ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2881/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 29 tháng 12 năm 2011 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 120/2009/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm 2020;
Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 (Thông báo số 155-TB/TU ngày 04/11/2011);
Căn cứ Nghị quyết số 19/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX - kỳ họp thứ 3 về Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm:
a) Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mỗi người dân; do vậy, đồng thời với sự đầu tư của nhà nước, phải đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp y tế dưới nhiều hình thức phù hợp, đa dạng và có hiệu quả, trong đó xác định y tế công lập giữ vai trò nòng cốt.
b) Đầu tư cho y tế là trực tiếp đầu tư cho con người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước và địa phương. Dó đó, việc đầu tư cho y tế chính là một trong những giải pháp đầu tư cho phát triển.
c) Phát triển ngành y tế một cách hợp lý về quy mô, đi đôi với không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận các loại dịch vụ y tế một cách thuận lợi, công bằng. Từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về lợi ích được chăm sóc sức khỏe giữa thành thị với nông thôn; giữa vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa; giữa người giàu với người nghèo; giữa các thành phần dân tộc,…
d) Gắn kết chặt chẽ giữa công tác phòng bệnh và chữa bệnh, trong đó đặc biệt chú ý khâu phòng bệnh; gắn phát triển y tế phổ cập với phát triển y tế chuyên sâu; gắn phát triển y học hiện đại với phát triển y học cổ truyền.
e) Quan tâm đúng mức đối với tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến huyện; tăng cường công tác y tế dự phòng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến huyện.
2. Mục tiêu chung:
a) Xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước hiện đại và đồng bộ cả về trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên Ngành Y tế để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân và cả khách vãng lai. Tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận các loại dịch vụ y tế một cách thuận lợi, công bằng; trong đó, hết sức chú ý đến vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách và người nghèo.
b) Phát triển y tế cần gắn kết chặt chẽ giữa công tác phòng bệnh và chữa bệnh (trong đó đặc biệt chú ý khâu phòng bệnh), gắn phát triển y tế phổ cập với phát triển y tế chuyên sâu, gắn phát triển y học hiện đại với y học cổ truyền. Kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh, không để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và diễn ra trên diện rộng.
c) Thực hiện mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh; tiến tới ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
d) Đẩy mạnh xã hội hóa y tế với nhiều hình thức, quy mô phù hợp, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động sự đóng góp của các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội và nhân dân đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập.
3. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể:
a) Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể chung của ngành:
- Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra. Chú trọng vệ sinh môi trường, tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng tuổi thọ bình quân 72 tuổi năm 2010 lên 74 tuổi năm 2015 và năm 2020 là 76 tuổi. Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú ý đến nhân dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao ý thức tự phòng bệnh của nhân dân.
- Tỷ lệ chết trẻ dưới 1 tuổi là 4‰ năm 2010 giảm xuống 3‰ năm 2015 và năm 2020 là <3‰; tỷ lệ chết trẻ dưới 5 tuổi là 5‰ năm 2010 giảm xuống 4‰ năm 2015 và năm 2020 là <4‰.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em <5 tuổi là 14 % năm 2010 giảm xuống 9% năm 2015 và năm 2020 là <7%.
- Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 95% năm 2010 tăng lên >95% năm 2015 và giữ ổn định đến năm 2020.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có đủ năng lực chuyên môn và có cơ cấu hợp lý. Bảo đảm tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân là 5,0 vào năm 2010 tăng lên 7,0 năm 2015 và năm 2020 là 8,0; tỷ lệ dược sỹ/10.000 dân là 0,37 năm 2010 tăng lên 1,0 năm 2015 và năm 2020 là 2,0.
- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại cho hệ thống khám chữa bệnh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Tỷ lệ giường bệnh công lập/10.000 dân là 22,3 năm 2010 tăng lên 30,1 năm 2015 và năm 2020 là >30,6. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển xã hội hóa công tác y tế, tăng số giường bệnh tư nhân/10.000 dân từ 0,8 năm 2010 tăng lên >5 giường bệnh vào năm 2015.
b) Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể từng tuyến y tế trong tỉnh:
- Tuyến cơ sở: Phấn đấu tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 100% vào năm 2015 và tiếp tục duy trì cho những năm sau; hàng năm duy trì tỷ lệ 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Đến năm 2020, có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; thực hiện đầy đủ các nội dung về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
- Tuyến huyện: Bảo đảm đủ đội ngũ nhân lực y tế với cơ cấu hợp lý; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm y tế và các bệnh viện; bảo đảm khám và điều trị có hiệu quả các loại bệnh về nội, ngoại, sản, nhi, nhiễm theo phân tuyến kỹ thuật và một số chuyên khoa lẻ; đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
- Tuyến tỉnh: Hoàn thiện hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh: đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I sau năm 2015; tiếp tục nâng cấp các bệnh viện đa khoa khu vực; xây mới bệnh viện y dược học cổ truyền và phục hồi chức năng, bệnh viện Sản - Nhi và các bệnh viện chuyên khoa mắt, da liễu, tâm thần.... và các trung tâm chuyên ngành. Từng bước đầu tư trang thiết bị y tế theo hướng hiện đại, chuyên sâu, kỹ thuật cao.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NHÓM, LĨNH VỰC NGÀNH Y TẾ
1. Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế dự phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình:
2.1. Định hướng phát triển:
- Bảo đảm 100% các đơn vị y tế ở các tuyến của mạng lưới y tế dự phòng được sắp xếp có hệ thống, được tổ chức ổn định và phù hợp. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 1 trước năm 2015.
- Đến năm 2015, phấn đấu tỷ lệ các cơ sở sản xuất, cơ sở du lịch, khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - không gây ô nhiễm môi trường xung quanh là 100%. Đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
- Giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm gây dịch, không để dịch lớn xảy ra; khống chế ở mức tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết thấp nhất do các bệnh sốt xuất huyết, viêm gan virut B, viêm não Nhật Bản B. Khống chế về cơ bản các bệnh lao, sốt rét, bệnh lây qua đường tình dục. Ngăn chặn không để lây lan, phát triển thành các bệnh dịch nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.
- Khống chế số người nhiễm HIV/AIDS ở mức dưới 0,3% dân số đến năm 2015 và không tăng hơn trong các năm sau; tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được hưởng các dịch vụ quản lý, chăm sóc, tư vấn đạt 90% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
- Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục truyền thông để hạn chế, đạt dưới mức trung bình cả nước về tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm: tai nạn chấn thương trong sinh hoạt, lao động và thiên tai - thảm họa, bệnh tâm thần, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh nghề nghiệp, nghiện ma túy, nghiện thuốc lá, nghiện rượu,…
- Phấn đấu thường xuyên thanh kiểm tra 100% số cơ sở sản xuất thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh ăn uống để giảm 60% số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm so với hiện nay vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc.
- Tăng cường công tác kiểm dịch ở các khu du lịch, không để các bệnh dịch nguy hiểm lây lan. Phối hợp với y tế các tỉnh bạn, phối hợp quân dân y kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các huyện giáp ranh và khu du lịch.
- Thực hiện có kết quả các chương trình y tế ở tuyến cơ sở. Tổ chức phối hợp hoạt động có hiệu quả giữa các đơn vị, các tuyến y tế, giữa Ngành Y tế trong các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong mỗi chương trình, dự án y tế ở tuyến cơ sở.
- Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần đạt chỉ số phát triển con người (HDI-Human Development Index) ở mức trung bình tiên tiến của thế giới vào năm 2015 và duy trì ở những năm sau.
- Tổ chức ứng cứu kịp thời khi có tai nạn, thiên tai, thảm họa xảy ra, đảm bảo cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để dịch bệnh xảy ra ở những vùng bị nạn, khống chế ở mức thấp nhất số người bị chết và bị thương.
2.2. Nhiệm vụ phát triển các nhóm ngành:
a) Các trung tâm tuyến tỉnh:
- Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đảm nhận nhiều nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật khác nhau trong lĩnh vực y tế dự phòng. Trung tâm có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chuyên môn tương đối ổn định, hoạt động nhiều năm liền có hiệu quả. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển những năm tới, các nguồn lực của Trung tâm còn thiếu về lượng và yếu về chất, cần được đầu tư nâng cấp và tăng cường về mọi mặt (đào tạo nhân lực, trang thiết bị chuyên môn, xây dựng - cải tạo cơ sở vật chất), có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp I vào năm 2015.
- Trung tâm phòng chống HIV/AIDS là đơn vị mới thành lập năm 2006, đang được đầu tư xây mới.
- Trung tâm phòng chống sốt rét - bướu cổ, Trung tâm mắt và Trung tâm da liễu do các nguồn lực của các trung tâm còn thiếu về lượng và yếu về chất, cần được đầu tư nâng cấp và tăng cường về mọi mặt (đào tạo nhân lực, trang thiết bị chuyên môn, xây dựng - cải tạo cơ sở vật chất). Tạo tiền đề phát triển các trung tâm thành các bệnh viện chuyên ngành vào năm 2015 với quy mô 50 giường bệnh/bệnh viện, để tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại và thu hút các bác sỹ chuyên khoa.
- Thành lập mới Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế do tỉnh Bình Thuận hàng năm tiếp đón số khách du lịch nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng tăng từ 128.000 lượt khách quốc tế năm 2005 lên 250.000 lượt khách quốc tế năm 2010.
- Thành lập mới Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, nhằm bảo vệ và phòng chống các bệnh do nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường gây ra.
b) Các chi cục thuộc Sở Y tế:
- Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm:
Chi cục là đơn vị hiện chưa có trụ sở làm việc, đang ở tạm với Chi cục Dân số - KHHGĐ. Chi cục cần được đầu tư xây mới cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị vào trước năm 2015. Dự kiến, Chi cục cần diện tích xây dựng khoảng 2.750 m2 (550 m2 x 5 =2.750 m2).
Sau năm 2015, tùy tình hình thực tế, có thể thành lập các Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến huyện của tỉnh Bình Thuận.
- Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình:
Chi cục đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới, cần tiếp tục tăng cường trang thiết bị và phương tiện, nhằm không ngừng nâng cao hiệu công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, còn có 10 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình tại các huyện, thị và thành phố. Các trung tâm này cần được quan tâm đầu tư xây mới, bố trí cơ sở và cung cấp trang thiết bị chuyên môn để hoạt động theo chức năng và quy định của Bộ Y tế.
c) Các trung tâm lĩnh vực chuyên ngành:
Đến năm 2015, hoàn thành việc thành lập các trung tâm lĩnh vực chuyên ngành trực thuộc Sở Y tế. Đồng thời, từng bước đảm bảo về cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết để các trung tâm này đi vào hoạt động ổn định.
- Thành lập và đầu tư xây dựng mới Trung tâm dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Xây dựng mới Trung tâm kiểm nghiệm.
- Đầu tư nâng cấp và cải tạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe;
- Đầu tư nâng cấp và cải tạo Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Đầu tư nâng cấp và cải tạo Trung tâm giám định pháp y;
- Đầu tư nâng cấp và cải tạo Trung tâm giám định y khoa;
d) Mạng lưới y tế dự phòng tuyến huyện:
Đến năm 2015, đầu tư và nâng cấp các trung tâm y tế huyện tại tất cả các huyện, thị và thành phố của tỉnh Bình Thuận. Các trung tâm này được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị để hoạt động theo chức năng theo quy định của Bộ Y tế.
2. Quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh và vận chuyển cấp cứu:
2.1. Định hướng phát triển:
- Tăng số giường bệnh công lập/10.000 dân từ 22,3 năm 2010 lên 30,1 giường bệnh vào năm 2015 và 30,6 giường bệnh vào năm 2020 (không tính giường bệnh trạm y tế xã).
- Đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa y tế, tăng số giường bệnh tư nhân/10.000 dân từ 0,8 năm 2010 lên 12,2 giường bệnh vào năm 2015 và 18,6 giường bệnh vào năm 2020.
- Thực hiện từng bước cơ cấu lại số bệnh viện và số giường bệnh của các tuyến điều trị.
- Nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị y tế thiết yếu cho các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo đến năm 2015 có 90% các bệnh viện tuyến tỉnh, có 80% các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư các trang thiết bị y tế đồng bộ và đến năm 2020, tất cả các tuyến là 100%. Tăng cường đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ y tế và nhân viên kỹ thuật chuyên môn về trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị y tế hiện đại.
- Đến năm 2015, ngoài các cơ sở y tế công lập đã có, từng bước phát triển các trung tâm khám chữa bệnh chuyên khoa như chạy thận nhân tạo, phẫu thuật mắt, điều trị bệnh răng miệng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các bệnh nội tiết, chẩn đoán hình ảnh… với trang thiết bị y tế hiện đại và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế nâng cao. Phấn đấu đến 2020, Ngành y tế tỉnh Bình Thuận có khả năng giải quyết hầu hết nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa của người dân trong tỉnh và khách vãng lai.
- Đến năm 2015 mỗi bệnh viện trong tỉnh có ít nhất 1 bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền. 80% số phòng khám đa khoa khu vực, 80% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo đúng quy định phân tuyến của Bộ Y tế và tỷ lệ này là 100% vào năm 2020; tăng tỷ lệ lượt người khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong tỉnh so với tổng số lượt người khám chữa bệnh ở toàn tỉnh từ 20% (2010) lên 25% năm 2015 và 30% năm 2020.
- Xây dựng mới Bệnh viện y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng (thay thế bệnh viện y học cổ truyền hiện tại), là trung tâm điều trị, nghiên cứu khoa học đào tạo cán bộ điều dưỡng - phục hồi chức năng của toàn tỉnh. Triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở 80% số huyện, 60% số xã vào năm 2015, đến năm 2020 các tỷ lệ này là 100% và 80%.
- Nâng cao tính hiệu quả, công bằng trong khám chữa bệnh ở các bệnh viện và các cơ sở y tế công. Tăng gấp đôi số người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công. Tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
- Tăng cường các hoạt động kết hợp quân dân y, đặc biệt ở khu vực miền núi và hải đảo để đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân ở khu vực này, góp phần nâng cao tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở tỉnh Bình Thuận.
2.2. Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh:
Mạng lưới y tế của tỉnh Bình Thuận được tổ chức trên cơ sở Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.
a) Các bệnh viện tuyến tỉnh:
- Tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh để đạt tiêu chuẩn của bệnh viện hạng I vào năm 2020. Trong thời kỳ 2011-2020, Bệnh viện tập trung đầu tư vào việc tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị y tế và nâng cao năng lực cán bộ. Trong đó, đầu tư xây dựng mới khoa ung bướu - xạ trị, khoa giải phẫu bệnh lý, khoa nội thần kinh và khoa tim mạch can thiệp đưa vào hoạt động trước năm 2015.
- Đầu tư và nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho hai bệnh viện tuyến 2 là Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận và Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn đầy đủ của Bệnh viện hạng II, với quy mô 300 giường bệnh/bệnh viện.
Điều chỉnh mạng lưới bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh từ 2 bệnh viện hiện nay thành 7 bệnh viện chuyên khoa có quy mô lớn hơn:
+ Xây dựng mới Bệnh viện y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng (thay thế bệnh viện y học cổ truyền hiện tại), với qui mô 300 giường bệnh, đi vào hoạt động vào năm 2014. Đồng thời, tập trung đầu tư vào việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và hiện đại hóa trang thiết bị y tế.
+ Đầu tư mới và cải tạo nâng cấp về về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho Bệnh viện lao và bệnh phổi ổn định với qui mô 100 giường bệnh. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và cải tạo, nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại.
+ Đầu tư xây mới Bệnh viện sản - nhi với quy mô 300 giường bệnh, đi vào hoạt động trong năm 2015. Đồng thời, tập trung đầu tư vào việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và trang thiết bị y tế hiện đại.
+ Nâng cấp Trung tâm da liễu thành Bệnh viện da liễu với quy mô 50 giường bệnh vào năm 2015 và tiếp tục đầu tư vào cải tạo, nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại. Hiện nay, Trung tâm da liễu có diện tích khuôn viên đất là 837 m2, khi chuyển thành bệnh viện cần cấp mới diện tích khuôn viên đất là 5.000m2.
+ Nâng cấp Trung tâm mắt thành Bệnh viện chuyên khoa mắt với quy mô 50 giường bệnh vào năm 2015. Hiện nay, Trung tâm mắt có diện tích khuôn viên là 2.200 m2, khi chuyển thành bệnh viện cần cấp mới diện tích khuôn viên đất là 5.000m2, để phát triển cho các năm tiếp theo. Đồng thời, tập trung đầu tư vào nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và trang thiết bị y tế hiện đại.
+ Nâng cấp Trung tâm phòng chống sốt rét - bướu cổ thành Bệnh viện nội tiết với quy mô 50 giường bệnh vào năm 2015. Trung tâm có diện tích khuôn viên là 581m2, khi chuyển thành Bệnh viện cần được cấp mới diện tích khuôn viên đất rộng là 5.000m2, để phát triển cho các năm tiếp theo. Đồng thời, tập trung đầu tư vào nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tăng cường trang thiết bị y tế hiện đại.
+ Thành lập và xây mới Bệnh viện Tâm thần với qui mô từ 50 giường bệnh vào năm 2020. Bệnh viện cần mới diện tích khuôn viên đất từ 5.000m2 đến 10.000m2, để phát triển cho các năm tiếp theo.
b) Tuyến huyện:
- Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện:
Quy hoạch nâng cấp điều chỉnh các bệnh viện huyện hiện có để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân theo cụm dân cư và vùng địa lý. Đến năm 2015, tiếp tục đầu tư và nâng cấp, cải tạo tất cả các bệnh viện huyện đạt đầy đủ tiêu chuẩn bệnh viện hạng III. Đồng thời đầu tư thêm các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện đa khoa huyện.
+ Nâng cấp Phòng khám đa khoa Phan Rí Cửa thành Bệnh viện Phan Rí Cửa với quy mô 70 giường bệnh đến năm 201.
+ Nâng cấp Phòng khám đa khoa Mê Pu thành Bệnh viện đa khoa Mê Pu huyện Đức Linh với quy mô 50 giường bệnh đến năm 2015.
+ Tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Tân lên 120 giường bệnh vào năm 2015 và 150 giường bệnh vào năm 2020.
+ Tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa thị xã La Gi để nâng cấp thành Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, đạt tiêu chuẩn của Bệnh viện tuyến II với qui mô là 250 giường bệnh vào năm 2020. phục vụ nhân dân khu vực phía Nam, chủ yếu là huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.
- Các phòng khám đa khoa khu vực:
Đến năm 2015, tỉnh Bình Thuận có 11 phòng khám đa khoa khu vực. Các phòng khám đa khoa khu vực tiếp tục được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế để đảm bảo thực hiện các dịch vụ có chất lượng từ nay đến năm 2020. Từ sau năm 2020, căn cứ vào tình hình phát triển của các trạm y tế xã, nơi nào trạm y tế xã đủ khả năng khám chữa bệnh thì có thể giảm bớt số phòng khám đa khoa khu vực và tập trung đầu tư cho trạm y tế xã. Đến năm 2010, tổng số giường bệnh của các phòng khám đa khoa khu vực là 240 giường bệnh và giữ nguyên đến năm 2020.
Sau năm 2020, tùy theo tình hình cụ thể có thể chuyển các phòng khám đa khoa khu vực thành các cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
c) Tuyến xã:
Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trạm y tế đã xuống cấp đảm bảo đầy đủ trang thiết bị theo chuẩn của Bộ Y tế và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
d) Phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập:
Khuyến khích phát triển mạng lưới y tế ngoài công lập tăng cả về số lượng và qui mô. Từ năm 2011 khối y tế ngoài công lập trở thành lực lượng quan trọng, hỗ trợ cho hệ thống y tế công lập trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
d) Nguồn vốn đầu tư:
- Các bệnh viện và phòng khám đa khoa công lập:
Căn cứ số liệu thống kê vốn đầu tư xây dựng mới 1 giường bệnh ở tuyến tỉnh ước tính cần 500 triệu đồng và đầu tư nâng cấp, mở rộng là 200 triệu/giường bệnh. Vốn đầu tư tương ứng cho tuyến huyện: Đầu tư xây dựng mới 1 giường bệnh ước tính cần 400 triệu đồng và đầu tư nâng cấp, mở rộng là 200 triệu/giường bệnh.
- Trạm y tế xã, phường, thị trấn:
Nhu cầu vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn theo bảng 17.
- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển bệnh viện ngoài công lập:
Căn cứ tiêu chí quy mô các bệnh ngoài công lập thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư của tỉnh, xác định suất đầu tư theo bảng 18 và 19.
2.3. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế:
Đảm bảo đủ trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế của tỉnh Bình Thuận theo các tiêu chuẩn về chủng loại, chất lượng trang thiết bị y tế do Bộ Y tế quy định, đặc biệt chú trọng đầu tư cho tuyến cơ sở (huyện, xã). Đến năm 2015, tỷ lệ các cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư đủ trang thiết bị y tế theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế đạt trên 90% ở tuyến tỉnh, trên 80% ở tuyến huyện và 100% cho các trạm y tế xã. Đến năm 2020, tất cả các cơ sở y tế đều có đủ trang thiết bị y tế theo chuẩn quy định.
2.4. Phát triển mạng lưới dịch vụ vận chuyển cấp cứu:
Từng bước đáp ứng mọi yêu cầu vận chuyển cấp cứu của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đặc biệt đối với các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và khách du lịch; cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng, kịp thời, chính xác, giảm nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cho bệnh nhân, nạn nhân.
Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện.Tăng cường phương tiện vận chuyển và thiết bị vận chuyển cấp cứu cho các đội cấp cứu 115; hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc cấp cứu và vận chuyển cấp cứu; bổ sung nhân lực cả về số lượng và chất lượng; chuẩn bị sẵn sàng phương án và nguồn lực để đáp ứng các tình huống cần cấp cứu - vận chuyển cấp cứu hàng loạt nạn nhân trên địa bàn khi cần thiết.
Khuyến khích thành lập hệ thống vận chuyển cấp cứu tư nhân, phát huy tối đa năng lực xử trí cấp cứu tại chỗ của mạng lưới y tế cơ sở.
Phát triển rộng rãi mạng lưới nhân viên hội chữ thập đỏ ở các khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp (mạng lưới này được huấn luyện về sơ cấp cứu bệnh nhân).
Dự kiến các hạng mục cần được đầu tư, như sau:
- Giai đoạn 2011-2015 hình thành đội cấp cứu 115 trực thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Phát triển mạng lưới vận chuyển cấp cứu vệ tinh (là các đội cấp cứu 115 thuộc các bệnh viện đa khoa tuyến huyện), đảm bảo thực hiện tốt công tác vận chuyển cấp cứu đến các vùng sâu, vùng xa.
- Đầu tư hệ thống xe cấp cứu và trang thiết bị cần thiết cho các đội cấp cứu 115 (mỗi đội có từ 2 đến 3 xe) của Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phục vụ cho tất cả các địa phương khi cần thiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tất cả các xe cấp cứu chuyên dụng có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hoặc có thể làm các tiểu phẫu tại chỗ.
- Xây dựng hệ thống thông tin điều hành cấp cứu và vận chuyển cấp cứu cho toàn tỉnh.
- Sau năm 2015, nghiên cứu nâng cấp Đội cấp cứu 115 của Bệnh viện đa khoa tỉnh tương xứng là Trung tâm cấp cứu 115 với 5 xe cấp cứu chuyên dụng và các phương tiện thiết bị khác.
- Tổng cộng kinh phí đầu tư cho mạng lưới vận chuyển cấp cứu là 13 tỷ đồng.
3. Quy hoạch phát triển lĩnh vực Dược:
3.1. Về công tác quản lý dược:
a) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý dược, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về dược về mọi mặt:
- Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển ngành dược tỉnh Bình Thuận theo từng giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.
- Kiện toàn bộ máy quản lý dược ở cả 3 tuyến, đặc biệt hoàn thiện bộ máy quản lý dược tuyến huyện và xã.
- Chỉ đạo việc triển khai và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn về dược.
- Tăng cường công tác quản lý giám sát, đảm bảo chất lượng thuốc cung ứng trên địa bàn.
- Tiếp tục thực hiện chính sách quốc gia về thuốc, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
- Quản lý thông tin, quảng cáo thuốc.
- Quản lý giá thuốc.
b) Tăng cường đầu tư cho Phòng nghiệp vụ dược cả về nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác dược của Ngành tại địa phương, đảm bảo quản lý quá trình sử dụng thuốc tại các đơn vị theo quy định của nhà nước, thực hiện tốt công tác tư vấn trong việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển công tác dược. Cải cách hệ thống quản lý dược theo tinh thần cải cách hành chính Nhà nước: Giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý...
3.2. Kiện toàn hệ thống sản xuất và cung ứng thuốc:
- Kiện toàn và sắp xếp lại mạng lưới cung ứng thuốc bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân nhằm tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng. Cung ứng đủ thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh đến tận người dân đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.
- Đến năm 2015 củng cố mạng lưới cung ứng thuốc hiện có, áp dụng tiêu chuẩn thực hành phân phối thuốc tốt (GDP), thực hành nhà thuốc tốt (GPP) cho các đơn vị bán buôn, bán lẻ thuốc.
- Phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân ở tất cả các huyện, đặc biệt là các vùng khó khăn.
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng cung ứng thuốc, chuẩn hóa về cơ sở vật chất của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc và mỹ phẩm, bước đầu đưa tiêu chuẩn thực hành Nhà thuốc tốt vào việc đánh giá và tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc.
3.3. Đảm bảo chất lượng thuốc:
- Tăng cường giám sát chất lượng thuốc và mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh và cung ứng thuốc đạt tiêu chuẩn. Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra tất cả các khâu: chuẩn bị sản xuất, quá trình sản xuất, tồn trữ, lưu thông, cấp phát, sử dụng.
- Tăng cường khả năng kiểm nghiệm thuốc, nâng cấp Trung tâm kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn thực hành kiểm nghiệm thuốc (GLP) vào năm 2015.
3.4. Công tác dược tại các bệnh viện:
- Tập trung đảm bảo cung ứng đủ thuốc theo yêu cầu điều trị phù hợp với từng loại bệnh viện, đồng thời nâng cao vai trò tư vấn của Ngành dược trong thực hành điều trị. Cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về thuốc và thực hành tốt công tác tư vấn dược lâm sàng cho công tác điều trị.
- Tăng cường chất lượng hoạt động của Hội đồng thuốc trong công tác điều trị, lựa chọn danh mục thuốc của các bệnh viện và xây dựng các phác đồ điều trị. Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn về dược và y cho các thành viên Hội đồng thuốc cũng như bác sỹ điều trị trong bệnh viện.
- Chuẩn hóa các khoa dược tại bệnh viện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực nhằm đảm bảo nhu cầu thuốc với chất lượng cao cho điều trị. Đến năm 2015 hoàn thành xây dựng phần mềm, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng thuốc tại các bệnh viện tỉnh và huyện. Tăng cường vai trò của dược lâm sàng trong tư vấn sử dụng thuốc, thu thập thông tin, theo dõi các phản ứng bất lợi của thuốc, quy chế hóa việc bình và tự bình đơn thuốc trong các bệnh viện... góp phần nâng cao chất lượng điều trị sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Nâng cao kiến thức sử dụng thuốc thông qua việc đào tạo tại chỗ cho cán bộ y bác sỹ.
- Giám sát tình hình sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện. Tổ chức nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược.
3.5. Sản xuất thuốc đông dược:
- Phát huy thế mạnh của tỉnh Bình Thuận là tỉnh thuộc Vùng duyên hải miền Trung, diện tích đất rừng, đồi núi chiếm 80% diện tích tự nhiên, có nhiều nguồn dược liệu quý với nhiều chủng loại cho sản xuất và cung ứng thuốc đông dược.
- Đến năm 2015, hoàn thành điều tra cơ bản và khoanh vùng phát triển các nguồn dược liệu trong tỉnh. Đến năm 2020, xây dựng một trung tâm nuôi trồng và chế biến dược liệu nhằm khai thác, phát triển các nguồn dược liệu phong phú tại địa phương, đáp ứng nhu cầu thuốc đông dược của nhân dân trong tỉnh.
- Quy hoạch các khu nuôi trồng cây, con làm nguyên liệu sản xuất thuốc đông y.
- Phấn đấu đến năm 2020, Tạo điều kiện thuận cho các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư xây dựng một dây chuyền sơ chế các nguyên liệu thuốc đông y đạt tiêu chuẩn trong nước, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và khu vực.
- Khuyến khích sử dụng thuốc đông dược tại tất cả các tuyến y tế. Củng cố và mở rộng các vườn thuốc nam tại tuyến xã.
3.6. Thông tin và quản lý thông tin thuốc:
Tăng cường việc thực hiện quy chế thông tin quảng cáo thuốc cho các đơn vị y tế trong ngành và các đơn vị kinh doanh thuốc của tỉnh Bình Thuận. Cung cấp thông tin dược lâm sàng đầy đủ và cập nhật thường xuyên cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ việc tiếp cận để xúc tiến thương mại của các hãng buôn bán thuốc.
4. Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành y tế:
4.1. Định hướng phát triển:
- Đảm bảo đủ nhân lực cho các lĩnh vực hoặc các đơn vị hiện còn thiếu nhiều cán bộ như y tế dự phòng, dược, y học cổ truyền, quản lý y tế. Phấn đấu đạt 7 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2015 và 8 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2020; tỷ lệ dược sỹ đại học/10.000 dân đạt là 1 người vào năm 2015 và 2 người vào năm 2020; tăng tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ từ 62% (2010) lên 100% năm 2015 và duy trì vào năm sau.
- Đảm bảo cân đối giữa các loại hình cán bộ như tỷ lệ điều dưỡng/ bác sỹ từ 3,7 vào năm 2010 xuống 3,5 vào năm 2015 và duy trì ở các năm tiếp theo; nâng tỷ lệ điều dưỡng cao đẳng hoặc cử nhân lên 2,51% năm 2010 lên 7% năm 2015 và 15% năm 2020.
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cho tất cả các tuyến. Tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ cao (sau đại học, chuyên gia đầu ngành), chuyên khoa sâu, cán bộ quản lý y tế, cán bộ quản trị bệnh viện.
- Đến năm 2015, tuyến tỉnh không còn cán bộ y tế trình độ sơ học. Mục tiêu này sẽ đạt được tại tuyến huyện và tuyến xã vào năm 2020.
- Xây đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, có khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế mới, hiện đại, bao gồm cả việc duy tu, bảo dưỡng máy móc.
4.2. Nội dung phát triển nguồn nhân lực:
a) Cơ sở đào tạo:
Trường cao đẳng y tế Bình Thuận với chức năng đào tạo trình độ cao đẳng các ngành điều dưỡng, dược, hộ sinh, kỹ thuật y tế; và đào tạo trình độ trung cấp ở các ngành y sỹ, điều dưỡng, dược, hộ sinh, và trình độ thấp hơn. Đồng thời, liên kết với Trường Đại học y - dược đào tạo trình độ đại học ngành điều dưỡng, bác sỹ, dược sỹ hệ chính quy hoặc liên thông. Quy mô đào tạo của trường đến năm 2015 khoảng 2.860 sinh viên, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng chiếm trên 50%. Định hướng đến năm 2020, Trường đào tạo chủ yếu trình độ cao đẳng và liên kết đào tạo trình độ đại học các ngành điều dưỡng, bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật y tế. Quy mô đào tạo đến năm 2020 có khoảng 4.500 sinh viên.
Về đội ngũ cán bộ giảng dạy, nâng số lượng giảng viên cơ hữu; đảm bảo giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy đạt 60% đến 70% khối lượng chương trình. Phấn đấu đạt chuẩn quy định 15 sinh viên/1 giảng viên. Cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học chiếm khoảng trên 40% cán bộ giảng dạy. Đến năm 2015, tổng số giảng viên cơ hữu là 87 người, trong đó 5 tiến sỹ, chuyên khoa 2; 35 thạc sỹ, chuyên khoa 1 và 47 đại học. Đến năm 2020, tổng số giảng viên cơ hữu là 150 người, trong đó 10 tiến sỹ, chuyên khoa 2; 80 thạc sỹ, chuyên khoa 1 và 60 đại học.
Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học của Trường đã được đầu tư nâng cấp, bao gồm khu giảng đường, các phòng thực hành, phòng thí nghiệm, khu thực hành tiền lâm sàng, thư viện, khu ký túc xá sinh viên. Phấn đấu đạt chuẩn quy định bình quân, diện tích học tập tối thiểu là 6m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên tối thiểu là 3m2/ sinh viên; có đủ phòng làm việc cho giảng viên, cán bộ với diện tích tối thiểu là 8m2/ người; có đầy đủ trang thiết bị giảng dạy cần thiết để phục vụ cho việc dạy và học. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập, giảng dạy, điều hành và quản lý.
Diện tích đất của Trường đến năm 2020 cần phải đảm bảo trên 5 ha theo tiêu chuẩn quy định.
b) Nhu cầu nhân lực y tế đến năm 2015 và năm 2020:
- Giai đoạn 2011- 2015: Ngành y có 864 bác sỹ trong đó: số tiến sỹ, chuyên khoa 2 là 24 người và số thạc sỹ hoặc chuyên khoa 1 là 323 người; điều dưỡng là 3.024 người (7% cao đẳng trở lên), đạt tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ đạt 3,5. Ngành dược có 123 dược sỹ cao cấp và 360 dược sỹ trung cấp.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Ngành y có 1.032 bác sỹ trong đó: số tiến sỹ, chuyên khoa 2 là 36 người và số thạc sỹ, chuyên khoa 1 là 413 người; số điều dưỡng là 3.612 người (15% cao đẳng trở lên), đạt tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ đạt 3,5. Ngành dược có 258 dược sỹ đại học và 645 dược sỹ trung cấp.
Các số liệu được tính toán theo mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn và ước tính các biến động về lao động y tế do những nguyên nhân như hàng năm một số cán bộ sẽ nghỉ hưu, một số có thể thuyên chuyển công tác đến các cơ quan khác ngoài Ngành y tế hoặc chuyển đi các tỉnh khác là 2%. Vì vậy, số lượng cần bổ sung có thể cao hơn nếu có biến động lớn và căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Y tế lập kế hoạch chi tiết cho từng năm trong mỗi giai đoạn.
- Triển khai đào tạo nhân lực y tế với nhiều hình thức, gồm: Đào tạo nâng cao (đào tạo sau đại học: tiến sỹ, chuyên khoa 2, thạc sỹ, chuyên khoa 1; nâng cấp: đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học chiếm khoảng 70% nhu cầu tăng thêm; đào tạo theo hệ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ); chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn sâu, chuyên gia đầu ngành; đào tạo kỹ thuật viên để thực hiện các kỹ thuật cao, sử dụng, bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện đại.
- Về kinh phí đào tạo các loại hình đào tạo dành cho cán bộ y tế, ước tính là:
+ Chuyên khoa I và thạc sỹ: 45.000.000/người
+ Chuyên khoa II và tiến sỹ: 60.000.000/người
+ Bác sỹ, dược sỹ hệ liên thông:
30.000.000 đồng/năm x 4 năm = 120.000.000/người/khóa
- Cử nhân điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y.
15.000.000 đồng x 4 năm = 60.000.000 đồng/người/khóa
- Bác sỹ, dược sỹ hệ chính qui theo địa chỉ: 20.000.000 đồng x 6 năm = 120.000.000 đồng/người/khóa
Mức đầu tư cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của từng đơn vị. Sở Y tế lập kế hoạch phân bổ kinh phí theo nhu cầu thực tế theo từng năm.
Nhu cầu nhân lực y tế khu vực ngoài công lập: căn cứ vào tỷ lệ phát triển giường bệnh tại các bệnh viện tư nhân theo quy hoạch, ước tính nhu cầu nhân lực của các bệnh viện tư nhân cần là 1.500 người vào năm 2015, trong đó chuyên môn y tế (tối thiểu) 200 bác sỹ; 700 điều dưỡng; 40 dược sỹ đại học và 107 dược sỹ trung cấp. Đến năm 2020 là 2.400 người, trong đó: 320 bác sỹ; 900 điều dưỡng; 60 dược sỹ đại học và 171 dược sỹ trung cấp.
5. Vấn đề bảo vệ môi trường trong thực hiện quy hoạch:
Xây dựng một mạng lưới các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường trong hệ thống mạng lưới y tế tại tất cả các cơ sở ở tất cả các tuyến về các mặt:
- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong các dự án Ngành Y tế.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
- Tăng cường phương tiện vận chuyển và thiết bị tiên tiến trong việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm và bổ sung nhân lực cả về số lượng và chất lượng trong việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
- Thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
5.1. Dự kiến các hạng mục chính cần được đầu tư:
- Xây dựng và nâng cấp các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở y tế.
- Đầu tư hệ thống thu gom chất thải tại từng cơ sở y tế, có phân loại để xử lý.
- Ngoài ra còn cần đầu tư đủ trang thiết bị cho hệ thống vận chuyển chất thải như: xe ô tô vận chuyển, các phương tiện, đào tạo nhân lực...
- Xây dựng hệ thống xử lý chất thải và bảo vệ môi trường cho toàn tỉnh.
5.2. Dự kiến nhu cầu vốn:
- Giai đoạn 2011-2015 là 129,8 tỷ đồng, gồm:
+ Hệ thống xử lý chất thải tuyến tỉnh là: 59,8 tỷ
+ Hệ thống xử lý chất thải tuyến huyện là: 75 tỷ
- Giai đoạn 2016-2020 là 50 tỷ đồng, gồm:
+ Hệ thống xử lý chất thải tuyến tỉnh là: 20 tỷ
+ Hệ thống xử lý chất thải tuyến huyện là: 30 tỷ
6. Nhu cầu quỹ đất cho phát triển ngành y tế:
6.1. Nhu cầu đất của các trung tâm, chi cục và trường đào tạo:
Căn cứ vào nhu cầu và hiện trạng hiện có của mạng lưới y tế dự phòng, nhu cầu sử dụng đất cần tăng thêm như sau:
- Các cơ sở y tế cần cấp địa điểm mới là: Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (trên 4.000m2); Trung tâm y tế huyện Hàm Tân (trên 4.000 m2); Trung tâm y tế huyện Phú Quý (trên 4.000 m2); Trung tâm y tế thị xã Phan Rí Cửa (trên 4.000 m2, sau 2015); Trung tâm y tế huyện Bắc Bình 2 (trên 4.000 m2, sau 2015); cấp đất cho 10 trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa và gia đình tuyến huyện khoảng từ 1.000 m2 đến 2.000 m2/trung tâm
- Trường cao đẳng y tế cần mở rộng thêm với diện tích 5 ha.
6.2. Nhu cầu đất của các bệnh viện, phòng khám đa khoa và trạm y tế công lập:
Căn cứ vào nhu cầu và hiện trạng hiện có của các cơ sở y tế, nhu cầu sử dụng đất cần tăng thêm như sau:
- Các cơ sở y tế cần cấp địa điểm mới là: Bệnh viện mắt cần trên 5.000 m2; Bệnh viện da liễu cần trên 5.000 m2; Bệnh viện tâm thần cần trên 10.000 m2; Bệnh viện nội tiết cần trên 5.000 m2 (chi tiết theo Phụ lục 11).
- Các phòng khám đa khoa khu vực cần thêm đất: Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Mỹ - Tân Thắng - Thắng Hải cấp mới là trên 2.000 m2; Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải - Tân Tiến cấp mới trên 2.000 m2.
- Tổng cộng trạm y tế xã là 25 trạm với qui mô khoảng 1.000 m2/trạm.
- Đồng thời, các huyện, thị, thành phố phải lập quy hoạch sử dụng đất để bố trí đất cho các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đến năm 2020.
6.3. Nhu cầu đất của các bệnh viện tư nhân:
Căn cứ vào nhu cầu và hiện trạng hiện có của các cơ sở y tế tư nhân, nhu cầu sử dụng đất như sau:
- Trên địa bàn thành phố Phan Thiết: tiếp tục triển khai các bệnh viện đang xây dựng và kêu gọi đầu tư thêm các bệnh viện chuyên khoa hoặc các bệnh viện đa khoa chất lượng cao gồm có 7 bệnh viện tư nhân với diện tích mỗi bệnh viện từ 3 ha đến 5 ha.
- Trên địa bàn các huyện, thị xã: tiếp tục triển khai các bệnh viện đã được chấp thuận chủ trương và kêu gọi đầu tư thêm các bệnh viện đa khoa tư nhân với diện tích đất từ 3 ha đến 5 ha.
7. Tổng hợp danh mục các dự án đầu tư và lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư:
7.1. Tổng hợp danh mục các dự án đầu tư:
Quy hoạch phát triển Ngành y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 đã tổng hợp được 66 danh mục dự án và nhóm dự án, với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 4.925,4 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 3.052,5 tỷ đồng và vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 1.872,9 tỷ đồng.
Trong danh mục các dự án đầu tư nói trên, có những dự án mang tính chất tổng hợp của nhóm dự án, như nhóm dự án xây dựng các trạm y tế xã; nhóm dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của các bệnh viện; nhóm dự án xây dựng các bệnh viện tư,… Trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, tùy theo khả năng nguồn vốn và tính bức xúc của từng công trình mà có thể tách riêng thành các dự án nhỏ hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật để thực hiện phù hợp với từng giai đoạn.
Danh mục các dự án đầu tư được tổng hợp trong Quy hoạch phát triển Ngành y tế tỉnh Bình Thuận có những dự án thuộc đối tượng đầu tư bằng 100% vốn ngân sách nhà nước hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước. Các dự án đầu tư cơ sở y tế tư nhân của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (sử dụng nguồn vốn tự có, vốn tín dụng). Các dự án đầu tư cơ sở y tế tư nhân sẽ do các nhà đầu tư tự xác định qui mô và mức vốn đầu tư khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
(Đính kèm các Bảng, Phụ lục liên quan đến hiện trạng và chỉ tiêu, định hướng phát triển, nhu cầu kinh phí thực hiện Quy hoạch phát triển Ngành Y tế Bình Thuận đến năm 2020).
III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Về công tác tuyên truyền, giáo dục:
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên trong hệ thống chính trị các cấp, trong trường học, trong nhân dân (tập trung ở vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về công tác chăm sóc sức khỏe; việc sử dụng thuốc hợp lý an toàn, hiệu quả; về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường... để làm cho người dân có ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh, tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, thay đổi lối sống không lành mạnh (uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá...).
2. Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế:
- Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Trong đó chú ý triển khai kịp thời các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã theo các chương trình đang được Bộ Y tế triển khai, như: chương trình mục tiêu quốc gia y tế, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay của Ngân hàng nước ngoài và các nguồn tài trợ hợp pháp khác... để đạt được các chỉ tiêu phát triển đã đề ra. Các dự án đầu tư nâng cấp, xây mới cơ sở y tế phải bảo đảm có bố trí các hạng mục phục vụ cho người khuyết tật theo quy định nhằm bảo đảm việc hưởng thụ công bằng, bình đẳng các dịch vụ y tế. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải y tế tại tất cả các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa Ngành Y tế:
- Triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa y tế theo quy định hiện hành của Chính phủ và của tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Trước hết, các bệnh viện công lập tuyến tỉnh và tuyến huyện phải đẩy mạnh xã hội hóa bằng hình thức góp vốn, liên doanh liên kết trong đầu tư trang thiết bị, cung ứng dịch vụ; đồng thời đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hiện nay. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các bệnh viện ngoài công lập theo hướng hiện đại với trình độ kỹ thuật cao.
- Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các bệnh viện ngoài công lập theo hướng hiện đại với trình độ kỹ thuật cao. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án xã hội hóa y tế được triển khai đầu tư và đi vào hoạt động đúng kế hoạch, phát huy tốt hiệu quả đầu tư, trong đó chọn thành phố Phan Thiết làm đơn vị chỉ đạo điểm để nhân rộng ra các địa bàn khác. Tạo điều kiện bình đẳng giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
- Lồng ghép các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trong các chính sách phát triển về kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm… Tăng cường sự phối hợp liên ngành và sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe.
- Triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo kế hoạch đề ra. Mở rộng các cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Người đóng bảo hiểm y tế tự lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
4. Triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ:
- Duy trì và nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội đồng khoa học Ngành Y tế với sự tham gia của các cán bộ y tế có chuyên môn giỏi tại các đơn vị y tế trong tỉnh; nghiên cứu, cập nhập các trang thiết bị y tế, các phương pháp điều trị và chẩn đoán mới áp dụng có chọn lọc vào tỉnh. Không ngừng nâng cao khả năng nghiên cứu, thường xuyên cập nhật và chọn lọc ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới, các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào việc phòng bệnh, khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoạt động của ngành và từng cơ sở y tế.
- Từng bước hiện đại hóa kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hóa sinh, lý sinh, miễn dịch, di truyền và sinh học phân tử. Xây dựng một số labo xét nghiệm và các kỹ thuật - công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh và khám chữa bệnh, điều hành quản lý bệnh viện và xử lý chất thải y tế.
- Xây dựng chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các cơ sở khoa học và công nghệ trong và ngoài ngành tham gia nghiên cứu ứng dụng và khai thác thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về trang thiết bị y tế. Phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý ngành từ tỉnh đến tuyến cơ sở.
5. Coi trọng đào tạo, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực:
Thực hiện tốt chính sách đào tạo, sử dụng và phát huy tốt nguồn nhân lực hiện có; chú ý đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho cán bộ dược nhằm cập nhật kiến thức và nâng cao chất lượng chuyên môn. Đào tạo nguồn nhân lực Ngành Y tế phải đảm bảo tính đồng bộ về cơ cấu từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, tính đến việc đáp ứng một phần về nhu cầu của khu vực y tế tư nhân. Thường xuyên quan tâm giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc, cán bộ và nhân viên Ngành Y tế. Thực hiện tốt chủ trương tăng cường, hỗ trợ cán bộ y tế tuyến trên cho tuyến cơ sở, nhất là vùng xa, vùng khó khăn, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của y tế tuyến xã; thực hiện tốt các chế độ, chính sách thu hút các sinh viên giỏi, cán bộ có trình độ cao, chuyên gia giỏi về chuyên môn và quản lý về công tác ở tỉnh.
6. Phát triển dược:
- Tiếp tục thực hiện chính sách quốc gia về thuốc, có kế hoạch thực hiện từng giai đoạn cụ thể và có sơ kết đánh giá từng giai đoạn. Triển khai việc phổ biến và chỉ đạo, giám sát thực hiện các quy định liên quan đến chuyên môn trong lĩnh vực dược một cách có hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.
- Triển khai việc áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, cung ứng, kiểm nghiệm và phân phối thuốc. Bước đầu tiến hành thí điểm sau đó rút kinh nghiệm để triển khai trên phạm vi rộng hơn.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện; chú trọng công tác kiểm tra và bình bệnh án, đơn thuốc nội, ngoại trú, công tác dược lâm sàng, theo dõi tác dụng bất lợi của thuốc (ADR). Tăng cường củng cố các cơ sở phân phối thuốc tuyến xã, bao gồm: Đại lý thuốc, nhà thuốc tư nhân; xây dựng danh mục thuốc thiết yếu, danh mục thuốc cấp cứu phù hợp cho các trạm y tế; nâng cao năng lực cho cán bộ của trạm y tế xã về lĩnh vực dược; chú ý quản lý nguồn mua thuốc của các đại lý và việc quản lý bảo quản, sử dụng thuốc của các chương trình y tế.
7. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế:
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, đặc biệt các cơ sở y tế đầu ngành trong mọi lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cao. Tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn viện trợ khác. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước, các viện, các trường; tranh thủ mọi sự hợp tác, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật; chú ý các lĩnh vực như đào tạo chuyên ngành, chuyên gia quản lý, chuyển giao công nghệ cao,…
8. Tăng cường quản lý nhà nước về y tế:
- Củng cố, hoàn chỉnh và đổi mới để nâng cao năng lực quản lý của hệ thống bộ máy y tế từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện phân cấp quản lý rõ ràng từng tuyến y tế. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và kinh doanh thuốc, hoạt động của các cơ sở y tế ngoài công lập.
- Xây dựng hệ thống cán bộ chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế. Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế trong tỉnh, giám sát việc thực hiện các quy định về chuyên môn liên quan đến trang thiết bị y tế.
- Tiếp tục triển khai các chính sách liên quan dược như chính sách Quốc gia về thuốc, chính sách đối với các đối tượng ưu tiên như người nghèo, nhân dân thuộc các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa; trẻ em dưới 6 tuổi.
- Nâng cao năng lực lập kế hoạch trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành Y tế. Thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động để đảm bảo thực hiện kế hoạch đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao.
9. Bảo đảm quỹ đất và nguồn vốn thực hiện Quy hoạch:
- Căn cứ nhu cầu sử dụng đất của Quy hoạch, cập nhật vào Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, căn cứ lộ trình phát triển để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm giao đất sạch kịp thời triển khai các dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế cả trong và ngoài công lập.
- Bảo đảm các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn huy động từ viện trợ quốc tế, đóng góp của xã hội và ngân sách tỉnh cân đối hàng năm để thực hiện các nội dung của Quy hoạch theo hướng không đầu tư dàn trải mà xác định các hạng mục ưu tiên đầu tư về thời gian cũng như kinh phí theo định mức được phê duyệt; có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo đầu tư đúng kế hoạch, không gây lãng phí.
Điều 2. Trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Quy hoạch:
- Phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020” do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã làm trưởng ban; thường trực Ban Chỉ đạo là Giám đốc Sở Y tế, các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch, tạo điều kiện để mọi tầng lớp tiếp cận được với quy hoạch này để thực hiện và giám sát thực hiện. Đồng thời tổ chức triển khai quy hoạch, cụ thể hóa theo kế hoạch hàng năm; xây dựng chương trình công tác cụ thể để có căn cứ thực hiện.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch bằng chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm, 05 năm theo từng nhiệm vụ. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nhân lực y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2015 trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2011-2020 để tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan đề xuất một số chính sách để phát triển nguồn nhân lực y tế; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chế độ chính sách của Trung ương và tỉnh đối với cán bộ Ngành Y tế.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Căn cứ nhu cầu đất phát triển các cơ sở y tế theo Quy hoạch này để cập nhập vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện đền bù, giải tỏa tạo quỹ đất sạch để triển khai các công trình, dự án theo lộ trình đề ra.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao giúp UBND tỉnh cân đối, bảo đảm nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung của Quy hoạch trong kế hoạch hàng năm của tỉnh.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm quỹ đất để thực hiện quy hoạch phát triển các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tại địa phương mình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CÁC BẢNG, PHỤ LỤC THUỘC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số: 2881/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Bảng 1. Dự báo dân số tỉnh Bình Thuận đến năm 2020
Đơn vị: Người
STT | Chỉ tiêu | 2005 | 2010 | 2015 | 2020 | Tốc độ tăng (%) | ||
2006-2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | ||||||
1 | Dân số trung bình | 1.133.331 | 1.176.913 | 1.224.749 | 1.274.528 | 0,76 | 0,95 | 0,90 |
| Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên | 1,46 | 1,30 | 0,92 | < 0,9 |
|
|
|
| Trong đó: Dân số thành thị | 402.571 | 462.467 | 617.008 | 716.259 | 2,81 | 5,94 | 3,03 |
| % so với tổng dân số | 35,5 | 39,3 | 50,0 | 55,5 |
|
|
|
2 | Dân số 0-14 tuổi | 381.933 | 321.096 | 294.111 | 289.405 | - 3,41 | - 1,74 | - 0,32 |
| % so với tổng dân số | 33,7 | 27,3 | 23,8 | 22,4 |
|
|
|
3 | Dân số từ 15 - 60 tuổi | 665.265 | 771.651 | 843.123 | 886.557 | 3,01 | 1,79 | 1,01 |
| % so với tổng dân số | 58,7 | 65,6 | 68,3 | 68,7 |
|
|
|
4 | Dân số trên 60 tuổi | 86.133 | 84.166 | 96.782 | 114.594 | - 0,46 | 2,83 | 3,44 |
| % so với tổng dân số | 7,1 | 7,2 | 7,8 | 8,9 |
|
|
|
Bảng 2. Một số chỉ số y tế của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010
TT | Các chỉ số sức khỏe | Theo QH đến 2010 | Thực hiện đến 2010 | Cả nước |
1 | Tuổi thọ trung bình | 71 | 72 | 73 |
2 | Tỷ suất chết trẻ em < 1 tuổi (‰) | 20 | 4,0 | 10,3 |
3 | Tỷ suất chết trẻ em < 5 tuổi (‰) |
| 5,0 | 16,1 |
4 | Tỷ lệ sơ sinh nặng < 2500g (%) | 5,0 | 2,6 | 3,2 |
5 | Tỷ số chết mẹ (100.000 trẻ đẻ ra sống) |
| 20 | 68 |
6 | Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi (cân nặng/tuổi; %) | 20 | 14 | 20 |
7 | Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ (%) | >90 | 95 |
|
8 | Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai 3 lần trở lên (%) | >90 | 95 | 90 |
9 | Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm UV2+ | 95 | 96,1 | 90 |
10 | Tỷ lệ bác sỹ /10.000 dân | 6,0 | 5,0 | 7 |
11 | Tỷ lệ dược sỹ đại học /10.000 dân |
| 0,37 | 1,2 |
12 | Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ (%) | 100 | 62 | 80 |
13 | Tỷ lệ trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi (%) |
| 100 | >95 |
14 | Tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế (%) |
| 100 | 80 |
15 | Số giường bệnh công lập /10.000 dân (không kể tuyến xã) | 18,45 | 22,3 | 20,5 |
16 | Số giường bệnh tư nhân /10.000 dân |
| 0,8 | 2,5 |
Bảng 3. Hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Bình Thuận đến năm 2010
CHỈ TIÊU | ĐVT | 2000 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1. Số giường bệnh | Giường | 1.175 | 1.746 | 1.801 | 1.997 | 2.195 | 2.430 | 2.730 |
2. Chỉ số hoạt động |
|
|
|
|
|
|
|
|
Số lượt khám chữa bệnh | Lượt | 571.870 | 927.022 | 1.125.878 | 1.489.195 | 1.610.355 | 1.525.304 | 1.653.087 |
Công suất sử dụng giường bệnh | % | 101,12 | 104,47 | 106,01 | 113,20 | 98,39 | 100,8 | 100,5 |
Số lượt điều trị nội trú | Lượt | 58.778 | 85.191 | 92.616 | 109.710 | 112.608 | 139.468 | 142.841 |
Số lượt điều trị ngoại trú | Lượt | 150.774 | 215.942 | 279.684 | 331.930 | 372.020 | 835.574 | 1.004.095 |
Số ca chuyển viện | Lượt | 1.943 | 5.005 | 6.350 | 10.324 | 12.508 | 12.514 | 12.545 |
Số lượt xét nghiệm | Lượt | 383.963 | 1.005.940 | 1.301.128 | 1.616.648 | 1.859.688 | 2.775.128 | 2.888.538 |
Số lượt chẩn đoán hình ảnh | Lượt | 72.106 | 137.519 | 157.496 | 182.835 | 207.496 | 329.948 | 369.500 |
Số ca mổ | Lượt | 4.902 | 24.247 | 28.969 | 31.590 | 37.643 | 27.863 | 28.521 |
- Đại phẫu | Lượt | 330 | 1.341 | 1.461 | 1.623 | 1.534 | 1.135 | 1.235 |
- Trung phẫu | Lượt | 1.074 | 7.307 | 7.092 | 8.176 | 8.675 | 6.421 | 6.501 |
- Tiểu phẫu | Lượt | 3.498 | 15.599 | 20.416 | 21.791 | 27.434 | 20.306 | 20.785 |
Bảng 4. Hoạt động khám chữa bệnh của các Bệnh viện tuyến tỉnh đến năm 2010
CHỈ TIÊU | ĐVT | 2000 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1. Số giường bệnh | Giường | 830 | 1.020 | 1.100 | 1.140 | 1.310 | 1.470 | 1.490 |
2. Chỉ số hoạt động |
|
|
|
|
|
|
|
|
Số lượt khám chữa bệnh | Lượt | 348.745 | 480.380 | 621.928 | 615.224 | 647.597 | 657.450 | 659.464 |
Công suất sử dụng giường bệnh | % | 109 | 110 | 116 | 128 | 104 | 102 | 102 |
Số lượt điều trị nội trú | Lượt | 37.191 | 56.093 | 63.704 | 67.077 | 64.755 | 59.057 | 71.768 |
Số lượt điều trị ngoại trú | Lượt | 28.966 | 66.355 | 103.760 | 111.116 | 119.182 | 98.463 | 100.540 |
Số ca chuyển viện | Lượt | 781 | 1.685 | 1.856 | 1.996 | 1.953 | 2.123 | 2.196 |
Số lượt xét nghiệm | Lượt | 316.892 | 918.094 | 1.211.600 | 1.412.838 | 1.536.577 | 2.030.947 | 2.130.501 |
Số lượt chẩn đoán hình ảnh | Lượt | 53.149 | 99.997 | 115.028 | 127.439 | 130.830 | 194.147 | 223.083 |
Số ca mổ | Lượt | 2.055 | 18.369 | 21.765 | 21.672 | 22.892 | 18.596 | 18.415 |
- Đại phẫu | Lượt | 278 | 1.292 | 1.416 | 1.471 | 1.386 | 1.126 | 1.140 |
- Trung phẫu | Lượt | 367 | 5.331 | 5.219 | 5.878 | 6.015 | 4.886 | 4.330 |
- Tiểu phẫu | Lượt | 1.410 | 11.746 | 15.130 | 14.323 | 15.491 | 12.584 | 12.945 |
Bảng 5. Hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện và phòng khám đa khoa công lập tuyến huyện đến năm 2010
CHỈ TIÊU | ĐVT | 2000 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1. Số giường bệnh | Giường | 345 | 425 | 475 | 715 | 835 | 940 | 1.140 |
2. Chỉ số hoạt động |
|
|
|
|
|
|
|
|
Số lượt khám chữa bệnh | Lượt | 223.125 | 446.642 | 503.950 | 873.971 | 962.758 | 976.653 | 1.072.096 |
Công suất sử dụng giường bệnh | % | 81 | 92 | 82 | 90 | 89 | 96 | 96 |
Số lượt điều trị nội trú | Lượt | 21.587 | 29.098 | 28.912 | 42.633 | 47.853 | 70.411 | 71.073 |
Số lượt điều trị ngoại trú | Lượt | 121.808 | 149.587 | 175.924 | 220.814 | 252.838 | 280.048 | 283.555 |
Số ca chuyển viện | Lượt | 1.162 | 3.320 | 4.494 | 8.328 | 10.555 | 10.391 | 10.349 |
Số lượt xét nghiệm | Lượt | 67.071 | 87.846 | 89.528 | 203.810 | 323.111 | 744.181 | 758.037 |
