THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2010/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CHÂN MÂY – LĂNG CÔ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.
Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định này thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CHÂN MÂY – LĂNG CÔ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Quy chế này quy định về phạm vi, quy mô, mục tiêu phát triển, tổ chức, hoạt động đối với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây viết tắt là KKT Chân Mây – Lăng Cô).
Điều 2. KKT Chân Mây – Lăng Cô là khu vực có ranh giới địa lý xác định, bao gồm: thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp xã Lộc Bình, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), có diện tích 27.108 ha; thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt, môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi và bình đẳng bao gồm: các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khung pháp lý hiện hành và ngày càng hoàn thiện.
Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Chân Mây – Lăng Cô:
1. Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Bắc Trung Bộ và cả miền Trung nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước.
2. Phát triển sản xuất, hình thành các ngành dịch vụ, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng và hội nhập thị trường khu vực và thế giới.
3. Xây dựng Khu đô thị mới Chân Mây, Khu du lịch – dịch vụ đô thị Lăng Cô và cảng Chân Mây đồng thời với việc ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đảo Sơn Chà – Hải Vân – Bạch Mã gắn với đầm phá, biển và núi trong KKT Chân Mây – Lăng Cô để trở thành một trong những trung tâm du lịch – dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm và của cả nước.
4. Đến hết năm 2010, hình thành KKT Chân Mây – Lăng Cô với cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách thông thoáng, hoàn thành xây dựng các trục giao thông liên vùng và nội vùng, các khu chức năng được quy hoạch chi tiết, để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư và phát triển KKT Chân Mây – Lăng Cô, bước đầu khai thác cảng, khu phi thuế quan, khu du lịch, khu công nghiệp. Đẩy nhanh tốc độ đầu tư KKT Chân Mây – Lăng Cô cùng với khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội để đến năm 2020 tạo thành chuỗi các khu kinh tế ven biển miền Trung liên kết chặt chẽ với nhau trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
5. Từ năm 2011 đến năm 2020, tiếp tục xây dựng và đầu tư phát triển hạ tầng của khu vực. Thực hiện theo quy hoạch chi tiết và phát triển sản xuất kinh doanh các khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khu phi thuế quan.
6. Tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động từng bước ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong KKT.
Điều 4. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào KKT Chân Mây – Lăng Cô trong các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, cảng biển, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, tài chính – ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, y tế, nhà ở, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan.
Điều 5.
1. KKT Chân Mây – Lăng Cô bao gồm hai khu chức năng chính: khu phi thuế quan và khu thuế quan.
a) Khu phi thuế quan là khu vực được xác định trong Quy hoạch tổng thể xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô và Quy hoạch sử dụng đất chi tiết;
b) Khu thuế quan là khu vực còn lại của KKT Chân Mây – Lăng Cô. Trong khu thuế quan có các khu chức năng khác như: khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng; khu dịch vụ - du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính;
c) Quy mô, vị trí của từng khu chức năng quy định tại các điểm a, b khoản này được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Ban quản lý KKT Chân Mây – Lăng Cô (sau đây viết tắt là Ban Quản lý) được phép thuê công ty tư vấn nước ngoài tham gia quy hoạch chi tiết các khu chức năng như: khu đô thị, khu phi thuế quan, khu du lịch và các khu chức năng khác phù hợp với quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô.
Việc quy hoạch và xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô không được chồng chéo với các diện tích phân bố khoáng sản hoặc các diện tích đã được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Điều 6. Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế để phục vụ riêng cho KKT Chân Mây – Lăng Cô với mức phí do nhà đầu tư tự quyết định, phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Điều 7.
1. Toàn bộ diện tích đất, mặt nước chuyên dùng dành cho đầu tư xây dựng và phát triển các khu chức năng và khu phi thuế quan trong KKT Chân Mây – Lăng Cô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giao đất theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển cho Ban Quản lý để tổ chức triển khai xây dựng và phát triển KKT Chân Mây – Lăng Cô theo quy định của pháp luật.
2. Nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất hoặc thuê đất; nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân nước ngoài được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trong KKT Chân Mây – Lăng Cô và có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với hình thức được giao đất thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 8. Việc quản lý xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Chân Mây – Lăng Cô được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trước khi xây dựng các công trình, nhà đầu tư phải có hồ sơ xin phép Ban Quản lý theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý xem xét, quyết định và có văn bản trả lời nhà đầu tư.
Trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý quốc phòng để không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong khu vực; việc đầu tư xây dựng các công trình phải tuân thủ quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình và Khu quân sự, Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam và phù hợp với quy hoạch bố trí quốc phòng đã có trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, nếu phát hiện có di tích lịch sử văn hóa, thực hiện giải quyết theo Luật Di sản văn hóa.
Điều 9. Những quy định về đầu tư; về quản lý nhà nước; hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng tại KKT Chân Mây – Lăng Cô; hỗ trợ đầu tư và phương thức huy động vốn phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội; quy định về thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, thương mại, lao động, bảo vệ môi trường; hoạt động của khu phi thuế quan; xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú trong KKT Chân Mây – Lăng Cô được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- 1 Quyết định 04/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 04/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam
- 2 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 3 Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư
- 4 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 5 Luật di sản văn hóa 2001
- 6 Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994