Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2812/QĐ-UB-NCVX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG THI ĐUA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 / 6 / 1994 ;
- Căn cứ Nghị định số 53/HĐBT ngày 25/02/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác ;
- Căn cứ Chỉ thị số 46/TTg ngày 03/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác khen thưởng ;
- Căn cứ kết luận của cuộc họp Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố ngày 18/4/1996 ;
- Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành bản quy định tạm thời về công tác khen thưởng thi đua tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Quyết định này để khen thưởng thành tích và các danh hiệu thi đua từ năm 1996 trở đi. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh Văn phòng UBND thành phố, Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG THI ĐUA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định 2812/QĐ-UB-NCVX ngày 10/6/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của Nhà nước, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc cần được biểu dương khen thưởng. Nhưng những quy định hiện hành về công tác khen thưởng có nhiều điểm không còn phù hợp trong tình hình mới. Trong khi chờ Nhà nước ban hành quy định mới về công tác khen thưởng ; Căn cứ Chỉ thị số 46/TTg ngày 03/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về công tác khen thưởng ; Ủy ban nhân dân thành phố quy định tạm thời về công tác khen thưởng thi đua trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau :

I- DANH HIỆU VÀ CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG THI ĐUA:

A- CẤP NHÀ NƯỚC :

1- Danh hiệu vinh dự cấp Nhà nước gồm có :

- Anh hùng lao động.

- Anh hùng lực lượng vũ trang.

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

- Nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ... ưu tú, nhân dân.

2- Các hình thức khen thưởng có :

- Huân chương, Huy chương các loại.

- Cờ thưởng “luân lưu” và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

3- Tiêu chuẩn để xét khen thưởng :

- Căn cứ vào Nghị định 53/HĐBT ngày 25/02/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Chỉ thị 46/TTg ngày 3/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các tập thể nhỏ và các cá nhân có thành tích xuất sắc liên tục, tiêu biểu cho địa phương hoặc ngành 5 năm trở lên, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc. Khen thưởng những tập thể lớn (Quận, Huyện, Sở, Ngành) có quy định và hướng dẫn cụ thể riêng.

B- CẤP THÀNH PHỐ :

1- Danh hiệu thi đua :

Danh hiệu thi đua cấp thành phố cho các tập thể và cá nhân gồm có :

- Đơn vị xuất sắc.

- Đơn vị tiên tiến.

- Chiến sĩ thi đua.

2- Các hình thức khen thưởng có :

- Cờ “Đơn vị xuất sắc” tặng cho các tập thể có tư cách pháp nhân đã đạt danh hiệu “Đơn vị xuất sắc” và chỉ tặng cho các đơn vị dẫn đầu thi đua theo từng khối của sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố (có đóng góp tích cực cho phong trào thi đua của thành phố).

- Cờ “Truyền thống” tặng cho những đơn vị có tổ chức kỷ niệm 10 năm, 20 năm, 30 năm... ngày thành lập nhưng thành tích phải đạt là đơn vị xuất sắc cấp thành phố, được Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Bộ, Ngành Trung ương tặng cờ “Đơn vị xuất sắc” hoặc Bằng khen liên tục 5 năm, 10 năm, 15 năm gần năm kỷ niệm thành lập.

- Bằng khen : Tặng cho các tập thể đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” hàng năm, liên tục nhiều năm hoặc đạt thành tích xuất sắc đặc biệt, cụ thể và các cá nhân đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua hàng năm, đột xuất.

- Chiến sĩ thi đua thành phố tiêu chuẩn bình xét là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (sở, ngành, quận, huyện và tương đương) liên tục 5 năm. Mỗi lần được công nhận được cấp 1 giấy chứng nhận.

C- CẤP CƠ SỞ :

1- Danh hiệu thi đua cấp cơ sở tặng cho các tập thể và cá nhân gồm có :

- Đơn vị tiên tiến.

- Chiến sĩ thi đua cấp quận, huyện, sở, ngành và tương đương.

2- Các hình thức khen thưởng gồm có :

- Giấy khen : Tặng cho các đơn vị và cá nhân đạt danh hiệu thi đua tiên tiến từng năm, nhiều năm hoặc thành tích đột xuất. Kích thước bằng 4/5 Bằng khen Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở được cấp 1 giấy chứng nhận và xét mỗi năm 1 lần.

- Ủy ban nhân dân phường, xã và đơn vị cơ sở (có tư cách pháp nhân) được tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân thuộc mình quản lý. Kích thước bằng 4/5 giấy khen quận, huyện và cấp tương đương.

- Riêng một số ngành, đoàn thể nếu có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, được bình xét danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo chuyên ngành. Tiêu chuẩn và chế độ thưởng do các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương quy định.

II- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT KHEN THƯỞNG :

- Bao gồm tất cả các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, các hội quần chúng, hội nghề nghiệp, các đơn vị kinh tế tập thể, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, đơn vị liên doanh, đơn vị đầu tư nước ngoài : các công dân trong nước, ngoài nước...

