Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2021/QĐ-UBND

Long An, ngày 05 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3004/TTr-SXD ngày 30/7/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2021.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm soát TTHC- VPCP;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Phòng KTTC;
- Lưu: VT, SXD, Duy.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Út

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 05/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị theo thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Long An.

2. Các nội dung khác liên quan đến quản lý cây xanh đô thị không nêu tại quy định này thực hiện theo quy định của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện); sở, ban, ngành tỉnh; UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã), chủ đầu tư xây dựng công trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý cây xanh đô thị.

Điều 3. Phân cấp quản lý cây xanh đô thị

UBND cấp huyện quản lý hệ thống cây xanh đô thị thuộc địa bàn hành chính quản lý:

1. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, cây xanh trong công viên thuộc phạm vi quản lý.

2. Thực hiện cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị thuộc địa bàn hành chính quản lý.

3. Ban hành danh mục cây bảo tồn, cây trồng hạn chế, cây nguy hiểm và cây cấm trồng trên địa bàn được giao quản lý theo phân cấp.

4. Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.

Điều 4. Quy định cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.

Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.

Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

1. Sở Xây dựng

a) Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

c) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, giới thiệu các quy trình kỹ thuật chuyên ngành và các văn bản cụ thể về quản lý cây xanh đô thị.

d) Chủ trì cùng các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan tổ chức lập đề án phát triển hệ thống cây xanh trong công viên, cây xanh trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với thời hạn quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.

đ) Có ý kiến chuyên ngành về góp ý và thẩm định các dự án đầu tư có liên quan đến cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp.

e) Tổng hợp cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, UBND cấp huyện, cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh lồng ghép kế hoạch, vốn đầu tư công (nếu có) để đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị vào các hạng mục của các dự án đầu tư công trình công cộng.

3. Sở Tài chính

a) Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối kinh phí hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh để phục vụ công tác duy trì cây xanh đô thị.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh quyết định việc quản lý, sử dụng nguồn thu tài sản từ việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị có nguồn lợi thu được.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tham gia ý kiến cho các cơ quan có chức năng trong việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp mục đích trồng, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nhằm tạo sự đa dạng trong phát triển cây xanh đô thị.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Trong quá trình thi công, xử lý kỹ thuật công trình thông tin truyền thông, ngành Thông tin truyền thông có trách nhiệm thông báo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức được phân cấp quản lý và đơn vị đang thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và sự an toàn về cây xanh.

6. Các sở, ban, ngành khác: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị và quy định về quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm tham gia thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

1. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, cây xanh trong công viên trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền.

2. Theo thẩm quyền được giao là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư quyết định việc lựa chọn đơn vị thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các sản phẩm, dịch vụ công ích như “Dịch vụ quản lý cây xanh trong công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, giải phân cách, vòng xoay” theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định pháp luật có liên quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức nghiệm thu theo quy định.

3. Tổ chức cấp giấy phép chặt hạ, di chuyển cây xanh đô thị; chỉ đạo UBND cấp xã, phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phối hợp cùng đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị, kiểm tra trong quá trình thực hiện chặt hạ, cắt sửa, dịch chuyển cây.

4. Thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị theo phạm vi quản lý.

5. Tổ chức lập hồ sơ quản lý cây xanh đô thị: Thống kê phân loại cây, đánh số cây; lập hồ sơ quản lý đối với cây bảo tồn, cây trồng hạn chế, cây nguy hiểm và cây cấm trồng.

6. Định kỳ tổng hợp tình hình quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý, gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

7. Ban hành các quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp trên địa bàn được giao quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

Điều 7. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra thực hiện quy định này. Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc phát sinh cần sửa đổi, thay thế, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh, kiến nghị về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.