ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2024/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 29 tháng 11 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG, ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN TỪ CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC CHO CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng các nguồn vốn huy động, đóng góp tự nguyện từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG, ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN TỪ CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC CHO CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2024/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định cụ thể về phương thức nhận, nội dung, nguyên tắc quản lý, quy trình phân bổ, sử dụng nguồn vốn huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (nguồn vốn huy động, đóng góp) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Quy chế này không áp dụng đối với các khoản huy động đóng góp có văn bản quy định, hướng dẫn riêng của cấp có thẩm quyền (như cơ chế huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia…) và các khoản tài trợ, ủng hộ, đóng góp của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và các quỹ khác trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị được tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động, đóng góp (đơn vị thực hiện); cơ quan tài chính, kế hoạch các cấp, công chức tài chính - kế toán cấp xã (cơ quan tài chính các cấp); cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan đến tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động, đóng góp tự nguyện từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động, đóng góp
1. Các khoản thu huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định tại Quy chế này phải được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
2. Trong trường hợp bên đóng góp chuyển trực tiếp nguồn vốn cho đơn vị thực hiện theo điểm a, khoản 1, Điều 4 Quy chế này: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện nộp đầy đủ số tiền được ủng hộ, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
3. Các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp cho ngân sách cấp nào (hoặc đơn vị thực hiện thuộc cấp nào) thì hạch toán vào thu, chi ngân sách cấp đó. Việc hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
4. Các đơn vị thực hiện có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng nội dung yêu cầu của bên đóng góp và quyết định giao vốn của cấp có thẩm quyền.
Chương II
NỘI DUNG, QUY TRÌNH TIẾP NHẬN NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG, ĐÓNG GÓP
Điều 4. Tiếp nhận nguồn vốn huy động, đóng góp
1. Các phương thức tiếp nhận nguồn vốn huy động, đóng góp
Tùy thuộc vào yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp (bên đóng góp), nguồn vốn huy động, đóng góp được tiếp nhận theo các phương thức:
a) Bên đóng góp chuyển trực tiếp nguồn vốn cho đơn vị thực hiện.
b) Bên đóng góp chuyển nguồn vốn vào ngân sách địa phương và cấp có thẩm quyền phân bổ lại cho đơn vị thực hiện.
2. Quyết định tiếp nhận nguồn vốn huy động, đóng góp
a) Đơn vị thực hiện thuộc cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm ban hành quyết định tiếp nhận nguồn vốn theo quy định.
b) Trường hợp bên đóng góp thông báo nguồn vốn cho Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành quyết định tiếp nhận nguồn vốn huy động, đóng góp.
c) Trường hợp bên đóng góp thông báo nguồn vốn ủng hộ, đóng góp cho đơn vị thực hiện thì đơn vị thực hiện có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp để ban hành quyết định tiếp nhận theo điểm b Điều này.
d) Quyết định tiếp nhận nguồn vốn huy động, đóng góp phải thể hiện rõ các nội dung sau: Tổng số vốn huy động, đóng góp thực nhận; phương thức nhận; nội dung thực hiện; đơn vị được giao thực hiện nguồn vốn huy động, đóng góp; thời gian thực hiện.
Điều 5. Nội dung thực hiện nguồn vốn huy động, đóng góp
1. Nội dung thực hiện nguồn vốn huy động, đóng góp theo đúng yêu cầu của bên đóng góp.
2. Trường hợp bên đóng góp chưa xác định rõ nội dung thực hiện thì cơ quan tài chính các cấp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp lựa chọn nội dung thực hiện từ nguồn vốn huy động, đóng góp cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Điều 6. Quy trình phân bổ, sử dụng nguồn vốn huy động, đóng góp
1. Trường hợp bên đóng góp đã xác định rõ danh mục thực hiện: Ủy ban nhân dân các cấp quyết định phân bổ nguồn vốn huy động, đóng góp theo đúng danh mục của bên đóng góp.
2. Trường hợp bên đóng góp chỉ thông báo tổng số tiền ủng hộ, đóng góp và đơn vị thực hiện, nhưng chưa xác định rõ danh mục thực hiện: Ủy ban nhân dân các cấp giao cho đơn vị thực hiện lập danh mục, dự toán chi tiết báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các cấp giao cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo như sau:
a) Đối với nhiệm vụ chi thường xuyên: Giao cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định dự toán chi tiết và tham mưu cho Ủy ban nhân dân phân bổ nguồn vốn theo đúng quy định.
b) Đối với dự án đầu tư: Trình tự thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
3. Trường hợp bên đóng góp chỉ thông báo tổng số tiền ủng hộ, đóng góp, chưa xác định danh mục và đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân các cấp giao cơ quan tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan dự kiến danh mục, đơn vị thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để thực hiện các bước theo khoản 2 Điều này.
4. Việc phân bổ nguồn vốn đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán năm và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.
5. Việc thực hiện và thanh quyết toán nguồn vốn huy động, đóng góp
a) Căn cứ quyết định phân bổ nguồn vốn huy động, đóng góp của cấp có thẩm quyền và các quy định hiện hành, đơn vị thực hiện khẩn trương triển khai đảm bảo đúng thời gian, chất lượng, nội dung, mục đích của bên đóng góp và cấp có thẩm quyền.
b) Việc xét duyệt, thẩm định quyết toán hoặc quyết toán dự án hoàn thành thực hiện theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Trường hợp văn bản dẫn chiếu tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung thay thế đó.
2. Các đơn vị được tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động, đóng góp thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước; trường hợp để xảy ra vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan tài chính, kế hoạch các cấp có trách nhiệm tham mưu theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
4. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.