ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2706/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 11 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2019 - 2023
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định 2054/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Công văn số 2414/BVHTTDL-DSVH ngày 6 tháng 6 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023, với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu Đề án:
a) Mục tiêu chung: Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi- di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu, hoàn thiện và số hóa CSDL về di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Ban hành một số cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, đặc biệt đưa di sản Bài Chòi vào giới thiệu tại trường học;
- Duy trì hoạt động các Câu lạc bộ Bài Chòi hiện đang sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố Huế. Xem xét thành lập mới các Câu lạc bộ Bài Chòi tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước, gắn với sinh hoạt của các Câu lạc bộ Bài Chòi với du lịch.
- Tổ chức trình diễn nghệ thuật Bài Chòi vào các chương trình Festival Huế, Festival làng truyền thống Huế và ngày lễ tết để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước
- Hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các diễn viên, nghệ nhân về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Tiến hành biên soạn, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi.
2. Một số nhiệm vụ và giải pháp:
a) Nghiên cứu, hoàn thiện và số hóa CSDL về di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Điều tra, thống kê các nghệ nhân, câu lạc bộ đang thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi; các công trình nghiên cứu, các dụng cụ trình diễn Bài Chòi, các lời hò Bài Chòi;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi như: Hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy..
- Sưu tầm và nghiên cứu về nghệ thuật Bài Chòi nhằm hệ thống, biên soạn thành những tài liệu chính thống để bảo tồn, lưu truyền và làm cho loại hình này tiếp tục phát triển; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Bài Chòi.
b) Tổ chức truyền dạy, đào tạo cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi
- Vận động và tạo điều kiện để các câu lạc bộ, nghệ nhân Bài Chòi mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Bài Chòi;
- Tạo điều kiện để các Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã và thành phố Huế mở các lóp truyền dạy thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi tại địa phương;
- Đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi vào giới thiệu tại trường học (từ tiểu học đến trường THPT).
c) Nghiên cứu ban hành chính sách tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi
- Xây dựng, vận dụng thích hợp các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ về vật chất, điều kiện hoạt động góp phần động viên tinh thần của các nghệ nhân;
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự của Nhà nước cho các nghệ nhân Ca Bài Chòi có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Định kỳ hàng năm xem xét khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật Bài Chòi trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương;
- Nâng cấp cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt, thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.
d) Tổ chức khai thác di sản Bài Chòi phục vụ phát triển du lịch
- Duy trì và phát triển hoạt động của các câu lạc bộ Bài Chòi hiện đang sinh hoạt ở các huyện, thị xã và thành phố Huế để tạo ra sản phẩm du lịch Bài Chòi độc đáo;
- Tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng, các tầng lớp nhân dân hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí Nhà nước đảm bảo duy trì và phát triển cho hoạt động trình diễn nghệ thuật Bài Chòi tại các địa phương, các câu lạc bộ thông qua các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, những người yêu thích bộ môn nghệ thuật Bài Chòi;
- Xây dựng nghệ thuật Bài Chòi trở thành một sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.
e) Tuyên truyền, quảng bá di sản nghệ thuật Bài Chòi
- Nâng cao nhận thức tinh thần trách nhiệm của các cấp ngành, đoàn thể, năng lực của cán bộ làm công tác văn hóa, cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phát hành tập sách, đĩa tuyên truyền di sản nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi trong các tầng lớp nhân dân, trong lực lượng đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể.
3. Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí dự kiến thực hiện Đề án: 1,370,000,000 đồng (Một tỷ ba trăm bảy mươi triệu đồng).
- Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi không chỉ ngân sách Nhà nước mà cả xã hội hóa.
a) Ngân sách nhà nước;
b) Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp.
4. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Văn hóa và Thể thao:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban; ngành, đoàn thể và các địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện đề án và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh;
- Tổ chức công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Xây dựng nội dung tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng cư dân về bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.
- Căn cứ nội dung Đề án được duyệt, hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập dự toán cụ thể, báo cáo UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án.
- Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trình Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) theo quy định.
b) Sở Du lịch: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi trở thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
c) Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi vào giới thiệu từ trường Tiểu học đến trường THPT theo hình thức ngoại khóa.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo tồn di sản nghệ thuật Bài Chòi, xây dựng các chương trình, chuyên mục về giới thiệu và truyền dạy di sản nghệ thuật Bài Chòi để đăng tải trên sóng truyền hình, mạng xã hội...
e) Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Đề án trong khả năng ngân sách địa phương.
g) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh huy động nguồn vốn để thực hiện Đề án.
h) Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh đưa đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi vào danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm.
i) Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế:
- Tổ chức tuyên truyền, phát động đến toàn thể cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh thiếu niên về ý nghĩa, giá trị độc đáo của di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh huy động lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên tích cực tham gia cổ vũ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn trong khối Nghệ thuật tích cực tham gia tập luyện nghệ thuật Bài Chòi;
k) Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai các nội dung sáng tác, phổ biến nghệ thuật Bài Chòi, phối hợp công tác tổ chức, chuyên môn, vận động nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia các trại sáng tác lời mới cho Bài Chòi.
l) UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:
- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ Bài Chòi hoạt động và triển khai các nội dung liên quan đến đề án.
- Chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt nghệ thuật Bài Chòi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuật Bài Chòi ở địa phương;
- Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi; huy động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân tích cực tìm hiểu di sản nghệ thuật Bài Chòi;
- Biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi tại địa phương;
- Hàng năm, xem xét, cân đối các nguồn kinh phí để bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Sở Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 2 Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”
- 3 Quyết định 1867/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017-2022 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5 Quyết định 2054/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 7 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 8 Luật di sản văn hóa 2001
- 1 Quyết định 1867/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017-2022 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”
- 3 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 4 Kế hoạch 250/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025 do Thành phố Hà Nội ban hành