Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2955/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 9 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ – BẢO VỆ ĐỘNG VẬT RỪNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/06/1994;
- Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;
- Căn cứ Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục thực vật rừng, động vật quí hiếm và chế độ quản lý bảo vệ;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chi Cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nghiêm cấm việc săn bắt, xua đuổi chim muông, thú rừng (gọi tắt là động vật rừng) dưới mọi hình thức trong toàn địa giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Động vật rừng được chia làm 3 nhóm:

Nhóm I: Gồm những loài động vật rừng đặc hữu có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế; có số lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ diệt chủng.

Nghiêm cấm khai thác sử dụng động vật rừng sống hoang dã. Trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng, phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Nhóm II: Gồm những loài động vật rừng có giá trị kinh tế cao, đang bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt và có nguy cơ diệt chủng.

Hạn chế khai thác sử dụng động vật rừng sống hoang dã. Trường hợp cần thiết sử dụng, phải được phép của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Nhóm III: Gồm những động vật rừng không thuộc nhóm I và nhóm II chỉ được sử dụng, nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Điều 3.- Khuyến khích tổ chức và cá nhân tự bỏ vốn gây nuôi phát triển động vật rừng; việc khai thác sử dụng và tiêu thụ sản phẩm được quy định như sau:

- Đối với động vật rừng thuộc nhóm I, chỉ được sử dụng chúng với mục đích gây nuôi, phát triển.

- Đối với động vật rừng thuộc nhóm II, ngoài mục đích sử dụng gây nuôi làm giống, được sử dụng động vật sống từ thế hệ thứ hai trở đi.

- Đối với động vật rừng thuộc nhóm III, được sử dụng động vật sống từ thế hệ thứ nhất trở đi.

Xem xét việc miễn thuế tài nguyên cho các tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật rừng thuộc nhóm I và nhóm II khi họ được sử dụng.

Khi gây nuôi, khai thác, sử dụng động vật rừng quy định tại điều này, chủ sở hữu phải chịu sự giám sát, kiểm tra, xác nhận của Chi cục Kiểm lâm thành phố.

Điều 4.- Trường hợp đặc biệt, nếu có thú rừng phá họai sản xuất hoặc đe dọa tính mạng con người thì được xua đuổi. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ chính đáng chỉ áp dụng khi xua đuổi không có hiệu quả và tính mạng con người bị uy hiếp trực tiếp.

Điều 5.- Mọi cá nhân và tổ chức, khi khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật rừng và các sản phẩm của chúng như: da thuộc, chim thú nhồi, thịt, xương, mật, sừng, gạc, móng vuốt… đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp kèm theo gồm:

1/ Đối với động vật rừng hoang dã:

a) Động vật rừng nhóm I và II

- Giấy phép khai thác, sử dụng động vật rừng.

- Giấy phép vận chuyển đặc biệt.

- Biên bản kiểm tra, xác nhận của Hạt Kiểm lâm sở tại.

- Hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho.

- Biên lại thu thuế tài nguyên.

b) Động vật rừng nhóm III:

- Biên bản kiểm tra xác nhận của Hạt Kiểm Lâm sở tại.

- Hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho.

- Biên bản thu thuế tài nguyên.

2/ Đối với động vật rừng được các tổ chức, cá nhân gây nuôi:

a) Động vật rừng nhóm I:

- Giấy phép sử dụng động vật rừng.

- Giấy phép vận chuyển đặc biệt.

- Biên bản kiểm tra xác nhận của Hạt Kiểm Lâm sở tại.

- Hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho.

b) Động vật rừng nhóm II:

- Giấy phép kiểm tra xác nhận động vật rừng và các sản phẩm của chúng thuộc thế hệ thứ hai do Hạt Kiểm lâm sở tại cấp.

- Giấy phép vận chuyển đặc biệt.

- Hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho.

c) Động vật rừng nhóm III:

- Biên bản kiểm tra xác nhận động vật rừng và các sản phẩm của chúng do Hạt Kiểm lâm sở tại cấp.

- Hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho.

Điều 6.- Nghiêm cấm quảng cáo và bán sản phẩm, món ăn chế biến từ động vật rừng. Nghiêm cấm bán động vật rừng còn sống và thịt động vật rừng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ủy ban nhân dân quận, huyện phải giải tán ngay các tụ điểm buôn bán trái phép động vật rừng và các sản phẩm của chúng.

Điều 7.- Tổchức thực hiện:

1/ Sở Nông nghiệp quy hoạch mạng lưới các cơ sở gây nuôi phát triển động vật rừng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân và xuất khẩu…

2/ Sở Thương mại, Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân các quận huyện ngưng cấp giấy phép kinh doanh cho các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng… buôn bán động vật rừng và các sản phẩm của chúng như: các món ăn, da thú, chim, thú nhồi, sừng, gạc, móng vuốt, xương mật … đặc biệt là các sản phẩm làm từ ngà voi, đồi mồi, răng hổ báo, sừng bò rừng, sừng bò tót…

Đối với các cơ sở đã được cấp giấy phép kinh doanh thì được phép tiếp tục bán các sản phẩm làm từ động vật rừng đến 31/12/1994 nhưng các chủ cơ sở phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp củ động vật rừng và các sản phẩm của chúng.

Từ sau 30/11/1994 Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Thương mại, Sở Du lịch, Chi cục Kiểm lâm phối hợp xét cấp giấy phép kinh doanh cho một số ít cá nhân, tổ chức có nguồn hàng ổn định tự gây nuôi động vật rừng, có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của động vật rừng và các sản phẩm của chúng khi buôn bán trên thị trường.

3/ Chi Cục Kiểm lâm thành phố là lực lượng chuyên trách thừa hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cá nhân, tổ chức thực hiện quy định của nhà nước và thành phố trong kinh doanh và sử dụng động vật rừng, phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

4/ Công an thành phố trong khi thi hành nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị phải tích cực kiểm tra xử lý các trường hợp săn bắn chim, thú vi phạm điều 1 của quyết định này.

5/ Cục Hải quan thành phố tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc xuất nhập khẩu động vật rừng theo đúng quy định của nhà nước.

6/ Sở Giáo dục đào tạo, Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Sở Văn hóa thông tin, các báo, đài… tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái nói chung và bảo vệ động vật rừng nói riêng trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng tập quán bảo vệ, gây nuôi, quý mến động vật hoang dã, và phê phán việc săn bắn chim, thú nhất là những giống, loài có ích.

Điều 8.- Xử lý vi phạm,

- Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này bị xử phạt theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 9.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/9/1994. Các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 10.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Văn hóa thông tin, Sở Thương mại, Sở Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công an thành phố, Cục Hải quan thành phố, Chi Cục Kiểm lâm thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang