- 1 Nghị định 35-CP năm 1981 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trưởng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 178-HĐBT năm 1984 sửa đổi mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước và hợp tác xã tín dụng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27-NH/QĐ | Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 27-NH/QĐ NGÀY 5 THÁNG 3 NĂM 1985 BAN HÀNH THỂ LỆ GỬI TIỀN TIẾT KIỆM KHÔNG KỲ HẠN CÓ LÃI; THỂ LỆ GỬI TIỀN TIẾT KIỆM ĐỊNH MỨC CÓ LÃI VÀ DỰ THƯỞNG
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính Phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ vào Nghị định 178-HĐBT ngày 25-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi một số mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước và hợp tác xã tín dụng;
Nhằm đáp ứng nguyện vọng của người gửi tiền tiết kiệm và theo đề nghị của đồng chí Giám đốc quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành Thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi; Thể lệ gửi tiền tiết kiệm định mức có lãi và dự thưởng loại 200 đồng, 500 đồng và 1000 đồng.
Điều 2.- Thể lệ này thi hành trong cả nước kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1985.
Điều 3.- Giám đốc quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và giải thích cụ thể các quy định trong Thể lệ này và tổ chức phục vụ nhân dân gửi, lĩnh tiền thuận lợi, nhanh chóng.
Điều 4.- Các đồng chí Chánh văn phòng, Giám đốc quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa Trung ương, Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 5.- Chỉ có Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước mới có quyền thay đổi quy định trong Thể lệ này.
| Nguyễn Duy Gia (Đã ký) |
THỂ LỆ
GỬI TIỀN TIẾT KIỆM KHÔNG KỲ HẠN CÓ LÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27-NH/QĐ ngày 5-3-1985 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước).
Điều 1.- Thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi nhằm động viên mọi người để dành tiền gửi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng thêm nguồn vốn cho Nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.
Điều 2.- Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn có lãi thuộc quyền sở hữu của người có tiền gửi, được pháp luật Nhà nước bảo hộ.
Điều 3.- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn có lãi là 24%/năm (2% một tháng); lãi tính theo ngày và cuối năm được nhập lãi vào vốn; người gửi tiền có thể lấy lãi hàng tháng, tuỳ theo yêu cầu.
Điều 4.- Người có tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn có lãi được hưởng các quyền lợi sau đây:
- Được hưởng lãi xuất tiền gửi;
- Được uỷ quyền cho người khác gửi hoặc lĩnh tiền.
- Được miễn tiền lệ phí chuyển tiền gửi tiết kiệm khi thay đổi chỗ ở;
- Được bảo đảm bí mật số dư tiền gửi tiết kiệm.
Điều 5.- Khi gửi tiền lần đầu vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, người gửi được cấp một sổ tiết kiệm, nếu mất sổ tiết kiệm, người có tiền gửi phải báo ngay cho quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa nơi gửi biết để kịp thời ngăn ngừa kẻ gian lợi dụng.
Điều 6.- Những sổ tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng còn số dư đến ngày 1 tháng 1 năm 1985 chuyển sang sổ tiết kiệm không kỳ hạn có lãi không phải đổi sổ và được hưởng các quyền lợi theo thể lệ này.
THỂ LỆ
GỬI TIỀN TIẾT KIỆM ĐỊNH MỨC CÓ LÃI VÀ DỰ THƯỞNG
(Ban hành theo Quyết định số 27-NH/QĐ ngày 5-3-1985 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước).
Điều 1.- Thể lệ gửi tiền tiết kiệm định mức có lãi và dự thưởng nhằm động viên mọi người để dành tiền gửi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng thêm nguồn vốn cho Nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.
Điều 2.- Tiền gửi tiết kiệm thuộc quyền sở hữu của người có tiền gửi, được pháp luật Nhà nước bảo hộ.
Điều 3.- Tiền gửi tiết kiệm định mức có lãi và dự thưởng được thực hiện bằng phiếu định mức, gồm 3 loại định mức 200 đồng, 500 đồng và 1000 đồng do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Phiếu tiết kiệm định mức có thể ghi tên hoặc không ghi tên, do người gửi tiền tiết kiệm quyết định.
Điều 4.- Trường hợp người gửi có ghi tên trên phiếu tiết kiệm và đăng ký chữ ký tại quỹ tiết kiệm, khi mất phiếu tiết kiệm phải báo ngay cho quỹ tiết kiệm nơi gửi biết; nếu phiếu đó chưa rút hết tiền thì được cấp phiếu khác và ghi rõ phiếu cấp lần thứ hai. Nếu người gửi tiết kiệm định mức không ghi tên, quỹ tiết kiệm không nhận báo mất.
Điều 5.- Lãi suất 24%/năm, trong đó 12% trả lãi và 12% làm giải thưởng. Tiền lãi tính theo thời gian thực tế gửi tiền và thanh toán một lần khi tất toán phiếu tiết kiệm.
Điều 6.- Tiền thưởng trả cho người gửi tiết kiệm được thực hiện bằng xổ số; mỗi tháng xổ số một lần. Những phiếu tiết kiệm gửi đủ 30 ngày hoặc 31 ngày trong tháng và còn số dư đến hết ngày 30 hoặc 31 hàng tháng mới được dự xổ số và tính thưởng.
- Loại định mức 200 đồng:
Mỗi Xêri 10 000 phiếu, có 115 giải thưởng, gồm:
1 giải nhất, thưởng 6 000 đồng
2 giải khuyến khích, mỗi giải thưởng 200 đồng
2 giải nhì, mỗi giải thưởng 800 đồng
10 giải ba, mỗi giải thưởng 200 đồng
100 giải tư, mỗi giải thưởng 60 đồng.
- Loại định mức 500 đồng:
Mỗi Xêri 10 000 phiếu, có 115 giải thưởng, gồm:
1 giải nhất, thưởng 15 000 đồng
2 giải khuyến khích, mỗi giải thưởng 500 đồng
2 giải nhì, mỗi giải thưởng 2 000 đồng
10 giải ba, mỗi giải thưởng 500 đồng
100 giải tư, mỗi giải thưởng 150 đồng.
- Loại định mức 1000 đồng:
Mỗi Xêri 10 000 phiếu, có 115 giải thưởng, gồm:
1 giải nhất, thưởng 30 000 đồng
2 giải khuyến khích, mỗi giải thưởng 1 000 đồng
2 giải nhì, mỗi giải thưởng 4 000 đồng
10 giải ba, mỗi giải thưởng 1 000 đồng
100 giải tư, mỗi giải thưởng 300 đồng.
Điều 7.- Phiếu tiết kiệm định mức trúng thưởng nhiều lần, vẫn được rút nguyên số vốn ghi trên phiếu.
- 1 Nghị định 178-HĐBT năm 1984 sửa đổi mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước và hợp tác xã tín dụng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2 Nghị định 35-CP năm 1981 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trưởng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 542-QĐ năm 1965 ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm theo phiếu định mức có lãi do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 4 Quyết định 115-QĐ năm 1965 về việc ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm “Gửi gọn lấy gọn, có thời hạn, có lãi” do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành