Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2927/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRÊN PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2024;

Căn cứ Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”;

Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách;

Căn cứ Quyết định số 4148/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch công tác năm 2024 của Vụ Pháp chế;

Căn cứ Quyết định số 1346/QĐ-BVHTTDL ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Danh mục và Dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 của Vụ Pháp chế;

Căn cứ Công văn số 976/BVHTTDL-VP ngày 11 tháng 3 năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giao nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Kinh phí thực hiện được trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2024 cấp cho Vụ Pháp chế qua Văn phòng Bộ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, PC, BH (7).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Tạ Quang Đông

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRÊN PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
(Kèm theo Quyết định số 2927/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 10 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 407/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Triển khai truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ngành; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn.

3. Việc truyền thông đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác và kịp thời.

II. NỘI DUNG

1. Phạm vi, đối tượng thực hiện

a) Đối tượng:

Các chính sách có tác động lớn tới xã hội tại lập đề nghị xây dựng Nghị định, dự thảo Nghị định do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo trong năm 2023 và 2024.

b) Phạm vi:

- Báo in;

- Báo Điện tử.

2. Nội dung truyền thông chính sách

Truyền thông các chính sách có tác động lớn tới xã hội tại lập đề nghị xây dựng Nghị định, dự thảo Nghị định do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo trong năm 2023 và 2024 (Theo Phụ lục kèm theo), chia thành các nhóm, bao gồm:

- Nhóm văn bản về mỹ thuật

+ Chính sách quản lý công trình mỹ thuật ngoài trời, triển lãm mỹ thuật trên không gian mạng, tượng đài, tranh hoành tráng.

- Nhóm văn bản về nghệ thuật biểu diễn và hoạt động văn học

+ Một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập.

+ Chính sách khuyến khích sáng tác văn học nhằm hướng tới phát triển văn học, sáng tạo nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao; trại sáng tác, cuộc thi, giải thưởng văn học.

- Nhóm văn bản về đào tạo

+ Chính sách về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.

- Nhóm văn bản về công tác gia đình

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; bình đẳng trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình;

+ Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nhóm văn bản về quyền tác giả, quyền liên quan

+ Chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

- Nhóm các văn bản khác

+ Các nội dung liên quan đến công nghiệp văn hóa: cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam; hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hóa; một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực, đại diện cho các vùng, miền, địa phương.

3. Tiến độ, phương thức, hình thức thực hiện

a) Tiến độ: Quý IV năm 2024

b) Phương thức thực hiện:

- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời những chính sách, quy định mới, thay đổi so với chính sách, quy định hiện hành, nội dung tác động lớn đến xã hội, đối tượng chịu sự tác động của chính sách; biên soạn nội dung, tài liệu truyền thông để cung cấp cho cơ quan báo chí và cử nhân sự phù hợp tham gia phối hợp thực hiện truyền thông.

- Bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, trao đổi, thảo luận, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Định hướng dư luận có ý kiến đối với các vấn đề mới, vấn đề còn có ý kiến khác nhau, vấn đề chuyên sâu đặc thù, tạo nên cầu nối thông suốt hai chiều (cơ quan nhà nước - xã hội) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chính sách.

c) Hình thức thực hiện

- Truyền thông trên báo in (dự kiến phát hành trên Báo Đại biểu nhân dân)

+ Nội dung: truyền thông chính sách nhóm văn bản về quyền tác giả, quyền liên quan, công tác gia đình và nhóm các văn bản khác (tại mục 2 phần II của Kế hoạch).

+ Hình thức: tin, bài, phỏng vấn chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

+ Quy mô: 04 bài viết, 04 bài phỏng vấn (có ảnh minh họa cho các bài)

- Truyền thông trên báo điện tử (dự kiến phát hành trên chuyên trang thông tin chính sách và cuộc sống của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân).

+ Nội dung: truyền thông chính sách nhóm văn bản về mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, hoạt động văn học và đào tạo (tại mục 2 phần II của Kế hoạch).

+ Hình thức: tin, bài trao đổi giữa các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của chính sách và cơ quan quản lý.

+ Quy mô: 14 bài viết, 03 bài phỏng vấn, 15 tin (có ảnh minh họa cho các tin, bài).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Pháp chế chủ trì, là đầu mối phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách; tổng hợp chương trình, nội dung tài liệu truyền thông do các đơn vị gửi đến; theo dõi tiến độ và phương thức truyền thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu.

2. Các đơn vị chủ trì xây dựng lập đề nghị, văn bản quy phạm pháp luật tại mục 2 phần II Kế hoạch này, thực hiện:

- Rà soát các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội phải xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn ngọn, hình thức phong phú, sinh động để phát hành, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Xác định trúng, đúng đối tượng chịu sự tác động của chính sách tại dự thảo hoặc văn bản quy phạm pháp luật để phối hợp với cơ quan báo chí về phương thức, hình thức truyền thông tại tiểu mục b, c mục 3 phần II Kế hoạch này phù hợp với đối tượng, nội dung.

- Nội dung truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề chủ yếu như: sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau; các nội dung quy định khác nhau giữa các văn bản; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi.

- Công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong và sau khi thực hiện truyền thông chính sách.

3. Vụ Kế hoạch, Tài chính bố trí ngân sách triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch theo quy định về tài chính, ngân sách.

4. Văn phòng Bộ phê duyệt dự toán kinh phí và phối hợp thanh quyết toán theo quy định tài chính hiện hành.

Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính các cấp, báo chí là kênh thông tin, là phương thức cơ bản để thực hiện việc truyền thông chính sách, để triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 407/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách của Ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc triển khai Kế hoạch này./.

 

PHỤ LỤC

CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DỰ KIẾN TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng)

1. Đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập.

2. Đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học.

3. Lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 về hoạt động mỹ thuật.

4. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

5. Lập đề nghị xây dựng Nghị định quy định về công tác gia đình (sửa đổi).

6. Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

7. Nghị định quy định về đào tạo của ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật./.