Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2015/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ, GIẢI TỎA HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ (QUỐC LỘ, ĐƯỜNG TỈNH) VÀ ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ; Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh tại Tờ trình số 2159/TTr-SGTVT ngày 06/7/2015; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 934/BC-STP ngày 10/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ (Quốc lộ, đường tỉnh) và đường sắt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND ngày 31/3/2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành quy chế phối hợp trong công quản lý, bảo vệ, giải tỏa hành lang an đường bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh và đường tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Cục Quản lý đường bộ II; Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải (báo cáo);
- Ban ATGT Quốc gia (báo cáo);
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp (kiểm tra);
- Bí thư, các PBT Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Sở Tư pháp;
- Chánh, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, GT, GT1.
- Gửi: + VB giấy: TP không nhận bản ĐT;
+ Bản ĐT: Các TP khác.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Khánh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ, GIẢI TỎA HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ (QUỐC LỘ, ĐƯỜNG TỈNH) VÀ ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm và mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Ban chỉ đạo cấp tỉnh), các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã), các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt đóng trên địa bàn và các đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, giải tỏa, chống lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Áp dụng với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

2. Rà soát, phân loại, thống kê các công trình, cây cối nằm trong phần đất bảo vệ bảo trì đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt và các nút giao, các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông do che khuất tầm nhìn.

3. Cưỡng chế và giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

4. Bồi thường, giải tỏa đất, các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ bảo trì đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và các nút giao, các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông đo che khuất tầm nhìn nhưng chưa được bồi thường.

5. Quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối vào các quốc lộ, đường tỉnh, hệ thống đường sắt và xây dựng hệ thống đường gom phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 4. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh.

2. Kiểm tra, chỉ đạo các Sở ban ngành, các địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng quy định.

3. Chỉ đạo Tổ giúp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có liên quan.

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải

1. Phối hợp với UBND cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên các quốc lộ, đường tỉnh được giao quản lý; phối hợp với Cục Quản lý đường bộ II, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

2. Tham mưu, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

3. Thông báo cụ thể cấp kỹ thuật quy hoạch, giới hạn hành lang an toàn đường bộ của các đoạn, tuyến quốc lộ, đường tỉnh được giao quản lý; cắm đầy đủ hệ thống cột mốc lộ giới hành lang an toàn giao thông đường bộ và mốc giải phóng mặt bằng tổ chức bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý; định kỳ, có trách nhiệm duy tu, sửa chữa, thay thế cột mốc bị hư hỏng.

4. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông phát quang cây cối trong hành lang an toàn đường bộ góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đồng thời bố trí nhân lực phối hợp với Tổ cưỡng chế cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm mà không tự giác chấp hành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

5. Kịp thời báo cáo cấp trên và cấp có thẩm quyền về các vướng mắc, tồn tại trong quá trình phối hợp thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt có biện pháp xử lý, chỉ đạo giải quyết.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư,... dọc theo các tuyến đường bộ, đường sắt.

2. Khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch, xây dựng các công trình, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, cửa hàng bán lẻ xăng dầu... phải đảm bảo hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật đường sắt.

3. Tham gia hội đồng thẩm định giá trị tài sản còn lại trên đất trong phạm vi cần phải giải tỏa khi có yêu cầu của UBND các huyện, thành phố, thị xã.

4. Xây dựng phương án xã hội hóa, khai thác quỹ đất hai bên đường bộ để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom, đường tránh nhằm đảm bảo ATGT.

Điều 7. Trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

2. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, thống kê, phân loại và xử lý các tồn tại về sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

3. Kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quản lý, sử dụng hành lang đường bộ, đường sắt.

4. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

5. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc áp giá, thẩm định hồ sơ bồi thường, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

Điều 8. Trách nhiệm Công an tỉnh

Chỉ đạo công an huyện, thành phố, thị xã bố trí lực lượng tham gia Tổ công tác liên ngành cấp huyện thực hiện kế hoạch và Tổ cưỡng chế ở các địa phương; tham gia chỉ đạo việc cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

Điều 9. Trách nhiệm Sở Thông tin và Truyền thông

1. Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

2. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Trạm truyền thanh cơ sở tiếp sóng các chương trình tuyên truyền của Đài cấp trên; đồng thời sản xuất tin, bài phát trên sóng phát thanh ở địa phương.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí, phân bổ kinh phí cho công tác bồi thường, giải tỏa hành lang an toàn giao thông; vốn đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình đường bộ, đường sắt (đường gom, đường ngang, cầu vượt, công trình phụ trợ...) liên quan đến kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

Điều 12. Trách nhiệm của Ban An toàn giao thông tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch tuyên truyền và thực hiện các giải pháp tuyên truyền Kế hoạch lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh.

