Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 285/2004/QĐ-UB

TP.Cần Thơ, ngày 31 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 93/TT-LT ngày 29/3/1997 của Bộ Giao thông vận tải- Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông Công chính (gọi chung là Sở Giao thông vận tải) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh);

Căn cứ Quyết định số 08/2004/QĐ-UB ngày 02/01/2004 của UBND lâm thời thành phố Cần Thơ về việc thành lập Sở Giao thông Công chính thuộc UBND thành phố Cần Thơ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Công chính, Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng:

Sở Giao thông Công chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Cần Thơ, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật giao thông và giao thông đô thị (bao gồm đường bộ, đường sông, đường biển, cấp thoát nước, vỉa hè, công viên, cây xanh, chiếu sáng) trên địa bàn thành phố.

Sở Giao thông Công chính chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của UBND thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Thực hiện pháp luật về giao thông vận tải:

1.1. Trình UBND thành phố ban hành các quyết định, chỉ thị, các văn bản về lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật về giao thông công chính trên địa bàn thành phố;

1.2. Cấp, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật phương tiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế của địa phương hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành;

1.3. Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về chuyên ngành giao thông công chính theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố;

1.4. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan để giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông công chính, an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn thành phố.

2. Về quản lý giao thông, vận tải, công chính:

2.1. Tổ chức quản lý, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy trên địa bàn thành phố, đảm bảo giao thông các tuyến do thành phố quản lý;

2.2. Thiết lập và thông báo, chỉ dẫn hệ thống mạng lưới giao thông do thành phố quản lý; áp dụng các quy định của Bộ Giao thông vận tải về tải trọng và đặc tính kỹ thuật của phương tiện được phép vận hành trên mạng lưới giao thông của thành phố, bảo đảm an toàn giao thông và kết cấu công trình giao thông;

2.3. Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu trên các tuyến giao thông của thành phố. Tổ chức việc thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án, cấp phép cho xây dựng công trình vượt đường, vượt sông, giao cắt có liên quan đến kết cấu và ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao thông của cầu đường, kênh, sông, rạch do thành phố quản lý. Đối với các công trình cầu đường, cảng sông, cảng biển, sân bay do Trung ương quản lý, việc xây dựng phải được Bộ hoặc Cục quản lý chuyên ngành thẩm định và cấp phép;

2.4. Thẩm định và đề xuất trình UBND thành phố phân loại đường bộ và đường thủy nội địa. Định kỳ cấp phép sử dụng, khai thác hoặc đình chỉ khai thác, sử dụng các công trình, các tuyến giao thông do địa phương trực tiếp quản lý;

2.5. Quản lý luồng tuyến vận tải thủy bộ và chỉ đạo việc phối hợp các lực lượng vận tải của địa phương, ổn định tuyến vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong phạm vi địa bàn thành phố và liên tỉnh;

2.6. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho phương tiện giao thông vận tải, người và tài sản trên phương tiện đó hoạt động trên địa bàn thành phố;

2.7. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm vỉa hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên, cây xanh trong đô thị.

3. Về xây dựng giao thông:

3.1. Xây dựng chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải; tổ chức thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông theo quy hoạch được phê duyệt;

3.2. Thực hiện chức năng chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông địa phương (bao gồm các công trình do nguồn vốn ngân sách của địa phương, vốn Trung ương cấp cho địa phương hoặc vốn huy động từ nhân dân đóng góp) theo quy định của pháp luật và sự phân cấp của Bộ Giao thông vận tải, của UBND thành phố;

3.3. Thẩm định dự án đầu tư các công trình của ngành giao thông công chính và các công trình có tính chất chuyên ngành xây dựng giao thông của các ngành khác trong địa bàn thành phố.

4. Quản lý nghiệp vụ - kỹ thuật giao thông vận tải:

4.1. Đăng kiểm kỹ thuật (đăng ký và kiểm tra kỹ thuật) các phương tiện thi công công trình giao thông, các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy theo quy định của pháp luật;

4.2. Xét duyệt thiết kế và thẩm định việc cải tạo, sửa đổi, phục hồi, đóng mới và sản xuất phương tiện, thiết bị, phụ tùng giao thông vận tải theo quy định của pháp luật;

4.3. Tổ chức chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các đơn vị sự nghiệp trong việc quản lý thu, nộp lệ phí giao thông công chính theo quy định của luật pháp và phân công, ủy nhiệm thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải;

4.4. Thực hiện việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước và thực hiện quản lý các Công ty cổ phần có vốn của nhà nước chi phối (bao gồm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp công ích) về giao thông công chính của thành phố theo phân cấp của UBND thành phố;

4.5. Thực hiện tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức ngành giao thông công chính ở địa phương theo quy định của pháp luật;

4.6. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý ngành giao thông đối với cấp huyện;

4.7. Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thường xuyên xin ý kiến chỉ dạo của Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành có liên quan;

4.8. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do UBND thành phố và Bộ Giao thông vận tải giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế:

1. Lãnh đạo:

Sở Giao thông Công chính có Giám đốc và không quá ba (03) Phó Giám đốc.

Giám đốc là người đứng đầu Sở chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Sở Giao thông Công chính.

Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về các nhiệm vụ công tác được phân công.

2. Cơ cấu tổ chức:

a. Đơn vị quản lý nhà nước:

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Phòng Kế hoạch-kỹ thuật;

- Phòng Quản lý vận tải;

- Ban Thanh tra giao thông công chính.

b. Đơn vị sự nghiệp:

- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông;

- Ban Đăng kiểm đường sông;

- Đoạn Quản lý giao thông thủy, bộ.

3. Biên chế:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác của Sở, Giám đốc Sở Giao thông Công chính phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định số lượng biên chế hằng năm.

- Việc bố trí cán bộ, công chức của Sở phải căn cứ vào nhu cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức Nhà nước theo quy định hiện hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2542/QĐ.UBT.94 ngày 22/9/1994 của UBND tỉnh Cần Thơ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Giao thông vận tải tỉnh Cần Thơ.

Giao Giám đốc Sở Giao thông Công chính phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giao thông Công chính phù hợp với nội dung Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 5. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ
- Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VB)
- TT.TU, TT.HĐND và TV.UBND TP
- UBMTTQ TP và các đoàn thể
- VP Thành ủy và các Ban của Đảng
- Sở, Ban, ngành TP
- TT. HĐND và UBND quận, huyện
- Lưu TTLT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TP. CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng