Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2007/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2007 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ SERI TIỀN MỚI IN

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 81/1998/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về in, đúc, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống ngân hàng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý seri tiền mới in.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 332/1999/QĐ-NHNN6 ngày 25 tháng 9 năm 1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy trình ghi chép seri tiền, Ngân phiếu thanh toán mới in.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Giám đốc nhà máy in tiền, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận
:
- Như Điều 3;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ (2 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Lưu VP, PC, PHKQ.

KT.THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Thị Kim Phụng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ SERI TIỀN MỚI IN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2007/QĐ-NHNN ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý seri tiền mới in; được thực hiện từ khi cấp, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền tại nhà máy in tiền đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông.

2. Quy chế này được áp dụng đối với:

a) Cục Phát hành và Kho quỹ, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Kho tiền Trung ương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

b) Nhà máy in tiền.        

Điều 2. Giải thích từ ngữ

 1. Vần seri: Được ghép bởi 2 trong số 26 chữ (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z).

2. Vần phụ: Vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền thay thế những tờ tiền in hỏng.

3. Seri: Gồm vần seri và dãy số tự nhiên với số lượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được in trên mỗi tờ tiền, mỗi tờ tiền có một seri riêng.

4. Ký hiệu: Gồm các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền; việc ghi ký hiệu thực hiện theo Quy trình công nghệ in tiền của nhà máy in tiền gồm loại tiền, seri, số thứ tự bao, năm sản xuất, mã số kiểm ngân.

5. Tiền mới in: tiền nguyên bao, gói, bó, nguyên niêm phong kẹp chì của Nhà máy in tiền.

6. Nhà máy in tiền: là doanh nghiệp in tiền trong và ngoài nước thực hiện việc in tiền theo hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước.

Chương 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Cấp vần seri

1. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ quyết định cấp vần seri, vần phụ theo từng loại tiền cho nhà máy in tiền trên cơ sở số lượng tiền in theo hợp đồng in tiền ký giữa Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) với nhà máy in tiền.

2. Vần seri và vần phụ cấp cho nhà máy in tiền được thể hiện trên bảng cấp vần seri và được lưu giữ trong hồ sơ cấp vần seri của Cục Phát hành và Kho quỹ.

Điều 4. Nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền

1.Việc in seri trong quá trình in tiền được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi.

b) Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền đó, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi.

2. Quản lý seri trong quá trình in tiền của nhà máy in tiền 

a) Nhà máy in tiền thực hiện việc đóng bó, đóng gói, đóng bao theo Quy trình công nghệ của nhà máy và mở sổ ghi chép seri của từng loại tiền; bảo đảm ghi chính xác, đầy đủ các yếu tố: vần seri đã sử dụng (kể cả vần phụ), loại tiền, năm sản xuất, ký hiệu của bao, gói, bó tiền. Trường hợp in hỏng (phát hiện sau công đoạn in seri) phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế, nhà máy in tiền phải tổ chức ghi chép theo đúng quy trình công nghệ in tiền của nhà máy.

b) Tài liệu về vần seri, sổ ghi chép seri được lưu giữ tại nhà máy in tiền theo quy trình công nghệ in tiền của nhà máy.

Điều 5. Quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao nhận tiền

1. Khi giao tiền mới in cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ), nhà máy in tiền lập bảng kê seri kèm theo biên bản giao nhận (hoặc phiếu xuất). Bảng kê này được lập làm 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.

2. Giao nhận tiền trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước

a) Khi giao, nhận tiền mới in, bên giao tiền mới in có trách nhiệm lập bảng kê seri phù hợp với biên bản giao nhận (hay phiếu xuất) tương ứng. Bảng kê seri phải được ghi chép chính xác, đầy đủ các yếu tố: bên nhận, loại tiền, năm sản xuất, ký hiệu trên niêm phong của bao, gói, bó tiền mới in, số lượng.

Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, nếu phát hiện sai sót phải thông báo cho đơn vị giao để điều chỉnh theo nội dung và số liệu thực tế giao nhận.

b) Khi giao nhận tiền mới in giữa các kho tiền trung ương với nhau; giữa kho tiền trung ương với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc ngược lại): Thủ kho bên giao lập bảng kê seri theo quy định tại điểm a Khoản này, bảng kê được ghi làm 02 liên, mỗi bên giữ 01 liên.

c) Khi xuất tiền mới in từ Quỹ Dự trữ phát hành sang Quỹ Nghiệp vụ phát hành và ngược lại tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thủ kho lập bảng kê seri theo quy định tại điểm a Khoản này.

d) Khi kiểm kê Quỹ Dự trữ phát hành theo định kỳ hàng tháng và kiểm kê Quỹ Nghiệp vụ phát hành ngày cuối cùng hàng tháng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thống kê tiền mới in theo từng loại tiền (chất liệu) và theo từng mệnh giá.

3. Hàng tháng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo số lượng tiền mới in xuất từ Quỹ Nghiệp vụ phát hành vào lưu thông (xuất cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và các đối tượng khác) về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán-Tài chính) trước ngày 07 của tháng sau.

4. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu cung cấp số liệu đột xuất về tiền mới in hoặc/và yêu cầu tra cứu xuất xứ của bao, gói, bó, tờ tiền mới in, các đơn vị liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ

Điều 6. Cục Phát hành và Kho quỹ

Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ thực hiện cấp vần seri cho các nhà máy in tiền; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, nhà máy in tiền.

Điều 7. Vụ Kế toán-Tài chính

Vụ trưởng Vụ Kế toán-Tài chính hướng dẫn các đơn vị thực hiện Khoản 3 Điều 5 Quy chế này. 

Điều 8. Nhà máy in tiền

Sau khi kết thúc sản xuất mỗi loại tiền theo hợp đồng in tiền giữa nhà máy in tiền và Cục Phát hành và Kho quỹ, nhà máy in tiền tổng hợp việc sử dụng vần seri được cấp, báo cáo Cục Phát hành và Kho quỹ về tình hình sử dụng vần seri.

Điều 9. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Quy chế này.