ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2830/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC HỆ THỐNG GIÁM SÁT, CẢNH BÁO SỚM, ĐÁP ỨNG NHANH VỚI MỘT SỐ DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGUY HIỂM TẠI HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007 và các Thông tư Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/2/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Quyết định số 05/2006/QĐ-BYT ngày 17 tháng 01 năm 2006 về việc ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Bộ Y tế ban hành;
Quyết định số 26/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 9/9/2005 về việc Ban hành "quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh";
Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 21/6/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống Y tế Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Thông báo số 306-TB/TU ngày 22/10/2012 của Thành ủy Hà Nội về kết luận của Thường trực Thành ủy về Đề án phát triển các lĩnh vực mũi nhọn ngành y tế Thủ đô đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại các văn bản: số 198/SYT-KH ngày 21/01/2013, số 367/SYT-KH ngày 06/02/2013 về việc phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020; văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại văn bản số 1394/DP-DT ngày 03/12/2012, Sở Tài chính tại văn bản số 4702/KH&ĐT-VX ngày 21/12/2012, Sở Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 137/KH&ĐT-VX ngày 14/01/2013;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 176/TTr-KH&ĐT ngày 01/4/2013, văn bản bổ sung, hoàn thiện số 1289/KHĐT-VX ngày 11/4/2013;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên Đề án:
Đề án Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020.
2. Mục tiêu của Đề án
2.1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020 hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, đến 2014 đảm bảo 100% trưởng khoa Kiểm soát dịch, bệnh & HIV/AIDS tuyến huyện là bác sỹ, cán bộ chuyên trách phòng chống dịch là bác sỹ hoặc cử nhân y tế công cộng được đào tạo từ y sỹ.
Mục tiêu 2: Nâng cấp phòng xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đủ khả năng chẩn đoán xác định nhanh các tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, với mức độ an toàn sinh học cấp độ II hiện nay lên cấp độ III vào năm 2015.
Mục tiêu 3: Xây dựng phòng xét nghiệm Trung tâm Y tế quận, huyện có khả năng thực hiện các xét nghiệm cơ bản để phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm, với mức độ an toàn sinh học cấp độ I hiện nay lên cấp độ II vào năm 2017.
Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực các đội cơ động phòng chống dịch tuyến thành phố và quận, huyện, thị xã theo hướng chuyên nghiệp đảm bảo mỗi đội cơ động có ít nhất một bác sỹ dịch tễ nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, triển khai các biện pháp đáp ứng kịp thời.
Mục tiêu 5: Xây dựng được hệ thống thông tin điện tử báo cáo bệnh truyền nhiễm chính xác, đầy đủ, kịp thời và hiện đại vào năm 2015
Mục tiêu 6: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong công tác phòng chống dịch.
3. Phạm vi và đối tượng của Đề án
3.1. Phạm vi: tại 29/29 quận huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội với khoảng 10 triệu người được bảo vệ (bao gồm dân số Hà Nội 7 triệu người và 3 triệu người vãng lai).
3.2. Đối tượng của Đề án:
- Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế 29 quận, huyện, thị xã và Trạm Y tế 577 xã, phường, thị trấn.
- Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp.
4. Các dự án thành phần của Đề án:
Dự án 1: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, chống dịch tại các tuyến (Trong đó, lồng ghép thực hiện công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cơ sở thông qua Đề án Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực y tế thủ đô đến năm 2015, định hướng đến năm 2020).
Dự án 2: Nâng cấp phòng xét nghiệm Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.
Dự án 3: Xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm tuyến Y tế cơ sở (quận, huyện).
Dự án 4: Nâng cao năng lực đội cơ động phòng chống dịch tại các tuyến theo hướng chuyên nghiệp nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và triển khai các biện pháp đáp ứng kịp thời (Trước mắt, chỉ đầu tư bổ sung 03 xe ô tô chuyên dụng cho Trung tâm y tế dự phòng Thành phố, Sở Y tế báo cáo Bộ Y tế hỗ trợ xe ô tô chuyên dụng cho các Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thông qua các chương trình, dự án tài trợ của ngành).
Dự án 5: Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin điện tử phục vụ giám sát, báo cáo dịch.
Dự án 6: Truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về phòng chống dịch bệnh.