- Các cơ quan Đảng và đoàn thể cùng cấp chỉ khen cho cá nhân và tập thể theo từng mặt không khen toàn diện.

III- TIÊU CHUẨN ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG :

A- ĐỐI VỚI TẬP THỂ :

1- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tiến bộ, phát triển so với năm trước, tỷ lệ tăng trưởng phải cao hơn mặt bằng tăng trưởng chung của thành phố từ 2% trở lên mới được đưa vào diện xét khen thưởng.

Ví dụ : Chỉ tiêu của thành phố từ năm 1996 đến năm 2000 phải đạt mức tăng trưởng 15%. Vậy các đơn vị nếu được Ủy ban nhân dân thành phố xét tặng Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc phải tăng so với năm trước từ 17% trở lên.

2- Thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố như tổ chức tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức tự vệ, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi sinh môi trường, an toàn lao động, tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước, các tổ chức Đảng (nếu có) và các đoàn thể phải được xếp loại từ khá trở lên, chăm lo tốt việc làm, đời sống cho người lao động v.v...

3- Có những hình thức, biện pháp, tham mưu đề xuất cải tiến quản lý phù hợp, nhằm phát huy tốt nhất năng lực hiện có.

4- Bảo đảm tốt trang thiết bị, cơ sở vật chất, vốn tài sản, thực hiện tiết kiệm không lãng phí, không vi phạm pháp luật, không có tiêu cực.

B- ĐỐI VỚI CÁ NHÂN :

1- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (năng suất, chất lượng, hiệu quả).

2- Có sáng kiến, công trình, đề tài nghiên cứu có giá trị cao, kinh nghiệm về cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, cải tiến công tác chuyên môn, đem lại hiệu quả cụ thể về kinh tế-xã hội.

3- Không vi phạm pháp luật, nội quy cơ quan, được tập thể tín nhiệm.

Đây là tiêu chuẩn quy định chung. Các ngành, các cấp, các đơn vị căn cứ theo chương trình công tác, hoặc nhiệm vụ được giao quy định cụ thể đối với các đơn vị, tập thể và cá nhân trực thuộc.

IV- NGUYÊN TẮC VÀ THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ XÉT KHEN THƯỞNG :

A- NGUYÊN TẮC CHUNG :

1- Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, xây dựng phong trào thi đua ở các đơn vị thuộc quyền mình quản lý. Theo định kỳ phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá, xét chọn những tập thể và cá nhân trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên xét khen thưởng ; công tác khen thưởng- động viên được xác định là một biện pháp trong công tác điều hành, quản lý, là một trong những nhiệm vụ của thủ trưởng các ngành, các cấp. Qua các hình thức động viên khen thưởng để xây dựng và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển đúng định hướng và lành mạnh. Các đơn vị cơ sở và cá nhân không tự đề nghị khen thưởng nhưng phải có trách nhiệm báo cáo thành tích và kết quả hoạt động lên cấp trên theo quy định để cấp trên xem xét, đánh giá thành tích, làm cơ sở để xét khen thưởng.

2- Khen thưởng phải nhằm đáp ứng yêu cầu khẳng định, ghi nhận đánh giá thành tích, công lao đóng góp của các đơn vị và cá nhân đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ; khen thưởng phải đúng đối tượng, chính xác, kịp thời và có tác dụng ; chú trọng khen thưởng những tập thể nhỏ và cá nhân có thành tích xuất sắc.

3- Thực hiện nguyên tắc khen thưởng : cấp dưới phải khen thưởng nhiều hơn cấp trên, khen càng cao thì số lượng càng ít. Thống nhất quản lý Nhà nước đối với các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, các hiện vật khen thưởng.

4- Thực hiện nguyên tắc công khai so sánh, dân chủ trong xét duyệt khen thưởng, nhưng thủ trưởng quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm đối với các đơn vị và cá nhân trực thuộc khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

B- THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG :

1- Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng gồm có :

 a- Tờ trình hoặc công văn của thủ trưởng cấp quản lý trực tiếp (Sở, Ngành, Quận, Huyện) đối với các đơn vị và cá nhân được đề nghị xét khen thưởng.

 b- Biên bản họp Hội đồng Thi đua- Khen thưởng của cấp đề nghị.

 c- Báo cáo thành tích (hoặc báo cáo tóm tắt thành tích) của các đơn vị và cá nhân được đề nghị xét khen thưởng phải có sự xác nhận của thủ trưởng cấp quản lý. Riêng đối với các đoàn thể cần phải có xác nhận của chính quyền đồng cấp và ý kiến của đoàn thể cấp trên.

 d- Để có sự so sánh đánh giá phù hợp, hàng năm các đơn vị phải báo cáo số lượng khen thưởng lên cấp trên theo quy định.

2- Để bảo đảm nguyên tắc khen thưởng cấp dưới khen nhiều hơn cấp trên (tức là đơn vị tiên tiến phải nhiều hơn đơn vị xuất sắc, đơn vị xuất sắc của quận huyện phải nhiều hơn đơn vị xuất sắc đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen) và để bảo đảm chất lượng các hình thức khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, dàn đều phải khống chế tỷ lệ đối với các đơn vị và cá nhân được đề nghị khen thưởng (có hướng dẫn cụ thể sau).

3- Các phòng quản lý Nhà nước theo chuyên ngành của các quận, huyện khi đề nghị Nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng phải do Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị ; Sở chuyên ngành có trách nhiệm đánh giá, xem xét và có văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng. Đối với những phòng có nhiều sở cùng quản lý, thì do Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị, đồng thời có văn bản đề nghị của các sở, ngành thành phố có liên quan.

- Đối với cá nhân trưởng, phó phòng chuyên môn của quận, huyện khi được đề nghị Nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng phải do Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị và phải có văn bản nhất trí của Sở quản lý chuyên ngành thành phố.

- Đối với các doanh nghiệp thuộc quận, huyện quản lý và các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn quận, huyện do Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng và sau khi có văn bản nhất trí của sở quản lý ngành chuyên môn.

- Đối với các đơn vị liên doanh và có 100% vốn nước ngoài thì do cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý đơn vị đó đề nghị và phải có sự nhất trí bằng văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị được liên doanh hoặc đơn vị đầu tư nước ngoài.

4- Các đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố, nếu là những đơn vị không có cấp trên quản lý trực tiếp đóng tại thành phố sẽ do Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố đề xuất sau khi có sự nhất trí bằng văn bản của Văn phòng Bộ, ngành Trung ương. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ xét khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân thuộc các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố có nhiều đóng góp đối với các phong trào do thành phố tổ chức phát động và “hiệp y” khen thưởng cấp Nhà nước cho các tập thể hoặc cá nhân sau khi có văn bản đề nghị của Bộ, ngành Trung ương.

5- Đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, thủ trưởng các đơn vị Trung ương trên địa bàn xét và công nhận trên cơ sở bình chọn từ những cá nhân xuất sắc (căn cứ trên cơ sở năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác, trong lao động) và nếu đạt liên tục 5 năm thì đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xét, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

V- MỨC THƯỞNG VÀ PHÂN CẤP KHEN THƯỞNG :

Năm 1996 mức tiền thưởng kèm theo vẫn áp dụng theo Quyết định số 3475/QĐ-UB ngày 18/10/1994 của Ủy ban nhân dân thành phố. Từ năm 1997 sẽ thực hiện theo mức thưởng kèm theo quy định sau:

1- Mức thưởng : Quy định cụ thể như sau :

 a- Đối với đơn vị hành chánh, sự nghiệp :

- Huân chương Lao động : Hạng nhất : 10 triệu đ cho tập thể, 5 triệu đ cho cá nhân ; Hạng nhì kèm theo tiền thưởng : 7 triệu đ cho tập thể và 3 triệu đ cho cá nhân ; Hạng ba tiền thưởng kèm theo : 4 triệu đ cho tập thể và 2 triệu đ cho cá nhân.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ kèm theo tiền thưởng 2 triệu đ cho tập thể và 1 triệu đồng cho cá nhân.

- Cờ “Đơn vị xuất sắc” của Ủy ban nhân dân thành phố kèm theo tiền thưởng 2 triệu đ.

- Bằng khen của Ủy ban nhân dân kèm tiền thưởng cho tập thể là 1 triệu đ và cá nhân là 400.000 đ.

- Giấy khen của Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện kèm theo tiền thưởng 500.000 đ cho tập thể và 200.000 đ cho cá nhân.

 b- Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh : Tiền thưởng được trích từ quỹ khen thưởng của đơn vị. Mức tiền thưởng cho các danh hiệu và hình thức khen do Thủ trưởng đơn vị quyết định nhưng mức thưởng tối thiểu phải bằng các đơn vị hành chánh, sự nghiệp.

2- Phân cấp khen thưởng :

- Thực hiện theo nguyên tắc cấp nào khen thì cấp đó thưởng ; Riêng khen thưởng cấp Nhà nước tiền thưởng được trích từ ngân sách của thành phố và được chi theo quyết định của Nhà nước.

- Các mức thưởng cao hơn mức quy định trên do Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp đề xuất và phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Nguồn kinh phí thưởng cho các danh hiệu thi đua và hình thức khen thực hiện theo hướng dẫn của ngành tài chánh hàng năm (có hướng dẫn sau).

VI- THU HỒI HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG :

Các đơn vị và cá nhân do khai thành tích không đúng mà được khen thưởng hoặc sau khi được khen thưởng đã phạm sai lầm nghiêm trọng, không còn xứng đáng nữa sẽ bị thu hồi hình thức khen thưởng. Cơ quan quyết định khen thưởng xét và quyết định thu hồi hình thức khen thưởng.

VII- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1- Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tổ chức hướng dẫn thực hiện quy định này.

2- Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ vào quy định này để xây dựng những tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình ở các ngành, các cấp không trái với quy định này.

3- Các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và vận dụng quy chế của thành phố để thực hiện tốt công tác thi đua- khen thưởng ở đơn vị mình.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