Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2015/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 02 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN CỔNG/TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang Thông tin điện tử hoặc Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 856/TTr-STTTT ngày 08/07/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm được đăng trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp - Cục Kiểm tra văn bản;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh (VX, KT);
- Lưu VT, VX, KT, TTCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN CỔNG/TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 02/10/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định mức chi trả cho tác giả, đồng tác giả (sau đây gọi tắt là tác giả) hoặc chủ sở hữu tác phẩm, hoặc đồng chủ sở hữu tác phẩm (sau đây gọi tắt là chủ sở hữu) khi tác phẩm được đăng trên Cổng/Trang thông tin điện tử (sau đây gọi chung là Trang thông tin điện tử); và cho những người sưu tầm, cung cấp tin bài và thực hiện các công việc liên quan đến biên tập tác phẩm, tạo lập thông tin điện tử trên Trang thông tin điện tử.

2. Quy định áp dụng đối với tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cấp để chi trả nhuận bút, thù lao và tạo lập thông tin điện tử cho Trang thông tin điện tử.

Đối với các đơn vị không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp để chi trả nhuận bút, thù lao và tạo lập Trang thông tin điện tử thì khuyến khích áp dụng các mức chi tại Quy định này.

Điều 2. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao

1. Tác giả, chủ sở hữu có tác phẩm được đăng trên Trang thông tin điện tử.

2. Tác giả là người thuộc cơ quan, đơn vị sử dụng tác phẩm (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn) sáng tạo tác phẩm ngoài nhiệm vụ được giao thì hưởng 100% nhuận bút.

3. Những người thuộc cơ quan, đơn vị sử dụng tác phẩm (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn) thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm ngoài nhiệm vụ được giao thì được hưởng 100% thù lao.

4. Những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm tùy theo mức độ đóng góp được cơ quan, đơn vị sử dụng tác phẩm trả thù lao thông qua hợp đồng thỏa thuận.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nhuận bút: Là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi tác phẩm được sử dụng.

2. Thù lao: Là khoản tiền được chi trả cho người sưu tầm, cung cấp tin bài và thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm.

3. Tác phẩm: Được hiểu là các tin, bài dưới dạng văn bản số, ảnh số, âm thanh số, phim số.

4. Mức chi tạo lập, chuyển đổi thông tin và số hóa thông tin gọi chung là tạo lập thông tin điện tử.

Điều 4. Quy định về đơn vị độ dài tin, bài

1. Một trang A4 là 1 trang có số từ tương đương với 500 từ, chữ thường, cỡ chữ 13.

2. Một bài hoặc tin có số từ xấp xỉ 250 từ thì được tính tròn thành ½ (nửa) trang A4.

3. Một bài hoặc tin có số từ xấp xỉ 500 từ thì được tính tròn thành 1 (một) trang A4.

4. Bài viết được tính theo 01 (một) trang A4.

5. Tin viết, trả lời bạn đọc, tin dịch xuôi và tin dịch ngược được tính theo ½ (nửa) trang A4.

Điều 5. Nguyên tắc chi trả nhuận bút, thù lao

1. Việc chi trả nhuận bút và thù lao do Chủ tịch Hội đồng biên tập (hoặc Trưởng Ban biên tập) Trang thông tin điện tử quyết định.

2. Mức nhuận bút trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm căn cứ vào thể loại, độ dài, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của tác phẩm.

3. Mức chi trả thù lao căn cứ vào số lượng, chất lượng thông tin, dữ liệu cung cấp, mức độ đóng góp thông tin; vào hiệu quả công việc, mức độ tham gia quản lý, điều hành, phục vụ các hoạt động của Trang thông tin điện tử.

4. Tiền nhuận bút và thù lao được thanh toán hàng tháng cho đối tượng được hưởng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi tác phẩm được duyệt và đăng, bên sử dụng tác phẩm thực hiện chi trả nhuận bút, thù lao cho đối tượng được hưởng đúng quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT, THÙ LAO

Điều 6. Phân loại tác phẩm

1. Phân loại theo thể loại tác phẩm

a) Tin viết: Thông tin, thông báo, phản ánh các sự kiện, hiện tượng mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, lĩnh vực hoạt động ngành... hoặc các lĩnh vực khác. Sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu (đại chúng).

b) Bài viết (ghi chép, ghi nhanh, phản ánh, giới thiệu gương điển hình...): Phản ánh một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng về một vấn đề, một sự kiện. Có sự so sánh, đánh giá. Sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

c) Phóng sự: Là những ghi chép cụ thể, sinh động một số vấn đề (sự việc) mang tính thời sự. Có tính chân thật về thời gian, địa điểm, con người. Nội dung của phóng sự thiên về vấn đề mà người viết muốn đề xuất và giải quyết.

d) Ký: Ghi chép khá hoàn chỉnh một sự kiện, một phong trào, một giai đoạn theo phương thức tự sự.

đ) Phỏng vấn: Đề cập tới những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Nội dung câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện quan điểm chính thống, nhất quán của cơ quan nhà nước, cơ quan có thể quyền về vấn đề được phỏng vấn.

e) Trả lời bạn đọc: Trả lời những câu hỏi của bạn đọc về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, thủ tục hành chính, pháp luật.

g) Nghiên cứu: Là bài viết hoặc báo cáo có nội dung nghiên cứu khoa học.

h) Văn học: Bao gồm các thể loại thuộc lĩnh vực văn học (truyện, thơ, văn xuôi, hồi ký,...) có tính nghệ thuật cao.

i) Tin, bài dịch xuôi: Dịch từ các thứ tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt.

k) Tin, bài dịch ngược: Dịch từ tiếng Việt sang các thứ tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số.

2. Phân loại theo chất lượng tác phẩm

Mỗi tác phẩm thuộc từng thể loại khác nhau được phân loại theo chất lượng như sau:

a) Đối với bài viết (bao gồm: tin viết, bài viết, phóng sự, ký, phỏng vấn, nghiên cứu, văn học, trả lời bạn đọc).

- Bài viết loại A: Bài viết có chất lượng cao; ngôn ngữ dễ hiểu, rõ ràng, súc tích; bố cục hợp lý; có tính thời sự cao; nội dung bài viết có nhiều thông tin hữu ích, cung cấp các số liệu chính xác, tình tiết sinh động, thuyết phục, được độc giả quan tâm.

- Bài viết loại B: Bài viết có chất lượng tốt; ngôn ngữ dễ hiểu; có tính thời sự; nội dung bài viết đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, được độc giả quan tâm, nhưng vẫn phải thực hiện biên tập về kết cấu, ngôn từ.

- Bài viết loại C: Bài viết có nội dung hữu ích, được độc giả quan tâm nhưng chất lượng chưa cao, cần phải biên tập nhiều về văn phong, bố cục, ngôn từ trước khi đăng tải; hoặc bài viết mang nhiều tính báo cáo, liệt kê, được đăng tải nhằm mục đích thông báo.

b) Đối với tranh, ảnh

- Tranh, ảnh loại A: Những tác phẩm dùng để minh họa sắc nét cho bài viết, phản ánh chính xác nội dung sự kiện, có tính nghệ thuật cao, rõ nét về ánh sáng, bố cục, màu sắc, thể hiện sự sáng tạo cao của tác giả.

- Tranh, ảnh loại B: Là những tác phẩm dùng để minh họa cho bài viết, phản ánh được nội dung sự kiện, có tính nghệ thuật, rõ nét về ánh sáng, bố cục, màu sắc, thể hiện sự sáng tạo của tác giả, không phải chỉnh sửa nhiều về mặt kỹ thuật.

- Tranh, ảnh loại C: Là những tác phẩm dùng để minh họa cho bài viết, phản ánh được nội dung sự kiện nhưng cần phải biên tập, chỉnh sửa nhiều về màu sắc, ánh sáng trước khi sử dụng.

Điều 7. Cách tính nhuận bút đối với tác phẩm

1. Áp dụng khung nhuận bút đối với từng loại tác phẩm như sau:

STT

Thể loại

Đơn vị độ dài

Hệ số giá trị tin bài

Hệ số nhuận bút tối đa/1 tin, bài

A

B

C

01

Tin, trả lời bạn đọc

½ trang A4

1,0

0,8

0,6

03

02

Ảnh minh họa

01 tranh, ảnh

0,7

0,5

0,4

02

03

Bài viết (ghi chép, ghi nhanh, phản ánh, giới thiệu gương điển hình...)

01 trang A4

1,8

1,6

1,4

05

04

Phóng sự, ký, phỏng vấn

01 trang A4

2,5

2,3

2,1

07

05

Nghiên cứu

01 trang A4

2,7

2,5

2,3

10

06

Văn học

01 trang A4

2,0

1,8

1,6

04

Đối với tác phẩm thông qua hình thức phỏng vấn (bài phỏng vấn) thì tỷ lệ hưởng nhuận bút giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn do hai bên tự thỏa thuận.

2. Cách tính nhuận bút của một tác phẩm

Nhuận bút = Mức hệ số nhuận bút x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút

Trong đó:

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương tối thiểu.

Hệ số nhuận bút = Số lượng độ dài tin bài x hệ số giá trị tin bài

Hệ số nhuận bút tác phẩm không vượt quá hệ số nhuận bút tối đa

Ví dụ về cách tính nhuận bút:

TT

Thể loại

Đơn vị độ dài tin

Độ dài thực tế

Số lượng độ dài tin bài

Hệ số giá trị tin bài

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút

(đồng)

Nhuận bút được hưởng

(đồng)

a

b

c

d

e

g

h

i = e*g*h

1

Tin

½ trang A4

01 trang A4

02

1,0

115.000

230.000

2

Ảnh

01 ảnh

01 ảnh

01

0,7

115.000

80.500

3

Phóng sự

01 trang A4

05 trang A4

05

2,5

115.000

805.000

Trường hợp bài phóng sự ở ví dụ trên, vì số lượng độ dài tin bài x hệ số giá trị tin bài (bằng 12,5) vượt quá khung hệ số nhuận bút nên chỉ được thanh toán tối đa theo khung hệ số nhuận bút (bằng 7).

3. Đối với tác phẩm không được quy định tại Khoản 1 Điều này, Chủ tịch Hội đồng biên tập (hoặc Trưởng Ban biên tập) căn cứ vào tính chất, đặc trưng của tác phẩm quyết định hệ số nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên, không được vượt quá hệ số nhuận bút tối đa.

Điều 8. Cách tính thù lao đối với tác phẩm

1. Cách tính thù lao

Thù lao = Mức hệ số nhuận bút x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút

Trong đó:

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương tối thiểu

Hệ số nhuận bút = Số lượng độ dài tin bài x Hệ số giá trị tin bài

STT

Thể loại

Đơn vị độ dài

Hệ số giá trị tin bài

1

Tin, bài sưu tầm (bao gồm cả hình ảnh)

01 tin, bài

0,1

2

Tin dịch xuôi

½ trang A4

0,8

3

Bài dịch xuôi

01 trang A4

1,5

4

Tin dịch ngược

½ trang A4

1,0

5

Bài dịch ngược

01 trang A4

1,8

Ví dụ về cách tính thù lao:

TT

Thể loại

Đơn vị độ dài tin

Độ dài thực tế

Số lượng độ dài tin bài

Hệ số giá trị tin bài

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút

(đồng)

Nhuận bút được hưởng

(đồng)

a

b

c

d

e

g

h

i = e*g*h

1

Tin dịch Anh sang Việt

½ trang A4

01 trang A4

02

0,8

115.000

184.000

2

Bài dịch từ Anh sang Việt

1 trang A4

02 trang A4

02

1,5

115.000

345.000

2. Đối với tác phẩm không được quy định tại Khoản 1 Điều này, Chủ tịch Hội đồng biên tập (hoặc Trưởng Ban biên tập) căn cứ vào tính chất, đặc trưng của tác phẩm quyết định hệ số thù lao cho người sưu tầm, cung cấp tin bài.

Điều 9. Chi thù lao quản lý và biên tập Trang thông tin điện tử

1. Quản lý và kiểm duyệt nội dung: 6% của tổng nhuận bút

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tin, bài: 8% của tổng nhuận bút

3. Tư vấn và hiệu đính tin, bài: 3% của tổng nhuận bút

4. Trình bày mỹ thuật: 1% của tổng nhuận bút

5. Cập nhật tác phẩm lên Trang TTĐT: 2% của tổng nhuận bút

Điều 10. Các chi phí khác

1. Nội dung, mức chi cho việc tạo lập, chuyển đổi thông tin điện tử, số hóa thông tin trên môi trường mạng

a) Mức chi tạo lập, chuyển đổi thông tin điện tử và số hóa thông tin (sau đây gọi chung là tạo lập thông tin điện tử) là: Tạo ra các cơ sở dữ liệu điện tử được sử dụng để cung cấp thông tin trên môi trường mạng, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị được áp dụng theo Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính.

b) Riêng nội dung chi tạo lập thông tin điện tử trên cơ sở các dữ liệu có sẵn tại Khoản 3 Điều 3 của Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính được quy định cách tính cụ thể như sau:

Mức chi văn bản được tạo lập trên cơ sở dữ liệu có sẵn = (700 đồng/trang tài liệu gồm chữ cái, chữ số hoặc 850 đồng/trang tài liệu có bảng biểu kèm theo) x số trang của văn bản. Nhưng tối đa không quá 50.000 đồng/văn bản.

2. Giá cập nhật các loại phim và thông tin âm thanh

a) Phim dưới 05 phút: 15.000 đồng/phim. Từ phút thứ 6 trở lên: 1.500 đồng/phút (tối đa không quá 50.000 đồng).

b) Giá cập nhật các thông tin âm thanh: 1.500 đồng/phút (tối đa không quá 50.000 đồng).

Điều 11. Kinh phí thực hiện tạo lập thông tin, chi trả nhuận bút, thù lao

1. Mức chi trả nhuận bút, thù lao và tạo lập thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước từ ngân sách nhà nước không vượt quá 70 triệu đồng/năm cho 01 Trang thông tin điện tử tiếng Việt, không vượt quá 100 triệu đồng/năm cho 01 Trang thông tin điện tử tiếng Việt có thêm phiên bản tiếng nước ngoài (trừ Cổng thông tin điện tử của tỉnh: www.dongnai.gov.vn thực hiện theo dự toán được giao); được bố trí trong dự toán chi hàng năm của đơn vị.

2. Việc thanh toán hàng năm phải đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo đúng quy định hiện hành.

3. Hàng năm, Ban biên tập lập dự toán kinh phí nhuận bút, thù lao vào dự toán chi của cơ quan, đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 1 chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng tin, bài; hoạt động của Hội đồng biên tập hoặc Ban biên tập đối với Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình và thực hiện việc thanh toán nhuận bút, thù lao hàng tháng cho các đối tượng được hưởng, đảm bảo đầy đủ thủ tục và quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

2. Các nội dung khác liên quan đến chế độ chi trả nhuận bút, thù lao đối với Trang thông tin điện tử không quy định tại Quy định này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.