Số lượt chẩn đoán hình ảnh | Lượt | 18.957 | 37.522 | 42.468 | 55.396 | 76.666 | 135.801 | 146.417 |
Số ca mổ | Lượt | 2.847 | 5.878 | 7.204 | 9.918 | 14.751 | 9.266 | 10.106 |
- Đại phẫu | Lượt | 52 | 49 | 45 | 152 | 148 | 9 | 95 |
- Trung phẫu | Lượt | 707 | 1.976 | 1.873 | 2.298 | 2.660 | 1.535 | 2.171 |
- Tiểu phẫu | Lượt | 2.088 | 3.853 | 5.286 | 7.468 | 11.943 | 7.722 | 7.840 |
Bảng 6: Các chỉ tiêu chủ yếu về y tế đến năm 2015 và 2020
TT | Chỉ số | 2010 | 2015 | 2020 |
1 | Tuổi thọ trung bình | 72 | 74 | 76 |
2 | Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên (%) | 0,92 | 0,90 | 0,90 |
3 | Tỷ suất chết trẻ em <1 tuổi (‰) | 4 | 3,0 | <3,0 |
4 | Tỷ suất chết trẻ em <5 tuổi (‰) | 5 | 4 | <4 |
5 | Tỷ số chết mẹ (100.000 trẻ đẻ ra sống) | 20 | 15 | <15 |
6 | Tỷ lệ sơ sinh nặng <2500g (%) | 1,9 | 1,5 | <1,0 |
7 | Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em <5 tuổi (%) | 14 | 9 | 7 |
8 | Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ (%) | 100 | 100 | 100 |
9 | Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai 3 lần trở lên (%) | 95 | >95 | >95 |
10 | Số bác sỹ /10.000 dân | 5,0 | 7,0 | 8,0 |
11 | Số dược sỹ đại học/10.000 dân | 0,37 | 1,0 | 2,0 |
12 | Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ (%) | 62 | 100 | 100 |
13 | Tỷ lệ trạm y tế có Nữ hộ sinh (%) | 100 | 100 | 100 |
14 | Số giường bệnh công lập/10.000 dân * | 22,3 | 30,1 | 30,6 |
15 | Số giường bệnh tư nhân/10.000 dân | 0,8 | 12,2 | 18,6 |
16 | Tỷ lệ xã/phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế (%) | 100 | 100 | 100 |
17 | Tỷ lệ dân được dùng nước sạch(%) | 90 | >95 | >95 |
Bảng 7: Các chỉ tiêu chủ yếu về y tế dự phòng đến năm 2015 và 2020
STT | Nội dung | Năm 2015 | Năm 2020 |
1 | Tỷ lệ các đơn vị y tế dự phòng, các chi cục được đầu tư nguồn lực theo đúng chuyên môn quy định của Bộ Y tế | 90% | 100% |
2 | a/ Hệ thống dự phòng tuyến tỉnh: |
|
|
- Tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ trên đại học | 30% | 40% | |
- Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và trưởng phó khoa, phòng trên đại học | 75% | 90% | |
b/ Hệ thống dự phòng tuyến huyện: |
|
| |
- Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học | 40% | 50% | |
- Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và trưởng phó khoa, phòng trên đại học | 30% | 40% | |
3 | Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch: |
|
|
- Đô thị | 98% | >98% | |
- Nông thôn | 95% | >98% | |
4 | Tỷ lệ các cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống xử lý rác thải và nước thải hợp vệ sinh | 80% | 100% |
5 | Chiều cao trung bình: |
|
|
- Nam 18 tuổi | 165 cm | 167 cm | |
- Nữ 18 tuổi | 155 cm | 157 cm | |
6 | Khống chế tỷ lệ trẻ béo phì | < 6% | < 10% |
7 | Tỷ lệ trẻ em < 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ | > 95% | > 95% |
8 | Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi | 9% | < 7% |
9 | Tỷ lệ trẻ em chết < 5 tuổi | 4‰ | < 4‰ |
10 | Giảm tỷ lệ trẻ mắc cận thị học đường ở các cấp xuống còn (so với năm 2010) | 75% | 50% |
11 | Giảm tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống xuống còn (so với năm 2010) | 60% | 40% |
Bảng 8: Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trung tâm tuyến tỉnh thời kỳ 2011 - 2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
SỐ TT | TÊN DỰ ÁN | TỔNG VỐN ĐẦU TƯ | PHÂN KỲ | |
2011 - 2015 | 2016 -2020 | |||
| Tổng cộng | 88 | 68 | 20 |
1 | Trung tâm y tế dự phòng tỉnh | 22 | 15 | 7 |
2 | Trung tâm phòng chống HIV/AIDS | 22 | 17 | 5 |
3 | Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế | 22 | 18 | 4 |
4 | Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường | 22 | 18 | 4 |
Bảng 9: Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các Chi cục trực thuộc Sở Y tế thời kỳ 2011 - 2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
SỐ TT | TÊN DỰ ÁN | TỔNG VỐN ĐẦU TƯ | Phân kỳ đầu tư | |
2011 - 2015 | 2016 -2020 | |||
| Tổng cộng | 110 | 71 | 39 |
1 | Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm | 22 | 17 | 5 |
2 | Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình | 8 | 4 | 4 |
3 | Các trung Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện | 80 | 50 | 30 |
Bảng 10: Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trung tâm chuyên ngành thời kỳ 2011 - 2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
SỐ TT | TÊN DỰ ÁN | TỔNG VỐN ĐẦU TƯ | Phân kỳ đầu tư | |
2011- 2015 | 2016- 2020 | |||
| Tổng cộng | 109 | 77 | 32 |
1 | Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe | 15 | 10 | 5 |
2 | Trung tâm giám định pháp y | 14 | 9 | 5 |
3 | Trung tâm giám định y khoa | 14 | 9 | 5 |
4 | Trung tâm kiểm nghiệm | 29 | 25 | 4 |
5 | Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản | 20 | 12 | 8 |
6 | Trung tâm dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi | 17 | 12 | 5 |
Bảng 11: Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trung tâm y tế tuyến huyện thời kỳ 2011 - 2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
SỐ TT | TÊN DỰ ÁN | TỔNG VỐN ĐẦU TƯ | Phân kỳ đầu tư | |
2011 - 2015 | 2016 - 2020 | |||
| Tổng cộng | 159 | 100 | 59 |
1 | Trung tâm y tế thành phố Phan Thiết | 16 | 11 | 5 |
2 | Trung tâm y tế thị xã La Gi | 10 | 5 | 5 |
3 | Trung tâm y tế huyện Tuy Phong (xây mới) | 15 | 10 | 5 |
4 | Trung tâm y tế huyện Bắc Bình (đến năm 2015 Bắc Bình 1) | 8 | 4 | 4 |
5 | Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Bắc (xây mới) | 15 | 10 | 5 |
6 | Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Nam | 10 | 5 | 5 |
7 | Trung tâm y tế huyện Tánh Linh | 10 | 5 | 5 |
8 | Trung tâm y tế huyện Đức Linh | 10 | 5 | 5 |
9 | Trung tâm y tế huyện Hàm Tân (xây mới) | 15 | 10 | 5 |
10 | Trung tâm y tế huyện Phú Quý (xây mới) | 18 | 13 | 5 |
11 | Trung tâm y tế thị xã Phan Rí Cửa (đến năm 2015) | 16 | 11 | 5 |
12 | Trung tâm y tế huyện Bắc Bình 2 (đến năm 2015) | 16 | 11 | 5 |
Bảng 12: Phát triển mạng lưới bệnh viện công lập tuyến tỉnh
Đơn vị tính: giường bệnh
STT | Tên cơ sở | 2010 | 2011-2015 | 2016-2020 |
| Tuyến tỉnh | 1.490 | 2.250 | 2.300 |
1 | Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận | 800 | 800 | 800 |
2 | Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận | 220 | 300 | 300 |
3 | Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận | 220 | 300 | 300 |
4 | Bệnh viện y học cổ truyền | 150 |
|
|
5 | Bệnh viện y dược học cổ truyền và phục hồi chức năng |
| 300 | 300 |
6 | Bệnh viện lao và bệnh phổi | 100 | 100 | 100 |
7 | Bệnh viện sản - nhi |
| 300 | 300 |
8 | Bệnh viện chuyên khoa mắt |
| 50 | 50 |
9 | Bệnh viện chuyên khoa da liễu |
| 50 | 50 |
10 | Bệnh viện nội tiết |
| 50 | 50 |
11 | Bệnh viện chuyên khoa tâm thần |
|
| 50 |
Bảng 13: Phát triển mạng lưới bệnh viện công lập tuyến huyện
Đơn vị tính: giường bệnh
STT | Tên cơ sở | 2010 | 2011-2015 | 2016-2020 |
| Tuyến Huyện | 1.140 | 1.470 | 1.650 |
1 | Thành phố Phan Thiết | 150 | 180 | 180 |
| - Bệnh viện thành phố Phan Thiết | 120 | 150 | 150 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né | 30 | 30 | 30 |
2 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 140 | 160 | 190 |
| - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Bắc | 100 | 120 | 150 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Phú Long | 30 | 30 | 30 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang | 10 | 10 | 10 |
3 | Huyện Hàm Tân | 80 | 160 | 190 |
| - Bệnh viện huyện Hàm Tân | 60 | 120 | 150 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Minh | 20 | 20 | 20 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Mỹ - Tân Thắng - Thắng Hải |
| 20 | 20 |
4 | Huyện Phú Quý | 60 | 100 | 120 |
| - Bệnh viện huyện Phú Quý | 60 | 100 | 120 |
5 | Huyện Tánh Linh | 150 | 190 | 190 |
| - Bệnh viện huyện Tánh Linh | 110 | 150 | 150 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Bắc Ruộng | 40 | 40 | 40 |
6 | Thị xã La Gi | 180 | 220 | 270 |
| - Bệnh viện thị xã La Gi | 180 | 200 | 250 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải - Tân Tiến |
| 20 | 20 |
7 | Huyện Hàm Thuận Nam | 140 | 160 | 190 |
| - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Nam | 100 | 120 | 150 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Thuận | 20 | 20 | 20 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần | 20 | 20 | 20 |
8 | Huyện Tuy Phong | 170 | 150 | 170 |
| - Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong | 120 | 150 | 170 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Phan Rí Cửa | 50 |
|
|
9 | Thị xã Phan Rí Cửa (sẽ thành lập) |
| 70 | 70 |
| - Bệnh viện đa khoa thị xã Phan Rí Cửa |
| 70 | 70 |
10 | Huyện Đức Linh | 70 | 80 | 80 |
| - Bệnh viện đa khoa Mê Pu, huyện Đức Linh | 40 | 50 | 50 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân | 30 | 30 | 30 |
Bảng 14: Quy hoạch mạng lưới bệnh viện ngoài công lập đến năm 2020
Đơn vị tính: Giường bệnh
STT | Tên cơ sở y tế | Địa điểm | Qui mô giường bệnh |
| ||
Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 | ||||
I | Các bệnh viện đang hoạt động |
| 100 | 300 | 300 |
|
1 | Bệnh viên đa khoa An phước | Phú Trinh, Phan Thiết | 70 | 200 | 200 |
|
2 | Bệnh viên đa khoa Tâm Phúc | Đức Thắng, Phan Thiết | 30 | 100 | 100 |
|
II | Các bệnh viện đang triển khai xây dựng |
|
| 300 | 300 |
|
1 | Bệnh viện Y học cổ truyền Nhơn Ái | Phú Tài, thành phố Phan Thiết |
| 100 | 100 |
|
2 | Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đồng Tân | Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết |
| 100 | 100 |
|
3 | Bệnh viện tim mạch chất lượng cao | Phú Trinh, thành phố Phan Thiết |
| 100 | 100 |
|
III | Các bệnh viện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư |
|
| 450 | 750 |
|
1 | Bệnh viện sản - nhi Tương Lai | Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết |
| 200 | 200 |
|
2 | Bệnh viện đa khoa An Bình | Thị xã La Gi |
| 150 | 150 |
|
3 | Bệnh viện đa khoa An Sinh | Huyện Đức Linh |
| 100 | 400 |
|
IV | Các bệnh viện kêu gọi đầu tư |
|
| 350 | 950 |
|
1 | Bệnh viện đa khoa du lịch chất lượng cao | Khu vực Mũi Né, Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết |
| 200 | 550 |
|
2 | Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao | Thành phố Phan Thiết |
| 50 | 100 |
|
3 | Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao | Thành phố Phan Thiết |
|
| 50 |
|
4 | Bệnh viện đa khoa | Phan Rí Cửa (Tuy Phong) |
| 50 | 50 |
|
5 | Bệnh viện đa khoa | Huyện Hàm Tân |
| 50 | 50 |
|
6 | Bệnh viện đa khoa | Huyện Hàm Thuận Bắc |
|
| 50 |
|
7 | Bệnh viện đa khoa | Huyện Hàm Thuận Nam |
|
| 50 |
|
8 | Bệnh viện đa khoa | Huyện Tánh Linh |
|
| 50 |
|
| Tổng cộng |
| 100 | 1.400 | 2.300 |
|
Bảng 15: Tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân
Đơn vị tính: Giường bệnh
Số giường và tỷ lệ | 2010 | 2015 | 2020 |
Công lập |
|
|
|
- Số giường bệnh | 2.630 | 3.720 | 3.950 |
- Tỷ lệ giường bệnh công lập/10.000 dân | 22,3 | 30,1 | 30,6 |
Khu vực tư nhân |
|
|
|
- Số giường bệnh | 100 | 1.500 | 2.400 |
- Tỷ lệ giường bệnh tư nhân/10.000 dân | 0,8 | 12,2 | 18,6 |
Bảng 16: Nhu cầu vốn đầu tư phát triển giường bệnh của các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực công lập thời kỳ 2011-2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
STT | Tên cơ sở | 2010 (GB) | 2015 (GB) | 2020 (GB) | 2011- 2015 | 2016-2020 | Tổng Cộng |
I | Tuyến tỉnh | 1.490 | 2.250 | 2.300 | 395 | 25 | 420 |
1 | Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận | 800 | 800 | 800 |
|
|
|
2 | Bệnh viện ĐK khu vực Nam Bình Thuận | 220 | 300 | 300 | 40 | - | 40 |
3 | Bệnh viện ĐK khu vực Bắc Bình Thuận | 220 | 300 | 300 | 40 | - | 40 |
4 | Bệnh viện y học cổ truyền | 150 |
|
|
|
|
|
5 | Bệnh viện y dược học cổ truyền và phục hồi chức năng |
| 300 | 300 | 90 | - | 90 |
6 | Bệnh viện lao và bệnh phổi | 100 | 100 | 100 |
|
|
|
7 | Bệnh viện sản - nhi |
| 300 | 300 | 150 |
| 150 |
8 | Bệnh viện chuyên khoa mắt |
| 50 | 50 | 25 |
| 25 |
9 | Bệnh viện chuyên khoa da liễu |
| 50 | 50 | 25 |
| 25 |
10 | Bệnh viện nội tiết |
| 50 | 50 | 25 | - | 25 |
11 | Bệnh viện chuyên khoa tâm thần |
|
| 50 |
| 25 | 25 |
II | Tuyến huyện | 1.140 | 1.470 | 1.650 | 154 | 72 | 226 |
1 | Thành phố Phan Thiết | 150 | 180 | 180 | 6 |
| 6 |
| - Bệnh viện thành phố Phan Thiết | 120 | 150 | 150 | 6 |
| 6 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né | 30 | 30 | 30 |
|
|
|
2 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 140 | 160 | 190 | 4 | 12 | 16 |
| - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Bắc | 100 | 120 | 150 | 4 | 12 | 16 |
| - Phòng khám ĐKKV Phú Long | 30 | 30 | 30 |
|
|
|
| - Phòng khám ĐKKV Đông Giang | 10 | 10 | 10 |
|
|
|
3 | Huyện Hàm Tân | 80 | 160 | 190 | 28 | 6 | 34 |
| - Bệnh viện huyện Hàm Tân | 60 | 120 | 150 | 24 | 6 | 30 |
| - Phòng khám ĐKKV Tân Minh | 20 | 20 | 20 |
|
|
|
| - Phòng khám ĐKKV Sơn Mỹ -Tân Thắng - Thắng Hải |
| 20 | 20 | 4 |
| 4 |
4 | Huyện Phú Quý | 60 | 100 | 120 | 16 | 4 | 20 |
| - Bệnh viện huyện Phú Quý | 60 | 100 | 120 | 16 | 4 | 20 |
5 | Huyện Tánh Linh | 150 | 190 | 190 | 16 |
| 16 |
| - Bệnh viện huyện Tánh Linh | 110 | 150 | 150 | 16 |
| 16 |
| - Phòng khám ĐKKV Bắc Ruộng | 40 | 40 | 40 |
|
|
|
6 | Thị xã La Gi | 180 | 220 | 270 | 4 | 20 | 24 |
| - Bệnh viện thị xã La Gi | 180 | 200 | 250 | 4 | 20 | 24 |
| - Phòng khám ĐKKV Tân Hải -Tân Tiến |
| 20 | 20 | 4 |
| 4 |
7 | Huyện Hàm Thuận Nam | 140 | 160 | 190 | 4 | 12 | 16 |
| - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Nam | 100 | 120 | 150 | 4 | 12 | 16 |
| - Phòng khám ĐKKV Tân Thuận | 20 | 20 | 20 |
|
|
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần | 20 | 20 | 20 |
|
|
|
8 | Huyện Tuy Phong | 170 | 150 | 170 | 6 | 8 | 14 |
| - Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong | 120 | 150 | 170 | 6 | 8 | 14 |
| - Phòng khám ĐKKV Phan Rí Cửa | 50 |
|
|
|
|
|
9 | Thị xã Phan Rí Cửa |
| 70 | 70 | 28 | - | 28 |
| - Bệnh viện đa khoa thị xã Phan Rí Cửa |
| 70 | 70 | 28 | - | 28 |
10 | Huyện Đức Linh | 70 | 80 | 80 | 40 | 10 | 50 |
| - Bệnh viện đa khoa Mê Pu, huyện Đức Linh | 40 | 50 | 50 | 40 | 10 | 50 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân | 30 | 30 | 30 |
|
|
|
| Tổng Cộng | 2.630 | 3.720 | 3.950 | 549 | 97 | 646 |
Bảng 17: Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các trạm y tế xã, phường, thị trấn
Đơn vị tính: Tỷ đồng
STT | Đơn vị | 2010 Số TYT | 2011-2015 | 2016-2020 | ||
Số TYT | Vốn | Số TYT | Vốn | |||
1 | Thành phố Phan Thiết | 18 | 22 | 11 | 22 | 11 |
2 | Thị xã La Gi | 9 | 12 | 6 | 12 | 6 |
3 | Huyện Phú Quý | 3 | 5 | 3 | 5 | 3 |
4 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 17 | 19 | 10 | 20 | 11 |
5 | Huyện Hàm Thuận Nam | 13 | 15 | 8 | 15 | 8 |
6 | Huyện Tánh Linh | 14 | 15 | 8 | 17 | 9 |
7 | Huyện Đức Linh | 13 | 15 | 8 | 15 | 8 |
8 | Huyện Hàm Tân | 10 | 10 | 5 | 10 | 5 |
9 | Huyện Bắc Bình 1 |
| 12 | 6 | 12 | 6 |
10 | Huyện Bắc Bình 2 |
| 9 | 5 | 9 | 5 |
11 | Huyện Tuy Phong | 12 | 8 | 5 | 8 | 4 |
12 | Thị xã Phan Rí Cửa |
| 7 | 4 | 7 | 4 |
| Tổng cộng | 127 | 149 | 76 | 152 | 80 |
Bảng 18: Suất đầu tư tối thiểu cho 1 giường bệnh ngoài công lập
Đơn vị tính: Tỷ đồng
STT | Địa điểm đầu tư | Loại hình bệnh viện | Vốn đầu tư |
1 | Các phường của thành phố Phan Thiết | - Bệnh viện đa khoa chất lượng cao | 1,5 |
- Bệnh viện y học cổ truyền chất lượng cao | 1,0 | ||
- Các loại Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao | 1,5 | ||
02 | Các xã của thành phố Phan Thiết; thị xã La Gi và các huyện | - Bệnh viện đa khoa chất lượng cao | 1,0 |
- Bệnh viện Y học cổ truyền chất lượng cao | 0,8 | ||
- Các loại Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao | 1,0 |
Bảng 19: Nhu cầu vốn đầu tư phát triển giường bệnh của các bệnh viện ngoài công lập
Đơn vị tính: Tỷ đồng
STT | Tên cơ sở y tế | Qui mô giường bệnh | Nhu cầu vốn đầu tư | ||||
Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 | 2011-2015 | 2016-2020 | Tổng Cộng | ||
I. | Các bệnh viện đang hoạt động | 100 | 300 | 300 | 200 | 150 | 350 |
1 | Bệnh viên đa khoa An phước | 70 | 200 | 200 | 130 | 100 | 230 |
2 | Bệnh viên đa khoa Tâm Phúc | 30 | 100 | 100 | 70 | 50 | 120 |
II. | Các bệnh viện đang triển khai xây dựng |
| 300 | 300 | 350 | 150 | 500 |
1 | Bệnh viện Y học cổ truyền Nhơn Ái |
| 100 | 100 | 100 | 50 | 150 |
2 | Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đồng Tân |
| 100 | 100 | 100 | 50 | 150 |
3 | Bệnh viện Tim mạch chất lượng cao |
| 100 | 100 | 150 | 50 | 200 |
III. | Các bệnh viện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư |
| 450 | 750 | 450 | 225 | 675 |
1 | Bệnh viện sản - nhi Tương Lai |
| 200 | 200 | 200 | 100 | 300 |
2 | Bệnh viện đa khoa An Bình |
| 150 | 150 | 150 | 75 | 225 |
3 | Bệnh viện đa khoa An Sinh |
| 100 | 400 | 100 | 50 | 150 |
IV. | Các bệnh viện kêu gọi đầu tư |
| 350 | 950 | 475 | 400 | 875 |
1 | Bệnh viện đa khoa du lịch chất lượng cao khu vực Hàm Tiến - Mũi Né thành phố Phan Thiết |
| 200 | 550 | 300 | 100 | 400 |
2 | Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao, thành phố Phan Thiết |
| 50 | 100 | 75 | 25 | 100 |
3 | Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao, thành phố Phan Thiết |
|
| 50 |
| 75 | 75 |
4 | Bệnh viện đa khoa tư nhân, thị xã Phan Rí Cửa |
| 50 | 50 | 50 | 25 | 75 |
5 | Bệnh viện đa khoa tư nhân, huyện Hàm Tân |
| 50 | 50 | 50 | 25 | 75 |
6 | Bệnh viện đa khoa tư nhân, huyện H.T. Bắc |
|
| 50 |
| 50 | 50 |
7 | Bệnh viện đa khoa tư nhân, huyện H.T.Nam |
|
| 50 |
| 50 | 50 |
8 | Bệnh viện đa khoa tư nhân, huyện Tánh Linh |
|
| 50 |
| 50 | 50 |
Bảng 20: Vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các bệnh viện và các phòng khám đa khoa khu vực
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT | Tên bệnh viện | 2011-2015 | 2016-2020 | Tổng cộng |
| Tổng cộng | 214 | 176 | 390 |
I | Tuyến tỉnh | 140 | 120 | 260 |
1 | Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận | 50 | 50 | 100 |
2 | Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận | 15 | 10 | 25 |
3 | Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận | 15 | 10 | 25 |
4 | Bệnh viện y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng | 15 | 10 | 25 |
5 | Bệnh viện lao và bệnh Phổi | 15 | 10 | 25 |
6 | Bệnh viện sản - nhi | 30 | 30 | 60 |
II | Tuyến huyện | 74 | 56 | 130 |
1 | Thành phố Phan Thiết | 8 | 8 | 16 |
- Bệnh viện đa khoa thành phố Phan Thiết | 5 | 5 | 10 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né | 3 | 3 | 6 | |
2 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 11 | 8 | 19 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Bắc | 8 | 5 | 13 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Phú Long | 2 | 2 | 4 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang | 1 | 1 | 2 | |
3 | Huyện Hàm Tân | 10 | 5 | 15 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Tân | 10 | 5 | 15 | |
4 | Huyện Phú Quý | 10 | 5 | 15 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quý | 10 | 5 | 15 | |
5 | Huyện Tánh Linh | 11 | 11 | 22 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Tánh Linh | 8 | 8 | 16 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Bắc Ruộng | 3 | 3 | 6 | |
6 | Thị xã La Gi | 8 | 5 | 13 |
- Bệnh viện đa khoa thị xã La Gi | 8 | 5 | 13 | |
7 | Huyện Hàm Thuận Nam | 5 | 3 | 8 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Nam | 5 | 3 | 8 | |
8 | Huyện Tuy Phong | 8 | 8 | 16 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong | 8 | 8 | 16 | |
9 | Huyện Đức Linh | 3 | 3 | 6 |
| - Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân | 3 | 3 | 6 |
Bảng 21: Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống vận chuyển cấp cứu
Đơn vị: Tỷ đồng
TT | Hạng mục đầu tư | 2011-2015 | 2016-2020 | 2011-2020 |
1 | Mua xe chuyên dụng và trang thiết bị vận chuyển cấp cứu | 5 | 5 | 10,0 |
2 | Đào tạo, huấn luyện nhân viên y tế vận chuyển cấp cứu ở trong và ngoài nước | 1 | 0,5 | 1,5 |
3 | Xây dựng hệ thống thông tin điều hành, chỉ huy cấp cứu - vận chuyển cấp cứu của tỉnh | 1 | 0,5 | 1,5 |
| Tổng cộng | 7 | 6 | 13,0 |
Bảng 22: Một số mục tiêu cụ thể về nhân lực y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020
Chỉ số | 2010 | 2015 | 2020 | |||
Bình Thuận | Quốc gia | Bình Thuận | Quốc gia | Bình Thuận | Quốc Gia | |
Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân | 5,0 | 7,0 | 7,0 | ** | 8,0 | 9,0 |
Tỷ lệ dược sỹ đại học/10.000 dân | 0,37 | 1,2 | 1,0 | 1,8 | 2,0 | 2,2 |
Tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ | 3,4 | 3,5 | 3,5 | 3,5 | 3,5 | 3,5 |
Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ (%) | 62 | 80 | 100 | >95 | 100 | >95 |
Tỷ lệ trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sỹ sản nhi (%) | 100 | >95 | 100 | >95 | 100 | >95 |
Tỷ lệ trạm y tế xã có cán bộ y học cổ truyền (%) | 77,6 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Tỷ lệ trạm y tế xã có cán bộ phụ trách dược (%) | 85,5 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế (%) | 70 |
| 100 | ** | 100 | 100 |
Bảng 23: Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở đào tạo từ năm 2011 đến năm 2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
SỐ TT | TÊN DỰ ÁN | TỔNG VỐN ĐẦU TƯ | Phân kỳ đầu tư | |
2011 - 2015 | 2016 -2020 | |||
1 | Trường cao đẳng y tế Bình Thuận | 305 | 55 | 250 |
| - Đầu tư cơ sở vật chất | 245 | 45 | 200 |
| - Đầu tư trang thiết bị | 60 | 10 | 50 |
Bảng 24. Nhu cầu nhân lực y tế khu vực công lập của tỉnh Bình Thuận đến năm 2015 và 2020
Chỉ tiêu | Năm 2010 | 2011 - 2015 | 2016 - 2020 |
| ||||||
Số lượng | Giảm (2%) | Bổ sung | Trung bình/ năm | Số lượng | Giảm (2%) | Bổ sung | Trung bình/ năm | |||
1.Trình độ Bác sĩ và cao hơn, gồm: | 609 | 864 | 12 | 267 | 53 | 1.032 | 16 | 184 | 37 |
|
- Tiến sĩ, chuyên khoa 2 | 4 | 24 |
| 20 | 4 | 36 |
| 12 | 2 |
|
- Thạc sĩ, chuyên khoa 1 | 269 | 323 | 5 | 59 | 12 | 413 | 6 | 108 | 22 |
|
2. Điều dưỡng, kỹ thuật viên, gồm: | 2.803 | 3.024 | 56 | 277 | 55 | 3.622 | 60 | 658 | 132 |
|
- Thạc sỹ, chuyên khoa 1 | 3,0 | 10 | 1 | 9 | 2 | 20 |
| 10 | 2 |
|
- Cử nhân, cao đẳng | 76 | 212 | 2 | 146 | 29 | 532 | 4 | 324 | 65 |
|
- Trung cấp | 2.742 | 2.802 | 55 | 821 | 164 | 3.048 | 56 | 324 | 65 |
|
3. Dược sĩ cao cấp | 40 | 123 | 10 | 93 | 19 | 258 | 2 | 137 | 27 |
|
Trong đó: Thạc sỹ, chuyên khoa 1 | 5 | 15 | 1 | 11 | 2 | 35 |
| 20 | 4 |
|
4. Dược sĩ trung cấp | 324 | 253 | 6 |
|
| 645 | 5 | 294 | 59 |
|
Ghi chú: Giảm do chuyển công tác, nghỉ hưu là 2%.
Bảng 25. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển nhân lực y tế thời kỳ 2011 - 2020
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nội dung | 2011-2015 | 2016-2020 | Tổng Cộng | |||
Số lượng | Kinh phí | Số lượng | Kinh phí | Số lượng | Kinh phí | |
1. Đào tạo sau đại học | 99 | 4.755 | 150 | 6.930 | 249 | 11.685 |
- Tiến sĩ, chuyên khoa II | 20 | 1.200 | 12 | 720 | 32 | 1.920 |
- Thạc sĩ, chuyên khoa I | 79 | 3.555 | 138 | 6.210 | 217 | 9.765 |
2. Đào tạo đại học | 506 | 51.960 | 645 | 57.960 | 1.151 | 109.920 |
- Bác sỹ, dược sĩ liên thông | 252 | 30.240 | 225 | 27.000 | 477 | 57.240 |
- Bác sỹ, dược sĩ chính qui đào tạo theo địa chỉ | 108 | 12.960 | 96 | 11.520 | 204 | 24.480 |
- Điều dưỡng, kỹ thuật viên | 146 | 8.760 | 324 | 19.440 | 470 | 28.200 |
Tổng cộng | 605 | 56.715 | 795 | 64.890 | 1.400 | 121.605 |
Bảng 26: Danh mục các dự án đầu tư đến năm 2015 và 2020
TT | TÊN DỰ ÁN | Vốn đầu tư | Phân kỳ đầu tư |
| |
2011 -2015 | 2016 - 2020 | ||||
| TỔNG SỐ | 4.925,4 | 3.052,5 | 1.872,9 |
|
I | Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới mạng lưới y tế dự phòng | 466 | 316 | 150 |
|
A | Tuyến tỉnh | 88 | 68 | 20 |
|
1 | Trung tâm y tế dự phòng tỉnh | 22 | 15 | 7 |
|
2 | Trung tâm phòng chống HIV/AIDS | 22 | 17 | 5 |
|
3 | Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế | 22 | 18 | 4 |
|
4 | Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường | 22 | 18 | 4 |
|
B | Tuyến huyện | 159 | 100 | 59 |
|
5 | Trung tâm y tế thành phố Phan Thiết | 16 | 11 | 5 |
|
6 | Trung tâm y tế thị xã La Gi | 10 | 5 | 5 |
|
7 | Trung tâm y tế huyện Tuy Phong | 15 | 10 | 5 |
|
8 | Trung tâm y tế huyện Bắc Bình | 8 | 4 | 4 |
|
9 | Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Bắc | 15 | 10 | 5 |
|
10 | Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Nam | 10 | 5 | 5 |
|
11 | Trung tâm y tế huyện Tánh Linh | 10 | 5 | 5 |
|
12 | Trung tâm y tế huyện Đức Linh | 10 | 5 | 5 |
|
13 | Trung tâm y tế huyện Hàm Tân | 15 | 10 | 5 |
|
14 | Trung tâm y tế huyện Phú Quý | 18 | 13 | 5 |
|
15 | Trung tâm y tế thị xã Phan Rí Cửa | 16 | 11 | 5 |
|
16 | Trung tâm y tế huyện Bắc Bình 2 | 16 | 11 | 5 |
|
C | Các chi cục thuộc Sở y tế | 110 | 71 | 39 |
|
17 | Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm | 22 | 17 | 5 |
|
18 | Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình | 8 | 4 | 4 |
|
19 | Các trung tâm Dân số - KHHGĐ tuyến huyện | 80 | 50 | 30 |
|
D | Các trung tâm lĩnh vực chuyên ngành | 109 | 77 | 32 |
|
19 | Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe | 15 | 10 | 5 |
|
20 | Trung tâm giám định pháp y | 14 | 9 | 5 |
|
21 | Trung tâm giám định Y khoa | 14 | 9 | 5 |
|
22 | Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm mỹ phẩm | 29 | 25 | 4 |
|
23 | Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản | 20 | 12 | 8 |
|
24 | Trung tâm dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi | 17 | 12 | 5 |
|
II | Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh | 3.811 | 2.473 | 1.338 |
|
A | Các bệnh viện tuyến tỉnh | 420 | 395 | 25 |
|
A1 | Đầu tư xây dựng mới | 340 | 315 | 25 |
|
25 | Bệnh viện y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng | 90 | 90 | - |
|
26 | Bệnh viện sản - nhi | 150 | 150 | - |
|
27 | Bệnh viện chuyên khoa mắt | 25 | 25 | - |
|
28 | Bệnh viện chuyên khoa da liễu | 25 | 25 | - |
|
29 | Bệnh viện nội tiết | 25 | 25 | - |
|
30 | Bệnh viện chuyên khoa tâm thần | 25 |
| 25 |
|
A2 | Nâng cấp, cải tạo và mở rộng | 80 | 80 | - |
|
31 | Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận | 40 | 40 | - |
|
32 | Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận | 40 | 40 | - |
|
B | Đầu tư nâng cấp mở rộng các bệnh viện tuyến huyện | 232 | 156 | 76 |
|
33 | - Bệnh viện thành phố Phan Thiết | 6 | 6 | - |
|
34 | - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Bắc | 16 | 4 | 12 |
|
35 | - Bệnh viện huyện Hàm Tân | 30 | 24 | 6 |
|
36 | - Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Mỹ - Tân Thắng - Thắng Hải | 6 | 4 | 2 |
|
37 | - Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quý | 20 | 16 | 4 |
|
38 | - Bệnh viện đa khoa huyện Tánh Linh | 16 | 16 | - |
|
39 | - Bệnh viện đa khoa thị xã La Gi | 24 | 4 | 20 |
|
40 | - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải - Tân Tiến | 6 | 4 | 2 |
|
41 | - Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Nam | 16 | 4 | 12 |
|
42 | - Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong | 14 | 6 | 8 |
|
43 | - Bệnh viện đa khoa thị xã Phan Rí Cửa | 28 | 28 | - |
|
44 | - Bệnh viện đa khoa Mê Pu huyện Đức Linh | 50 | 40 | 10 |
|
C | Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới các trạm y tế xã | 156 | 76 | 80 |
|
45 | Thành phố Phan Thiết | 22 | 11 | 11 |
|
46 | Thị xã La Gi | 12 | 6 | 6 |
|
47 | Huyện Phú Quý | 6 | 3 | 3 |
|
48 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 21 | 10 | 11 |
|
49 | Huyện Hàm Thuận Nam | 16 | 8 | 8 |
|
50 | Huyện Tánh Linh | 17 | 8 | 9 |
|
51 | Huyện Đức Linh | 16 | 8 | 8 |
|
52 | Huyện Hàm Tân | 10 | 5 | 5 |
|
53 | Huyện Bắc Bình 1 | 12 | 6 | 6 |
|
54 | Huyện Bắc Bình 2 | 10 | 5 | 5 |
|
55 | Huyện Tuy Phong | 9 | 5 | 4 |
|
56 | Thị xã Phan Rí Cửa | 8 | 4 | 4 |
|
D | Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế | 390 | 214 | 176 |
|
57 | Tuyến tỉnh | 260 | 140 | 120 |
|
58 | Tuyến Huyện | 130 | 74 | 56 |
|
E | Dự án phát triển bệnh viện tư | 2.600 | 1.625 | 975 |
|
59 | Đầu tư phát triển các bệnh viện tư | 2.600 | 1.625 | 975 |
|
F | Phát triển mạng lưới dịch vụ vận chuyển cấp cứu | 13 | 7 | 6 |
|
60 | Đầu tư phát triển mạng lưới dịch vụ vận chuyển cấp cứu | 13 | 7 | 6 |
|
III | Lĩnh vực dược | 42 | 22 | 20 |
|
61 | Trang thiết bị công tác quản lý dược | 2 | 2 |
|
|
62 | Đầu tư mới, cải tạo nâng cấp dây truyền sản xuất thuốc viên | 20 | 10 | 10 |
|
63 | Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đạt chuẩn GSP cho các khoa dược bệnh viện | 10 | 10 |
|
|
64 | Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất và sơ chế dược liệu | 10 |
| 10 |
|
IV | Quy hoạch phát nhân lực Ngành y tế | 426,6 | 111,7 | 314,9 |
|
65 | Trường cao đẳng y tế | 305 | 55 | 250 |
|
66 | Đề án phát triển nhân lực y tế | 121,6 | 56,7 | 64,9 |
|
V | Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện | 180 | 129,8 | 50 |
|
67 | Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện | 180 | 129,8 | 50 |
|
Bảng 27. Tổng hợp vốn đầu tư theo lĩnh vực
Đơn vị tính: Tỷ đồng
STT | Tên lĩnh vực | 2011-2015 | 2016-2020 | Tổng cộng |
1 | Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng và dân số kế hoạch hóa gia đình | 316 | 150 | 466 |
2 | Đầu tư phát triển mạng lưới khám chữa bệnh và vận chuyển cấp cứu - Trong đó, vốn xã hội hóa | 2.473 | 1.338 | 3.811 |
3 | Đầu tư phát triển lĩnh vực dược | 22 | 20 | 42 |
4 | - Đầu tư nâng cấp Trường cao đẳng y tế - Chi phí đào tạo nhân lực y tế | 111,7 | 314,9 | 426,6 |
5 | Đầu tư bảo vệ môi trường | 129,8 | 50 | 179,8 |
| Tổng cộng | 3.052,5 | 1.872,9 | 4.925,4 |
Bảng 28. Cơ cấu các nguồn vốn đầu tư
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Chỉ tiêu | 2011-2020 | 2011-2015 | 2016-2020 | |||
Vốn | Tỷ trọng (%) | Vốn | Tỷ trọng (%) | Vốn | Tỷ trọng (%) | |
Tổng vốn đầu tư | 4.925,4 | 100 | 3.052,5 | 62,0 | 1.872,9 | 38,0 |
- Vốn ngân sách các cấp | 1.433,3 | 29,1 | 802,8 | 26,3 | 630,5 | 33,7 |
+ Các nguồn vốn hỗ trợ của TW | 860,0 | 60,0 | 481,7 | 60,0 | 378,3 | 60,0 |
+ Ngân sách tỉnh | 573,3 | 40,0 | 321,1 | 40,0 | 252,2 | 40,0 |
- Vốn ODA | 892,1 | 18,1 | 624,7 | 20,5 | 267,4 | 14,3 |
- Vốn tự có của dân cư và các doanh nghiệp ngoài nhà nước | 2.600,0 | 52,8 | 1.625,0 | 53,2 | 975,0 | 52,1 |
HIỆN TRẠNG CÁC BỆNH MẮC CAO NHẤT TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
STT | Tên bệnh mắc cao nhất | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | ||||||
Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | ||
1 | Viêm dạ dày và tá tràng | 1.211 | 1,2 | 1.126 | 0,8 | 1.436 | 1 | 2.570 | 1,2 | 4.237 | 1,7 | 4.449 | 1,8 |
2 | Bệnh của ruột thừa | 1.779 | 1,7 | 1.572 | 1,2 | 1.369 | 0,9 | 1.557 | 0,8 | 1.951 | 0,8 | 2.049 | 0,8 |
3 | Tăng huyết áp nguyên phát | 1.262 | 1,2 | 1.737 | 1,3 | 3.652 | 2,5 | 11.970 | 5,8 | 7.399 | 3 | 7.769 | 3,2 |
4 | Viêm xoang mãn tính | 2.187 | 2 | 2.447 | 1,8 | 3.115 | 2,1 | 2.967 | 1,4 | 1.041 | 0,4 | 1.093 | 0,4 |
5 | Tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn | 3.588 | 3,4 | 2.895 | 2,2 | 6.458 | 4,4 | 6.790 | 3,2 | 6.589 | 2,7 | 6.918 | 2,8 |
6 | Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp | 3.299 | 3,1 | 6.610 | 4,9 | 6.560 | 4,5 | 11.365 | 5,4 | 10.304 | 4,2 | 10.819 | 4,4 |
7 | Các tổn thương do chấn thương xác định và ở nhiều nơi | 3.621 | 3,4 | 4.895 | 3,7 | 4.784 | 3,2 | 4.907 | 2,4 | 5.041 | 2,1 | 5.293 | 2,2 |
8 | Các bệnh viêm phổi | 6.536 | 6,2 | 6.263 | 4,7 | 7.714 | 5,2 | 7.010 | 3,4 | 8.079 | 3,3 | 8.483 | 3,5 |
9 | Viêm họng và Amidan cấp | 6.712 | 6,3 | 11.328 | 8,4 | 21.119 | 14,5 | 31.840 | 15,3 | 38.562 | 15,8 | 40.490 | 16,6 |
10 | Tại nạn giao thông | 11.472 | 10,9 | 12.089 | 9 | 15.283 | 10,5 | 13.122 | 6,3 | 16.282 | 6,6 | 17.096 | 6,9 |
HIỆN TRẠNG NHỮNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM CÓ SỐ NGƯỜI MẮC CAO NHẤT TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
STT | Tên bệnh truyền nhiễm mắc cao nhất | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | ||||||
Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | ||
1 | Thủy đậu | 316 | 0,7 | 145 | 0,3 | 198 | 0,4 | 374 | 0,9 | 296 | 0,7 | 281 | 0,7 |
2 | Viêm gan vi rút | 373 | 0,8 | 110 | 0,2 | 66 | 0,1 | 28 | 0,06 | 24 | 0,05 | 23 | 0,0 |
3 | Quai bị | 421 | 0,9 | 463 | 0,9 | 116 | 0,2 | 295 | 0,7 | 197 | 0,5 | 187 | 0,5 |
4 | Lỵ Amip | 190 | 0,4 | 109 | 0,2 | 124 | 0,2 | 54 | 0,1 | 40 | 0,1 | 38 | 0,1 |
5 | Lỵ trực trùng | 469 | 1 | 525 | 1 | 267 | 0,5 | 187 | 0,4 | 427 | 1 | 406 | 1,0 |
6 | Hội chứng lỵ | 5.376 | 11,2 | 6.084 | 11,4 | 5.245 | 9,8 | 4.453 | 10,1 | 4.044 | 9,5 | 3.842 | 9,0 |
7 | Sốt xuất huyết | 2.584 | 5,4 | 1.606 | 3 | 3.349 | 6,3 | 1.456 | 3,3 | 1.110 | 2,6 | 1.055 | 2,5 |
8 | Sốt rét | 1.043 | 2,2 | 723 | 1,4 | 438 | 0,8 | 450 | 1 | 136 | 0,3 | 129 | 0,3 |
9 | Tiêu chảy | 9.794 | 20,5 | 12.236 | 22,8 | 11.519 | 21,6 | 10.062 | 22,8 | 10.276 | 24 | 9.762 | 22,8 |
10 | Cúm | 27.234 | 56,9 | 31.133 | 58,1 | 31.835 | 59,6 | 26.601 | 60,2 | 25.599 | 60 | 24.319 | 57,0 |
HIỆN TRẠNG CÁC BỆNH GÂY TỬ VONG CAO NHẤT TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
STT | Tên bệnh gây tử vong cao nhất | 2000 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | |||||||
Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | Số ca | Tỷ lệ (%) | ||
1 | Các bệnh viêm phổi | 19 | 4,9 | 20 | 3,3 | 27 | 5,1 | 38 | 7,4 | 22 | 4,2 | 42 | 7,3 | 43 | 7,3 |
2 | Nhồi máu cơ tim | 16 | 4,2 | 33 | 5,5 | 39 | 7,3 | 49 | 9,5 | 43 | 8,2 | 40 | 7 | 39 | 6,9 |
3 | Suy tim | 25 | 6,5 | 34 | 5,6 | 47 | 8,8 | 48 | 9,3 | 56 | 10,7 | 53 | 9,3 | 51 | 9,1 |
4 | Chảy máu não | 23 | 6 | 33 | 5,5 | 47 | 8,8 | 60 | 11,6 | 59 | 11,3 | 51 | 9 | 48 | 8,2 |
5 | Nhiễm khuẩn huyết | 33 | 8,6 | 33 | 5,5 | 17 | 3,2 | 29 | 5,6 | 30 | 5,8 | 38 | 6,7 | 41 | 7,2 |
6 | HIV/AIDS | 24 | 6,2 | 59 | 9,8 | 18 | 3,4 | 41 | 8 | 48 | 9,2 | 24 | 4,2 | 22 | 4 |
7 | Tai biến mạch máu não, không xác định rõ chảy máu hoặc nhồi máu | 44 | 11,4 | 67 | 11 | 42 | 7,9 | 40 | 7,8 | 33 | 6,3 | 26 | 4,6 | 24 | 4,2 |
8 | Lao | 45 | 11,7 | 50 | 8,3 | 50 | 9,4 | 58 | 11,2 | 62 | 11,9 | 30 | 5,3 | 27 | 5 |
9 | Thương tổn do chấn thương trong sọ | 55 | 14,3 | 81 | 13,4 | 82 | 15,4 | 71 | 13,8 | 62 | 11,9 | 72 | 12,6 | 75 | 12,8 |
10 | Tại nạn giao thông | 82 | 21,3 | 105 | 17,4 | 102 | 19,2 | 124 | 24 | 109 | 20,9 | 100 | 17,6 | 95 | 17,2 |
TÌNH HÌNH TAI NẠN GIAO THÔNG TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
Tiêu chí | Năm 2006 | Năm 2007 | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 |
Số vụ tai nạn (Vụ) | 368 | 338 | 304 | 364 | 224 |
Đường bộ | 347 | 326 | 299 | 354 | 215 |
Đường sắt | 15 | 9 | 4 | 10 | 9 |
Đường thuỷ | 6 | 3 | 1 |
|
|
Số người chết (Người) | 411 | 339 | 317 | 151 | 263 |
Đường bộ | 400 | 332 | 314 | 141 | 251 |
Đường sắt | 7 | 5 | 2 | 10 | 12 |
Đường thuỷ | 4 | 2 | 1 |
|
|
Số người bị thương (Người) | 268 | 244 | 209 | 466 | 77 |
Đường bộ | 266 | 243 | 208 | 466 | 77 |
Đường sắt | 2 | 1 | 1 |
|
|
Đường thủy | - | - | - |
|
|
Chỉ tiêu | 2000 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
|
|
|
|
|
|
|
|
Số vụ ngộ độc thực phẩm - Vụ | 9 | 6 | 11 | 15 | 11 | 14 | 10 |
Số lượt người bị ngộ độc thực phẩm - Người | 38 | 49 | 150 | 138 | 134 | 115 | 404 |
Số người chết do ngộ độc thực phẩm - Người | - | 2 | 2 | 3 | 0 | 2 | 4 |
HIỆN TRẠNG SỐ GIƯỜNG BỆNH TẠI CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN TỈNH TỪ NĂM 2007 ĐẾN NĂM 2010
Đơn vị tính: Giường bệnh
STT | Tên bệnh viện | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1 | Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận | 600 | 700 | 800 | 800 |
2 | Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận | 160 | 180 | 200 | 220 |
3 | Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận | 200 | 200 | 200 | 220 |
4 | Bệnh viện Y học cổ truyền | 150 | 150 | 150 | 150 |
5 | Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi |
| 50 | 70 | 100 |
| Tổng số | 1.110 | 1.280 | 1.420 | 1.490 |
SỐ GIƯỜNG BỆNH TUYẾN HUYỆN TỪ NĂM 2007 ĐẾN NĂM 2010
Đơn vị tính: giường bệnh
STT | Tên cơ sở | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1 | Thành phố Bình Thuận | 100 | 120 | 130 | 150 |
- Bệnh viện đa khoa thành phố Phan Thiết | 70 | 90 | 100 | 120 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né | 30 | 30 | 30 | 30 | |
2 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 88 | 110 | 130 | 140 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Bắc | 60 | 80 | 100 | 100 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Phú Long | 20 | 20 | 20 | 30 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang | 8 | 10 | 10 | 10 | |
3 | Huyện Hàm Tân | 70 | 70 | 70 | 80 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Tân | 50 | 50 | 50 | 60 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Tân Minh | 20 | 20 | 20 | 20 | |
4 | Huyện Phú Quý | 50 | 50 | 50 | 60 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quý | 50 | 50 | 50 | 60 | |
5 | Huyện Tánh Linh | 100 | 100 | 110 | 150 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Tánh Linh | 70 | 70 | 80 | 110 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Bắc Ruộng | 30 | 30 | 30 | 40 | |
6 | Thị xã La Gi | 140 | 150 | 160 | 180 |
- Bệnh viện đa khoa thị xã La Gi | 140 | 150 | 160 | 180 | |
7 | Huyện Hàm Thuận Nam | 65 | 105 | 110 | 140 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Nam | 50 | 70 | 70 | 100 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Tân Thuận | 15 | 20 | 25 | 20 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần |
| 15 | 15 | 20 | |
8 | Huyện Tuy Phong | 100 | 130 | 130 | 170 |
- Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong | 70 | 100 | 100 | 120 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Phan Rí Cửa | 30 | 30 | 30 | 50 | |
9 | Huyện Đức Linh | 30 | 30 | 50 | 70 |
- Phòng khám đa khoa khu vực Mê Pu | 20 | 20 | 30 | 40 | |
- Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân | 10 | 10 | 20 | 30 | |
| TỔNG CỘNG | 743 | 865 | 935 | 1.140 |
TỔNG SỐ GIƯỜNG BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Đơn vị tính: giường bệnh
Năm | Tổng số | Bệnh viện | Phòng khám khu vực | Trạm y tế xã, phường, cơ quan |
2002 | 1.910 | 1.210 | 190 | 510 |
2003 | 1.975 | 1.270 | 190 | 515 |
2004 | 1.975 | 1.270 | 190 | 515 |
2005 | 2.120 | 1.410 | 190 | 520 |
2006 | 2.300 | 1.540 | 210 | 550 |
2007 | 2.490 | 1.720 | 190 | 580 |
2008 | 2.825 | 2.035 | 205 | 585 |
2009 | 2.985 | 2.145 | 215 | 625 |
2010 | 3.370 | 2.440 | 290 | 640 |
TỔNG SỐ CÁN BỘ NGÀNH Y TỈNH BÌNH THUẬN
Đơn vị tính: Người
Năm | Tổng cộng | Bác sỹ | Y sỹ | Y tá, kỹ thuật viên | Nữ hộ sinh |
2000 | 1.455 | 401 | 873 |
| 181 |
2005 | 2.176 | 562 | 872 | 449 | 293 |
2006 | 2.273 | 552 | 831 | 552 | 338 |
2007 | 2.297 | 542 | 823 | 591 | 341 |
2008 | 2.419 | 556 | 827 | 647 | 389 |
2009 | 2.658 | 567 | 898 | 757 | 436 |
2010 | 3.412 | 609 | 888 | 1.486 | 429 |
TỔNG SỐ CÁN BỘ NGÀNH DƯỢC TỈNH BÌNH THUẬN
Đơn vị tính: Người
Năm | Tổng cộng | Dược sỹ cao cấp | Dược sỹ trung cấp | Dược tá |
2000 | 323 | 31 | 117 | 175 |
2005 | 188 | 20 | 86 | 82 |
2006 | 234 | 29 | 117 | 88 |
2007 | 237 | 21 | 136 | 80 |
2008 | 518 | 37 | 381 | 100 |
2009 | 602 | 39 | 434 | 129 |
2010 | 400 | 40 | 324 | 36 |
NHU CẦU ĐẤT CỦA CÁC BỆNH VIỆN VÀ PHÒNG KHÁM ĐA KHOA CÔNG LẬP
Đơn vị tính: m2
TT | TÊN CƠ SỞ | Qui mô GB năm 2020 | Diện tích tối thiểu | Diện tích tối đa | |
I | Tuyến tỉnh |
|
|
|
|
1 | Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (tăng thêm) | 800 | 1.600 | 2.500 |
|
2 | Bệnh viện mắt | 50 | 5.000 | 6.000 |
|
3 | Bệnh viện da liễu | 50 | 5.000 | 6.000 |
|
4 | Bệnh viện nội tiết | 50 | 5.000 | 6.000 |
|
5 | Bệnh viện tâm thần | 50 | 10.000 | 12.000 |
|
II | Tuyến huyện |
|
|
|
|
1 | Huyện Hàm Tân |
|
|
|
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Mỹ - Tân Thắng - Thắng Hải | 20 | 2.000 | 2.400 |
|
2 | Thị xã La Gi |
|
|
|
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải - Tân Tiến | 20 | 2.000 | 2.400 |
|
NHU CẦU ĐẤT CỦA CÁC BỆNH VIỆN NGOÀI CÔNG LẬP
Đơn vị tính: m2
TT | TÊN CƠ SỞ | Địa điểm | Qui mô GB năm 2020 | Diện tích tối thiểu | Diện tích tối đa | |
1 | Bệnh viện Y học cổ truyền Nhơn Ái | Phú Tài, Phan Thiết | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
2 | Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đồng Tân | Phong Nẫm, Phan Thiết | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
3 | Bệnh viện tim mạch chất lượng cao | Phú Trinh, Phan Thiết | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
4 | Bệnh viện sản - nhi Tương Lai | Phong Nẫm | 200 | 30.000 | 50.000 |
|
5 | Bệnh viện đa khoa An Bình | Thị xã La Gi | 150 | 30.000 | 50.000 |
|
6 | Bệnh viện đa khoa An Sinh | Huyện Đức Linh | 400 | 30.000 | 50.000 |
|
7 | Bệnh viện đa khoa du lịch chất lượng cao | Khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, | 550 | 50.000 | 100.000 |
|
8 | Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao | Thành phố Phan Thiết | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
9 | Bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao | Thành phố Phan Thiết | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
10 | Bệnh viện đa khoa tư nhân | Phan Rí Cửa | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
11 | Bệnh viện đa khoa tư nhân | Huyện Hàm Tân | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
12 | Bệnh viện đa khoa tư nhân | Huyện H. Thuận Bắc | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
13 | Bệnh viện đa khoa tư nhân | Huyện H. Thuận Nam | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
14 | Bệnh viện đa khoa tư nhân | Huyện Tánh Linh | 100 | 30.000 | 50.000 |
|
NHU CẦU ĐẤT CỦA CÁC TRUNG TÂM, CHI CỤC
Đơn vị tính: m2
Số TT | TÊN CƠ SỞ Y TẾ | Diện tích đất |
I | Tuyến tỉnh |
|
1 | Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế | 2.000 |
2 | Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường | 2.000 |
3 | Trung tâm dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi | 2.000 |
4 | Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm | 2.000 |
II | Tuyến huyện |
|
1 | Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Bắc | 4.000 |
2 | Trung tâm y tế huyện Hàm Tân | 4.000 |
3 | Trung tâm y tế huyện Phú Quý | 4.000 |
4 | Trung tâm y tế huyện Bắc Bình 2 (đến 2015) | 4.000 |
5 | Trung tâm y tế thị xã Phan Rí Cửa (đến 2015) | 4.000 |
6 | Trung tâm Dân số- kế hoạch hóa và gia đình tuyến huyện (Mỗi huyện, thị, thành phố cấp đất cho 1 trung tâm) | 2.000 |
NHU CẦU ĐẤT CHO CÁC TRẠM Y TẾ MỚI CỦA TỪNG HUYỆN (1.000m2/TRẠM)
STT | Tuyến xã | Số trạm y tế |
1 | Thành phố Phan Thiết | 4 |
2 | Thị xã La Gi | 3 |
3 | Huyện Phú Quý | 2 |
4 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 3 |
5 | Huyện Hàm Thuận Nam | 2 |
6 | Huyện Tánh Linh | 3 |
7 | Huyện Đức Linh | 2 |
8 | Huyện Bắc Bình 2 | 3 |
9 | Thị xã Phan Rí Cửa | 3 |
QUI HOẠCH MẠNG LƯỚI BỆNH VIỆN CÔNG ĐẾN NĂM 2020
Đơn vị tính: giường bệnh
STT | Tên cơ sở | 2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | |
I | Tuyến tỉnh | 1.490 | 2.250 | 2.300 |
|
1 | Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận | 800 | 800 | 800 |
|
2 | Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận | 220 | 300 | 300 |
|
3 | Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận | 220 | 300 | 300 |
|
4 | Bệnh viện y học cổ truyền | 150 |
|
|
|
5 | Bệnh viện y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng |
| 300 | 300 |
|
6 | Bệnh viện lao và bệnh phổi | 100 | 100 | 100 |
|
7 | Bệnh viện sản - nhi |
| 300 | 300 |
|
8 | Bệnh viện chuyên khoa mắt |
| 50 | 50 |
|
9 | Bệnh viện chuyên khoa da liễu |
| 50 | 50 |
|
10 | Bệnh viện nội tiết |
| 50 | 50 |
|
11 | Bệnh viện chuyên khoa tâm thần |
|
| 50 |
|
II | Tuyến huyện | 1.140 | 1.470 | 1.650 |
|
1 | Thành phố Phan Thiết | 150 | 180 | 180 |
|
| - Bệnh viện đa khoa thành phố Phan Thiết | 120 | 150 | 150 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né | 30 | 30 | 30 |
|
2 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 140 | 160 | 190 |
|
| - Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Bắc | 100 | 120 | 150 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Phú Long | 30 | 30 | 30 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang | 10 | 10 | 10 |
|
3 | Huyện Hàm Tân | 80 | 160 | 190 |
|
| - Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Tân | 60 | 120 | 150 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Minh | 20 | 20 | 20 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Mỹ - Tân Thắng - Thắng Hải |
| 20 | 20 |
|
4 | Huyện Phú Quý | 60 | 100 | 120 |
|
| - Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quý | 60 | 100 | 120 |
|
5 | Huyện Tánh Linh | 150 | 190 | 190 |
|
| - Bệnh viện đa khoa huyện Tánh Linh | 110 | 150 | 150 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Bắc Ruộng | 40 | 40 | 40 |
|
6 | Thị xã La Gi | 180 | 220 | 270 |
|
| - Bệnh viện thị xã La Gi | 180 | 200 | 250 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải - Tân Tiến |
| 20 | 20 |
|
7 | Huyện Hàm Thuận Nam | 140 | 160 | 190 |
|
| - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Nam | 100 | 120 | 150 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Thuận | 20 | 20 | 20 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần | 20 | 20 | 20 |
|
8 | Huyện Tuy Phong | 170 | 150 | 170 |
|
| - Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong | 120 | 150 | 170 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Phan Rí Cửa | 50 |
|
|
|
| Khi thành lập thị xã Phan Rí Cửa |
| 70 | 70 |
|
| - Bệnh viện đa khoa Phan Rí Cửa |
| 70 | 70 |
|
9 | Huyện Đức Linh | 70 | 80 | 80 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Mê Pu | 40 | 50 |
|
|
| - Bệnh viện đa khoa Mêpu |
|
| 50 |
|
| - Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân | 30 | 30 | 30 |
|
| Tổng cộng | 2.630 | 3.720 | 3.950 |
|
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG ƯU TIÊN ĐẾN NĂM 2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT | TÊN DỰ ÁN | Vốn đầu tư | Phân kỳ đầu tư | |
2011 -2015 | 2016 - 2020 | |||
| TỔNG SỐ | 1.665 | 989 | 676 |
I | Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới mạng lưới y tế dự phòng | 114 | 85 | 29 |
1 | Trung tâm y tế huyện Tuy Phong | 15 | 10 | 5 |
2 | Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Bắc | 15 | 10 | 5 |
3 | Trung tâm y tế huyện Hàm Tân | 15 | 10 | 5 |
4 | Trung tâm y tế huyện Phú Quý | 18 | 13 | 5 |
5 | Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm | 22 | 17 | 5 |
6 | Trung tâm kiểm nghiệm | 29 | 25 | 4 |
II | Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh | 944 | 662 | 282 |
A | Các bệnh viện tuyến tỉnh | 320 | 320 | 0 |
A1 | Đầu tư xây dựng mới | 240 | 240 | 0 |
7 | Bệnh viện y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng | 90 | 90 |
|
8 | Bệnh viện sản - nhi | 150 | 150 |
|
A2 | Nâng cấp, cải tạo và mở rộng | 80 | 80 | 0 |
9 | Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận | 40 | 40 | 0 |
10 | Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận | 40 | 40 | 0 |
B | Đầu tư nâng cấp mở rộng các bệnh viện tuyến huyện | 78 | 52 | 26 |
11 | - Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Bắc | 16 | 4 | 12 |
12 | - Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Tân | 30 | 24 | 6 |
13 | - Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Mỹ - Tân Thắng - Thắng Hải | 6 | 4 | 2 |
14 | - Bệnh viện huyện Phú Quý | 20 | 16 | 4 |
15 | - Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải - Tân Tiến | 6 | 4 | 2 |
16 | - Bệnh viện đa khoa thị xã Phan Rí Cửa | 28 | 28 | - |
17 | - Bệnh viện đa khoa Mê Pu huyện Đức Linh | 50 | 40 | 10 |
C | Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới các trạm y tế xã | 156 | 76 | 80 |
18 | Thành phố Phan Thiết | 22 | 11 | 11 |
19 | Thị xã La Gi | 12 | 6 | 6 |
20 | Huyện Phú Quý | 6 | 3 | 3 |
21 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 21 | 10 | 11 |
22 | Huyện Hàm Thuận Nam | 16 | 8 | 8 |
23 | Huyện Tánh Linh | 17 | 8 | 9 |
24 | Huyện Đức Linh | 16 | 8 | 8 |
25 | Huyện Hàm Tân | 10 | 5 | 5 |
26 | Huyện Bắc Bình 1 | 12 | 6 | 6 |
27 | Huyện Bắc Bình 2 | 10 | 5 | 5 |
28 | Huyện Tuy Phong | 9 | 5 | 4 |
29 | Thị xã Phan Rí Cửa | 8 | 4 | 4 |
D | Đầu tư nâng cấp CSVC và trang thiết bị y tế | 390 | 214 | 176 |
30 | Tuyến tỉnh | 260 | 140 | 120 |
31 | Tuyến Huyện | 130 | 74 | 56 |
III | Quy hoạch phát triển nhân lực ngành y tế | 425,8 | 111,7 | 314,89 |
32 | Trường cao đẳng y tế | 305 | 55 | 250 |
33 | Đề án phát triển nhân lực y tế | 121,6 | 56,7 | 64,89 |
IV | Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện | 180 | 129,8 | 50 |
34 | Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện | 180 | 129,8 | 50 |
- 1 Kế hoạch 4644/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quyết định 1584/QĐ-TTg về giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2015 - 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2 Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3 Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2014 quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 4 Nghị quyết 19/2011/NQ-HĐND quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 5 Quyết định 120/2009/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư liên tịch 03/2008/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành
- 7 Nghị định 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- 8 Nghị định 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
- 9 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 10 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2014 quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2 Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3 Kế hoạch 4644/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quyết định 1584/QĐ-TTg về giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2015 - 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành