ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2742/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 28 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN SƠN LA TRỞ THÀNH KHU DU LỊCH QUỐC GIA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 08/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện;
Căn cứ Quyết định số 3674/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 02/8/2017 của Tỉnh ủy Sơn La thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-UBND, ngày 21/01/2022 của UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt đề cương nhiệm vụ và kinh phí lập Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 274/TTr-VHTT&DL ngày 26/12/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia với những nội dung chính sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La phù hợp với các Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; các Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La.
b) Quy hoạch phát triển du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La phù hợp với Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khai thác những lợi thế của Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, đặc thù, hấp dẫn khách du lịch; đồng thời có mối liên kết với các khu vực trọng điểm du lịch trong tỉnh để tạo ra các tour, tuyến liên hoàn bổ trợ cho khu du lịch quốc gia Mộc Châu nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch toàn tỉnh và mở rộng phát triển tuyến du lịch với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai.
c) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn, bảo vệ các danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2024, được đưa vào danh mục là khu du lịch tiềm năng phát triển thành du lịch quốc gia.
Đến năm 2025, định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La theo hướng thành khu du lịch quốc gia.
Đến năm 2030 hoàn thành 50% các điều kiện công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.
Đến năm 2040, tổ chức công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.
b) Mục tiêu cụ thể
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | 2025 | 2030 | TTBQ 2025-2030 |
Tổng số khách | Lượt khách | 785.000 | 1.330.000 | 16,12% |
Khách quốc tế | Lượt khách | 35.000 | 80.000 | 17,98% |
Khách trong nước | Lượt khách | 750.000 | 1.250.000 | 16,76% |
Tổng nhu cầu buồng lưu trú | buồng | 3.210 | 8.100 | 20,34% |
Tổng thu từ du lịch | tr.USD | 79,90 | 326,00 | 32,48% |
tỷ VND | 1.677,90 | 6.846,00 | 32,48% | |
Tổng nhu cầu lao động | người | 12.600 | 31.500 | 20,11% |
Lao động trực tiếp | người | 4.200 | 10.500 | 20,11% |
Lao động gián tiếp | người | 8.400 | 21.000 | 20,11% |
3. Tính chất khu du lịch
Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La. Là vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa, trải nghiệm gắn với lòng hồ, tham quan nhà máy thủy điện Sơn La.
4. Phát triển thị trường khách du lịch
Giai đoạn đến năm 2025:
- Thị trường khách nội địa: Thị trường khách nội tỉnh, khách từ các tỉnh Trung du miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Miền Tây Nam bộ, khách du lịch sinh thái, thể thao, trải nghiệm khám phá, thương mại công vụ.
- Thị trường khách quốc tế: Thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương,… Khai thác qua cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu), cửa khẩu Chiềng Khương (Sông Mã), cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc - Na Son của Điện Biên,…
Giai đoạn đến năm 2030:
- Thị trường khách nội địa: Mở rộng, thu hút thị trường khách từ Hà Nội, duyên hải Đông Bắc, từ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và các địa phương khác trên cả nước. Chú trọng tăng trưởng thị trường khách phân khúc cao cấp: Khách nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
- Thị trường khách quốc tế: Thị trường Nhật Bản; Thị trường Đông Âu; Thị trường khách ưa du lịch thể thao: Golf, thể thao dưới nước,…
5. Phát triển sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch đặc thù:
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe: Nghỉ dưỡng “Biển trong lòng núi”; Nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; Nghỉ dưỡng theo mô hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Du lịch Golf và thể thao: Thể thao trên cạn (Golf, dã ngoại, đạp xe, leo núi,…); Thể thao mặt nước (chèo thuyền kayak, đua thuyền, …); Thể thao trên không (dù bay, trực thăng, khinh khí cầu, zipline, …).
Du lịch sự kiện, lễ hội: Tổ chức các hoạt động lễ hội du lịch thường niên vào các mùa trong năm bao gồm cả các lễ hội truyền thống và các sự kiện, lễ hội mới, độc đáo, sự kiện gắn với đô thị, sự kiện thể thao mang tầm khu vực,…
- Sản phẩm du lịch bổ trợ:
Du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái hồ, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên.
Du lịch cộng đồng: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn khai thác, làm nổi trội tính nguyên bản của các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, La Ha, Kháng).
Du lịch văn hóa: Tham quan, tìm hiểu hệ thống di tích lịch sử, văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số.
6. Phát triển du lịch theo không gian, lãnh thổ
a) Phát triển không gian phát triển
Cấu trúc không gian: 03 phân khu du lịch và 03 trung tâm dịch vụ du lịch.