Điều 13. Trách nhiệm của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh

Xây dựng và phát sóng, đăng tin các chuyên đề, chuyên mục về an toàn giao thông; trong đó chú trọng công tác tuyên truyền về triển khai thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2015- 2020 của Chính phủ và UBND tỉnh.

Điều 14. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố, thị xã

1. Thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện kế hoạch giải tỏa trên địa bàn.

2. Xây dựng chương trình thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn.

3. Phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh và đơn vị liên quan, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.

4. Chỉ đạo Ban An toàn giao thông cùng cấp, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch lập lại trật tự an toàn giao thông; tổ chức vận động giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại phường xã, thôn xóm và tổ dân phố.

5. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

6. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

7. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho, đường bộ, đường sắt; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định. Có giải pháp xử lý nghiêm và triệt để đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

8. Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ rà soát phân loại và thống kê các công trình nằm trong phạm vi đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

9. Chủ trì rà soát diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức và cá nhân, có phương án thu hồi diện tích đất đã cấp.

10. Cung cấp hồ sơ giải phóng mặt bằng trên các tuyến đường đã được giải phóng trước đây.

11. Thành lập Tổ cưỡng chế giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, gồm: Chủ tịch UBND huyện, thị xã làm Tổ trưởng, Trưởng công an huyện, đại diện Cơ quan quản lý đường bộ, chủ tịch UBND cấp xã,..

12. Xây dựng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, đường sắt và phần đất do hạn chế khả năng sử dụng, thiệt hại tài sản gắn liền với đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt qua địa bàn; tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định; tổng hợp kinh phí gửi về Sở Giao thông Vận tải.

13. Tổ chức thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

14. Tiếp nhận và phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn; chỉ đạo UBND cấp xã tiếp nhận quản lý, bảo vệ phần hành lang đã giải tỏa, bảo vệ mốc lộ giới và xử lý các hành vi vi phạm.

15. Tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ, bồi thường, giải tỏa hành lang sau khi có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Điều 15. Trách nhiệm của UBND cấp xã

1. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông bộ, đường sắt, kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đến từng thôn xóm, gia đình; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, biển hiệu, cây cối vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đến từng hộ gia đình sống hai bên đường.

2. Tham gia quá trình điều tra thống kê; cung cấp hồ sơ theo dõi đất đai dọc hai bên đường đối với các tổ chức, cá nhân; chịu trách nhiệm xác nhận thời điểm xây dựng công trình trong hành lang an toàn đường bộ để phục vụ công tác thống kê, tổng hợp. Phối hợp với Tổ công tác cấp huyện, đơn vị quản lý đường bộ trong quá trình lập dự toán kinh phí giải tỏa.

3. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

4. Cử lực lượng tham gia với Tổ cưỡng chế cấp huyện và các cơ quan liên quan để thực hiện công tác cưỡng chế giải tỏa đối với các đối tượng không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

5. Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ trong quá trình cắm mốc GPMB, mốc lộ giới. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

6. Tổng hợp đất đai đã cấp qua các thời kỳ trong hành lang an toàn đường bộ để kiến nghị UBND huyện có biện pháp giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

7. Nhận và bảo quản mốc chỉ giới đường sắt. Phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt bảo vệ phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Điều 16. Trách nhiệm của các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt Trung ương trên địa bàn

1. Đối với Cục Quản lý đường bộ II

a) Phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.

b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ II.3 và các đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên các tuyến quốc lộ được giao quản lý qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

c) Kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 8, Quốc lộ 12C và đường Hồ Chí Minh theo lộ trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để bàn giao cho các địa phương quản lý.

d) Tham gia quá trình điều tra, thống kê, phân tích về đất đai, công trình, vật kiến trúc, biển hiệu, cây cối trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ và phân loại đối tượng vi phạm.

e) Bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị tham gia quá trình thực hiện giải tỏa và cưỡng chế giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

f) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường được giao quản lý về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh.

2. Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh

a) Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang đường sắt trình UBND tỉnh Hà Tĩnh thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện.

c) Tham gia quá trình điều tra, thống kê, phân tích về đất đai, công trình, vật kiến trúc, biển hiệu, cây cối trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt và phân loại đối tượng vi phạm.

d) Bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị tham gia quá trình thực hiện giải tỏa và cưỡng chế giải tỏa hành lang an toàn đường sắt.

e) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt qua địa bàn Hà Tĩnh gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Tổ chức thực hiện.

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết tốt mối quan hệ hữu quan trong quá trình thực hiện. Định kỳ 3 tháng hoặc đột xuất, các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp về Sở Giao thông vận tải (trước ngày 25 của tháng cuối quý) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, nếu có những nội dung không phù hợp với quy định mới của pháp luật, các cơ quan, đơn vị có ý kiến phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung sửa đổi cho phù hợp./.