ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2735/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 26 tháng 8 năm 2016 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về nội dung điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện Phong Điền (theo Thông báo số 104-TB/VPTU ngày 09 tháng 6 năm 2016 của Văn phòng Thành ủy);
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền tại Tờ trình số 408/TTr.UBND ngày 26 tháng 7 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Phong Điền đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Phát huy đồng bộ sức mạnh tổng hợp của thành phố, của huyện và của các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị sinh thái, khai thác nội lực là nhân tố quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Phát triển kinh tế - xã hội huyện Phong Điền phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tạo thế và lực cho sự phát triển như kết cấu hạ tầng đô thị sinh thái, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, công nghệ và nhân lực; đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
4. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Thương mại - dịch vụ - du lịch; Nông nghiệp sinh thái chất lượng cao; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động.
5. Gắn kết phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng với phát triển văn hóa - xã hội; xem phát triển, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển văn hóa xã hội là nhiệm vụ thường xuyên; phát triển kinh tế là nhiệm vụ nền tảng và liên tục.
6. Gắn kết phát triển kinh tế với sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Gắn kết phát triển kinh tế với đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
7. Gắn kết phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; ổn định vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
1. Mục tiêu tổng quát
Trong phát triển kinh tế, lấy lĩnh vực Nông nghiệp làm cơ sở; lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ - Du lịch làm khâu đột phá. Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, tạo tiền đề vững chắc trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng và lợi thế so sánh, phấn đấu đến năm 2020, Phong Điền trở thành đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Phát triển phải gắn với giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ. Giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Lĩnh vực kinh tế
- Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 10 - 11% giai đoạn 2016 - 2020 (theo giá so sánh năm 2010).
- Giá trị tăng thêm (VA) bình quân đầu người đạt 70 - 75 triệu đồng/người (tương đương 3.000 - 3.100 USD/người).
- Cơ cấu giá trị sản xuất: khu vực Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12 - 13%, khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 21 - 22%; khu vực Thương mại - Dịch vụ chiếm 66 - 67%.
- Thu ngân sách đạt 2.500 - 2.600 tỷ đồng; trong đó thu trên địa bàn đạt từ 300 - 350 tỷ đồng; thu trợ cấp ngân sách cấp trên từ 2.000 - 2.250 tỷ đồng. Chi ngân sách dự kiến 2.500 - 2.600 tỷ đồng; trong đó chi xây dựng cơ bản đạt từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 19.000 - 20.000 tỷ đồng.
b) Lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1% giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô dân số của huyện khoảng 105.000 người.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,0%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 75,8%, trong đó đào tạo nghề 55,6%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 8,6%.
- Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia từ 80 - 85%.
- Tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt 85%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt trên 95%.
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% tổng số dân.
- Thực hiện đầu tư nâng chất các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, đảm bảo 100% xã và huyện Phong Điền đạt và vượt các tiêu chí nông thôn mới.
3. Tầm nhìn đến năm 2030
Phong Điền trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao của thành phố Cần Thơ; là đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, điểm đến an toàn và thân thiện. Cơ cấu giá trị sản xuất với tỷ trọng khu vực dịch vụ trên 65%; lấy phát triển du lịch, các ngành dịch vụ chất lượng cao làm nền tảng; phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao và bền vững, gắn với các loại hình du lịch đặc trưng.
Phong Điền trở thành đô thị văn minh, hiện đại, mang nét đặc trưng của một đô thị vùng sông nước. Kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội thuận lợi với các loại hình vận tải hiện đại; phát triển hạ tầng du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp thoát nước và các công trình bảo vệ môi trường, công sở, khu dân cư,... Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn; giữ vững quốc phòng, an ninh. Xây dựng hệ thống hành chính đô thị thông minh, thân thiện.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Lĩnh vực nông nghiệp
Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành các tiểu vùng chuyên canh với những sản phẩm đặc trưng mũi nhọn, có lợi thế so sánh cao như: vùng rau chuyên canh chất lượng cao gắn với du lịch; vùng cây ăn quả đặc trưng gắn với nuôi trồng thủy sản; gia cầm đặc trưng gắn với du lịch ẩm thực,…
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, tạo thị trường tiêu thụ nông sản. Thực hiện phân công lại lao động nông thôn, khai thác tối đa tiềm năng đa dạng của Phong Điền, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn liền với phát triển các ngành, nghề nông thôn.
Phấn đấu giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,43%/năm giai đoạn 2016-2020 và duy trì 1,65%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Tỷ trọng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,67% vào năm 2020 và còn 4,49% vào năm 2030. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của khu vực I đạt 992 tỷ đồng và tăng lên 1.168 tỷ đồng vào năm 2030 (theo giá cố định năm 2010).
a) Trồng trọt
Phát huy ưu thế về sinh thái, ứng dụng quy trình sản xuất sinh học bền vững theo hướng VietGAP, tạo vành đai thực phẩm xanh. Gắn phát triển trồng trọt với phát triển du lịch nông nghiệp. Hình thành vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm đặc trưng, vùng cây ăn trái đặc sản, vườn tạo cảnh quan - hoa kiểng, cá kiểng kết hợp vườn cây ăn trái. Gắn phát triển trồng trọt với lĩnh vực sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là tại các siêu thị, chợ trong vùng. Giảm dần diện tích sản xuất lúa, duy trì diện tích thể hiện nghề sản xuất truyền thống gắn với sản xuất lúa chất lượng cao. Ghép đất trồng bắp vào vùng rau, thực phẩm theo hướng tăng diện tích rau màu đáp ứng yêu cầu vành đai thực phẩm của Thành phố. Đến năm 2020, diện tích lúa gieo trồng 8.800ha, bắp 500ha, rau các loại 2.300ha, dừa 500ha, cây ăn trái 5.000ha.
b) Chăn nuôi
Phát triển theo hướng tập trung an toàn sinh học, gắn với du lịch ẩm thực, đảm bảo môi trường để phát triển dịch vụ du lịch. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp - bán công nghiệp, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh kịp thời và có hiệu quả, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường đô thị. Từng bước di dời các cơ sở giết mổ tập trung ra khỏi khu vực đô thị. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 2020, có trên 50% tổng đàn gia súc, gia cầm thực hiện phương thức nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Quy mô đàn gia súc khoảng 10 - 11 ngàn con, đàn gia cầm ổn định khoảng 200 - 250 ngàn con.
c) Thủy sản
Khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích đất, mặt nước và các nguồn lực của huyện để phát triển ngành thủy sản ổn định và bền vững. Phát triển vùng nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện nuôi quảng canh, xen canh, lồng ghép ao, mương, vườn du lịch sinh thái.
Chuyển đổi từ sử dụng thức ăn tự tạo sang sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm tăng năng suất, chất lượng và thân thiện với môi trường. Ưu tiên nuôi những đối tượng có giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, nhân rộng các mô hình nuôi có giá trị kinh tế cao như: thủy đặc sản, cá cảnh... Để nâng cao giá trị sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng ngành. Quy hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản 750ha, sản lượng đạt 13.010 tấn.
2. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng
a) Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm khai thác nguồn lực bên ngoài để phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng, có lợi thế phát triển, giải quyết nhiều việc làm như công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ,… Phát huy sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài quốc doanh, đảm bảo đáp ứng tiêu chí đô thị sinh thái, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Khôi phục, chú trọng phát triển và khai thác hiệu quả các ngành, nghề truyền thống của địa phương; khôi phục và phát triển các làng nghề nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch làng nghề.
Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tăng bình quân 12,24%/năm giai đoạn 2016 - 2020 và 12,76%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành đạt 1.153 tỷ đồng và tăng lên 3.835 tỷ đồng vào năm 2030 (theo giá cố định năm 2010).
b) Xây dựng
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh đô thị hóa, ưu tiên thực hiện những công trình trọng điểm, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các công ty xây dựng, công ty tư vấn đủ năng lực tham gia đấu thầu các công trình quy mô lớn. Đa dạng hóa hoạt động xây dựng từ khảo sát thiết kế, tư vấn xây dựng, dịch vụ xây dựng, thi công xây lắp, giám sát công trình,… Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, quản lý kiến trúc và chất lượng công trình; thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý quy hoạch và quản lý đô thị một cách toàn diện.
Phấn đấu giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng bình quân 7,54%/năm giai đoạn 2016 - 2020 và đạt 7,60%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 326 tỷ đồng và tăng lên 680 tỷ đồng vào năm 2030 (theo giá cố định năm 2010).
3. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ
a) Thương mại
Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, tiện lợi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch, trao đổi hàng hóa, nhất là hệ thống các chợ và trung tâm thương mại. Góp phần đưa Phong Điền trở thành một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch quan trọng của thành phố Cần Thơ.
Phấn đấu giá trị sản xuất khu vực thương mại - dịch vụ tăng bình quân 12,77%/năm giai đoạn 2016 - 2020 và 12,49%/năm giai đoạn 2021 - 2030 (theo giá so sánh năm 2010). Đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của huyện đạt 12.652 tỷ đồng và tăng lên 74.475 tỷ đồng vào năm 2030 (theo giá hiện hành).
b) Du lịch - dịch vụ
Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp du lịch nhân văn như tham quan các điểm di tích văn hóa, lịch sử, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, ẩm thực với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch miệt vườn sông nước, du lịch dã ngoại phục vụ ăn uống tại chỗ, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch hội nghị, tổ chức sự kiện (du lịch MICE)...
Đầu tư tôn tạo, trùng tu các điểm di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch về nguồn. Huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án khu du lịch, khách sạn kết hợp với trung tâm hội nghị, nhà hàng đủ điều kiện thu hút du khách lưu trú dài ngày. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch mạnh với những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, đón khoảng 900 ngàn lượt khách.
Phát triển các ngành dịch vụ khác theo hướng hiện đại như vận tải - kho bãi, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, cung ứng lao động,...
4. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo
Thực hiện tốt các chủ trương, chương trình cải cách, đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, nhất là ở bậc học mẫu giáo, mầm non. Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, hoàn chỉnh trang thiết bị dạy và học, đảm bảo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Phấn đấu 100% trường phổ thông có thư viện, phòng bộ môn, phòng chức năng đạt chuẩn. Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng 15 trường đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%.
Đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp giáo dục tiên tiến trong công tác quản lý và giảng dạy. Phấn đấu mỗi đơn vị trường học đều có trang thông tin điện tử.
Đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp đạt 50%, trong đó trẻ từ 3 - 5 tuổi đạt 95%; huy động học sinh đến lớp đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%, bậc trung học cơ sở đạt 98% và bậc trung học phổ thông đạt 70%.
5. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe
Tiếp tục đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Phong Điền quy mô 100 giường; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới y tế. Nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị, công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho đội ngũ y bác sỹ. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi thu hút bác sỹ có trình độ chuyên môn cao. Hiện đại hóa trang thiết bị và phương tiện vận chuyển cấp cứu ở tuyến y tế huyện và các tuyến y tế cơ sở.
Duy trì và nâng cao chất lượng 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; đảm bảo 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ, y sỹ sản, nhi và thầy thuốc đông y; tất cả các ấp (khu vực) có nhân viên y tế cộng đồng; các trường học có từ 1 - 2 cán bộ y tế. Phấn đấu đến năm 2020, số bác sỹ bình quân/vạn dân đạt 4,5 bác sỹ; số giường bệnh/vạn dân đạt 9,5 giường; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 8,6%, suy dinh dưỡng chiều cao còn 12,2%; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% tổng dân số.