- Phân khu du lịch biển hồ Quỳnh Nhai:
Tính chất: Là phân khu du lịch động lực, tạo nên thương hiệu khu du lịch; Là phân khu du lịch phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp theo mô hình các khu du lịch phức hợp với đa dạng các sản phẩm: Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao và golf, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Định hướng chính: Tập trung xây dựng các tổ hợp khu nghỉ dưỡng theo mô hình phức hợp (complex resort), mô hình bất động sản nghỉ dưỡng với tiêu chuẩn cao cấp hướng đến phân khúc khách cao cấp; Xây dựng Khu phức hợp đa năng, đa tiện ích đồng bộ, phục vụ nhu cầu ở, du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, golf, thể thao và giải trí; Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thể thao: Câu lạc bộ Golf, trung tâm thể thao nước, các trung tâm vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, bến thuyền du lịch,.. Loại hình lưu trú ưu tiên phát triển: Khu nghỉ dưỡng phức hợp, khách sạn, làng du thuyền,… Đa dạng hoá sản phẩm du lịch, bổ sung các sản phẩm vui chơi giải trí, đặc biệt các hoạt động vui chơi giải trí về đêm.
- Phân khu du lịch nghỉ dưỡng Mường La:
Tính chất: Là phân khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp theo mô hình các resort vừa và nhỏ, đa dạng về loại hình và các phong cách kiến trúc cũng như dịch vụ.
Định hướng chính: Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thể thao. Loại hình lưu trú ưu tiên phát triển: Khu nghỉ dưỡng phức hợp, khách sạn, resort,… Khu vực cần tập trung thu hút đầu tư: Bến thuyền và khu dịch vụ xã Hua Trai; Khu nghỉ dưỡng cuối tuần Chiềng Lao.
- Phân khu du lịch gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Mường La:
Tính chất: Là phân khu du lịch bổ trợ, là phân khu du lịch sinh thái, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học.
Định hướng chính: Đầu tư hệ thống nghỉ dưỡng thiên nhiên, phát triển các căn nhà sinh thái được thiết kế bằng các nguyên vật liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, gần gũi hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu động thực vật,...Phát triển các khu vực cắm trại, dã ngoại, picnic,... Phát triển các điểm giáo dục môi trường, chòi quan sát, biển chỉ dẫn bảo vệ môi trường kết hợp du lịch sinh thái,… dọc tuyến đường du lịch trong phân khu.
- Trung tâm dịch vụ du lịch Mường Giàng: Trung tâm đầu mối, tiếp đón khách du lịch, trung tâm thể thao, trung tâm thương mại dịch vụ, khu hội nghị, hội thảo; cửa ngõ tiếp đón, trung tâm trưng bày, triển lãm; trung tâm thông tin, đại lý du lịch, phát triển đô thị Mường Giàng.
- Trung tâm dịch vụ du lịch Ít Ong: Là điểm lưu trú, trung tâm đón tiếp du khách, cung cấp các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí,….và hướng dẫn du khách đi tham quan các điểm du lịch.
- Trung tâm dịch vụ du lịch Ngọc Chiến: Là trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm đón tiếp, khu hội nghị hội thảo; Là không gian du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp gắn với lòng hồ thủy điện Nậm Chiến và nguồn lợi suối khoáng nóng tự nhiên, tài nguyên du lịch cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên rừng núi Mường La.
b) Phát triển các tuyến du lịch
- Tuyến du lịch trong tỉnh, liên tỉnh:
Tuyến Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu (Hòa Bình - Vạn Yên (Phù Yên) - Tà Hộc (Mai Sơn) - Thủy điện Sơn La (Mường La) - huyện Quỳnh Nhai - thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) - Lai Châu)
Tuyến du lịch quốc lộ 279; Tuyến du lịch theo đường tỉnh 109; Tuyến từ thị trấn Quỳnh Nhai đến các điểm du lịch trong khu du lịch huyện Quỳnh Nhai; Tuyến từ thị trấn Ít Ong đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Mường La và phụ cận; Tuyến du lịch khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện Thuận Châu như đèo Pha Đin,...
Tuyến du lịch thủy - bộ kết hợp: Kết nối 3 khu vực thành phố Sơn La - Quỳnh Nhai và Mường La, qua tuyến ĐT107 và QL279D, kết hợp với tuyến du lịch đường thủy Mường La - Quỳnh Nhai.
