Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2006/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN DI TRUYỀN NÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Vị trí chức năng

1. Viện Di truyền Nông nghiệp được thành lập theo điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định số 220/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

2. Viện Di truyền Nông nghiệp là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có định hướng và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực di truyền và công nghệ sinh học nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Ngành.

3. Viện Di truyền Nông nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, được sử dụng con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch Quốc tế tiếng Anh của Viện là: Agricultural Genetics Institute, viết tắt là AGI.

Trụ sở chính của Viện đặt tại huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ của Viện

1. Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực di truyền và công nghệ sinh học dài hạn, năm năm và hàng năm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực:

a) Quy luật di truyền và biến dị ở mức độ phân tử, tế bào, cá thể và quần thể trên cây trồng và vi sinh vật;

b) Ứng dụng công nghệ ADN tái tổ hợp và công nghệ na nô để phân tích genome thực vật;

c) Ứng dụng phương pháp di truyền và công nghệ sinh học để đa dạng nguồn gen, tạo vật liệu khởi đầu phục vụ công tác chọn, tạo giống cây trồng và vi sinh vật;

d) Phát triển và ứng dụng tin sinh học để xây dựng cơ sở dữ liệu hệ gen cây trồng và vi sinh vật: bản đồ gen, trình tự gen, chức năng gen, cây trồng biến đổi gen, sản phẩm biến đổi gen;

đ) Ứng dụng giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ môi trường sinh học nông nghiệp, đa dạng sinh học và an toàn sinh học.

3. Thực hiện nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, khuyến nông thuộc lĩnh vực di truyền và công nghệ sinh học.

4. Thực hiện hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực di truyền và công nghệ sinh học nông nghiệp với các tổ chức và cá nhân nước ngoài theo quy định của Nhà nước.

5. Liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực được giao với các tổ chức trong nước theo quy định của pháp luật.

6. Sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

7. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, kinh phí, tài sản được giao đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

 1. Lãnh đạo Viện: Viện Di truyền Nông nghiệp có Viện trưởng và các Phó Viện trưởng.

a) Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện.

b) Phó Viện trưởng do Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được Viện trưởng phân công.

2. Các phòng nghiệp vụ giúp Viện trưởng thực hiện nhiệm vụ:

a) Phòng Tổ chức Hành chính;

b) Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế;

c) Phòng Tài chính Kế toán.

Phòng có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng.

Tuỳ điều kiện cụ thể, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có thể quyết định thành lập phòng quản lý tổng hợp, nhưng không vượt quá số phòng nêu trên.

3. Các bộ môn nghiên cứu:

a) Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai;

b) Bô môn Công nghệ vi sinh;

c) Bộ môn Sinh học phân tử;

d) Bộ môn Bệnh học phân tử;

đ) Bộ môn Kỹ thuật di truyền;

Các bộ môn có Trưởng Bộ môn và Phó Trưởng Bộ môn.

4. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện:

a) Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Công nghệ Tế bào thực vật;

b) Trung tâm Môi trường Sinh học Nông nghiệp;

c) Trung tâm Thực nghiệm Sinh học nông nghiệp Công nghệ cao;

Phòng thí nghiệm Trọng điểm và các Trung tâm được sử dụng con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc theo ủy quyền của Viện trưởng và quy định của pháp luật.

Trung tâm có Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm.

5. Doanh nghiệp trực thuộc Viện:

a) Công ty Nấm sông Hồng: trên cơ sở Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, hiện có. Công ty là Doanh nghiệp trực thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, được sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng;

b) Công ty Sinh học Nông nghiệp Văn Giang. Công ty được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Giao Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam quy định nhiệm vụ cụ thể và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện; Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động cho các tổ chức trực thuộc Viện; đăng ký và hoạt động khoa học công nghệ của Viện với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Nhà nước.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 6. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát