Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2700/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC RÀ SOÁT CUỐI KỲ BIỆN PHÁP TỰ VỆ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM PHÂN BÓN DAP, MAP NHẬP KHẨU

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 686/QĐ-BCT ngày 02 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào Việt Nam;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP dưới các mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00 nhập khẩu vào Việt Nam (mã số vụ việc ER01.SG06) với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo gửi kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự thủ tục tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 4. Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Thủ trưởng các đơn vị và các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Ngoại giao;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cục: XNK, HC;
- Vụ: ĐB, PC;
- Lưu: VT, PVTM (04).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 

THÔNG BÁO

RÀ SOÁT CUỐI KỲ BIỆN PHÁP TỰ VỆ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM PHÂN BÓN DAP, MAP NHẬP KHẨU
(Kèm theo Quyết định số 2700/QĐ-BCT ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Thông tin cơ bản

Ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam (mã vụ việc SG06). Mức thuế hiện tại với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu là 1.072.104 đồng/tấn. Biện pháp dự kiến sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 3 năm 2020 (nếu không gia hạn).

Ngày 31 tháng 5 năm 2019, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) có công văn số 415/PVTM-P2 và đăng thông tin công khai tại trang web của Cục, Bộ về việc tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp.

Ngày 01 tháng 7 năm 2019, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem và Công ty Cổ phần DAP số 2- Vinachem đã có Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp.

Ngày 10 tháng 7 năm 2019, Cục PVTM ban hành công văn số 561/PVTM- P2 gửi Bên yêu cầu về việc đề nghị bổ sung hồ sơ.

Ngày 02 tháng 8 năm 2019, Cục PVTM nhận được hồ sơ bổ sung của Bên yêu cầu.

Ngày 13 tháng 8 năm 2019, Cục PVTM ban hành công văn số 687/PVTM- P2 về việc xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

2. Thông tin về Bên yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ

Bên yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu là 02 (hai) nhà sản xuất phân bón DAP và MAP của Việt Nam, cụ thể như sau:

a) Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM

Địa chỉ: Lô GI-7 khu Kinh tế Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng.

b) Công ty Cổ phần DAP số 2 - VINACHEM

Địa chỉ: KCN Tằng Loỏng - Xã Xuân Giao - Huyện Bảo Thắng - Tỉnh Lào Cai.

3. Hàng hóa thuộc đối tượng rà soát cuối kỳ

Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng rà soát cuối kỳ bao gồm các sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào Việt Nam có các mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

4. Quy trình và thủ tục rà soát

Trên cơ sở quyết định rà soát, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các thủ tục rà soát như sau:

4.1. Tiếp nhận đơn đăng ký bên liên quan

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư 06), các bên có quyền lợi liên quan trong vụ việc có thể đăng ký với Cơ quan điều tra với tư cách là bên liên quan để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra.

Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định 10).

Đơn đăng ký làm bên liên quan theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quyết định này phải được gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ tại Mục 5 trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định rà soát.

Cơ quan điều tra khuyến nghị tất cả các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên đăng ký để có thể bình luận, tiếp cận các thông tin, hồ sơ vụ việc nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

4.2. Bản câu hỏi rà soát

Nhằm thu thập các thông tin cần thiết cho quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát đến các Bên liên quan trong vòng mười lăm (15) ngày kể từ ngày ban hành Quyết định rà soát.

Thủ tục về việc gửi và nhận bản câu hỏi rà soát được thực hiện theo quy định tại Điều 57 Nghị định 10.

4.3. Điều tra tại chỗ

Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, điều tra tại chỗ các bên liên quan để phục vụ cho quá trình rà soát. Thủ tục điều tra tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 10.

4.4. Bảo mật thông tin

Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm bảo mật đối với các thông tin do các Bên liên quan cung cấp theo quy định tại Điều 11 Nghị định 10.

4.5. Hợp tác trong quá trình rà soát

Trong trường hợp bất kỳ bên liên quan từ chối cung cấp các thông tin cần thiết trong thời hạn quy định hoặc cung cấp thông tin không xác thực hoặc có hành vi cản trở quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sử dụng các thông tin sẵn có theo quy định tại Điều 10 Nghị định 10.

4.6. Tham vấn

Việc tham vấn với các bên liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 10.

4.7. Thời hạn tiến hành rà soát

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 06 tháng kể từ ngày có Quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 06 tháng.

5. Thông tin liên hệ

Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (+84 24) 7303.7898, máy lẻ 125; Fax: (+84 24) 7303.7898

Email: hoact@moit.gov.vn: giangphg@moit.gov.vn

 

PHỤ LỤC

ĐƠN ĐĂNG KÝ BÊN LIÊN QUAN VỤ VIỆC RÀ SOÁT CUỐI KỲ BIỆN PHÁP TỰ VỆ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM PHÂN BÓN DAP, MAP
(Kèm theo Quyết định số 2700/QĐ-BCT ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Hà Nội, ngày   tháng   năm 2019

 

ĐƠN ĐĂNG KÝ BÊN LIÊN QUAN

VỤ VIỆC RÀ SOÁT CUỐI KỲ BIỆN PHÁP TỰ VỆ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM PHÂN BÓN DAP, MAP NHẬP KHẨU (MÃ VỤ VIỆC ER01.SG06)

Kính gửi: Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Tên tôi là:…………………………………………………………………………………………………..

Chức danh: ………………………………………………………………………………………………..

Công ty, đơn vị: ……………………………………………………………………………………………

Đối tượng1: ……………………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………

Điện thoại: …………………………………………………………………………………………………

Fax: …………………………………………………………………………………………………………

Email: ………………………………………………………………………………………………………

đăng ký tham gia là bên liên quan của vụ việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP nêu trên (mã số vụ việc: ER01.SG06), đề nghị Cơ quan điều tra xem xét chấp thuận tư cách bên liên quan của tôi.

Tôi không có đại diện pháp lý

hoặc

Tôi có đại diện pháp lý2 là: ………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………..

 

 

Người nộp đơn
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

______________________

1 Đề nghị nêu rõ theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương (ví dụ, Bên yêu cầu, bên bị yêu cầu, nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu nước ngoài....)

2 Trong trường hợp đăng ký có Công ty Luật tư vấn