6. Lĩnh vực văn hóa - thể dục thể thao
a) Văn hóa
Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình văn hóa như: khu trung tâm văn hóa huyện, thư viện huyện, nhà truyền thống, công viên dọc sông, công viên cây xanh khu hành chính huyện. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư nâng cấp, xây mới các thiết chế văn hóa cấp xã, ấp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, duy trì 100% xã/thị trấn đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp (khu vực) đạt chuẩn văn hóa; 100% cơ quan, trường học có đời sống văn hóa tốt; 100% các cơ quan ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn đạt cơ quan có đời sống văn hóa tốt.
b) Thể dục thể thao
Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng các công trình nhà thi đấu, tập luyện thể dục thể thao cấp huyện, sân thể thao cấp xã, ấp. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thể dục thể thao tại các khu dân cư, khu du lịch, nhất là các sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, hồ bơi tư nhân,... Nâng tỷ lệ người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao lên 45% vào năm 2020.
7. Lĩnh vực lao động - việc làm và an sinh xã hội
a) Đào tạo nghề và giải quyết việc làm
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nắm chắc cung - cầu lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,8%, trong đó đào tạo nghề được cấp chứng chỉ đạt 55,6%. Huy động các nguồn lực cho chương trình giải quyết việc làm từ khâu hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm đến hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết việc làm cho 2.000 - 2.500 lao động/năm; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống dưới 3% vào năm 2020.
b) Giảm nghèo
Giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững. Mở rộng đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, cung cấp tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng hộ nghèo, người tàn tật, neo đơn. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,8% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020).
8. Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới toàn diện, đồng bộ, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông thôn về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và hệ thống kết cấu hạ tầng. Thực hiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Phấn đấu đến năm 2020, duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới của cấp xã và cấp huyện.
9. Lĩnh vực quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng
a) Giao thông
- Giao thông đường bộ: Các công trình thực hiện gồm:
+ Đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (Quốc lộ 61C): Đoạn qua Phong Điền dài 10,2km, lộ trình đi dọc và cách kênh Xáng Xà No khoảng 1,3km.
+ Đường nối Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu: Đoạn qua Phong Điền (xã Giai Xuân) dài 4,2km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường phố chính.
+ Đường tỉnh 917: Đoạn qua Phong Điền dài 2,3km, toàn tuyến đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng.
+ Đường tỉnh 918: Đoạn qua Phong Điền dài 16,2km, đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng.
+ Đường tỉnh 923 (Lộ Vòng Cung): Đoạn qua Phong Điền dài 16km, toàn tuyến đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng.
+ Đường tỉnh 926: Đoạn thuộc địa phận Phong Điền dài 8,8km, hiện trạng đạt cấp V đồng bằng. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ nâng cấp và cải tạo đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng.
+ Đường tỉnh 932: Đoạn qua địa bàn huyện dài 5,6km, hiện trạng đạt cấp V đồng bằng. Giai đoạn sau năm 2020, đầu tư xây dựng tuyến đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng.
+ Đường Nguyễn Văn Cừ: Xây dựng theo chuẩn đường đô thị và chia thành 03 đoạn: Đoạn 1 dài 5,4km; Đoạn 2 dài 2km; Đoạn nối đoạn 1 - đoạn 2 dài 2km.
- Hệ thống đường nội thị: Định hướng trong giai đoạn quy hoạch sẽ đầu tư nhựa hóa và xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, phối hợp đồng bộ với hệ thống điện, nước để tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phát triển bền vững.
- Hệ thống giao thông nông thôn:
+ Hệ thống đường huyện: Đến năm 2020, đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu đạt chuẩn cấp IV. Đồng thời, mở mới một số tuyến đạt chuẩn đường cấp IV đồng bằng, cụ thể: Tuyến Trường Long - Vàm Bi dài 5,6km, tuyến Phan Văn Trị dài 4km, tuyến Trà Niền - Đường tỉnh 918 dài 4,4km, tuyến Tân Thới - Trường Long dài 4,5km.
+ Hệ thống đường xã, ấp, xóm: Các tuyến đường nối từ trung tâm hành chính xã đến nhà thông tin ấp, đường liên ấp quy hoạch xây dựng đạt chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A hoặc tối thiểu cấp B; Các tuyến đường nối từ ấp đến xóm, đường liên xóm quy hoạch xây dựng đạt chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B hoặc tối thiểu cấp C. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới.
- Bến xe:
+ Bến xe Phong Điền: Vị trí trên đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ nối dài về trung tâm huyện, xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp II, diện tích 11.000m2.
+ Bến xe buýt Mỹ Khánh: Vị trí bên phải điểm cuối đường Nguyễn Văn Cừ, trước rạch Trường Tiền, dự kiến quy mô diện tích 3.000 m2.
- Giao thông đường thủy
Phát triển đồng bộ giữa bến bãi, tuyến luồng và đội tàu vận tải; gắn kết các tuyến giao thông đường thủy với giao thông đường bộ. Đầu tư tu bổ, nạo vét ổn định độ sâu luồng lạch, duy trì cấp đường hiện nay của các tuyến đường thủy, cải tạo âu thuyền, lắp đặt hoàn chỉnh và bảo dưỡng thường xuyên hệ thống phao tiêu, biển báo trên các tuyến chính, đảm bảo lưu thông an toàn cho tàu thuyền và kết hợp với các dự án thủy lợi, nuôi trồng thủy sản. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư xây mới bến tàu trên sông Cần Thơ đạt chuẩn bến thủy nội địa hàng hóa kết hợp vận tải hành khách, diện tích khoảng 1ha.
b) Thủy lợi
Xây dựng hệ thống đê bao kết hợp với đường giao thông nông thôn, hệ thống cống, bờ bao đảm bảo chủ động tiêu úng, kiểm soát và khai thác lũ cả năm đối với diện tích cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích lúa sản xuất 3 vụ và kiểm soát lũ tháng 8 đối với diện tích sản xuất còn lại. Từng bước đầu tư xây dựng hệ thống kè dọc sông Cần Thơ, kênh Trà Niền và các tuyến kênh trọng yếu khác; ưu tiên đầu tư xây dựng đoạn đi qua thị trấn Phong Điền, đảm bảo các tuyến kênh được sử dụng đa mục tiêu: Giao thông thủy, kênh dẫn nước và góp phần tạo cảnh quan sinh thái cho đô thị Phong Điền.
c) Năng lượng
- Hệ thống cấp điện
Từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo, phát triển lưới điện cao thế, trung thế, hạ thế; xây mới và tăng cường công suất cho các trạm biến áp; đảm bảo đến năm 2020 cơ bản có 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn.
