Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2824/2006/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 21 tháng 09 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X - kỳ họp thứ 8 về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1354/TTr- KHĐT ngày 13/9/2006 và Báo cáo thẩm định số 2253/STP-KTVB ngày 28/8/2006 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một số cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các Quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao, Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Ngân hàng nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành và đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban VHXH, KTNS HĐND tỉnh;
- Như điều 3 (thực hiện);
- V0, V1, V2, V3;
- Trung tâm Công báo VP.UBND tỉnh;
- Các chuyên viên VP UBND tỉnh;
- Lưu: VX1, VP/UB.

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH




Vũ Nguyên Nhiệm

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2824/2006/QĐ-UBND ngày 21/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

- Các đơn vị, cá nhân trong các thành phần kinh tế; các cán bộ, viên chức trong các cơ sở sự nghiệp công lập đều được tham gia đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh và được hưởng các cơ chế, chính sách theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đối tượng áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa - thông tin; thể dục - thể thao; khoa học và công nghệ; môi trường; xã hội; dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Điều 2. Các hình thức đầu tư

- Đầu tư xây dựng và thành lập các cơ sở ngoài công lập.

- Đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất cho nhà nước thuê lại.

- Góp vốn thuê lại cơ sở vật chất của nhà nước để chuyển đổi mô hình từ công lập sang ngoài công lập.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để cung ứng dịch vụ chất lượng cao trong các cơ sở công lập.

Điều 3. Các cơ chế, chính sách cụ thể

1. Về đất đai:

- Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em được tỉnh giành quỹ đất ưu tiên, hưởng chính sách khuyến khích về đất đai theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ.

- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng, giao đất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư phải tự tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng thì sẽ được tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc đầu tư vào vùng khó khăn được hỗ trợ 100% chi phí đền bù; đối với các địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn thuộc danh mục 1 (của phụ lục kèm theo) hỗ trợ 50%, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000.000đ (một tỷ đồng).

2. Về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng:

- Tỉnh đầu tư mở đường giao thông, đường điện, cấp nước, thoát nước tới điểm đấu nối ngoài hàng rào của dự án đầu tư vào các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em.

- Quy mô các công trình hạ tầng đảm bảo các điều kiện cần thiết cho yêu cầu hoạt động của dự án được phê duyệt. Các công trình hạ tầng này phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

3. Về huy động vốn:

a) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các công trình như: trường học, bệnh viện, công viên văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, rạp hát, rạp chiếu phim, cơ sở bảo trợ xã hội, bảo tàng, thư viện theo quy hoạch đã được phê duyệt để cho nhà nước thuê lại.

- Nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn chỉnh thiết kế, phương án đầu tư quản lý, khai thác sau đầu tư, phương án thu hồi vốn, thỏa thuận nguyên tắc với đơn vị sự nghiệp, ngành quản lý hoặc địa phương có nhu cầu khai thác sau đầu tư để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án đầu tư, quản lý khai thác, mức và thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư, giao trách nhiệm sử dụng và phương án thu để thanh toán, hạch toán chi phí sử dụng hàng năm của đơn vị được thụ hưởng công trình, quyết định thời điểm công trình nhà đầu tư chuyển giao cho tỉnh.

b) Khuyến khích huy động vốn của giáo viên, công nhân viên chức nhà trường và người sử dụng dịch vụ:

- Ở những nơi có điều kiện, học sinh có nhu cầu được hưởng thụ dịch vụ giáo dục chất lượng cao (trên cơ sở đảm bảo, đáp ứng yêu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn), cho phép thực hiện cơ chế khuyến khích huy động vốn của giáo viên, công nhân viên chức nhà trường và học sinh để đầu tư thực hiện phương thức cung ứng dịch vụ phục vụ và chương trình giáo dục chất lượng cao ở một số lớp học trong một cơ sở giáo dục công lập với các mô hình sau:

+ Giáo viên, công nhân viên chức nhà trường góp vốn và phụ huynh học sinh đóng góp trước chi phí dịch vụ hoặc tự nguyện đóng góp hỗ trợ nhà trường để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ học tập với chất lượng cao (thực hiện các chương trình giáo dục theo nguyện vọng, sử dụng phương tiện giảng dạy học tập hiện đại, học sinh bán trú trong ngày, nội trú trong tuần) trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của học sinh, theo dự án được phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho ngành giáo dục và đào tạo xây dựng phương án làm thí điểm ở những nơi có điều kiện, mặt bằng dân trí cao để thí điểm.

