NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 276/1997/QĐ-NH9 | Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 1997 |
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ; cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo; Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính ngân hàng Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định đối với công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước được cử đi đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 262/QĐ/NH9 ngày 25-10-1994 về việc ban hành quy định tạm thời chế độ đi học đối với công chức - viên chức ngành Ngân hàng.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Thống đốc, Cục trưởng Cục Quản trị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế toán Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng. Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và cán bộ được cử đi học chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC - VIÊN CHỨC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo QĐ số 276/QĐ-NH9 ngày 14-8-1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Công chức, viên chức thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc và Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng được cử đi học tại các cơ sở đào tạo trong nước, ngoài nước, theo loại hình đào tạo cơ bản (hình thức tập trung hoặc tại chức) và bồi dưỡng bổ túc kiến thức.
Công chức - viên chức Ngân hàng Nhà nước có đủ các điều kiện sau sẽ được xem xét cử đi học:
2.1- Điều kiện chung: Có quá trình công tác và phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng phát triển, chương trình đào tạo phù hợp nghiệp vụ chuyên môn đang làm, đủ tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định cụ thể của cơ sở đào tạo cho từng khoá học.
2.2- Đối với các khoá đào tạo cơ bản phải có thời gian công tác trong ngành từ 5 năm trở lên không kể thời gian tập sự.
2.3- Những đối tượng đang làm hợp đồng ngắn hạn dưới 6 tháng không được tham dự các khoá đào tạo.
Điều 3. Quyền lợi của người đi học:
3.1- Về thời gian:
- Được cơ quan bố trí nghỉ công tác để ôn thi, học tập, thực tập, viết luận án theo thông báo của cơ sở đào tạo.
- Những trường hợp tự học ngoài giờ hành chính, nếu nội dung học tập phù hợp với công việc chuyên môn, sẽ được cơ quan bố trí thời gian ôn tập và dự thi cuối khoá.
3.2- Về chi phí học tập và quyền lợi khác:
3.2.1- Đối với công chức, viên chức tham gia các khoá đào tạo tập trung trong nước và đi học ở nước ngoài được thực hiện theo chế độ nhà nước quy định.
3.2.2- Đối với công chức, viên chức tham gia các khoá đào tạo tại chức và bồi dưỡng kiến thức được cơ quan thanh toán các khoản sau:
- Các chi phí liên quan trực tiếp đến học tập gồm: Chi phí đi lại, tiền học phí, lệ phí thi và bảo vệ luận án tốt nghiệp, tài liệu chính khoá theo phiếu thu của cơ sở đào tạo;
- Chi phí in bản tóm tắt công trình khoa học gửi xin ý kiến và đóng quyển lần cuối:
- Tiền ở theo chế độ quy định;
- Được hưởng lương, các khoản phụ cấp theo lương, tiền thưởng, tiền ăn trưa trong thời gian đi học.
3.2.3 - Những công chức, viên chức tự nâng cao trình độ, tham dự các khoá học ngoài giờ hành chính, nếu nội dung học tập thiết thực phù hợp công tác chuyên môn đang làm hoặc sẽ được phát triển trong tương lai thì được cơ quan xem xét và thanh toán một phần tiền học phí.
3.2.4 - Công chức, viên chức lãnh đạo đi học tập trung từ 3 tháng trở lên sẽ không được hưởng phụ cấp chức vu theo quy định trong thời gian đi học.
3.2.5 - Những trường hợp đi học theo nguyện vọng cá nhân,không phải do nhu cầu công tác nhưng được cơ quan cho nghỉ không lương để đi học thì phải tự túc toàn bộ chi phí trong thời gian học. Nếu là lãnh đạo và thời gian đi học tập trung từ 4 tháng trở lên sẽ thôi giữ chức vụ, khi về cơ quan sẽ xem xét, bổ nhiệm lại nếu có nhu cầu.
Điều 4. Nghĩa vụ của người đi học:
4.1 - Công chức - viên chức được cử đi học phải có bản cam kết hoàn thành chương trình học tập, phục vụ cho ngành sau khi kết thúc khoá học;
4.2 - Kết thúc mỗi đợt tập trung học tập phải báo cáo kết quả học tập cho đơn vị:
4.3 - Phải chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành.
Điều 5. Bồi hoàn chi phí đào tạo:
5.1 - Khi chưa hết thời hạn công tác theo cam kết đã ký khi xin đi học, nếu cá nhân xin chuyển công tác hoặc xin thôi việc không có lý do chính đáng thì phải bồi hoàn toàn bộ hoặc một phần chi phí trong quá trình đào tạo. Chi phí bồi hoàn gồm:
- Chi phí đi lại, tiền ở, tiền học phí, tiền tài liệu và các chi phí đào tạo khác đã được thanh toán hoặc được hưởng theo quy định trong thời gian học tập.
5.2 - Kết thúc khoá học, nếu do nguyên nhân chủ quan không đạt yêu cầu phải bồi hoàn lại chi phí trong quá trình đào tạo. Chi phí bồi hoàn chỉ tính các chi phí phải nộp cho cơ sở đào tạo và đã được cơ quan thanh toán.
Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị:
6.1- Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo:
- Quản lý cán bộ được cử đi học tập trung trong nước và đi học ở nước ngoài từ 1 năm trở lên:
- Tiếp nhận và bố trí công việc hợp lý cho cán bộ đã được đào tạo trở về cơ quan công tác;
- Xác nhận và đề nghị cơ quan thanh toán các khoản chi phí học tập cho cán bộ Ngân hàng Nhà nước Trung ương được cử đi học.
6.2- Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng bổ túc kiến thức ghi trong kế hoạch đào tạo đã được Thống đốc phê duyệt, quản lý học viên về học theo quy định của cơ sở đào tạo.
6.3- Vụ Kế toán tài chính có trách nhiệm ban hành, hướng dẫn, quản lý các định mức chi tiêu cho các đối tượng được cử đi học.
6.4- Đơn vị cử người đi học có trách nhiệm:
- Cử cán bộ đi học hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định lựa chọn theo đúng tiêu chuẩn quy định;
- Thực hiện chi tiêu đúng chế độ nhà nước và của ngành quy định, trong phạm vi hạn mức kinh phí dành cho đào tạo đã được phê duyệt:
- Theo dõi quản lý số cán bộ của đơn vị được cử đi học các khoá bồi dưỡng, đi học dài hạn theo hình thức tại chức trong nước.
Điều 7. Việc sửa đổi quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.