- Hệ thống chiếu sáng công cộng
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa lĩnh vực chiếu sáng công cộng, vận động Nhân dân đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường giao thông nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ các tuyến đường chính tại khu trung tâm huyện và các trung tâm xã được chiếu sáng đạt 80%.
d) Cấp, thoát nước và xử lý rác thải
- Cấp nước sạch
Đầu tư xây dựng 02 công trình cấp nước đạt công suất 20 m3/giờ; nâng cấp, mở rộng 09 hệ thống cấp nước có công suất 10 m3/giờ; xây dựng thêm 39km đường ống dẫn nước. Tiếp tục đầu tư xây mới các trạm cấp nước công suất nhỏ cung cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư vùng sâu vùng xa; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các trạm hiện hữu đã xuống cấp hoặc quá tải phù hợp với tình hình phát triển từng giai đoạn cụ thể. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch lên 85% với định mức cấp nước bình quân 120 lít/người/ngày.đêm.
- Thoát và xử lý nước thải
Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải tại khu vực trung tâm huyện. Đối với các khu trung tâm xã và các khu dân cư tập trung, trên cơ sở quy hoạch xây dựng chi tiết, từng bước triển khai thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ với các công trình kết cấu hạ tầng. Ở từng khu vực xây dựng 02 hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải sinh hoạt riêng biệt. Đối với các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
- Thu gom và xử lý rác thải
Bố trí bãi trung chuyển rác theo xã hoặc cụm xã, quy mô khoảng 0,2 - 0,3 ha (theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới). Tăng cường đầu tư cơ sở, phương tiện chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác thải đưa về khu xử lý tập trung của thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt trên 95%.
10. Lĩnh vực cải cách hành chính
Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư mới và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt trên 80%; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 90%.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3 và 4. Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực phục vụ Nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của địa phương; có 100% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
11. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh
a) Quốc phòng
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng Phong Điền trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, trong đó tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và thế trận lòng dân vững chắc. Đầu tư xây dựng các công trình quân sự theo quy hoạch thế trận khu vực phòng thủ. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đảm bảo công tác tuyển chọn và giao quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu được giao; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt từ 1,2 - 1,4% tổng dân số.
b) An ninh
Xây dựng thế trận an ninh vững chắc, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn Thành phố nói chung và huyện Phong Điền nói riêng. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ; giữ gìn trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
IV. ĐỊNH HƯỚNG CHIA TÁCH VÀ PHÂN KHU CHỨC NĂNG
1. Định hướng chia tách đơn vị hành chính và thành lập quận
Định hướng sau năm 2020 sẽ thực hiện việc chia tách bao gồm:
- Chia tách xã Nhơn Nghĩa thành xã Nhơn Nghĩa và xã Vàm Xáng.
- Chia tách xã Trường Long thành xã Trường Long và xã Trường Phú.
- Chia tách xã Giai Xuân thành xã Giai Xuân và xã Tân Xuân.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề quan trọng; đảm bảo khi đầy đủ các điều kiện thuận lợi sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương nâng cấp huyện Phong Điền trở thành quận trực thuộc thành phố.
2. Định hướng phân khu chức năng
a) Khu vực phát triển đô thị tập trung: (toàn bộ thị trấn Phong Điền, một phần xã Mỹ Khánh và xã Tân Thới dọc sông Cần Thơ)
Là đầu mối của các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ quan trọng, có cơ sở hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ, là khu vực có các cơ quan hành chính cấp huyện và khu du lịch Mỹ Khánh,… Có lợi thế rất lớn trong phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch.
b) Khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái
- Vùng I: (gồm toàn bộ thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, xã Mỹ Khánh và một phần các xã Nhơn Nghĩa, Trường Long, Giai Xuân, Tân Thới)
Phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, với diện tích khoảng 6.476ha, chiếm 51,7% tổng diện tích tự nhiên. Hiện trạng phần lớn là vườn cây ăn trái xen trong đất thổ cư và đất vườn tạp. Định hướng phát triển kinh tế trang trại với cây ăn trái là chủ lực. Phát triển nông nghiệp gắn kết với hình thành và phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dã ngoại miệt vườn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khuyến khích đầu tư các điểm du lịch sinh thái miệt vườn, tận dụng hoạt động thường ngày của người dân như: đi thuyền, chèo ghe, chài lưới, đánh bắt thủy sản, thu hoạch trái cây,… Để khai thác du lịch, với các loại hình du lịch tiềm năng như homestay, farmstay.
- Vùng II: (gồm một phần các xã Giai Xuân, Tân Thới, Trường Long, Nhơn Nghĩa)
Phát triển vườn cây ăn trái, lúa chất lượng cao, rau màu và nuôi thủy sản với diện tích khoảng 6.050ha, chiếm 48,3% tổng diện tích tự nhiên. Định hướng phát triển sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao kết hợp nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gia súc; hình thành các vùng chuyên canh rau màu tập trung, sản xuất hiện đại.
1. Giải pháp về huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Là nguồn vốn quan trọng, quyết định những công trình có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội theo phương hướng, mục tiêu đề ra. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước bao gồm vốn của huyện, thành phố và trung ương để thực hiện đầu tư phát triển. Nguồn vốn này phải được ưu tiên sử dụng cho các công trình hạ tầng quan trọng, các công trình trọng điểm như giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình phúc lợi xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục,… Và các dự án thuộc các nhóm ngành công nghiệp, thương mại đòi hỏi vốn đầu tư lớn, khó thu hồi vốn hoặc có thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhóm ngành có khả năng ảnh hưởng, tác động lan tỏa đến các ngành khác.
