Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 29/2008/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng ngày 25/12/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 28/4/2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29/4/2003;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế”.

Điều 2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế từ Trung ương đến địa phương, gọi tắt là cán bộ, viên chức y tế, có trách nhiệm thực hiện Quy tắc này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc này.

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm phổ biến, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử này đối với cán bộ, viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Triệu

 

QUY TẮC

ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Y TẾ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Điều 1 . Quy tắc ứng xử chung

1. Những việc cán bộ, viên chức y tế phải làm:

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định về Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế (12 Điều y đức- Ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế);

b) Khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của cán bộ, viên chức;

c) Mặc trang phục, đeo thẻ cán bộ, viên chức theo quy định; Đeo phù hiệu của các lĩnh vực đã được pháp luật quy định (nếu có); Giữ uy tín, danh dự cho đơn vị, cho lãnh đạo và đồng nghiệp;

d) Có thái độ hòa nhã, lịch sự, văn minh khi giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện thông tin; Phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời;

đ) Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:

- Tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp; Phục tùng và chấp hành nhiệm vụ được giao, đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, dám chịu trách nhiệm;

- Có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành của đơn vị mình nhằm bảo đảm cho hoạt động nhiệm vụ, công vụ đạt hiệu quả;

e) Có trách nhiệm phát hiện việc thực hiện không nghiêm túc các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của cán bộ, viên chức đối với cán bộ, viên chức khác trong cùng đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ và phản ánh đến cấp có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân về những phản ánh đó.

2. Những việc cán bộ, viên chức y tế không được làm:

a) Lạm dụng danh tiếng của cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc cá nhân; Tự đề cao vai trò bản thân trong cơ quan, đơn vị;

b) Cố tình kéo dài thời gian hoặc từ chối sự phối hợp của những người trong cùng đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và của người dân khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

c) Che giấu, bưng bít và làm sai lệch nội dung phản ảnh đối với cán bộ, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị;

d) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, trường học tư nhân và tổ chức nghiên cứu khoa học tư  nhân về y tế như: Bệnh viện tư nhân, Công ty cổ phần về Y, Dược tư nhân, Trường trung cấp y tư nhân, Trường đại học y tư nhân…;

đ) Làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và các công việc khác mà việc tư vấn đó có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia, đến ngành y tế và đơn vị.

Điều 2. Quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh

1. Những việc cán bộ, viên chức y tế phải làm:

a) Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh (được ban hành kèm theo Quyết định số 4031/2001/QĐ-BYT ngày 27/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế);

b) Tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc Quy chế chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh;

c) Có đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng của người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa;

d) Tìm hiểu, nắm bắt diễn biến tâm lý người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Thương yêu người bệnh, coi người bệnh như người nhà của mình;

đ) Lịch sự, hòa nhã, động viên, an ủi, tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh;

e) Nghiêm túc thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”;           Thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về, dặn dò chu đáo”;

g) Thường xuyên học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng giao tiếp với người bệnh và gia đình người bệnh.

2. Những việc cán bộ, viên chức y tế không được làm:

a) Có hành vi tiêu cực, lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình phục vụ, chăm sóc người bệnh, như: biểu hiện ban ơn, có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh;

b) Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, gia đình người bệnh;

c) Làm trái quy chế chuyên môn trong thi hành nhiệm vụ.

Điều 3. Quy tắc ứng xử với đồng nghiệp

1. Những việc cán bộ viên chức y tế phải làm:

a) Trung thực, chân thành, đoàn kết, nêu cao tinh thần hợp tác chia xẻ trách nhiệm, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thẳng thắn tự phê bình và phê bình;

b) Tôn trọng và bảo vệ danh dự của đồng nghiệp; Gương mẫu, tích cực trong công tác, học hỏi lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ;

c) Sẵn sàng giúp đỡ nhau, phối hợp chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Những việc cán bộ, nhân viên y tế không được làm:

a) Trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm của mình cho đồng nghiệp;

b) Gây bè phái, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, cục bộ địa phương;

c) Phản ánh sai sự thật về đồng nghiệp của mình nhằm bôi nhọ danh dự, làm mất uy tín của đồng nghiệp.

Điều 4. Quy tắc ứng xử của cán bộ lãnh đạo đơn vị

1. Những việc cán bộ lãnh đạo đơn vị phải làm:

a) Thực hiện sự phân công công việc công khai, công bằng, hợp lý, phù hợp với năng lực của từng cán bộ, viên chức trong đơn vị.

b) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật theo phân cấp quản lý cán bộ, viên chức.

c) Nắm bắt kịp thời tâm lý của cán bộ, viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý để có cách thức điều hành phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động của từng cán bộ, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị;

d) Phát huy dân chủ, tạo điều kiện trong học tập, nâng cao trình độ và phát huy sáng kiến của cán bộ, viên chức thuộc đơn vị quản lý;

đ) Tôn trọng và tạo niềm tin cho cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý khi giao nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

e) Bảo vệ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, viên chức y tế.

2. Những việc cán bộ lãnh đạo đơn vị không được làm:

a) Chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng, coi thường cấp dưới, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm;

b) Cản trở, xử lý không đúng trong quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích hoặc các thông tin khác về người tố cáo;

c) Giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột;

d) Cho phép các doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của đơn vị mình quản lý;

đ) Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong đơn vị mình quản lý./.