Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2723/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “GẮN KẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020";

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” thuộc Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (Kèm theo nội dung Dự án).

Điều 2. Giao Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa Dân tộc, Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố có liên quan triển khai thực hiện Dự án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Thủ thưởng các đơn vị và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo):
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: KH&ĐT, Tài chính,
UBDT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT phối hợp);
- Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành có liên quan;
- Sở VHTTDL, Sở VH&TT, Sở Du lịch các tỉnh/thành có liên quan;
- Lưu: VT, VHCS, TH.150.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

 

DỰ ÁN

GẮN KẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
(Ban hành theo Quyết định số 2723/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

A. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN

I. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 - 2020, chia làm 02 giai đoạn:

+ Giai đoạn 01: Từ năm 2016-2018

+ Giai đoạn 02: Từ năm 2019-2020

2. Đối tượng và địa bàn thực hiện Dự án

- Đối tượng: 53 dân tộc thiểu số. Trong đó ưu tiên các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, dưới 5.000 người.

- Địa bàn thực hiện: Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó ưu tiên các địa phương là địa bàn của các dân tộc thiểu số rất ít người; các dân tộc đại diện cho các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ (Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Sóc Trăng).

II. QUAN ĐIỂM

- Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chiến lược mang tính lâu dài và là trách nhiệm của toàn xã hội, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, trung ương và địa phương, giữa người dân với các đoàn thể, tổ chức xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, tác động tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, phù hợp để bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

- Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.

III. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

(1) Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững để cụ thể hóa nhiệm vụ gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

(2) Phát huy vai trò chủ thể về văn hóa của đồng bào, đặc biệt trong việc thực hiện chương trình, dự án về bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

(3) Gắn kết chặt chẽ các chương trình phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

(4) Mỗi tỉnh xây dựng được ít nhất từ 5 - 10 thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

(5) Tăng cường, hỗ trợ đầu tư từ Nhà nước, nguồn kinh phí xã hội hóa các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 1 (2017 - 2018):

- Nghiên cứu xây dựng chuỗi các sản phẩm văn hóa (từ 100 - 300 sản phẩm) gắn với phát triển du lịch ở các địa phương.

- Bảo tồn và phát triển 10 nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo khoảng 200 sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên các nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ bị thất truyền, các nghề có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được bảo vệ, đầu tư phát triển.

- Bảo tồn và phát triển 10 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở các địa phương.

- Lựa chọn, bảo tồn và phục dựng 10 trò chơi dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thành lập 10 đội nghệ thuật quần chúng biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tạo sản phẩm phát triển du lịch.

- Hỗ trợ xây dựng 05 nhà trưng bày giới thiệu các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương.

- Lựa chọn xây dựng 05 mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở vùng Đông Bắc; Tây Bắc; Bắc Trung Bộ; Tây Nguyên; Tây Nam Bộ.

- Mở 10 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức quản lý và tham gia các hoạt động du lịch cho người dân địa phương (kỹ năng quản lý các hoạt động du lịch; kỹ năng xây dựng các sản phẩm văn hóa; dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng; kiến thức về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; kỹ thuật nấu ăn; hướng dẫn viên cho người dân địa phương).

- Tạo ra từ 8 - 10% việc mới, tăng từ 10 - 15% thu nhập cho người dân trên địa bàn triển khai dự án.

b) Giai đoạn 2 (2018 - 2020):

- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung từ 50 - 100 sản phẩm du lịch văn hóa mới bổ sung cho các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn, phục dựng và phát triển 10 mô hình nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn và phục dựng 10 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

- Lựa chọn, bảo tồn và phục dựng 05 trò chơi dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên một mô hình.

- Thành lập 20 đội nghệ thuật quần chúng biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo sản phẩm phát triển du lịch.

- Tổ chức 05 sự kiện văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số để giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số.

- Hỗ trợ xây dựng 05 nhà trưng bày giới thiệu các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Xây dựng nhân rộng thêm 10 mô hình phát triển du lịch bền vững ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa có điều kiện để phát triển.

- Mở 5 tour, tuyến kết nối các điểm du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số ở các vùng, miền.

- Mở 10 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức quản lý và tham gia các hoạt động du lịch cho người dân địa phương.

IV. NHIỆM VỤ VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

- Khảo sát đánh giá thực trạng tiềm năng về du lịch văn hóa, nhu cầu và khả năng tham gia các chương trình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và các nguồn lực địa phương; nhu cầu sử dụng các sản phẩm du lịch văn hóa của khách du lịch. Các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có liên quan sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu, tổng hợp và đưa ra các giải pháp thực hiện dự án một cách hiệu quả.

- Từ kết quả khảo sát, căn cứ vào các nội dung của dự án đã được phê duyệt và nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương để cân đối, phân bổ nguồn lực và triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai của từng năm các nội dung trong từng giai đoạn tại Mục tiêu cụ thể của Dự án.

- Phối hợp, hỗ trợ địa phương nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo ra sự đa dạng, độc đáo về sản phẩm du lịch văn hóa trở thành thương hiệu của từng địa phương.

- Phát huy nguồn lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, nguồn lực xã hội hóa cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương gắn với du lịch.

2. Phương thức triển khai

Dự án triển khai dựa trên cơ sở thống nhất từ dưới lên: Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Chủ thể văn hóa (người dân) thực hiện và thụ hưởng thành quả dự án mang lại. Giao quyền chủ động cho các địa phương triển khai thực hiện, tránh áp đặt, làm thay.

3. Phân kỳ thực hiện

Giai đoạn 1:

a) Hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tổ chức thực hiện dự án.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố trong đối tượng dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý IV-2016

b) Khảo sát nhu cầu và khả năng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, gắn với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương; nhu cầu của khách du lịch về các sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; đề xuất xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch văn hóa ở các vùng, miền.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp: Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố trong đối tượng dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý I - II/2017

c) Kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, triển khai mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở.

- Phối hợp: Vụ Văn hóa dân tộc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố thuộc địa bàn dự án,

- Thời gian thực hiện: Quý III - IV/2017

d) Xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở một số địa phương.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp: Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành và địa phương được chọn triển khai dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý I/2018

đ) Bảo tồn một số lễ hội, trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian, nghề thủ công truyền thống, nhà trưng bày của đồng bào vùng dân tộc thiểu số tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở.

- Phối hợp: Vụ Văn hóa dân tộc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố thuộc địa bàn dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý II-III/2018

e) Tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức quản lý và tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở.

- Phối hợp: Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố thuộc địa bàn dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2018

h) Tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Phát Thanh, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/ thành phố trong đối tượng dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2018

Giai đoạn 2:

a) Xây dựng bổ sung các sản phẩm du lịch văn hóa mới tại một số điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố thuộc địa bàn thực hiện dự án;

- Phối hợp: Địa phương được chọn triển khai dự án

- Thời gian thực hiện: Quý I/2019

b) Lựa chọn xây dựng nhân rộng 10 mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống qua phát triển du lịch bền vững.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp: Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/ thành phố thuộc địa bàn dự án;

- Thời gian thực hiện: 2019-2020

c) Tiếp tục phục dựng bảo tồn lễ hội, các trò chơi dân gian, âm nhạc, dân ca, nghề thủ công truyền thống, nhà trưng bày tạo sản phẩm phát triển du lịch.

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp: Vụ Văn hóa dân tộc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành phố thuộc địa bàn thực hiện dự án.

- Thời gian thực hiện: Quý II - III/2019

d) Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức quản lý, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/thành thuộc địa bàn triển khai dự án.

- Phối hợp: Tổng cục Du lịch

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2019

đ) Kết nối xây dựng 5 tour, tuyến với các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chủ trì: Tổng cục Du lịch

- Phối hợp: Cục Văn hóa cơ sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tỉnh/ thành phố thuộc địa bàn thực hiện dự án.

- Thời gian thực hiện: Năm 2020

e) Tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Chủ trì: Cục Văn hóa cơ sở

- Phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh/ thành phố trong đối tượng dự án.

- Thời gian thực hiện: Năm 2020.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự án số 4 “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” thuộc Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 (theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 7 năm 2011).

Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện dự án (giai đoạn 2016-2020) là 54.300.000.000đ (Năm mươi tư tỷ, ba trăm triệu đồng).

Nguồn vốn như sau: Nguồn ngân sách Nhà nước: 20 tỷ

Ngân sách địa phương: 20 tỷ

Nguồn vốn huy động xã hội hóa: 14 tỷ 300 triệu đồng.

