ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2825/2004/QĐ-UB | Đông Hà, ngày 28 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP XÚC, LÀM VIỆC VỚI CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI VÀ NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Nghị định số 21/2001/NĐ- CP ngày 28/05/2001 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư liên tịch số 04/2002TTLT/BCA-BNG của Bộ Công An - Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/05/2001 của Chính phủ và Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 05/6/ 2001 của Chính phủ về việc kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch;
- Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ và Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tiếp xúc, làm việc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 1443a/QĐ-UB, ngày 9/12/1993 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quan hệ, làm việc với người nước ngoài và người Việt Nam định cư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể, doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM/UBND TỈNH QUẢNG TRỊ |
QUY CHẾ
TIẾP XÚC, LÀM VIỆC VỚI CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI VÀ NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số:2825/2004/ QĐ-UB ngày28 tháng 9 năm 2004 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân là người Việt Nam ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong việc mời, đón, tiếp, hướng dẫn, làm việc và bảo lãnh các tổ chức, cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào thăm, làm việc, du lịch và thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Trị (sau đây gọi tắt là người nước ngoài).
Điều 2: UBND tỉnh quản lý toàn diện, thống nhất các hoạt động của các nhân, tổ chức nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động, cư trú, đi lại của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại tỉnh Quảng Trị. Tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài và người Việt Nam tiếp xúc và làm việc với người nước ngoài tại tỉnh Quảng Trị được bảo hộ trên cơ sở pháp luật hiện hành của Nhà nước CH XHCN Việt Nam và thông lệ Quốc tế.
Điều 3: UBND tỉnh giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh quản lý toàn diện các hoạt động có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Chương II:
MỜI, ĐÓN TIẾP, LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Điều 4: Việc mời, đón tiếp, bảo lãnh người nước ngoài đến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị:
1. Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã có nhu cầu mời người nước ngoài vào tỉnh Quảng Trị làm việc phải có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Trị (qua Sở Ngoại vụ). Nội dung văn bản này cần nêu rõ tên tổ chức, địa chỉ, thành phần khách (họ tên, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu), mục đích, nội dung, dự kiến chương trình, địa điểm và thời gian làm việc tại tỉnh Quảng Trị. Việc mời, đón và làm việc với người nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của UBND tỉnh.
2. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, khi muốn mời khách nước ngoài đến làm việc tại tỉnh Quảng Trị phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và phải có văn bản thông báo cho UBND tỉnh, đồng kính gửi Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh ít nhất ba ngày trước khi khách đến. Thông báo phải nêu rõ thành phần khách, mục đích, nội dung, dự kiến chương trình, địa điểm, thời gian làm việc.
3. Các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, Chi nhánh các Công ty nước ngoài, Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài đặt tại Quảng Trị; các cơ quan, tổ chức khác được thành lập và hoạt động tại Quảng Trị khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, cần phải nộp hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân tại cơ quan đại diện của Cục Quản lý Xuất-Nhập cảnh Bộ Công an tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên (Đà Nẵng).
4. Cá nhân có nhu cầu mời người nước ngoài vào thăm, nộp đơn tại cơ quan đại diện của Cục Quản lý Xuất-Nhập cảnh Bộ Công an tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên (Đà Nẵng). Đơn phải có xác nhận theo quy định:
- Nếu người mời là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt nam, thì đơn phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú.
- Nếu người mời là người nước ngoài tạm trú tại Việt nam từ sáu tháng trở lên, thì đơn phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
5. Trong những trường hợp sau đây, thì trước khi trình UBND tỉnh về việc mời người nước ngoài vào Việt Nam của cơ quan, tổ chức phải có sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan chức năng của Chính Phủ:
a.Vào hoạt động tôn giáo phải có ý kiến đồng ý của Ban Tôn giáo của Chính Phủ
b. Vào hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến vấn đề dân tộc, phải có ý kiến đồng ý của ủy ban Dân tộc và Miền núi;
c. Vào hoạt động thông tin, báo chí, phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá-Thông tin
Điều 5: Việc tổ chức dịch vụ, kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch người nước ngoài phải tuân thủ đúng Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 05/6/ 2001 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Du lịch
Điều 6: UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Ngoại vụ phối hợp với Công an tỉnh và cơ quan đại diện Cục Quản lý Xuất-Nhập cảnh của Bộ Công an trong việc cấp mới, gia hạn, bổ sung, sửa đổi các loại giấy tờ cho người nước ngoài vào làm việc với các cơ quan Nhà nước; với các doanh nghiệp Việt Nam; với các tổ chức nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động và có trụ sở đặt tại Quảng Trị.
Điều 7: Việc tổ chức hội nghị, hội thảo Quốc tế được thực hiện theo Quyết định số 122/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các hội nghị, hội thảo thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thì các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tổ chức phải có văn bản xin phép UBND tỉnh, nội dung văn bản xin phép cần nêu rõ mục đích, nội dung, thời gian; địa điểm tổ chức, địa điểm thăm quan, khảo sát (nếu có); thành phần tổ chức, thành phần tham dự (phía Việt Nam, phía nước ngoài, cơ quan tài trợ); nguồn kinh phí và các ý kiến của các cơ quan liên quan.
Điều 8: Trong quá trình tiếp xúc, hướng dẫn, làm việc với khách nước ngoài các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam phải tuân thủ những quy định sau:
a. Tuyệt đối không được tiết lộ bí mật quốc gia, bí mật quốc phòng an ninh và quy trình phối hợp quản lý người nước ngoài của nhà nước ta.
b. Tuyệt đối không đưa khách đến các khu vực cấm người nước ngoài cư trú, đi lại (trừ trường hợp đã có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền).
c. Không để khách hoạt động trái với mục đích nhập cảnh, mục đích làm việc đã thông báo và được UBND tỉnh đồng ý.
d. Việc trao đổi tài liệu, mẫu vật, văn hoá phẩm, băng hình… với người nước ngoài phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền phù hợp với Quy định của pháp luật Việt Nam.
e. Không tự ý đưa người nước ngoài về nhà riêng hoặc địa điểm khác ngoài chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
g. Báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ) về kết quả làm việc với khách chậm nhất không quá 3 ngày kể từ khi đoàn rời địa phương.
Điều 9: Các cơ quan nhà nước không được phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt văn phòng làm việc trong khuôn viên trụ sở của mình.
Điều 10: Trong trường hợp có các đoàn khách quốc tế đến hoạt động khẩn cấp hoặc đăng ký làm việc đột xuất ngoài dự kiến, thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phải báo cáo kịp thời với UBND tỉnh (qua Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh).
Điều 11: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời khách đến thăm, làm việc hoặc doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, người quản lý khu nhà dành riêng cho người nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn khách thực hiện các thủ tục khai báo tạm trú đối với khách ngủ qua đêm tại cơ sở của mình và chuyển nội dung khai báo tạm trú của khách đến phòng Quản lý Xuất – Nhập cảnh Công an tỉnh.
Khi có người nước ngoài nghỉ qua đêm tại nhà riêng, chủ nhà phải có trách nhiệm hướng dẫn khách, hoặc trực tiếp khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chuyển nội dung khai báo tạm trú của người nước ngoài đến phòng Quản lý Xuất – Nhập cảnh Công an tỉnh.
Điều 12: Đối với các hoạt động dịch vụ cho người nước ngoài thuê phương tiện giao thông và nhà để ở hoặc làm việc:
1. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam cho người nước ngoài thuê, mướn các loại phương tiện giao thông phải ký kết hợp đồng dân sự liên quan việc thuê tài sản và chịu trách nhiệm về chính tài sản của mình.
2. Các tổ chức, cá nhân cho người nước ngoài, tổ chức nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm việc, phải thực hiện đúng quy định của nhà nước hiện hành và phải thông báo cho cơ quan Công an, cơ quan Thuế và Sở Ngoại vụ biết để quản lý.
Điều 13: Trong trường hợp người nước ngoài gặp tai nạn, gây ra tai nạn cho người khác, bị mất tài sản, hộ chiếu, bị hành hung hoặc vi phạm Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mời khách, làm việc với khách hoặc đang hướng dẫn khách phải nhanh chóng thông báo cho Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất biết để kịp thời xử lý. Đối với các trường hợp người nước ngoài xin thay đổi chổ ở, đổi bằng lái xe… hoặc các trường hợp liên quan khác thì tổ chức, cá nhân mời khách trực tiếp gặp Sở Ngoại vụ tỉnh để được hướng dẫn cụ thể.
Chương III:
TRÁCH NHIỆM VÀ VIỆC PHỐI HỢP CÔNG TÁC
Điều 14: Các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể, UBND các huyện thị xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, các doanh nghiệp và mọi công dân có trách nhiệm thực hiện đúng Quy chế này và hướng dẫn cho các tổ chức và người nước ngoài làm việc tại cơ quan hoặc địa phận của mình thực hiện đúng Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật Việt Nam
Điều 15: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào làm việc tại Quảng Trị có trách nhiệm quản lý hoạt động của khách, đảm bảo thực hiện đúng nội dung, chương trình đã đăng ký, hướng dẫn khách thực hiện các Văn bản pháp luật của nhà nước và các quy định tại Quy chế này.
Điều 16: Giao Công an tỉnh chủ trì và phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng thực hiện việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật của người nước ngoài; của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời và làm việc với người nước ngoài tại địa phương.
Điều 17: Hàng năm, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức giao ban, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế này và báo cáo UBND tỉnh.
Chương IV:
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM
Điều 18: Trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam thì tuỳ theo theo mức độ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước Quốc tế mà nước Công hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan khác xử lý các sai phạm thuộc thẩm quyền. Nếu vi phạm vượt quá thẩm quyền thì Công an tỉnh lập hồ sơ đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 19: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào làm việc tại Quảng Trị phải nghiêm chỉnh thực hiện các nội dung của Quy chế này, nếu vi phạm thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 20: Những tổ chức, cá nhân có thành tích trong quan hệ hợp tác quốc tế sẽ được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng và các quy định của UBND tỉnh.
Điều 21: Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc hoặc cần thiết phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới thì các cơ quan, ban ngành phải báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh (qua Sở Ngoại vụ và Công An tỉnh) để kịp thời bổ sung, sửa đổi
- 1 Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại và chế độ đi công tác tại nước ngoài do tỉnh Điện Biên ban hành
- 2 Quyết định 890/QĐ-UBND năm 2007 quy định tạm thời chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại tỉnh Điện Biên và chế độ đi công tác tại nước ngoài
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 5 Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn Nghị định 21/2001/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ công an-Bộ Ngoại giao ban hành
- 6 Quyết định 122/2001/QĐ-TTg về việc tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 27/2001/NĐ-CP về việc kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch
- 8 Nghị định 21/2001/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- 9 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000
- 10 Chỉ thị 15/CT-UB năm 1994 về quan hệ, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài do Tỉnh Bến Tre ban hành
- 1 Quyết định 890/QĐ-UBND năm 2007 quy định tạm thời chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại tỉnh Điện Biên và chế độ đi công tác tại nước ngoài
- 2 Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại và chế độ đi công tác tại nước ngoài do tỉnh Điện Biên ban hành
- 3 Quyết định 16/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 4 Chỉ thị 15/CT-UB năm 1994 về quan hệ, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài do Tỉnh Bến Tre ban hành