- Nguồn vốn tín dụng: Vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ các quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ tập trung cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh theo đối tượng ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thuộc các ngành như nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông, thủy sản, sản xuất hàng hóa xuất khẩu,…
- Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, vốn nhàn rỗi trong dân: Đẩy mạnh phát huy nguồn nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới,… Bằng việc vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đất đai và công tác xúc tiến thị trường. Đồng thời với việc tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực có khả năng thu hút đầu tư.
- Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI): Thiết lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án phát triển xã hội hướng tới người nghèo, người dân tộc để thu hút nguồn vốn ODA. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực để thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào địa bàn.
2. Giải pháp về cải cánh hành chính
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Trang thông tin điện tử huyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hướng tới xây dựng nền hành chính điện tử, đáp ứng yêu cầu điều hành xã hội trong tình hình mới. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ mới, bảo vệ môi trường,...; động viên tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế cùng phát triển.
3. Giải pháp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề tại chỗ, ưu tiên đào tạo nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đào tạo lao động cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và các địa phương lân cận. Tổ chức, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, quân nhân xuất ngũ; đào tạo, tập huấn nhân rộng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản cho nông dân.
- Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động và xuất khẩu lao động. Công tác đào tạo phải lấy chất lượng làm đầu, đảm bảo người học có đầy đủ kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện đào tạo các ngành nghề có nhu cầu lao động lớn, nhu cầu cấp thiết về nhân lực; mở rộng quy mô tuyển sinh đào tạo. Tăng cường liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng lớn, có uy tín trong khu vực và cả nước.
- Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ và khả năng ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
4. Giải pháp về triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ
Khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ. Nghiên cứu huy động các nguồn vốn nhằm tăng chi ngân sách cho khoa học - công nghệ trong giai đoạn đột phá 2016 - 2020, tạo tiền đề phát triển đến năm 2030. Tăng cường hợp tác để tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực y tế sức khỏe, môi trường, năng lượng và chính sách lao động.
5. Giải pháp về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
- Tăng cường nghiên cứu thị trường, xây dựng chính sách tiếp cận, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
- Tăng cường liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp với người sản xuất, trọng tâm là liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất trong chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Chính quyền đóng vai trò trung gian, hỗ trợ và tạo kênh tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp với người sản xuất tại địa phương.
- Hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh hội nhập cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng sản phẩm theo hướng chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển các ngành, nghề mới, sản phẩm mới thông qua các chính sách hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
6. Giải pháp về liên kết vùng và hợp tác với các sở, ngành thành phố
Tăng cường liên kết với các địa phương lân cận, xem đây là một trong những giải pháp trọng tâm để khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ. Phối hợp với các quận, huyện khác để phát triển theo quy hoạch thống nhất, khai thác hiệu quả lợi thế của từng địa phương. Hợp tác, liên kết phát triển giữa huyện và các địa phương khác trên cơ sở vừa kinh doanh, vừa hỗ trợ hợp tác; kết hợp hài hòa lợi ích của mỗi địa phương với lợi ích chung của toàn thành phố; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hợp tác tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng như liên kết hình thành các tuyến du lịch; phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Phối hợp chặt chẽ trong việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình do cấp trên quản lý trên địa bàn huyện.
7. Giải pháp về bảo vệ môi trường
Thực hiện chương trình quản lý môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch để giám sát, cảnh báo tác động môi trường từ các hoạt động kinh tế - xã hội, có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống và xử lý ô nhiễm. Khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát môi trường đối với các dự án đầu tư, xây dựng cơ chế bảo vệ môi trường ở các xã, ấp, khu dân cư. Xây dựng các mô hình tự chủ, tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Phong Điền đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Phong Điền.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền tổ chức công bố nội dung quy hoạch đến các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn; nghiên cứu và triển khai thực hiện quy hoạch; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; lập các quy hoạch, dự án cụ thể phù hợp với quy hoạch đã được duyệt. Đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính phù hợp, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích thu hút đầu tư theo định hướng của quy hoạch.
Điều 4. Các Sở, ban ngành thành phố có trách nhiệm hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền đạt được những mục tiêu đề ra trong quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phong Điền và của thành phố Cần Thơ.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
(Đính kèm Phụ lục: Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030)
| CHỦ TỊCH |
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
STT | Tên công trình | Địa điểm | Quy mô đầu tư | Vốn đầu tư (tỷ đồng) | Nguồn vốn | Năm thực hiện |
I | LĨNH VỰC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
1.1 | Trường Mầm non Xà No | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp III | 11,51 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
