí cho nhà đầu tư.
Sau khi có quyết định hỗ trợ, cấp kinh phí của UBND tỉnh, Sở Tài chính ra lệnh chi tiền gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi trả tiền hỗ trợ cho Nhà đầu tư.
3. Thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ:
Đối tượng, đơn vị, cấp nào tiếp nhận kinh phí thì đối tượng, đơn vị, cấp đó có trách nhiệm thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Nguồn vốn tiếp nhận từ nguồn vốn nào thì thanh quyết toán theo nguồn vốn đó.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Các Sở, ban ngành của tỉnh:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, triển khai Quyết định này đến các địa phương và nhà đầu tư.
- Là cơ quan thường trực, hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án, tiếp nhận và hướng dẫn các thủ tục, kiểm tra các dự án đầu tư, giám sát thực hiện chính sách này. Tổng hợp đề xuất hỗ trợ của nhà đầu tư.
- Thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm tra dự án, nghiệm thu hoàn thành và phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh Quyết định hỗ trợ và Quyết định cấp vốn hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định; tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh.
b) Sở Tài chính
- Thực hiện cấp phát, thông báo kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định; hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán.
- Sở Tài chính chủ trì tham mưu bố trí các nguồn vốn hỗ trợ có tính chất sự nghiệp;
- Phối hợp với các Sở, ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách này.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Căn cứ vào đề nghị của các địa phương và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ theo kế hoạch và các chương trình, dự án.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng.
- Phối hợp với các Sở, ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách này.
d) Kho bạc Nhà nước tỉnh
Kiểm soát chi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhận tiền hỗ trợ.
e) Các Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện cơ chế đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.
2. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể:
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ, nắm được chủ trương, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện cơ chế này trên địa bàn tỉnh.
3. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã:
- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cơ chế hỗ trợ này tại địa phương mình.
- Tham gia vào Hội đồng thẩm định và phối hợp thực hiện kiểm tra các điều kiện hưởng hỗ trợ trên địa bàn.
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách theo Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
2. UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân về kinh phí hỗ trợ theo Quy định này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở, ngành, địa phương báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
- 1 Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Quyết định 59/2018/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 54/2012/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An
- 3 Quyết định 1382/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất khu nuôi trồng thủy sản tập trung tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020"
- 4 Quyết định 102/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 5 Nghị quyết 19/2016/NQ-HĐND Quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 6 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8 Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020
- 9 Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 10 Quyết định 355/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Bình Định ban hành
- 1 Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Quyết định 59/2018/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 54/2012/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An
- 3 Quyết định 1382/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất khu nuôi trồng thủy sản tập trung tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020"
- 4 Quyết định 102/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 5 Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020
- 6 Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 7 Quyết định 355/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Bình Định ban hành