+ Giáo viên, công nhân viên chức nhà trường góp vốn thuê lại cơ sở vật chất để thực hiện chủ trương chuyển các cơ sở giáo dục công lập sang ngoài công lập: Đối với bậc học mầm non khuyến khích chuyển rộng rãi; đối với cấp học tiểu học và trung học cơ sở (cấp phổ cập giáo dục) phải có sự lựa chọn, làm thí điểm trên cơ sở đề án được Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Huy động vốn để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, rạp hát, rạp chiếu phim, cơ sở bảo trợ xã hội, bảo tàng, thư viện do các đơn vị công lập quản lý, khai thác, sừ dụng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục chuẩn bị đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân địa phương có dự án cam kết sẽ huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân đối ứng xây dựng công trình theo dự án sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ vốn như sau (có phụ lục kèm theo):

- Đối với các phường, thị trấn (trừ thị trấn các huyện miền núi) thuộc danh mục 1 của phụ lục: ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%.

- Đối với các xã, thị trấn ở vùng đồng bằng thuộc danh mục 2 của phụ lục: ngân sách nhà nước hỗ trợ 40%.

- Đối với các xã, thị trấn miền núi thuộc danh mục 3 của phụ lục: ngân sách nhà nước hỗ trợ 80%.

(Ngân sách hỗ trợ thuộc ngân sách tỉnh, phần còn lại do ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn xã hội hóa. Phương án huy động vốn xã hội của từng dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và phải đảm bảo ít nhất bằng 50% phần vốn đối ứng ngoài ngân sách tỉnh theo dự án được phê duyệt).

Phần hỗ trợ của ngân sách tỉnh được cân đối năm kế hoạch và cấp phát theo tỷ lệ vốn đối ứng của huyện (kể cả phần xã hội hóa), mức hỗ trợ dựa theo quyết toán công trình.

d) Hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư:

Những đơn vị công lập tự huy động vốn đầu tư bổ sung cơ sở vật chất để thực hiện cơ chế cung ứng dịch vụ chất lượng cao, sau khi có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được hỗ trợ lãi suất tiền vay theo lãi suất tiền vay ngân hàng thương mại tại thời điểm vay để đầu tư trong thời gian từ 5 đến 7 năm. Mức được hỗ trợ lãi suất tiền vay tối đa là 70% đối với các dự án đầu tư vào các phường, thị trấn thuộc danh mục 1; 100% đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc dự án đầu tư vào các xã, thị trấn thuộc danh mục 2 và 3. Thời gian và mức hỗ trợ được xác định theo mục tiêu của dự án và địa bàn đầu tư.

Cơ sở sự nghiệp có trách nhiệm huy động vốn để trả nợ vốn đầu tư, được huy động từ người lao động trong đơn vị và người thụ hưởng dịch vụ theo đề án được phê duyệt.

Cơ sở ngoài công lập đầu tư vào các địa bàn miền núi, hải đảo có nhiều khó khăn thuộc danh mục 3 hoặc các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh xét hỗ trợ lãi suất tiền vay. Mức hỗ trợ tối đa là 100% theo lãi suất ngân hàng thương mại, thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm, theo mục tiêu và địa bàn đầu tư.

4. Một số cơ chế, chính sách đặc thù:

a) Thực hiện mô hình khám bệnh chất lượng cao:

Khuyến khích các bệnh viện công lập tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để có được trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, các cơ sở khám bệnh được phép áp dụng các hình thức liên doanh, liên kết với các cơ sở y tế tuyến trên, các đơn vị kinh doanh thiết bị y tế để huy động trang thiết bị y tế hiện đại hoặc các chuyên gia, thầy thuốc giỏi tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao.

b) Tuyển sinh và hỗ trợ học phí đối với học sinh học các trường ngoài công lập:

- Không giới hạn vùng tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập.