1.2 | Trường Trung học cơ sở Tân Thới | Xã Tân Thới | Cấp III | 11,68 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
1.3 | Trường Mầm non Giai Xuân | Xã Giai Xuân | Cấp III | 11,83 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Xây mới Trường tiểu học TT Phong Điền 1 | TT Phong Điền | Cấp III | 39,32 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.2 | Trường Trung học cơ sở Nhơn Ái | Xã Nhơn Ái | Cấp III | 37,47 | Ngân sách thành phố | 2017-2020 |
2.3 | Trường Trung học cơ sở thị trấn Phong Điền | TT Phong Điền | Cấp III | 68,46 | Ngân sách thành phố | 2017-2020 |
2.4 | Trường Mầm non Tân Nhơn | Xã Tân Thới | Cấp III | 14,84 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.5 | XD mở rộng trường Trung học cơ sở Nhơn Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp III | 14,97 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.6 | NCMR trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1 | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp III | 7,08 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.7 | XD trường Mầm non Nhơn Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp III | 14,27 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.8 | XD cổng hàng rào, đường dẫn, nhà bảo vệ trường Trung học cơ sở Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 1,14 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.9 | Trường Tiểu học Tân Thới 2 | Xã Tân Thới | Cấp III | 24,67 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.10 | Nâng cấp trường Mầm non Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 8,42 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.11 | NC mở rộng trường Mầm non Trường Hòa | Xã Trường Long | Cấp IV | 11,87 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.12 | NC mở rộng trường Tiểu học Trường Long 1 | Xã Trường Long | Cấp IV | 13,92 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.13 | Nâng cấp trường TH Mỹ Khánh 1 | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 4,80 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.14 | Nâng cấp trường THCS Mỹ Khánh | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 4,40 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.15 | NC mở rộng trường TH Thị Trấn P.Điền 2 | TT Phong Điền | Cấp IV | 14,79 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.16 | Nâng cấp trường TH Nhơn Nghĩa 2 | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 3,00 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.17 | Nâng cấp trường MN Tân Xuân | Xã Tân Thới | Cấp IV | 4,45 | Ngân sách huyện | 2018-2020 |
2.18 | Nâng cấp trường MN Mỹ Khánh | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 4,50 | Ngân sách huyện | 2018-2020 |
2.19 | Nâng cấp trường TH Mỹ Khánh 2 | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 4,65 | Ngân sách huyện | 2018-2020 |
2.20 | XD bổ sung trường MN Trường Tây | Xã Trường Long | Cấp III | 6,00 | Ngân sách huyện | 2019-2021 |
2.21 | XD trường MN Thới Thạnh | Xã Giai Xuân | Cấp III | 7,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.22 | XD bổ sung trường TH Nhơn Ái 1 | Xã Nhơn Ái | Cấp III | 4,00 | Ngân sách huyện | 2019-2021 |
2.23 | Nâng cấp trường MN Tân Thới | Xã Tân Thới | Cấp IV | 4,50 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.24 | Nâng cấp trường TH Lộ Vòng Cung | Xã Tân Thới | Cấp IV | 4,50 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.25 | Nâng cấp trường MN Trường Phú | Xã Trường Long | Cấp IV | 5,50 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.26 | XD trường TH Trường Long 4 | Xã Trường Long | Cấp III | 7,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.27 | Nâng cấp trường TH Giai Xuân 1 | Xã Giai Xuân | Cấp IV | 5,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.28 | Nâng cấp trường TH Giai Xuân 2 | Xã Giai Xuân | Cấp IV | 5,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.29 | Nâng cấp trường MN Mỹ Phước | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 4,50 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.30 | Nâng cấp trường MN Mỹ Thuận | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 4,50 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.31 | Nâng cấp trường TH Nhơn Ái 3 | Xã Nhơn Ái | Cấp IV | 5,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.32 | Nâng cấp trường MN Vàm Xáng | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 4,50 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.33 | XD bổ sung trường MN Trường Đông | Xã Trường Long | Cấp III | 4,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.34 | Nâng cấp trường THCS Trường Long | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 5,00 | Ngân sách huyện | 2020-2022 |
2.35 | Cung cấp, lắp đặt thiết bị trường TH Trường Long 3 | Xã Trường Long | Mua sắm TTB | 1,00 | Ngân sách huyện |
|
2.36 | Cung cấp và lắp đặt thiết bị trường TH Tây Đô | Xã Trường Long | Mua sắm TTB | 1,00 | Ngân sách huyện |
|
II | LĨNH VỰC Y TẾ |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Cung cấp lắp đặt thiết bị và sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền | TT Phong Điền | TB và NCSC | 0,58 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.2 | NCSC các trạm Y tế xã, thị trấn | Các xã, TT | Cấp IV | 7,00 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.3 | Nâng cấp mở rộng trạm Y tế xã Tân Thới | Xã Tân Thới | Cấp IV | 1,27 | Ngân sách huyện |
|
III | LĨNH VỰC GIAO THÔNG |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
1.1 | Tuyến GTNT Ba Cao - Giai Xuân | Xã Giai Xuân | Cấp IV | 10,80 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
1.2 | Nâng cấp sửa chữa đường Nguyễn Văn Cừ - Mỹ Khánh | Xã Mỹ Khánh | Cấp II | 14,07 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
1.3 | Đường vào khu di tích lịch sử Giàn Gừa | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 13,88 | Ngân sách huyện | 2013-2015 |
1.4 | Nâng cấp tuyến GTNT vàm Rạch Sung - Ngã Ba Bào | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 14,48 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
1.5 | Nâng cấp tuyến GTNT Vàm Trà Ếch - cầu Chữ Y | Xã Trường Long | Cấp IV | 11,48 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (QL 61C) |
| 10,2km | 663,00 | Ngân sách trung ương | 2019-2024 |
2.2 | Đường nối QL91 - Nam Sông Hậu |
| 4,2km | 273,00 | Ngân sách trung ương | 2021-2025 |
2.3 | Đường tỉnh 917 |
| 2,3km | 80,50 | Ngân sách thành phố | 2021-2025 |
2.4 | Đường tỉnh 918 |
