Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HOÀ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2716/QĐ-UB

Nha trang, ngày 09 tháng 08 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THẨM ĐỊNH CẤP, ĐIỀU CHỈNH, THU HỒI GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HOÀ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12-11-1996;
- Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 18-02-1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ Nghị định 36/CP ngày 24-04-1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao;
- Căn cứ Quyết định số 360/BKH-KCN ngày 09-07-1999 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc ủy quyền cho Ban quản lý các Khu Công nghiệp Khánh Hòa trong việc hình thành dự án; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án; cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đầu tư và quản lý hoạt động các dự án đầu tư nước ngoài trong các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất;
- Xét đề nghị của Ban quản lý các Khu Công nghiệp tại Tờ trình số 44/KNC ngày 06-08-1999.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành Quy chế phối hợp thẩm định cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban quản lý các Khu Công nghiệp Khánh Hòa,Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nha Trang chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HOÀ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Nở

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THẨM ĐỊNH CẤP, ĐIỀU CHỈNH, THU HỒI GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2716/QĐ-UB ngày 09 tháng 08 năm 1999 của ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Điều 1: Nguyên tắc chung:

Việc thẩm định dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Ban quản lý dự án các khu Công nghiệp Khánh Hòa tổ chức thực hiện với sự phối hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng theo quy định tại Quyết định số 360/BKH-KCN ngày 09-07-1999 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư về ủy quyền cho Ban quản lý các Khu Công nghiệp Khánh Hòa trong việc hình thành dự án; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án; cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép fđầu tư và quản lý hoạt động các dự án đầu tư nước ngoài trong các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất.

Điều 2: Tiếp nhận và gửi hồ sơ:

2.1. Ban quản lý các Khu Công nghiệp Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) là cơ quan hướng dẫn nhà đầu tư những vấn đề liên quan đến hồ sơ dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp và tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư, kể cả hồ sơ điều chỉnh, thu hồi giấy phép đầu tư.

2.2. Đối với dự án thuộc thẩm quyền Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép: Ban quản lý lưu giữ một bộ, gửi cho Sở Kế hoạch - Đầu tư một bộ, số bộ hồ sơ còn lại (kể cả hồ sơ gốc) chuyển tới Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kèm theo ý kiến về hồ sơ dự án.

2.3. Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Ban quản lý cấp giấy phép đầu tư:

- Ban quản lý gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Sở Thương mại, Sở chuyên ngành kinh tế kỹ thuật,... để lấy ý kiến về dự án.

- Đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực cần xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Ban quản lý gửi hồ sơ hoặc tóm tắt dự án đến các cơ quan đó theo quy định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

2.4. Đối với các dự án cần phải xin chủ trương đầu tư, trước khi chủ đầu tư nộp hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư, Ban quản lý làm việc với Sở Kế hoạch và đầu tư thống nhất ý kiến trình ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; trong trường hợp cần thiết, Ban quản lý có thể lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.

2.5. Trong vòng 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Ban quản lý có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các cơ quan nêu tại điểm 2.2 quy chế này (tùy từng loại dự án).

2.6. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đối với các dự án nêu tại điểm 2.4, Ban quản lý có trách nhiệm thông báo chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư (sau khi đã có ý kiến của ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành liên quan).

Điều 3: Nội dung góp ý kiến:

3.1. các cơ quan được hỏi ý kiến, khẩn trương nghiên cứu góp ý kiến theo chuyên ngành của mình, cụ thể

- Sở Kế hoạch - Đầu tư: Đánh giá tổng hợp các mặt của dự án (thẩm định tư cách pháp lý, năng lực tài chính của các nhà đầu tư, các lợi ích kinh tế xã hội, thời gian hoạt động của dự án,...) mức độ phù hợp của dự án đối với quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh.

- Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường: Xem xét tác động môi trường của dự án; biện pháp xử lý chất thải; vấn đề sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên; các vấn đề công nghệ, nhãn hiệu thương mại (nếu có),...

- Sở Tài chính - Vật giá: Xem xét phương án tài chính của dự án, kiến nghị các mức thuế áp dụng, và việc áp dụng chế độ kế toán, thống kê, bảo hiểm.

- Sở Xây dựng: Xem xét phương án kiến trúc, quy hoạch, hệ số sử dụng và các vấn đề liên quan đến xây dựng.