B. GIẢI PHÁP, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN

I. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về công tác chỉ đạo

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự thống nhất của các cấp, các ngành về gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

2. Giải pháp về chính sách

- Ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, trong đó có chính sách về văn hóa; tránh việc chồng chéo, bỏ sót hoặc triển khai độc lập thiếu sự phối hợp.

- Chú trọng việc kiểm tra giám sát đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số.

- Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đặc biệt là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín, người có công trong việc gìn giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào địa phương.

3. Giải pháp về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

- Về xây dựng mô hình:

+ Các dự án, mô hình phát triển kinh tế phải phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Ưu tiên các dự án, mô hình phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia vào các chương trình, dự án, mô hình bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống trên địa bàn, có cơ chế phân chia lợi ích công bằng giữa người dân với các công ty lữ hành du lịch.

+ Khuyến khích, đa dạng các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, như: mô hình phát triển nghề thủ công, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch trải nghiệm...; các dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ cộng đồng, đi lại...

- Về xây dựng sản phẩm:

+ Lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu đại diện cho đồng bào địa phương để tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển trở thành các sản phẩm phục vụ du lịch. Trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm cơ bản gồm: các lễ hội, trò chơi dân gian, âm nhạc dân gian, phong tục tập quán của đồng bào; các sản phẩm thủ công truyền thống.

+ Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, di tích gắn với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.

+ Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền; tổ chức các hội thi biểu diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực... của đồng bào các dân tộc thiểu số để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch để mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư của các công ty lữ hành du lịch.

- Về thị trường:

+ Kết nối với các điểm du lịch giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng du lịch phát triển trên địa bàn.

+ Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các sản phẩm văn hóa có giá trị về văn hóa và kinh tế.

+ Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu những sản phẩm văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tuyên truyền với người dân, khách du lịch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tinh thần tự hào dân tộc đối với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Về nguồn vốn: Tổ chức lồng ghép giữa các chương trình dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Tập trung nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương), nguồn vốn xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số...

4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng chính sách ưu tiên về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối với cán bộ trẻ để từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương.

- Tăng cường năng lực của các chủ thể văn hóa, nhất là các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng là lực lượng then chốt trong việc tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn của các chuyên gia.

II. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN DỰ ÁN

1.1. Cơ quan chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1.2. Cơ quan thực hiện: Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Kế hoạch Tài chính.

1.3. Cơ quan phối hợp: Các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2.2. Chế độ báo cáo

- Báo cáo định kỳ (6 tháng/1 lần)

- Báo cáo giai đoạn 1 (2016 - 2017)

- Báo cáo giai đoạn 2 (2018 - 2020)

- Báo cáo Tổng kết Dự án

- Chịu trách nhiệm: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh/thành phố và địa phương trong đối tượng dự án;

III. HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN

1. Về kinh tế

- Dự kiến sau khi kết thúc, dự án xây dựng được 15 mô hình phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát triển 20 nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát triển 20 lễ hội, 15 trò chơi dân gian, 30 đội văn nghệ, 10 nhà trưng bày tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo; xây dựng mới từ 200 - 500 sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức 20 lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ làm du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số; mở 05 tour, tuyến du lịch; tổ chức 05 sự kiện văn hóa, ước tính thu hút từ 50.000-100.000 lượt khách du lịch/điểm/năm. Nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư nâng cấp; đời sống kinh tế của người dân từng bước được nâng lên.

- Thu hút từ 20 - 10 doanh nghiệp lữ hành du lịch tham gia hợp vào xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vùng dân tộc thiểu số; tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư từ Nhà nước, thu hút xã hội hóa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế.

2. Về xã hội

- Các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người dân được bảo tồn và phát huy; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của đồng bào ngày càng đa dạng và phong phú; vai trò chủ thể văn hóa và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; văn hóa truyền thống của các dân tộc được giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước...

- Các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo thường xuyên, trở thành những điểm tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa hấp dẫn của nhân dân địa phương và khách du lịch.

- Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn vinh trở thành những di sản văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của dân tộc, từ đó người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc mình.

- Đẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để đáp ứng nhu cầu tham gia, thưởng thức các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và du khách.

- Việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

- Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mở rộng giao lưu, học hỏi, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân các dân tộc, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.