| 16,2km | 567,00 | Ngân sách thành phố | 2021-2025 |
2.5 | Đường tỉnh 923 (Lộ Vòng Cung) |
| 15,6km | 300,00 | Ngân sách thành phố | 2018-2023 |
2.6 | Đường tỉnh 926 |
| 8,8km | 132,00 | Ngân sách thành phố | 2021-2024 |
2.7 | Đường tỉnh 932 |
| 5,6km | 84,00 | Ngân sách thành phố | 2021-2024 |
2.8 | Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài |
| 9,4km | 300,00 | Ngân sách thành phố | 2016-2020 |
2.9 | Đường Trường Long - Vàm Bi |
| 5,6km | 33,60 | Ngân sách thành phố | 2018-2023 |
2.10 | Tuyến Trà Niên - ĐT 918 |
| 4,4km | 22,00 | Ngân sách huyện | 2018-2023 |
2.11 | Tuyến Tân Thới - Trường Long |
| 4,5km | 22,50 | Ngân sách huyện | 2018-2023 |
2.12 | Nâng cấp lộ chợ Phong Điền | TT Phong Điền | NCSC | 2,83 | Ngân sách huyện | 2013-2015 |
2.13 | Nâng cấp mở rộng đường vào trường cấp 2 và 3 thị trấn Phong Điền | TT Phong Điền | Dài 500m, rộng 17,5 bằng BTNN. Cầu dài 40m, rộng 7m bằng BTCT | 14,91 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.14 | Nâng cấp SC đường Phan Văn Trị (đoạn dưới dốc cầu Tây Đô) | TT Phong Điền | Cấp II | 7,57 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.15 | Cầu GTNT trên tuyến liên xã Giai Xuân | Xã Giai Xuân | 03 cầu, 01 cống | 5,27 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.16 | Tuyến Đình Thần - Ngã Cái | Xã Giai Xuân | NCMR dài 2.100m, rộng 4m, BTXM | 7,24 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.17 | NC tuyến GTNT vàm Bà Hiệp - Giàn Gừa | Xã Nhơn Nghĩa | NCMR dài 2.700m, rộng 4m, BTXM | 9,96 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.18 | Nâng cấp tuyến GTNT Vàm Bi - Kênh Mới | Xã Trường Long | Dài 4.000m, rộng 4m | 14,85 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.19 | Nâng cấp tuyến GTNT Ông Hào - Trường Hà | Xã Trường Long | Dài 3.800m, rộng 4m | 8,10 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.20 | Nâng cấp tuyến GTNT Cây Cẩm - Bòng Bọng | Xã Trường Long | Dài 4.000m, rộng 4m | 14,94 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.21 | Tuyến Tân Hưng - TT Phong Điền | Xã Giai Xuân | NCMR dài 2.800m, rộng 4m, BTXM | 8,40 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.22 | Nâng cấp lộ GTNT tuyến Xẻo Cui - Trà Bét | Xã Tân Thới | Dài 2.200m, rộng 4m | 6,37 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.23 | Xây dựng cầu rạch Ba Cui, đường dẫn vào cầu vàm Rạch Sơn Đại và cầu Rạch Tre | TT Phong Điền | Dài 23m, rộng 3m, BTCT. Đường dẫn dài 178,5m, rộng 4m, BTXM | 1,11 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.24 | Nâng cấp cầu Rạch Vinh | Xã Mỹ Khánh |
| 3,00 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.25 | Nâng cấp cầu Rạch Nhum | Xã Mỹ Khánh |
| 3,00 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.26 | Bến xe buýt Phong Điền |
| 1,1ha | 2,20 | Ngân sách thành phố | 2018-2020 |
2.27 | Bến xe buýt Mỹ Khánh |
| 0,3ha | 0,60 | Ngân sách thành phố | 2020-2022 |
IV | LĨNH VỰC THỦY LỢI |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Nâng cấp hệ thống đê bao kết hợp giao thông nông thôn | Các xã, TT | 76,5km | 229,50 | Ngân sách huyện | 2016-2030 |
2.2 | Xây dựng 10 cống thuộc dự án Ô Môn - Xà No giai đoạn II | Xã Nhơn Ái | 10 cống | 12,00 | Ngân sách thành phố | 2018-2023 |
2.3 | Đầu tư kè bờ sông để chống xói lở và tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị đối với các dòng sông lớn như: sông Trà Niên, sông Cần Thơ,… |
| 30km | 360,00 | Ngân sách thành phố | 2021-2030 |
2.4 | Nâng cấp và duy tu hệ thống thủy lợi xã Tân Thới | Xã Tân Thới | Cấp IV | 3,13 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.5 | Nâng cấp và duy tu hệ thống thủy lợi xã Nhơn Ái | Xã Nhơn Ái | Cấp IV | 1,28 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.6 | Nâng cấp hệ thống cống, đập phục vụ sản xuất nông nghiệp TT Phong Điền (HM: Xây dựng cống hở ấp N.Lộc 2, hệ thống đập trên địa bàn các ấp) | TT Phong Điền | Nạo vét dài 7.500m và XD 43 cống tròn | 3,74 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.7 | Nâng cấp và xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn ấp Thới Thạnh và Thới An B | Xã Giai Xuân | Kênh TL nội đồng | 5,40 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.8 | Nâng cấp và xây dựng hệ thống cống phục vụ mô hình cánh đồng mẫu xã Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 2,87 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.9 | Nạo vét kênh ranh ấp Trường Thọ xã Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 1,46 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.10 | Nạo vét kênh thủy lợi giữa xã Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 0,46 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.11 | Nạo vét kênh thủy lợi vườn xã Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 0,61 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.12 | Xây dựng hệ thống cống bảo vệ sản xuất khu vực ấp Nhơn Thuận, Tân Thuận xã Nhơn Nghĩa (Công Út Hòa, Rạch Quạ và 14 đập) | Xã Nhơn Nghĩa | 02 cống hở, 14 cống tròn | 2,50 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.13 | Gia cố đê bao và xây dựng cống bọng xã Nhơn Ái năm 2015 | Xã Nhơn Nghĩa | Chiều dài tuyến 1.410m; 20 cống đập | 1,03 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.14 | Nạo vét và XD cống bọng kênh thủy lợi T.Trấn Phong Điền năm 2016 | TT Phong Điền | Cấp IV | 3,50 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.15 | Nâng cấp cống xã Trường Long | Xã Trường Long | Cấp IV | 1,12 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
V | LĨNH VỰC CẤP NƯỚC |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Xây dựng thêm 02 công trình cấp nước |
| 20m3/h | 3,20 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2017-2022 |
2.2 | Nâng cấp mở rộng 9 hệ thống cấp nước |
| 10m3/h | 4,50 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2017-2022 |
VI | LĨNH VỰC CUNG CẤP ĐIỆN, CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Trạm biến áp Phong Điền 110/22kV |
| 2x63MVA | 2,50 | Ngân sách thành phố | 2018-2023 |
2.2 | Đường dây đấu nối trạm 110kv Phong Điền |
| 2,5km | 3,00 | Ngân sách thành phố | 2018-2023 |
2.3 | Điện chiếu công cộng tuyến Tỉnh lộ 932 | Xã Nhơn Nghĩa |
| 1,80 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.4 | Điện chiếu sáng công cộng tuyến Tân Thới - Trường Thành | Xã Tân Thới |
| 0,84 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.5 | Điện chiếu sáng công cộng tuyến Trường Hòa - Vàm Bi - Bốn Tổng | Xã Trường Long | Dài 7.200m | 2,40 | Ngân sách huyện | 2017-2019 |