- Tuyến du lịch nội bộ khu: Tuyến du lịch đường thủy - kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm của khu du lịch; Tuyến du lịch đường thủy: Khu vực Quỳnh Nhai tới nhà máy thủy điện Sơn La tại Mường La và cảng bản Áng; Tuyến du lịch đường thủy theo lòng hồ thủy điện, kết nối 2 trung tâm dừng chân, đón tiếp khách du lịch tại thị trấn Ít Ong và Mường Giàng; Tuyến du lịch thể thao mạo hiểm, vượt ghềnh thác, khám phá thiên nhiên chủ yếu tập trung ở các khu vực núi cao, sông suối, khu bảo tồn tự nhiên.
7. Phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch
- Cơ sở lưu trú: Lưu trú cao cấp (khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập) và hệ thống thể thao, vui chơi giải trí cao cấp, dịch vụ phụ trợ… tập trung phát triển tại xã Mường Giàng huyện Quỳnh Nhai, xã Ngọc Chiến huyện Mường La. Ngoài ra, phát triển các loại hình khách sạn 2 - 3 sao, lưu trú nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, Nhà nghỉ cộng đồng, homestay, framstay,...
- Cơ sở ăn uống: Hệ thống các nhà hàng cao cấp tại khu vực ven hồ, tập trung tại khu vực lòng hồ khu vực huyện Quỳnh Nhai, khu vực nghỉ dưỡng cao cấp Ngọc Chiến, đô thị Ít Ong; Hệ thống các cơ sở ăn uống, nhà hàng, khu ẩm thực, khu ăn uống ngoài trời tại trung tâm dịch vụ du lịch; khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; Hệ thống nhà hàng kết hợp nhà nghỉ homestay tại khu các điểm du lịch cộng đồng.
- Cơ sở vui chơi giải trí, thể thao: Hệ thống khu vui chơi giải trí vừa và nhỏ phát triển tại khu du lịch, các trung tâm dịch vụ du lịch Mường Giàng, Ít Ong, Nậm Chiến; Sân golf tại khu vực Khu du lịch lòng hồ Sơn La; Trung tâm vui chơi giải trí lớn, khu vui chơi giải trí cao cấp tại khu vực ven hồ huyện Quỳnh Nhai; ....
8. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch
a) Hệ thống giao thông
- Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường huyết mạch phục vụ phát triển du lịch: Quốc lộ 279, Quốc lộ 279D, Quốc lộ 6B, Đường tỉnh 106, Đường tỉnh 107, Đường tỉnh 107B, Đường tỉnh 107C, Đường tỉnh 107D, Đường tỉnh 109, Đường tỉnh 110, Đường tỉnh 116, Đường tỉnh 119 và các tuyến đường huyện.
- Bến xe khách: Giữ nguyên 01 bến xe khách huyện Quỳnh Nhai, Nâng cấp 01 bến xe khách huyện Mường La từ loại IV lên loại II, xây mới 09 bến xe khách.
- Bãi đỗ xe: Đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung tại các khu, điểm du lịch và các khu bến cảng, bến thuyền đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Quy hoạch 11 bãi đỗ xe tĩnh.
- Bến cảng: Nâng cấp 03 bến cảng thành cảnh hàng hóa, nâng cấp 02 bến cảng thành cảng chuyên dùng.
b) Hạ tầng kỹ thuật khác
- Cấp điện: Nâng cấp, mở rộng công suất 02 thủy điện: Thủy điện Sơn La mở rộng 800MW, Thủy điện Huội Quảng mở rộng 260MW. Quy hoạch mới 01 trạm biến áp 110KV Quỳnh Nhai với công suất 2x25MVA, đến năm 2050 nâng cấp công suất lên 2x40MVA. Quy hoạch 02 thủy điện quy hoạch đấu nối. Quy hoạch 02 tuyến đường đường dây 220KV và đường dây 110KV.
- Cấp nước: Đầu tư xây dựng 06 trạm cấp nước với tổng công suất 21.600m3/ngđ, nâng cấp 02 trạm cấp nước với tổng công suất 7.600m3/ngđ. Giữ nguyên hiện trạng trạm cấp nước Bệnh viện (huyện Mường La) với công suất 500 m3/ngđ.
- Vệ sinh môi trường: Đầu tư xây dựng mới 04 nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp 01 khu xử lý chất thải rắn Quỳnh Nhai, xây dựng mới bãi rác các xã Cà Nàng, Chiềng Khay, Mường Chiên, Mường Giôn, Mường Giàng, Mường Sại, Nậm Ét, Hua Trai, Nậm Păm với tổng quy mô 10,34ha.
- Thông tin truyền thông: Hệ thống thông tin truyền thông được cải tạo, xây dựng mới theo Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn khu du lịch.