5. Dự kiến tổng kinh phí và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án:
- Tổng kinh phí thực hiện: 269.867,8 triệu đồng;
- Dự kiến cơ cấu nguồn vốn và cân đối bố trí vốn cho Đề án như sau:
Đơn vị: triệu đồng
Giai đoạn | Kinh phí | Nguồn vốn | ||
SN | CTMT | XDCB | ||
2013-2015 | 119.386,2 | 27.805,0 | 22.610,0 | 72.281,5 |
2016-2020 | 150.481,6 | 147.171.3 | 0 | 0 |
Tổng số | 269.867,8 | 174.976,3 | 22.610,0 | 72.281,5 |
6. Giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện Đề án
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác y tế dự phòng nói chung và các hoạt động của Đề án nói riêng;
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra;
- Tăng cường và tiếp tục đổi mới công tác truyền thông giáo dục, tăng cường phổ biến giáo dục người dân về nhận biết, phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm;
- Triển khai và xây dựng hướng dẫn thực hiện Đề án tại các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã;
- Xây dựng cơ chế chính sách về tuyển dụng nhân sự, về phụ cấp và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch bệnh...,
- Có Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các Trung tâm Y tế dự phòng để thực hiện các hoạt động giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng chống dịch toàn Thành phố đến năm 2020.
- Thành lập Ban chỉ đạo Đề án cấp Thành phố: Giao Giám đốc Sở Y tế là Phó Trưởng ban thường trực và 01 Phó Giám đốc Sở Y tế là Phó Trưởng ban; thành viên BCĐ là các nhà quản lý, nhà khoa học có chuyên môn sâu của ngành y tế phù hợp với hoạt động giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh phòng chống dịch thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề án;
7. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2013 đến hết năm 2020.
Điều 2. Nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan:
1. Sở Y tế (cơ quan chủ trì thực hiện Đề án):
- Chỉnh sửa một số nội dung của dự thảo Đề án theo nội dung được phê duyệt tại Quyết định này, làm căn cứ triển khai thực hiện;
- Triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố Hà Nội, đặc biệt đối với các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- Báo cáo Bộ Y tế và phối hợp với Cục Y tế dự phòng để được hướng dẫn tổ chức thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật chuyên ngành và được hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện Đề án;
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với Thành phố có chính sách thu hút và ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế dự phòng;
- Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố và Bộ Y tế về kết quả thực hiện Đề án;
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung đã được phê duyệt của Đề án.
- Triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố ngay sau khi Đề án được UBND Thành phố phê duyệt đảm bảo hoàn thành công tác CBĐT dự án trong quý III/2013.
2. Các Sở: Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổng hợp, cân đối trình UBND Thành phố bố trí Kế hoạch kinh phí hàng năm cho Sở Y tế để triển khai thực hiện các nội dung Đề án đã được phê duyệt theo quy định.
- Sở Tài chính: Hướng dẫn Sở Y tế xây dựng, trình duyệt dự toán kế hoạch kinh phí sự nghiệp hàng năm để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án đảm bảo phù hợp tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố chấp thuận bổ sung dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vào danh mục Kế hoạch đầu tư 03 năm giai đoạn 2013-2015 nguồn vốn XDCB ngân sách Thành phố cấp và đề xuất UBND Thành phố ưu tiên cân đối bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án vào đợt điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2013 (nếu dự án được phê duyệt và đảm bảo thủ tục triển khai thực hiện dự án theo quy định) để triển khai thực hiện hoàn thành dự án trong năm 2014.
3. UBND các quận/huyện/thị xã: phối hợp triển khai thực hiện đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ các quy định của Pháp luật hiện hành.
4. Các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp kịp thời với Sở Y tế để thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước và Thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Kho bạc nhà nước Thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 3162/KH-UBND năm 2017 giám sát bệnh Cúm gia cầm và dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 2 Quyết định 2093/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Dự án “Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông - giai đoạn II” do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ của tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3 Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 do Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 2813/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 5 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 6 Quyết định 05/2006/QĐ-BYT Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Y tế ban hành
- 7 Quyết định 26/2005/QĐ-BYT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm y tế dự phòng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Kế hoạch 3162/KH-UBND năm 2017 giám sát bệnh Cúm gia cầm và dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 2 Quyết định 2093/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Dự án “Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông - giai đoạn II” do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ của tỉnh Thanh Hóa ban hành