2.6 | Di dời trụ điện trung tâm thương mại huyện |
|
| 2,62 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
VII | LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Nâng cấp, mở rộng chợ Nhơn Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 5,00 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2016-2018 |
2.2 | Nâng cấp, mở rộng chợ Giai Xuân | Xã Giai Xuân | Hạng III | 2,50 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2021-2025 |
2.3 | Nâng cấp, mở rộng chợ Tân Thới | Xã Tân Thới | Hạng III | 2,50 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2021-2025 |
2.4 | Nâng cấp, mở rộng chợ Nhơn Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | Hạng III | 2,50 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2021-2025 |
2.5 | Nâng cấp, mở rộng chợ Trường Long | Xã Trường Long | Hạng III | 2,50 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2021-2025 |
2.6 | Nâng cấp chợ nổi Phong Điền | TT Phong Điền | Hạng III | 2,50 | Ngân sách huyện+Xã hội hóa | 2021-2025 |
2.7 | Phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu | Các xã, TT |
| 46,00 | Xã hội hóa | 2016-2030 |
VIII | LĨNH VỰC VĂN HÓA - THỂ DỤC THỂ THAO |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Trung tâm VH - Thể thao huyện | TT Phong Điền | HT; sân khấu, HTKT, TTB | 11,89 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.2 | XD 02 cổng chào xã Giai Xuân |
| Cấp IV | 0,34 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.3 | XD cổng chào xã Tân Thới và xã Trường Long |
| Cấp IV | 1,09 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.4 | Xây dựng 13 nhà văn hóa ấp xã N.Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 8,20 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.5 | NC xây dựng 2 cổng chào xã Mỹ Khánh | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 0,55 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.6 | XD 02 nhà văn hóa ấp Tân Long, Tân Nhơn xã T. Thới | Xã Tân Thới | Cấp IV | 0,98 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.7 | BTTH+GPMB trung tâm VH-TDTT huyện | TT Phong Điền | 8.715m2 | 6,28 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.8 | Quảng trường huyện Phong Điền | Khu TTHC | 12.957m2, cả h.thống CS và k.đài | 10,87 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.9 | Công viên huyện Phong Điền | Khu TTHC | 12.817m2 | 11,01 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
IX | LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG - AN NINH |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | NCSC trụ sở Huyện Đội | Xã Nhơn Ái | Cấp IV | 0,34 | Ngân sách thành phố | 2014-2016 |
2.2 | NCSC Ban chỉ huy QS Thị trấn P.Điền |
| Cấp IV | 0,80 | Ngân sách thành phố | 2014-2016 |
2.3 | Trụ sở xã đội Nhơn Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | 1 trệt; 314m2 | 2,67 | Ngân sách thành phố | 2014-2016 |
2.4 | Trụ sở xã đội Giai Xuân | Xã Giai Xuân | 1 trệt; BH: 3.509m2 | 7,19 | Ngân sách thành phố | 2014-2016 |
2.5 | Trụ sở Công an xã Nhơn Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | 1 trệt; 777m2 | 3,41 | Ngân sách thành phố | 2014-2016 |
2.6 | NCSC trụ sở Công an xã Giai Xuân | Xã Giai Xuân | Cấp IV | 0,98 | Ngân sách thành phố | 2014-2016 |
2.7 | XD 06 phòng tiếp dân đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội | TT Phong Điền | Cấp IV | 1,07 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.8 | Chốt an ninh trật tự đường Nguyễn Văn Cừ nối dài | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 1,27 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.9 | Trụ sở Công an xã Nhơn Ái | Xã Nhơn Nghĩa | 1 trệt; BH: 1.000m2 | 4,20 | Ngân sách thành phố | 2017-2019 |
2.10 | Xây dựng nhà thăm gặp và nhà tạm giữ Công an huyện | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 1,20 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.11 | XD nhà tạm giữ Công an huyện (gđ 2) | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 1,00 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.12 | XD 10 phòng nhà ở công vụ Công an huyện | TT Phong Điền | Cấp IV | 2,79 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
2.13 | NC, SC hội trường Công an huyện | TT Phong Điền | Cấp IV | 0,98 | Ngân sách thành phố | 2016-2018 |
X | LĨNH VỰC KHÁC |
|
|
|
|
|
1 | Công trình chuyển tiếp |
|
|
|
|
|
2 | Công trình khởi công mới |
|
|
|
|
|
2.1 | Nâng cấp mở rộng trụ sở UBND xã Tân Thới | Xã Tân Thới | Cấp III | 4,78 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.2 | Nâng cấp SC hàng rào trụ sở UBND TT P.Điền | TT Phong Điền | Cấp IV | 1,80 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.3 | NCSC trụ sở UBND TT P.Điền | TT Phong Điền | Cấp IV | 0,85 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.4 | NCSC trụ sở UBND xã Mỹ Khánh | Xã Mỹ Khánh | Cấp IV | 0,72 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.5 | NCSC trụ sở UBND huyện P.Điền | TT Phong Điền | Cấp IV | 0,51 | Ngân sách huyện | 2015-2017 |
2.6 | NCSC Hội trường trụ sở UBND xã N.Nghĩa | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 1,77 | Ngân sách huyện | 2014-2016 |
2.7 | Bồi hoàn di dời 12 hộ dân rạch Trà Niềng | TT Phong Điền | 12 hộ | 3,50 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.8 | NCSC trụ sở UBND xã Nhơn Ái | Xã Nhơn Nghĩa | Cấp IV | 0,96 | Ngân sách huyện | 2016-2018 |
2.9 | Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện | TT Phong Điền | Cấp III | 51,50 | Ngân sách thành phố | 2019-2023 |
Ghi chú: Vị trí, quy mô diện tích chiếm đất, tổng mức và nguồn vốn đầu tư của các Chương trình, các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
- 1 Quyết định 560/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 2 Quyết định 5528/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 3 Quyết định 2940/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 4 Quyết định 2704/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 7 Quyết định 1533/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cần Thơ đến 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Thông tư 03/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 9 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 10 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 1 Quyết định 2704/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 2940/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 3 Quyết định 5528/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 4 Quyết định 560/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đến năm 2020