9. Đầu tư phát triển du lịch
TT | Danh mục ưu tiên đầu tư | Tổng VĐT (tỷ đồng) | Nguồn vốn | |
Ngân sách nhà nước | Xã hội hóa | |||
I | CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2026 - 2030 | 575 | 112 | 463 |
1 | Dự án khu điều dưỡng chữa bệnh nước khoáng nóng Hua Ít | 45 |
| 45 |
2 | Dự án du lịch văn hóa tâm linh tại bán đảo bản Pom Mỉn | 60 |
| 60 |
3 | Dự án khu thể thao nước và leo núi bờ Tây xã Pá Ma - Pha Khinh | 150 |
| 150 |
4 | Dự án khu nghỉ dưỡng cuối tuần xã Chiềng Lao | 150 |
| 150 |
5 | Bản du lịch cộng đồng Pom Mỉn (Quỳnh Nhai) | 6 | 6 |
|
6 | Bản du lịch cộng đồng Mường Trai | 6 | 6 |
|
7 | Bản du lịch cộng đồng Chẩu Quân (Quỳnh Nhai) | 5 | 5 |
|
8 | Tu bổ di tích lịch sử cách mạng cây đa Pắc Ma | 5 |
| 5 |
9 | Tu bổ di tích đồn Pom Pát | 15 |
| 15 |
10 | Xây dựng bến thuyền du lịch Bản Dáng, xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai | 10 |
| 10 |
11 | Xây dựng bến thuyền du lịch Mường Trai, huyện Mường La | 15 |
| 15 |
12 | Xây dựng hệ thống giao thông vào các bến thuyền du lịch | 75 | 75 |
|
13 | Dự án tuyên truyền quảng bá du lịch | 15 | 9 | 6 |
14 | Dự án xây dựng thương hiệu du lịch | 8 | 5 | 3 |
15 | Dự án phát triển nguồn nhân lực | 10 | 6 | 4 |
II | CÁC DỰ ÁN ĐỀ XUẤT MỚI (GIAI ĐOẠN 2026-2030) | 20.923 | 21 | 20.902 |
1 | Bản du lịch cộng đồng Nậm Nghiệp (Mường La) | 7 | 7 |
|
2 | Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Chiềng Lao (vịnh Chiềng Lao) | 4.306 |
| 4.306 |
3 | Khu du lịch sinh thái Chiềng Khay | 5.544 |
| 5.544 |
4 | Dự án du lịch lòng hồ Sơn La | 11.052 |
| 11.052 |
5 | Bản du lịch cộng đồng Huổi Pha (Quỳnh Nhai) | 7 | 7 |
|
6 | Bản du lịch cộng đồng bản Ít, xã Nặm Păm (Mường La) | 7 | 7 |
|
7 | Đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật |
| Theo quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà |
10. Hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia
- Xây dựng hồ sơ đề xuất vùng lòng hồ Sơn La trở thành khu du lịch tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, phù hợp với quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đang được xây dựng.
- Định hướng phát triển bổ sung các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đảm bảo phục vụ 500.000 lượt khách, đặc biệt chú trọng các cơ sở có quy mô lớn, phục vụ đối tượng khách cao cấp.
- Định hướng đầu tư xây dựng cơ sở vui chơi, giải trí và dịch vụ chăm sóc sức khỏe gắn với du lịch.
- Đầu tư phát triển cơ sở lưu trú cao cấp, cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên.
- Xây dựng nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch.
- Đầu tư hệ thống biến chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan.
- Mở rộng và nâng cao năng suất hệ thống thu gom và xử lý rác thải.
- Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, tăng số lượng nhân lực làm vệ sinh môi trường.
- Xây dựng đội bảo vệ, cứu nạn.
- Thành lập Ban quản lý, công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch.
- Thành lập bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch, có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.
- Đầu tư nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm.
- Áp dụng biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
11. Lộ trình thực hiện Đề án
- Năm 2022: Phê duyệt và công bố Đề án.
- Năm 2023 - 2024: Trình Bộ VHTTDL bổ sung Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia.
- Năm 2024 - 2025: Lập Quy hoạch tổng thể, qui hoạch chung, quy hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết.
- Năm 2024 -2030: Kêu gọi thu hút đầu tư theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
- Năm 2026-2030: Triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật và đầu tư dự án cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư đảm bảo đạt các tiêu chí trở thành khu du lịch quốc gia.
- Sau năm 2030: Lập hồ sơ công nhận Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chịu trách nhiệm công bố và phổ biến Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai các nội dung Đề án đảm bảo kịp thời, hiệu quả và chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc, phát sinh (nếu có) về UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
c) Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát các tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |