Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2795/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC, PHIÊN BẢN 2.0

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Căn cứ Văn bản số 1188/THH-CSCNTT ngày 27/8/2020 của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông về ý kiến Dự thảo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0;

Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 62/TTr-STTTT ngày 15/10/2020 về việc phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0, với những nội dung chính sau:

1. Mục đích

- Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai Chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; bảo đảm tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí; là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

- Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0 là bổ sung, cập nhật cho Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 1.0, bảo đảm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 và phù hợp với sự phát triển của Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

- Xây dựng Chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, hướng tới các hoạt động hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

- Phấn đấu đưa tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố trong cả nước có kết quả cao về chỉ số đánh giá xây dựng Chính quyền điện tử.

2. Phạm vi áp dụng

Kiến trúc Chính quyền điện tử này áp dụng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan để làm cơ sở triển khai chính quyền điện điện tử tỉnh.

Khuyến khích các cơ quan và tổ chức khác áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử này để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của mình nhằm bảo đảm tính kết nối, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Sơ đồ tổng thể chính quyền điện tử tỉnh và các kiến trúc thành phần

- Trên cơ sở hướng dẫn Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0 được mô tả như sau:

Mô tả các thành phần trong sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh:

Tên thành phần

Mô tả thành phần

Người sử dụng

Có 2 nhóm người sử dụng chính:

a) Nhóm người dân, doanh nghiệp là những cá nhân, tổ chức sử dụng các dịch vụ do tỉnh cung cấp như: Đọc, tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử; tra cứu, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do tỉnh cung cấp thông qua Cổng dịch vụ công; sử dụng các dịch vụ khác mà tỉnh cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.

b) Nhóm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; các nghiệp vụ nội bộ của tỉnh và các công việc được giao khác.

Kênh giao tiếp

Cung cấp các kênh giao tiếp như sau để phục vụ người sử dụng nêu trên:

a) Qua môi trường Internet: Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử của tỉnh và các cổng thông tin điện tử thành phần; Hệ thống xử lý nghiệp vụ; Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thông qua các thiết bị như: Máy tính; thiết bị di động; Kiosk,...

b) Ngoài môi trường Internet: Các kênh thoại, SMS hoặc trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa.

Kỹ thuật - công nghệ

Gồm có:

a) Phần cứng: máy tính, thiết bị lưu trữ, hạ tầng truyền dẫn LAN, WAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng, Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh;

b) Công nghệ nền tảng có: ảo hóa, dữ liệu lớn, LGSP;

c) Phần mềm có: Các phần mềm của tỉnh được đặt trên các hạ tầng phần cứng (hoặc ảo hóa); các phần mềm bảo đảm an toàn thông tin.

An toàn thông tin

Bảo đảm an toàn thông tin là thành phần xuyên suốt và thống nhất. Bảo đảm an toàn thông tin tại địa phương có:

a) Triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ;

b) Triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng;

c) Các phương án bảo đảm an toàn thông tin.

Chỉ đạo, chính sách

a) Chỉ đạo: Chỉ đạo, điều phối sự phối hợp, giải quyết các xung đột, vấn đề phát sinh giữa các cơ quan trong tỉnh, đặc biệt là các dự án dùng chung cấp tỉnh;

b) Tổ chức: Cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ các bên liên quan và quy trình để tổ chức triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc;

c) Chính sách: Các chính sách, quy định, quy chế, tiêu chuẩn có tính đặc thù của tỉnh phục vụ việc triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc;

d) Tuyên tuyền, đào tạo: Thực hiện hướng dẫn, đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng của công chức, viên chức, tổ chức, công dân trong triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, đối tượng thụ hưởng của các dịch vụ, ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc.

- Các kiến trúc thành phần của Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc gồm: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu; kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin.

(Chi tiết Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0, xem tại hồ sơ kèm theo Tờ trình số 62/TTr-STTTT ngày 15/10/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc giúp UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0 bảo đảm đồng bộ với Chính phủ và thống nhất 3 cấp chính quyền, từ tỉnh đến huyện, đến xã trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Giao nhiệm vụ cho 01 đồng chí Lãnh đạo Sở phụ trách Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc.

- Tổ chức công bố công khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện các nội dung của Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

- Là đơn vị đầu mối hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, đánh giá công tác triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, báo cáo UBND tỉnh lồng ghép trong báo cáo định kỳ các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử tỉnh hàng tháng, hàng quý và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Chủ trì, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các hoạt động Chính quyền điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc dựa trên Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0.

- Chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.

- Chủ trì xây dựng nền tảng tích hợp Chính quyền điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ trì việc triển khai tích hợp dịch vụ, ứng dụng đối với các hệ thống thông tin của tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chủ trì nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm dữ liệu tỉnh Vĩnh Phúc; xây dựng danh mục dùng chung và kho dữ liệu của tỉnh Vĩnh Phúc vận hành Chính quyền điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc.

- Thẩm định sự phù hợp của các kế hoạch, dự án ứng dụng công nghệ thông tin với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc.

- Xây dựng, cập nhật và duy trì kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, trình UBND tỉnh điều chỉnh kiến trúc nếu cần thiết.

- Đôn đốc việc triển khai các kế hoạch, dự án ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông cân đối ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn bảo đảm đủ kinh phí thực hiện Kiến trúc theo đúng tiến độ đề ra. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo đúng quy định hiện hành, thẩm định dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.

- Là đầu mối phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành và địa phương xây dựng các chính sách huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư cho phát triển CNTT.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất, hướng dẫn, thẩm định các chương trình, đề cương và dự toán chi tiết, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, dự án,… liên quan đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn bảo đảm đủ kinh phí thực hiện Kiến trúc theo đúng tiến độ đề ra. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương các quy định về quản lý tài chính; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn huy động trong thực hiện Kiến trúc.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện giám sát bảo đảm các nội dung đầu tư trong Kiến trúc đồng bộ, phù hợp với các quy chuẩn công nghệ. Đề xuất trích nguồn ngân sách khoa học công nghệ của tỉnh hàng năm để triển khai một số nhiệm vụ trong Kiến trúc Chính quyền điện tử.

6. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức trong công tác tham mưu triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, đáp ứng khả năng quản trị, vận hành và sử dụng có hiệu quả các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước.

7. Các Sở, ban, ngành, địa phương: Chủ trì tham mưu, đề xuất xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, bảo đảm phù hợp, tuân thủ với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn