Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2981/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính họp ngày 17 tháng 3 năm 2004;

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Việc phân cấp quản lý công chức, viên chức thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch trong công tác quản lý cán bộ.

- Thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý cán bộ thuộc phạm vi được phân cấp.

- Phân cấp quản lý đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra của cấp trên đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ.

- Công tác quản lý công chức, viên chức phải được thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đúng nội dung, quy trình và thủ tục.

Người đứng đầu tổ chức, đơn vị được quyết định các vấn đề về nhân sự đối với công chức, viên chức theo quy định phân cấp dưới đây.

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý toàn diện về chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành; quyết định về nhân sự tại các đơn vị thuộc Bộ không được phân cấp; quyết định các chức danh lãnh đạo Tổng cục (và tương đương) theo quy định của Chính phủ và các chức danh lãnh đạo sau đây:

1. Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng ban, Trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Dự trữ quốc gia (sau đây gọi chung là thuộc Tổng cục).

2. Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám Đốc Dự trữ quốc gia khu vực.

3. Phó Cục trưởng Cục Thuế, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục hải quan tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

4. Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, Viện trưởng Viện Khoa học tài chính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Hỗ trợ đào tạo, Giám đốc các Phân viện thuộc Học viện Tài chính, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Tài chính.

5. Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài chính; Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam; Giám Đốc, Phó Giám Đốc Nhà Xuất bản Tài chính; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp khác thuộc Bộ.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Giám Đốc Kho bạc Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia (sau đây gọi chung là Tổng cục trưởng) chịu trách nhiệm toàn diện về nhân sự đối với công chức, viên chức thuộc Tổng cục; quyết định đối với các chức danh lãnh đạo:

1. Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban và tương đương trở xuống tại cơ quan Tổng cục.

2. Phó Cục trưởng Cục Thuế, Phó Giám Đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó cục trưởng Cục Hải quan (trừ Phó Cục trưởng Cục Thuế, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), Phó Giám Đốc Dự trữ quốc gia khu vực.

3. Cấp phó trở xuống của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Điều 4. Cục trưởng Cục Thuế, Giám Đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám Đốc Dự trữ quốc gia khu vực (sau đây gọi chung là Cục trưởng) chịu trách nhiệm toàn diện về nhân sự đối với công chức, viên chức dưới quyền; quyết định đối với các chức danh lãnh đạo thuộc đơn vị (trừ các chức danh lãnh đạo nói tại điểm 2, điểm 3 Điều 2 và điểm 2 Điều 3).

Riêng Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trước khi quyết định đối với chức danh Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, phải xin ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Điều 5. Giám Đốc Học viện Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về nhân sự đối với công chức, viên chức thuộc Học viện; quyết định đối với các chức danh lãnh đạo;

1. Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Hỗ trợ đào tạo, Phó Giám đốc các Phân viện thuộc học viện Tài chính.

2. Trưởng phòng, Trưởng ban, Trưởng khoa và các chức danh tương đương khác trở xuống.

Điều 6. Hiệu trưởng Trường Đại học, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng chịu trách nhiệm toàn diện và nhân sự đối với công chức, viên chức thuộc Trường; quyết định đối với các chức danh lãnh đạo Trưởng phòng, Trưởng ban, Trưởng khoa và các chức danh tương đương khác trở xuống.

Điều 7. Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính, Giám Đốc Nhà xuất bản Tài chính, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp khác thuộc Bộ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về nhân sự đối với công chức, viên chức của đơn vị; quyết định đối với các chức danh lãnh đạo từ Trưởng phòng và tương đương trở xuống.

Điều 8. Quyết định chuyển xếp ngạch công chức, viên chức (vào ngạch tương đương):

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chuyển xếp ngạch đối với công chức, viên chức thuộc các đơn vị không được phân cấp quản lý cán bộ và các chức danh lãnh đạo do Bộ quản lý.

2. Tổng cục trưởng quyết định chuyển xếp ngạch cho các ngạch chuyên viên chính và tương đương; chuyển xếp ngạch đối với các chức danh lãnh đạo được phân cấp quản lý.

3. Cục trưởng quyết định chuyển xếp các ngạch từ chuyên viên và tương được trở xuống (trừ đối với các chức danh lãnh đạo không được phân cấp quản lý).

Điều 9. Nâng lương thường xuyên theo quy định chung cho công chức, viên chức:

1. Tổng cục trưởng được quyết định nâng lương thường xuyên đến ngạch chuyên viên chính; quyết định nâng lương thường xuyên đối với các chức danh lãnh đạo do Bộ, Tổng cục quản lý giữ các ngạch từ chuyên viên chính trở xuống.

2. Cục trưởng được quyết định nâng lương thường xuyên đến ngạch chuyên viên (trừ đối với các chức danh lãnh đạo không được phân cấp quản lý).

3. Tất cả các trường hợp nâng lương khác (không phải nâng lương thường xuyên và chưa có quy định chung) đều phải báo cáo Bộ quyết định.

Điều 10. Việc cử công chức, viên chức đi nước ngoài được quy định như sau:

1. Tổng cục trưởng được quyết định cử công chức, viên chức thuộc Tổng cục (từ các chức danh lãnh đạo do Bộ quản lý) đi công tác, học tập, khảo sát tại nước ngoài và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Tổng cục trưởng, Cục trưởng, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ được xác nhận đối với công chức, viên chức đã được phân cấp quản lý để làm thủ tục đi nước ngoài về việc riêng (để xin cấp Hộ chiếu phổ thông).

Điều 11. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn về quản lý công chức, viên chức theo phân cấp, người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và tổ chức kiểm tra người đứng đầu các đơn vị cấp dưới thực hiện đúng các quy định, quy trình, thủ tục về quản lý công chức, viên chức theo phân cấp, được quyền quy định huỷ bỏ quyết định của cấp dưới nếu không đúng quy định; hàng năm có báo cáo cấp trên về công tác cán bộ cùng với báo cáo sơ kết, tổng kết công tác của đơn vị.

2. Xây dựng và phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo các chức danh theo phân cấp quản lý và quản lý quy hoạch theo quy định; khi bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo đã được phân cấp, thực hiện nguyên tắc:

- Cán bộ được bổ nhiệm thuộc quy hoạch đã được phê duyệt.

- Trường hợp bổ nhiệm cán bộ không thuộc diện quy hoạch, phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp của cấp quyết định.

3. Chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của công chức, viên chức thuộc quyền quản lý theo phân cấp.

Điều 12. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:

1. Giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý toàn diện công tác cán bộ trong toàn ngành.

2. Giúp Bộ trưởng kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ; xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với việc thực hiện không đúng quy định. Được Bộ trưởng uỷ quyền quyết định xử lý các sai phạm về công tác cán bộ đã phân cấp cho cấp Cục trưởng và tương đương; báo cáo và kiến nghị Bộ trưởng quyết định xử lý sai phạm về công tác cán bộ đã phân cấp cho cấp Tổng cục trưởng và tương đương.

3. Được ký các quyết định về nhân sự đối với các ngạch từ chuyên viên trở xuống và cấp Trưởng phòng trở xuống tại các đơn vị không được phân cấp, trên cơ sở chủ trương đã được Bộ duyệt và đề nghị của người đứng đầu đơn vị quản lý sử dụng.

Điều 13. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 38/2001/QĐ/BTC ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Nguyễn Sinh Hùng