Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 278/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 02 tháng 10 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ SỬ DỤNG KINH PHÍ CỨU ĐÓI HÀNG NĂM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Nghị định số: 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ ban hành về chính sách cứu trợ xã hội;

Theo đề nghị tại Tờ trình số: 39/LĐ-TBXH-TCVG ngày 18/8/2000 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản "Quy định tạm thời về sử dụng kinh phí cứu đói hàng năm".

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quvết định này trên phạm vi toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lập nguồn kinh phí, thu nợ của dân vay cứu đói từ năm 1995 đến nay; Tổ chức cho dân vay cứu đói kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách; Cấp phát nguồn kinh phí cứu đói, thanh quyết toán kịp thời đúng quy định.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

TM. UBND TỈNH L ÀO CAI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

“VỀ VIỆC SỬ DỤNG KINH PHÍ CỨU ĐÓI HÀNG NĂM”
(Ban hành kèm theo quyết định số 278/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2000)

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Nhằm đáp ứng nhanh chóng, kịp thời việc cứu trợ xã hội, giúp đỡ các hộ đói nghèo trong cộng đồng đang gặp khó khăn; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống nhân dân.

Đồng thời đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành các cơ quan, đoàn thể trong việc chăm lo đến đời sống nhân dân biểu hiện sự thương yêu đùm bọc, tính nhân văn của người Việt Nam " Lá lành đùm lá rách".

2. Đảm bảo dân chủ, phù hợp với tình hình xã hội và hợp với lòng dân.

II. ĐỐI TƯỢNG CỨU ĐÓI:

Là những hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu sinh sống thường trú tại tỉnh Lào Cai. Trong sản xuất đã có cố gắng, nhưng do thiên tai, rủi ro và những nguyên nhãn bất khả kháng, gia đình và bản thân họ lâm vào cảnh thiếu đói, tự họ không thể vượt qua được, cần có sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Khi cho vay cứu đói chỉ tính thu đủ giá trị bằng tiền tại thời điểm cho vay và không tính lãi đối với người vay.

III. HÌNH THỨC VÀ MỨC CỨU ĐÓI:

Hình thức cứu đói: Cho vay bằng tiền và bằng hiện vật (gạo).

Mức cho vay cứu đói theo quy định: 10kg/khẩu/tháng.

IV. NGUỒN KINH PHÍ:

Kinh phí cứu đói nằm trong ngân sách các huyện thị xã và được hình thành từ các nguồn sau:

1. Tiền, vật chất ủng hộ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài.

2. Tiền, vật chất thu nợ vay cứu đói của dân từ những năm trước.

3. Kết dư năm trước chuyển sang (phần cứu đói của năm trước chi chưa hết).

4. Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung cân đối qua ngân sách các Huyện, Thị xã.

V. SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ CỨU ĐÓI

1. Kinh phí cứu đói được lập ở Huyện, Thị xã (gọi chung là huyện) chỉ dùng vào việc cứu đói cho nhân dân. Theo các đối tượng và mức cứu đói đã được quy định tại điểm II, III.

2. Chủ tịch UBND Huyện, căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định cho vay bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Nếu bằng hiện vật phải xác định giá trị tại thời điểm cho vay.

3. Quy định thời hạn cho vay cứu đói cụ thể không quá 12 tháng. Nếu vì lý do khách quan, chủ quan thì được gia hạn không quá 06 tháng.

4. Toàn bộ nguồn kinh phí cứu đói hình thành ở mục IV, đều phải thanh quyết toán theo chế độ quy định của Nhà nước. Hàng năm các Huyện, lập kế hoạch và dự toán gửi về Sở Tài chính Vật giá để tổng hợp trình Tỉnh quyết định.

5. Hàng năm phòng Tổ chức Lao động Huyện, phối hợp với phòng Tài chính Thương nghiệp lập dự toán chi tiết và xét duyệt, quyết toán kinh phí cứu đói trình UBND và HĐND Huyện quyết định, đồng thời gửi dự toán, quyết toán về Sở Lao động - TBXH và Sở Tài chính Vật giá để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh.

6. Về xét duyệt cho vay cứu đói: Đối tượng xin vay cứu đói phải có đơn, được xác nhận từ thôn, bản, tổ dân phố hoặc danh sách do trưởng thôn, bản lập (có chữ ký hoặc điểm chỉ của hộ xin vay để cứu đói). UBND Xã, Phường xét duyệt gửi lên phòng Tổ chức Lao động - TBXH Huyện, tổng hợp trình UBND Huyện quyết định. Việc xin vay cứu đói phải có cam kết trả nợ, không được dây dưa kéo dài.

VI. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN:

1. Đối với UBND các Xã, Phường, Thị trấn:

- Thường xuyên nắm vững diễn biến đời sống của nhân dân, tìm mọi biện pháp vận động nhân dân trong địa phương tự giúp đỡ các hộ đói. Không để xảy ra người bị đói và chết đói.

- Lập kế hoạch đề nghị cấp trên cứu đói cho các gia đình, cá nhân quá khó khăn mà Xã, Phường, không tự giải quyết được.

- Chủ tịch UBND Xã, Phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức xét duyệt kịp thời đơn xin vay cứu đói tổ chức thực hiện cứu đói cho dân, tiến hành thu nợ theo danh sách đã được UBND Huyện, quyết định cho vay.

2. Đối với UBND các Huyện, Thị xã:

- Hàng năm xây dựng kế hoạch hình thành nguồn kinh phí cứu đói báo cáo UBND tỉnh (Qua Sở Lao động - TBXH và Sở Tài chính Vật giá).

- Căn cứ vào tình hình cứu đói tại địa phương, quyết định kịp thời cho dân vay cứu đói. (Đồng gửi báo cáo UBND tỉnh qua Sở Lao động - TBXH).

- Chỉ đạo các ngành trong Huyện, tổ chức xét duyệt cho vay cứu đói, thu nợ, thanh quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước.

- Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những ngươi tích cực. Xử lý nghiêm khắc với những người lợi dụng nguồn kinh phí cứu đói vào mục đích khác.

- Hàng tháng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Tài chính vật giá:

- Có trách nhiệm hướng dẫn lập dự toán, kiểm tra việc xử dụng nguồn kinh phí cứu đói, thanh quyết toán nguồn kinh phí cứu đói, theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

- Căn cứ vào dự toán xin bổ xung nguồn kinh phí cứu đói của cấp Huyện, và khả năng ngân sách của địa phương tổng hợp báo cáo Tỉnh bổ xung kinh phí cứu đói cho các Huyện theo kế hoạch hàng năm.

4. Sở Lao động -TBXH:

- Chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh về quản lý Nhà nước việc cứu đói đung đối tượng. Kiểm tra, giám sát việc lập nguồn, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cứu đói cho dân đúng đối tượng, đúng chính sách.

- Phối hợp với Sở Tài chính Vật giá, UBND các Huyện, đề xuất với UBND Tỉnh về chính sách đối với cán bộ đi thu hồi nợ của dân cũng như đối với những hộ do nguyên nhân bất khả kháng cần được hoãn nợ, giảm nợ và xóa nợ từ nguồn kinh phí vay để cứu đói.

VII. KHOẢN THI HÀNH:

- Quy định này có hiệu lực từ ngày ký, các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

- Giao cho Sở Lao động - TBXH , Sở Tài chính Vật giá hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định này.