Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2980/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TẠM THỜI QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ HỖ TRỢ NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LŨ, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Thông tư số 174/2014/TT-BTC ngày 17/11/2014 của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động đối với Ban vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ trong các cuộc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn sự cố nghiêm trọng, trợ giúp Quốc tế do UBMT tổ quốc các cấp phát động;

Căn cứ Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Căn cứ Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tỉnh về việc quy định mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 14/9/2016 của UBND tỉnh về việc sửa đổi một số điều Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số 3621/STC-NSHX ngày 19/10/2016, kèm theo Văn bản thống nhất ngày 19/10/2016 giữa Sở Tài chính và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; sau khi hội ý thống nhất giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ ổn định đời sống trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 của UBND tỉnh

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh; Ban vận động tiếp nhận và cứu trợ tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Các Đ/c trong BTV Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Đoàn thể cấp tỉnh;
- TT Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh;
- Ban Cứu trợ tỉnh;
- Chánh, các PVP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NL1,NL, GT1.
- Gửi: VB giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ HỖ TRỢ NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LŨ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2980/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 UBND tỉnh)

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

Hỗ trợ ứng cứu trong bão lũ; hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do bão, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh nhằm để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống dân sinh.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện ứng cứu trong bão lũ, chia sẻ một phần khó khăn đối với các hộ gia đình bị thiệt hại trong thiên tai, bão, lũ để sớm ổn định cuộc sống (không phải là khoản bồi thường); tuyệt đối không được chia đều trong Nhân dân;

Đối tượng bị thiệt hại chỉ được hỗ trợ một lần từ nguồn quỹ cứu trợ của các tổ chức cá nhân hỗ trợ và các nguồn hợp pháp khác.

Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng giữa các hộ có cùng mức thiệt hại trên tinh thần đoàn kết thương yêu đùm bọc trong cộng đồng dân cư.

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng hỗ trợ, động viên nhân dân chủ động khắc phục, đồng thời có trách nhiệm lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ;

Điều 3. Nội dung và mức hỗ trợ

Hỗ trợ dân sinh và phục vụ ứng cứu trong bão, lũ

a. Hỗ trợ tiền cho gia đình có người chết: 8.000.000 đồng/người.

b. Hỗ trợ người bị thương nặng: 2.700.000 đồng/người.

c. Hỗ trợ sửa chữa nhà ở chính bị lũ sập, đổ trôi hoàn hoàn toàn 20.000.000 đồng/hộ.

d. Hỗ trợ sửa chữa nhà ở chính bị lũ cuốn trôi, sập đổ từ 80% trở lên: 13.000.000 đồng/hộ.

đ. Hỗ trợ sửa chữa nhà ở chính bị sập, đổ từ 50% đến dưới 80%: 6.500.000 đồng/hộ.

e. Hỗ trợ nhà ở chính bị hư hỏng từ 30% đến dưới 50%: 5.000.000 đồng/hộ.

g. Đối với những hộ gia đình có nhà chính bị hư hỏng và các công trình phụ trợ khác dưới 30%: đề nghị các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác từ huyện đến thôn, xóm, cộng đồng dân cư, dòng họ giúp đỡ cùng gia đình khắc phục để sớm ổn định cuộc sống.

h. Đối với các hộ gia đình bị lũ cuốn trôi mất 100% hoặc hư hỏng toàn bộ lương thực, thiếu đói thì hỗ trợ 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 03 tháng; đối với những hộ bị trôi một phần lương thực, có nguy cơ thiếu đói thì UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) xét, đề xuất UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là cấp huyện) quyết định hỗ trợ mức 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian từ 01 đến 02 tháng; từ nguồn lương thực Trung ương và các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ.

Điều 4. Trình tự thực hiện

1. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn và các thôn, xóm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến tận người dân về đối tượng, nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại do bão, lũ gây ra theo Quy định này, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch, không bỏ sót, trùng lặp.

2. Ở Thôn:

- Các hộ gia đình tự kê khai thiệt hại thực tế do bão, lũ gây ra đối với gia đình mình gửi lên Thôn trưởng;

- Bí thư, Thôn trưởng cùng các đoàn thể tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ, khối lượng bị thiệt hại của từng hộ; tổng hợp thiệt hại, tổ chức họp toàn thể các hộ dân trong thôn bình xét, phân loại, đề xuất các khoản hỗ trợ đối với từng hộ đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, minh bạch. Bí thư, Thôn trưởng và tập thể ban công tác mặt trận thôn ký vào danh sách đề nghị gửi lên UBND cấp xã; thực hiện việc chi trả nguồn tiền, hàng cứu trợ cho các hộ dân sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc phân chia bình quân tiền, hàng cứu trợ bão lụt và dùng tiền cứu trợ để khấu trừ các khoản nợ, các khoản nghĩa vụ phải đóng góp của hộ dân.

3. Ở cấp xã:

a. Sau khi có đề xuất của các thôn, UBND cấp xã thành lập đoàn kiểm tra gồm các thành phần là đại diện cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên Ban Cứu trợ của xã đến từng hộ dân bị thiệt hại để kiểm tra, đánh giá thực tế.

b. Tổ chức hội nghị gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp xã, Bí thư, Thôn trưởng các thôn đánh giá tình hình, xác định mức độ thiệt hại, tổng hợp kết quả bình xét của UBND cấp xã, báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban Cứu trợ cấp huyện. Văn bản có ký xác nhận và đề nghị của Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã.

Đối với các hộ đã được hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân, xã và thôn cần phải xem xét, cân đối để đảm bảo công bằng giữa các hộ có mức thiệt hại như nhau.

c. Căn cứ theo Quyết định hỗ trợ của Ban Cứu trợ cấp huyện, Ủy ban nhân dân, Ban Cứu trợ cấp xã cùng các thôn tổ chức phân phối nguồn tiền, hàng cứu trợ cho các hộ dân, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác và lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan theo quy định.

4. Ở cấp huyện:

Thành lập đoàn kiểm tra, tổng hợp tình hình thiệt hại và mức hỗ trợ đảm bảo công bằng giữa các xã có cùng mức độ thiệt hại, báo cáo tập thể Thường trực Huyện ủy (Thành, Thị ủy), Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện để quyết định hỗ trợ theo nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Cứu trợ cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Ban Cứu trợ tỉnh về các nội dung liên quan đến thực hiện hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lũ cho nhân dân. Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện, bổ cứu kịp thời các vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm túc, kịp thời, dứt điểm các sai phạm, tạo đồng thuận trong Nhân dân; không để xảy ra khiếu kiện.

5. Tiền, hàng hỗ trợ cho các nạn nhân, thân nhân của nạn nhân bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ phải được ký nhận trực tiếp, đầy đủ của từng đối tượng; trường hợp vì lý do nào đó không ký nhận trực tiếp thì người nhận phải ghi rõ là ký thay.

6. Trường hợp kinh phí, lương thực hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ năm 2016 cấp cho các địa phương để hỗ trợ theo các nội dung trên nhưng không sử dụng hết, Ban Cứu trợ cấp huyện (đối với phần do Ban Cứu trợ tỉnh và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ chuyển đến) phải báo cáo Ban Cứu trợ cấp tỉnh (thông qua UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh cơ quan thường trực), Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định.

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn tài trợ, cứu trợ của các tổ chức, cá nhân

Đối với các nhiệm vụ chi hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Thông tư 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Điều 6. Hoạt động của Ban vận động

Chi phí hoạt động của Ban vận động các cấp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 174/2014/TT-BTC ngày 17/11/2014 của Bộ Tài chính.

Chế độ báo cáo thực hiện theo quy định tại điểm 8 Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/8/2008 của Bộ Tài chính.

Nguồn kinh phí hoạt động của Ban vận động các cấp không được dùng nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tài trợ để chi, mà được bố trí từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ cùng cấp tổ chức thực hiện việc cứu trợ cho nhân dân khôi phục hậu quả do bão, lũ gây ra trong theo quy định tại Quyết định này.

2. Các Sở: Lao động - Thương binh và xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Cứu trợ tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân khôi phục hậu quả do bão, lũ gây ra theo đúng quy định.

3. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu, đề xuất) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.