Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2743/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 07 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ CƯA XẺ GỖ TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2017

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 ;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1599/SNN-CCLN ngày 28/9/2015,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015 - 2017 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu

- Bố trí hợp lý hệ thống cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động hợp pháp và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương.

- Góp phần bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng đặc biệt là rừng tự nhiên một cách có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán và chế biến lâm sản trái phép.

- Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển sản xuất

- Gia tăng giá trị gỗ rừng trồng thông qua chế biến, góp phần phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

2. Nguyên tắc

- Đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, có nguồn nguyên liệu hợp pháp.

- Ưu tiên, khuyến khích đưa vào quy hoạch các cơ sở đã nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện tốt quy định của pháp luật trong hoạt động; các cơ sở cưa xẻ gỗ kết hợp sản xuất hàng mộc dân dụng phục vụ nhu cầu của nhân dân hoặc sản xuất hàng mộc có đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, sản phẩm có khả năng cạnh tranh được trên thị trường.

- Hạn chế các cơ sở chỉ đơn thuần kinh doanh cưa xẻ gỗ không có chế biến hàng mộc. Không quy hoạch các cơ sở cưa xẻ gỗ ở những địa bàn giáp ranh rừng tự nhiên, các vùng trọng điểm có khai thác gỗ rừng tự nhiên bất hợp pháp, những cơ sở không chấp hành các quy định về hoạt động kinh doanh, những cơ sở vi phạm pháp luật.

- Không quy hoạch các cơ sở cưa xẻ gỗ không đảm bảo được nguồn nguyên liệu hợp pháp, không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn lao động.

3. Tiêu chuẩn và đối tượng

- Đối tượng quy hoạch lần này là những địa điểm, địa bàn có khả năng đáp ứng đủ về nguyên liệu, có nhu cầu phát triển ngành nghề cưa xẻ, chế biến gỗ và đã được UBND các huyện, thành phố, thị xã, thống nhất đề xuất.

- Tiêu chuẩn đối với các cơ sở cưa xẻ gỗ: Có nguồn nguyên liệu hợp pháp cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với nguyên tắc quy hoạch và định hướng sản phẩm chế biến; đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường; có hệ thống máy móc, thiết bị phù hợp với mục tiêu sản xuất kinh doanh và định hướng sản phẩm chế biến. ưu tiên các cơ sở có máy móc thiết bị tiên tiến.

4. Số lượng

Số lượng cơ sở cưa xẻ gỗ giai đoạn 2015 - 2017 phân bố theo các huyện, thị xã và thành phố như sau:

TT

Địa phương

Tổng số

Số cơ sở được giữ lại

Số cơ sở bổ sung

1

Tp. Đồng Hới

43

33

10

2

H. Tuyên Hóa

46

35

11

3

H. Minh Hóa

25

19

6

4

H. Lệ Thủy

51

39

12

5

H. Quảng Ninh

33

25

8

6

H. Bố Trạch

90

69

21

7

H. Quảng Trạch

18

12

6

8

Tx. Ba Đồn

23

15

8

Tổng

329

247

82

(Chi tiết số lượng cơ sở cưa xẻ gỗ của từng địa phương có các biểu đính kèm).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở cưa xẻ gỗ đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc quản lý quy hoạch của các địa phương, hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ;

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn theo quy định Pháp luật và theo các nội dung của Quyết định này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp được quy hoạch trong mạng lưới quy hoạch cơ sở cưa xẻ gỗ của tỉnh giai đoạn 2015- 2017 theo đúng ngành nghề cưa xẻ gỗ, chế biến lâm sản, gia công hàng mộc, mộc mỹ nghệ theo đúng quy định, thu hồi giấy phép kinh doanh nếu doanh nghiệp không chấp hành các quy định của pháp luật.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá các yếu tố liên quan tác động đến môi trường của các cơ sở cưa xẻ gỗ theo quy định của pháp luật. Kiểm tra và đề nghị với các ngành liên quan thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh nếu cơ sở cưa xẻ gỗ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

4. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ giai đoạn 2015 - 2017 đã được phê duyệt về tận địa bàn các xã, phường, thị trấn để thống nhất thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng được quy hoạch để chế biến, tiêu thụ gỗ và lâm sản trái phép dưới bất kỳ hình thức nào. Có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tiến hành rà soát, loại bỏ những cơ sở nằm ngoài quy hoạch, đặc biệt là những cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh, có biện pháp để yêu cầu những cơ sở nằm ngoài quy hoạch phải ngừng hoạt động.

- Căn cứ nội dung và số lượng các cơ sở cưa xẻ gỗ quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng theo thẩm quyền cấp/thu hồi giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh hoặc xác nhận để cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh cho các cơ sở cưa xẻ gỗ được quy hoạch. Tổng hợp danh sách các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (kèm hồ sơ) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi.

5. Đối với các cơ sở cưa xẻ gỗ

- Có đơn đề nghị thành lập cơ sở cưa xẻ gỗ, cam kết chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không mua bán và cưa xẻ gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, chấp hành sự kiểm tra, giám sát và xử lý của các cơ quan có thẩm quyền;

- Chứng minh có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định và hợp pháp cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở;

- Xây dựng phương án tổ chức sản xuất phải gắn cưa xẻ gỗ với chế biến các mặt hàng gỗ tạo giá trị sản phẩm cao hơn;

- Cam kết và thực hiện yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong quá trình sản xuất.

- Có hệ thống máy móc, thiết bị phù hợp với mục tiêu sản xuất kinh doanh. Ưu tiên các cơ sở có máy móc thiết bị tiên tiến;

- Cơ sở phải được xây dựng tại các địa điểm theo quy hoạch của các địa phương. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh phải có giải pháp xử lý chất thải, giảm tiếng ồn, khói bụi để không ảnh hưởng hoặc có tác động xấu đến môi trường xung quanh có người dân sinh sống;

- Phải đăng ký danh sách lao động, công nhân kỹ thuật, vật tư trang thiết bị, bảo hộ lao động tại cơ sở để quản lý.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu VT, CVNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuân

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN