ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 294/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 22 tháng 01 năm 2020 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025;
Xét đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 13/TTr-LH ngày 12/11/2019,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Chương trình tăng cường hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VÀ VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TẠI TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
1. Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên là 5.862,37 km2, dân số trên 3 triệu người (xếp thứ 5 cả nước và thứ 2 ở Vùng Đông Nam Bộ, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh). Trong những năm qua, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tỉnh Đồng Nai liên tục đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ GDP duy trì ở mức độ cao, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Với 32 khu công nghiệp tập trung thu hút mạnh mẽ sự quan tâm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đồng Nai (đến tháng 9/2019 có 1.449 dự án FDI thuộc 47 quốc gia, vùng lãnh thổ đến hoạt động, tổng vốn đầu tư 29,875 tỷ USD), quan hệ quốc tế mở rộng, trong đó quan hệ hợp tác hữu nghị và hợp tác kinh tế được phát triển với nhiều địa phương trên thế giới.
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Đồng Nai cũng luôn phải đối mặt và xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, nhu cầu việc làm, nhà ở, tiếp cận các điều kiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh môi trường còn hạn chế. Tại khu đô thị, địa bàn có các khu công nghiệp tình trạng tăng dân số cơ học kéo theo nhiều vấn đề xã hội như: nhu cầu về chỗ ở, giao thông, điều kiện học tập, y tế, việc làm, môi trường là những vấn đề tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm giải quyết trong thời gian qua và đã đạt được kết quả nhất định, song còn gặp nhiều khó khăn rất cần sự quan tâm giúp sức từ các nguồn lực trong và ngoài nước.
2. Thực hiện Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2013 - 2018, đã có 178 lượt tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhà tài trợ khác (Tổng lãnh sự quán các nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ, hội, cá nhân...) hợp tác triển khai 245 chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án (gọi chung là dự án) trên địa bàn tỉnh với giá trị cam kết tài trợ trên 10,8 triệu USD (tương đương 248,6 tỷ đồng). Viện trợ phi chính phủ nước ngoài phù hợp với chính sách an sinh xã hội; lĩnh vực tài trợ đa dạng, địa bàn tập trung vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống phát triển bền vững của một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Trong giai đoạn tới, Đồng Nai rất cần nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai, thông qua đó đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh.
1. Thực hiện Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 17/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025.
2. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 13801/KH-UBND ngày 28/11/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện Quyết định số 622/QĐ-TTg và Quyết định số 681/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Nhất quán và tuân thủ nguyên tắc của Chính phủ về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 tại tỉnh Đồng Nai cụ thể:
1. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vì mục đích nhân đạo và phát triển của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đối tác phát triển khác tại tỉnh Đồng Nai, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhân dân trong tỉnh với nhân dân các nước, góp phần phát triển tỉnh Đồng Nai, phát triển đất nước, củng cố hòa bình thế giới.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên và sự tham gia của người dân trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh.
3. Xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác phát triển khác trên cơ sở đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam và của tỉnh Đồng Nai.
4. Công tác vận động và tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài phải phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam; định hướng và chính sách phát triển của Nhà nước Việt Nam trong từng giai đoạn, định hướng ưu tiên của tỉnh Đồng Nai trong từng thời gian và từng lĩnh vực cụ thể.
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh Đồng Nai, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Đồng Nai; thúc đẩy quan hệ của nhân dân tỉnh Đồng Nai với nhân dân các nước trên thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh Đồng Nai, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có tiềm năng và các đối tác phát triển khác; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thực hiện trách nhiệm xã hội đóng góp cho sự phát triển bền vững tại địa phương.
b) Duy trì, nâng cao giá trị và hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào lĩnh vực, địa bàn ưu tiên của tỉnh.
c) Cụ thể hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước trên lĩnh vực phi chính phủ nước ngoài để triển khai thực hiện tại tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý cho hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan, doanh nghiệp FDI, bạn bè quốc tế, đồng thời nâng cao tính chủ động của các sở, ngành, địa phương và tổ chức nhân dân tỉnh Đồng Nai trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nâng cao năng lực cán bộ trong hội nhập quốc tế.
d) Thông qua công tác phi chính phủ nước ngoài làm cho bạn bè quốc tế hiểu về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại cũng như chủ trương tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng.
a) Lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đào tạo, giáo dục nghề nghiệp
- Hỗ trợ công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên các bậc học, nhất là giáo viên tiểu học, mầm non tại địa bàn nông thôn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học, phát triển hệ thống thư viện tại các trường học tại địa bàn vùng núi, vùng đồng bào dân tộc (huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ); xây dựng nâng cấp trường dân tộc nội trú,
- Hỗ trợ trang bị máy móc, phương tiện, đồ dùng dạy và học cho các cơ sở giáo dục, hệ thống lọc nước sạch cho các trường học, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
- Hỗ trợ học bổng tạo điều kiện để học sinh, sinh viên trong gia đình nghèo, cận nghèo đến trường.
- Hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, hỗ trợ tăng cường hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng, tăng cường hoạt động trao đổi, liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường gắn kết giữa đào tạo và thực hành, nhà trường và doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo từng địa bàn: Nông thôn, địa bàn công nghiệp hóa, địa bàn đang đô thị hóa.
- Xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề của tỉnh.
- Cung cấp, bổ sung chuyên gia và giáo viên dạy nghề có chuyên môn cao cho các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề.
- Hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề.
- Đào tạo nghề, gắn với tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động di cư; hướng dẫn kỹ năng cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường dạy nghề.
b) Lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh
- Hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi phương pháp và nghiệp vụ; cấp học bổng đào tạo cán bộ y tế trong và ngoài nước.
- Hỗ trợ việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế: Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống giảm tác hại của ma túy; hỗ trợ và điều trị người có HIV/AIDS, tuyên truyền nguy cơ hiểm họa; các hoạt động dân số: Kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát tỷ lệ sinh, tuyên truyền sử dụng biện pháp tránh thai an toàn; tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
- Hỗ trợ các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; cận thị học đường ở trẻ, hỗ trợ cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ tăng cường mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật; kỹ năng nuôi dạy trẻ.
- Hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em dị tật bẩm sinh.
- Hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở y tế: Nâng cấp, xây dựng, cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăm sóc và điều trị bệnh tại các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã.
- Hỗ trợ phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; kiểm soát dịch bệnh.
c) Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn
- Hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
- Phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo, tập huấn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác này.
- Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, tăng cường tham gia cộng đồng trong quản lý nguồn lợi thủy sản và quản lý môi trường, dịch bệnh thủy sản.
- Phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn: Công trình thủy lợi, trạm bơm, đường liên ấp, công trình nước sạch...
- Phát triển ngành, nghề, thủ công mỹ nghệ, sản xuất và dịch vụ nhỏ, gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Hỗ trợ nghiên cứu vật nuôi, cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
d) Giải quyết các vấn đề xã hội
- Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững, đa dạng hóa sinh kế; xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
- Giáo dục, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trẻ mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa).
- Trợ giúp, trợ cấp người khuyết tật, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn: Học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phương tiện, trợ giúp sinh hoạt hàng ngày...
- Hỗ trợ vật chất, trang thiết bị, nhân lực, tài chính cho các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em bị bỏ rơi, khuyết tật, bệnh hiểm nghèo; người yếm thế.
- Phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
- Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông.
e) Lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai
- Bảo vệ và cải thiện môi trường sống, môi trường thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã; hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững.
- Sử dụng hiệu quả và bền vững các tài nguyên đất, nước, không khí, rừng thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ xanh.
- Kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp; xử lý chất thải, rác thải công nghiệp.
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các bãi xử lý rác thải tập trung và mô hình xử lý rác tại hộ gia đình trong nông thôn.
- Hỗ trợ mô hình nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.
f) Khắc phục hậu quả sau chiến tranh
- Xử lý chất độc hóa học tồn dư sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực Sân bay Biên Hòa; khu vực các phường, xã xung quanh sân bay Biên Hòa.
- Hỗ trợ nạn chất độc da cam, dioxin, nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và tái định cư đối với người dân tại các địa bàn còn tồn lưu chất độc hóa học.
g) Văn hóa, thể thao và du lịch
- Hỗ trợ bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể, văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường phát triển phong trào hoạt động thể thao của toàn dân, thể dục, thể thao trường học; hỗ trợ đào tạo huấn luyện viên, hỗ trợ trang thiết bị thể thao cho cộng đồng, thể thao cho người khuyết tật ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi của tỉnh.
- Hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
a) Ưu tiên triển khai các chương trình, dự án tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào địa bàn Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ và một số xã khó khăn của các huyện còn lại.
b) Đối với các địa bàn đô thị, nơi có các khu công nghiệp tập trung (Thành phố Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất): Ưu tiên các dự án liên quan đến đào tạo dạy nghề gắn với việc làm; trường mẫu giáo khu công nhân lao động; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người khuyết tật, trẻ em mồ côi; bảo vệ, cải thiện môi trường đô thị, xử lý chất độc tồn dư sau chiến tranh, chất thải từ các khu công nghiệp, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động...
BIỆN PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân trong tỉnh về công tác phi chính phủ nước ngoài và sự cần thiết tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển nước ngoài khác.
2. Ban hành văn bản pháp quy liên quan
Bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý của tỉnh phù hợp với nhưng sửa đổi của hệ thống văn bản pháp quy của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực phi chính phủ nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ, các đối tác triển khai các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh thuận lợi, hiệu quả.
3. Tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin
a) Tăng cường hợp tác cung cấp thông tin, giới thiệu các nhu cầu của tỉnh với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các doanh nghiệp FDI, các công ty, quỹ hội, bạn bè quốc tế, hướng tài trợ vào các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên.
b) Tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để triển khai công tác vận động phù hợp tỉnh Đồng Nai, với thế mạnh và kế hoạch tài trợ của từng tổ chức.
c) Lập danh mục dự án kêu gọi viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2025, hàng năm bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu ưu tiên của tỉnh và lĩnh vực mà tổ chức phi chính phủ nước ngoài có lợi thế, là cơ sở để tăng cường hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh.
d) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của pháp luật Việt Nam cho các tổ chức phi chính phủ, các đối tác nước ngoài khác hoạt động tại tỉnh Đồng Nai hiểu biết, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và của tỉnh.
e) Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trang thông tin đối ngoại của tỉnh, trang tin Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Nhịp cầu hữu nghị trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai để tuyên truyền quảng bá về công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai.
4. Đổi mới và đa dạng phương thức, đối tượng quan hệ hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài
a) Chủ động xây dựng, duy trì quan hệ hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Cung cấp nhanh, chính xác về tình hình và nhu cầu của các ngành, địa phương trong tỉnh làm cơ sở để các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xem xét tài trợ.
b) Tổ chức hội nghị, gặp mặt thường niên giữa tỉnh Đồng Nai với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tổ chức các đoàn ra nước ngoài, đoàn đi gặp gỡ, thiết lập quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, tổng lãnh sự quán các nước tại thành phố Hồ Chí Minh để chia sẻ thông tin và vận động viện trợ cho tỉnh.
c) Tham gia vào các hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin trong công tác vận động, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức.
d) Thông qua các hội nghị, các kỳ họp giao ban tại các khu công nghiệp vận động các doanh nghiệp FDI tại tỉnh thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
5. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài
a) Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài nhằm phát hiện những thiếu sót, kịp thời hướng dẫn đơn vị thụ hưởng thực hiện đúng theo quy định đối với công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
b) Tăng cường sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, của cộng đồng đối với các dự án phi chính phủ nước ngoài.
c) Công khai, minh bạch các chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh.
6. Nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phi chính phủ nước ngoài
a) Tiếp tục xây dựng, tăng cường năng lực cho cán bộ cơ quan phụ trách về quan hệ, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và các hội hữu nghị tỉnh).
b) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng vận động, triển khai chương trình, dự án, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho cán bộ làm công tác phi chính phủ nước ngoài của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh.
1. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh
a) Là cơ quan đầu mối trong công tác vận động viện trợ và quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình; hướng dẫn, tập hợp và cung cấp thông tin về công tác vận động viện trợ cho các sở, ngành, địa phương về những lĩnh vực mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có lợi thế. Tổng hợp các dự án kêu gọi viện trợ của các ngành, địa phương để lập danh mục dự án kêu gọi viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh từ năm 2020 đến 2025 và bổ sung hằng năm cho phù hợp.
b) Phối hợp với với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý của tỉnh phù hợp với những sửa đổi của hệ thống văn bản pháp quy của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực phi chính phủ nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ, các đối tác triển khai các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh thuận lợi, hiệu quả.
c) Phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai công tác phi chính phủ nước ngoài, đồng thời chủ động trao đổi thông tin, giữ mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ kịp thời để các nhà tài trợ thực hiện dự án thuận lợi và có hiệu quả tại các địa phương.
d) Hướng dẫn các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đối tác nước ngoài khác trong quan hệ, hợp tác và viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho tỉnh phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Việt Nam và quy định của tỉnh Đồng Nai.
e) Hằng năm, tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và triển khai các chương trình dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ nước ngoài tài trợ.
f) Tổ chức các hội nghị thường niên gặp mặt các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
g) Hằng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Chương trình để thực hiện, tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả đạt được về UBND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh tổng kết giai đoạn theo quy định.
2. Sở Ngoại vụ tỉnh: Chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch & Đầu tư, Công an tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật các quy định, chính sách mới của pháp luật có liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh các văn bản của tỉnh về công tác phi chính phủ nước ngoài cho phù hợp; công tác quản lý hoạt động của các cá nhân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai đúng theo quy định pháp luật.
3. Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác hướng dẫn trình tự, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
4. Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố
a) Căn cứ theo Chương trình để cụ thể hóa các ưu tiên trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên cơ sở tình hình thực tế của mỗi ngành, địa phương từ đó lập danh mục các dự án kêu gọi viện trợ giai đoạn 2020 - 2025 của địa phương về Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh vào Quý I/2020, hàng năm rà soát bổ sung vào đầu năm.
b) Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan, ngành, địa phương trong vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
c) Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác vận động, quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
5. Hằng năm, các sở, ngành, các huyện, thành phố tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/12 (qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh) để tập hợp báo cáo về Chính phủ theo quy định (trước ngày 15/01). Đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân (kể cả tổ chức cá nhân nước ngoài) có thành tích trong vận động, viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
6. Kinh phí cho việc xây dựng và triển khai Chương trình: Giao Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự toán kinh phí hàng năm phù hợp với nhiệm vụ được giao trình cấp có thẩm quyền quyết định từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và kinh phí đóng góp từ các nguồn hợp pháp khác trong và ngoài nước.
- 1 Quyết định 531/QĐ-UBND năm 2020 về Chương trình tăng cường quan hệ hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2020-2025
- 2 Quyết định 584/QĐ-UBND năm 2020 về Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2025
- 3 Quyết định 1225/QĐ-TTg năm 2019 Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 681/QĐ-TTg năm 2019 về Lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 12/2018/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị 12/2013/CT-UBND về chấn chỉnh công tác vận động, tiếp nhận và quản lý các chương trình, dự án nhận nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (iNGOs) trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 6 Quyết định 2592/QĐ-UBND năm 2017 Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2017–2021 của tỉnh An Giang
- 7 Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2017 tổ chức Hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2020
- 8 Quyết định 622/QĐ-TTg năm 2017 Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 10 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 1 Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2017 tổ chức Hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2020
- 2 Quyết định 2592/QĐ-UBND năm 2017 Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2017–2021 của tỉnh An Giang
- 3 Quyết định 12/2018/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị 12/2013/CT-UBND về chấn chỉnh công tác vận động, tiếp nhận và quản lý các chương trình, dự án nhận nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (iNGOs) trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 4 Quyết định 531/QĐ-UBND năm 2020 về Chương trình tăng cường quan hệ hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2020-2025
- 5 Quyết định 584/QĐ-UBND năm 2020 về Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2025