- Đối với học sinh trung học phổ thông (ở những vùng khó khăn I, II, III): Nếu trong diện được học hệ công lập mà học tại trường ngoài công lập thì được tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và ngoài công lập.

Mức chênh lệch học phí giao Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Thu các chi phí dịch vụ cho việc tổ chức giảng dạy chất lượng cao:

- Cho phép các cơ sở giáo dục công lập có đề án xã hội hóa được thu các chi phí dịch vụ phù hợp (trên nguyên tắc thoả thuận với phụ huynh học sinh) để thực hiện cung ứng dịch vụ chất lượng cao theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nâng mức thu để thanh toán các dịch vụ ở trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long lên mức cao hơn các trường khác (là cơ sở dịch vụ chất lượng cao). Học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện được cấp học bổng. Mức học bổng được tính bằng 0,5 của mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định và áp dụng cho không quá 30% số học sinh các lớp chuyên.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực) có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra tình hình triển khai tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương; tổng hợp, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở: Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện về chính sách ưu đãi về đất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.

3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Chi cục Thuế, Ngân hàng... cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện chính sách về thuế, tín dụng và các hình thức huy động vốn.

4. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách và cơ chế chuyển đổi, tuyển dụng người lao động từ cơ sở ngoài công lập sang công lập và ngược lại.

5. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện mô hình đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức khám chữa bệnh chất lượng cao.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch đầu tư cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh ở những nơi chưa có trường công lập phải học trường ngoài công lập; mức học phí, học bổng của trường trung học phổ thông Chuyên Hạ Long; cơ chế chuyển đổi trường công lập sang trường ngoài công lập; cơ chế quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, nguồn vốn phục vụ giáo dục chất lượng cao.

7. Các Sở: Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học - Công nghệ, Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện những cơ chế, chính sách có liên quan.

8. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự nguyện hoặc được chỉ định làm điểm về công tác xã hội hóa phải báo cáo với Sở chủ quản, xây dựng đề án trên cơ sở dân chủ, công khai, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế hoạch Đầu tư cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

PHÂN LOẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐƯỢC NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ THEO QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2824/2006/QĐ-UBND NGÀY 21/9/2006 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

1/ CÁC PHƯỜNG THỊ TRẤN NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ 30%.

- Tất cả các phường của các thị xã, thành phố.

- Các thị trấn: Đông Triều, Mạo Khê, Quảng Yên, Cái Rồng (Vân Đồn).

2/ CÁC XÃ, THỊ TRẤN NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ 40%.

- Các xã thuộc huyện Đông Triều (trừ các xã An Sinh, xã Tràng Lương, xã Bình Khê).

- Các xã thuộc huyện Yên Hưng (trừ xã Hoàng Tân).

- Thành phố Hạ Long: xã Đại Yên, xã Việt Hưng.

- Thị xã Cẩm Phả: xã Cẩm Hải.

- Thị xã Uông Bí: xã Phương Đông, phường Nam Khê, xã Phương Nam.

- Thị xã Móng Cái: Xã Hải Xuân, xã Hải Yên.

- Các thị trấn: Tiên Yên, Quảng Hà, Đầm Hà, Trới (Hoành Bồ).

3/ CÁC XÃ, THỊ TRẤN NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ 80%.

- Các xã và thị trấn huyện Ba Chẽ.

- Các xã và thị trấn huyện Bình Liêu.

- Các xã huyện Tiên Yên.

- Các xã huyện Hoành Bồ.

- Các xã huyện Hải Hà.

- Các xã huyện Đầm Hà.

- Các xã: An Sinh, Tràng Lương, Bình Khê thuộc huyện Đông Triều.

- Xã Hoàng Tân thuộc huyện Yên Hưng.

- Các xã thuộc huyện Vân Đồn.

- Các xã, thị trấn thuộc huyện Cô Tô.

- Các xã: Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa, Hải Hòa, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Hải Sơn, Bắc Sơn, Vạn Ninh, Bình Ngọc thuộc thị xã Móng Cái.

- Các xã: Cộng Hòa, Dương Huy thuộc thị xã Cẩm Phả.

- Xã: Thượng Yên Công thuộc thị xã Uông Bí./.