- Sở Lao động - Thương binh - Xã hội: Thẩm định khả năng tạo việc làm, cung ứng và đào tạo tay nghề cho lao động tại chỗ, các quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.

- Sở Thương mại: Xem xét tỷ lệ xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm bán tại trong nước theo quy định cho từng thời kỳ.

-Sở Chuyên ngành kinh tế kỹ thuật: Đánh giá tác động của dự án đến thị trường nội địa, tình trạng máy móc thiết bị, mức độ phù hợp quy hoạch phát triển ngành, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của dự án, khả năng tạo năng lực sản xuất mới, sản phẩm mới.

3.2. Ngoài nội dung góp ý kiến nêu tại điểm 3.1 của Quy chế này, các cơ quan xem xét góp ý về nội dung hợp đồng liên doanh, điều lệ doanh nghiệp và các vấn đề khác của hồ sơ dự án có liên quan đến ngành mình.

3.3. Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Ban quản lý gửi đến, các cơ quan địa phương nghiên cứu góp ý kiến kiến bằng văn bản gửi về Ban quản lý. Quá thời hạn nêu trên nếu ngành nào không có ý kiến thì được hiểu là đồng ý với hồ sơ dự án.

Điều 4: Tổng hợp ý kiến:

4.1. Các cơ quan được hỏi ý kiến trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định. Trường hợp cần thiết, Ban quản lý sẽ trao đổi ý kiến với các cơ quan hoặc mời chuyên gia tư vấn để góp ý kiến về dự án.

4.2. Trường hợp có ý kiến khác nhau về những vấn đề quan trọng của dự án, Ban quản lý tổng hợp trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định theo thẩm quyền.

4.3. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, Ban quản lý hoàn thành việc thẩm định dự án và cấp giấy phép đầu tư. Thời gian này không bao gồm thời gian nhà đầu tư điều chỉnh sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án theo yêu cầu của Ban quản lý.

Mọi yêu cầu của Ban quản lý đối với nhà đầu tư về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư, giấy phép điều chỉnh, được thực hiện trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án.

Điều 5: Điều chỉnh, thu hồi giấy phép đầu tư:

5.1. Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép:

Ban quản lý nhận và chuyển hồ sơ thực hiện như điểm 2.2 quy chế này.

5.2. Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Ban quản lý:

- Dự án điều chỉnh giấy phép đầu tư có vốn đầu tư đến 5 triệu USD (nếu doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư đến 40 triệu USD), Ban quản lý gửi hồ sơ và trao dổi với Sở Kế hoạch - Đầu tư để quyết định việc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

- Dự án điều chỉnh, bổ sung vượt quá mức vốn nêu trên, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ban quản lý sẽ gửi xin ý kiến các cơ quan Trung ương và địa phương nêu tại điểm 2.3 quy chế. Trên cơ sở góp ý của các ngành và ý kiến chấp thuận của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ban quản lý quyết định việc điều chỉnh giấy phép đầu tư theo quy định. Sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu việc diều chỉnh, bổ sung giấy phép đầu tư chưa được giải quyết, Ban quản lý phải thông báo cho nhà đầu tư biết lý do (kể cả các cơ quan liên quan).

5.3. Ban quản lý quyết định giải thể doanh nghiệp và thu hồi các giấy phép đầu tư theo quy định hiện hành.

Điều 6: Giấy phép đầu tư:

6.1. Giấy phép đầu tư được cấp theo mẫu thống nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

6.2. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày cấp giấy phép đầu tư kể cả giấy phép đầu tư điều chỉnh, Ban quản lý gửi bản chính giấy phép đầu tư đã cấp đến Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, gửi bản sao đến Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ quản lý ngành, Ban quản lý các Khu Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan Nhà nước liên quan, đồng thời gửi bản sao đến Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xay dựng, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường, Sở Địa chính, Sở Lao động- Thương binh - xã hội, Công an tỉnh và Sở chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.

Điều 7: Các vấn đề khác:

7.1. Các vấn đề khác không đề cập trong quy chế, Ban quản lý và các cơ quan hữu quan căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành và chức năng nhiệm vụ của đơn vị để thực hiện.

7.2. Ban quản lý có trách nhiệm ban hành quy định về quy trình, thủ tục và quản lý đầu tư tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

7.3.Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh cần điều chỉnh bổ sung, sửa đổi quy chế, Ban quản lý phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.