ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2992/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 11 năm 2019 |
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2010, tầm nhìn 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022” ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2019 - 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2992/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Theo quy định lại khoản 5, Điều 9 và Điều 13 của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 thì Sở Tư pháp là cơ quan vừa thực hiện chức năng quản lý cơ sở dữ liệu LLTP vừa là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về LLTP trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp có các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về LLTP tại địa phương; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về LLTP; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về LLTP; triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý LLTP; kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về LLTP; xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu LLTP: Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin LLTP do Tòa án, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Trung tâm LLTP quốc gia cung cấp; lập LLTP, cấp Phiếu LLTP theo thẩm quyền; cung cấp LLTP, thông tin bổ sung cho Trung tâm LLTP quốc gia, cung cấp thông tin LLTP cho các Sở Tư pháp khác.
Đặc biệt, tại khoản 4, Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích nếu có điều kiện quy định…”. với quy định này của Luật, kể từ ngày 01/01/2018 trách nhiệm xóa án tích trước đây thuộc thẩm quyền của Tòa án có thẩm quyền đã chuyển giao cho Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp
Như vậy, cùng với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, cấp Phiếu LLTP trên địa bàn thì từ 01/01/2018, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ thực hiện xác minh, xóa án tích cho người có yêu cầu (trước ngày 01/01/2018 xóa án tích thuộc quyền của Tòa án nhân dân). Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp về chuyên môn, yêu cầu nhiều về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cần được tăng cường, nhằm đảm bảo cho việc tiếp nhận, thu thập, nhập, lập đủ các thông tin LLTP các giai đoạn trước và từ 01/7/2010 (ngày Luật LLTP có hiệu lực thi hành) đến nay phục vụ cho việc cấp Phiếu LLTP và xóa án tích đương nhiên cho người dân nên cần thiết phải ban hành Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022”.
1. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022" gồm:
- Bộ luật Hình sự năm 2015;
- Luật Lý lịch tư pháp ngày 17/6/2009;
- Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP;
- Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP;
- Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP;
- Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm LLTP quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu LLTP";
- Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
- Quyết định số 1713/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ Tư pháp ban hành “Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;
- Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 09/3/2015 của Bộ Tư pháp về việc tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP;
- Công văn số 2739/BTP-KHTC ngày 23/7/2019 của Bộ Tư pháp về việc bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp;
- Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 03/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2010, tầm nhìn 2030" trên địa bàn tỉnh;
- Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
2. Cơ sở thực tiễn
a) Tình hình tiếp nhận, trao đổi thông tin LLTP
Theo quy định tại Điều 15 và Điều 36 Luật LLTP thì nguồn thông tin LLTP về án tích bao gồm 19 loại thông tin là các bản án, quyết định của Tòa án và các loại văn bản, tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến quá trình thi hành bản án, quyết định đó; thông tin LLTP về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được xác lập từ quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp Luật của Tòa án theo quy định của Luật Phá sản.
Trong năm 2017, Tòa án nhân dân trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 3.267 vụ việc, giải quyết 2.930 vụ việc. Năm 2018, thụ lý 4.178 vụ việc, giải quyết 3.477 vụ việc. Số vụ việc thụ lý trong năm 2018 tăng 28% so với năm 2017. Trong đó, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 933 vụ việc, giải quyết 758 vụ việc; Tòa án nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế thụ lý 6.512 vụ việc, giải quyết 5.650 vụ việc.
Trên thực tế, những vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội khác nhau hoặc nhiều khung hình phạt khác nhau trong cùng một tội thì quá trình thi hành bản án cũng đa dạng về mặt thời hạn. Bên cạnh số lượng thông tin về án tích, số lượng thông tin về việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự, quyết định hình sự cũng rất lớn.
Trong năm 2017, các Cơ quan thi hành án dân sự tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý 1.608 việc trong bản án, quyết định hình sự, trong đó, tổng số phải thi hành là 1.573 việc, bao gồm 1.183 việc có điều kiện thi hành và 390 việc chưa có điều kiện thi hành. Tổng số thụ lý về tiền phải thi hành là 57.366.897.000 đồng.
Trong năm 2018, các Cơ quan thi hành án dân sự tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý 2.009 việc trong bản án, quyết định hình sự, trong đó, tổng số phải thi hành là 1.998 việc, bao gồm 1.193 việc có điều kiện thi hành và 805 việc chưa có điều kiện thi hành. Tổng số thụ lý về tiền phải thi hành là 69.155.328.000 đồng.
Kết quả thi hành án dân sự về việc trong bản án, quyết định hình sự của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2018 tăng 25%, số tiền tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, theo quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn liên quan, Sở Tư pháp còn tiếp nhận thông tin LLTP từ các cơ quan, tổ chức liên quan, các Sở Tư pháp khác. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và Trung tâm LLTP quốc gia cung cấp.
Đối với trường hợp người bị kết án thường trú ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, Sở Tư pháp có nhiệm vụ gửi thông tin LLTP của người đó cho Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú của người bị kết án thì gửi thông tin LLTP cho Sở Tư pháp nơi người đó tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người bị kết án thì Sở Tư pháp gửi thông tin LLTP cho Trung tâm LLTP quốc gia.
Trong năm 2017, Sở Tư pháp tiếp nhận 6.278 thông tin LLTP do các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm LLTP quốc gia và các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến, trong đó thông tin LLTP thuộc thẩm quyền xử lý là 5291 thông tin, số lượng thông tin đã xử lý (lập LLTP, cập nhật thông tin bổ sung vào LLTP đã được lập) là 2.305 thông tin.
Trong năm 2018, Sở Tư pháp tiếp nhận 5.979 thông tin LLTP, cộng dồn 2.986 thông tin chưa xử lý của năm 2017, nâng tổng số thông tin cần xử lý là 8.965 thông tin trong năm 2018. Tính đến hết năm 2018, số lượng thông tin chưa được xử lý tại Sở Tư pháp là 2.813 thông tin.
Lượng thông tin được gửi đến Sở Tư pháp mang tính chất liên tục, gối đầu nhau, thông tin này chưa xử lý xong thì thông tin khác đã được chuyển đến. Tính đến cuối tháng 4 năm 2019, số lượng thông tin chưa được lập LLTP, cập nhật thông tin bổ sung vào LLTP đã được lập là 3.701 thông tin.
Số liệu trên cho thấy, khối lượng thông tin tiếp nhận và trao đổi nhiều đã tạo ra sự quá tải cho Sở Tư pháp, ảnh hưởng không ít đến chất lượng xử lý thông tin LLTP.
b) Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP
Với vai trò là cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP tại địa phương, ngoài việc tiếp nhận, kiểm tra, phân loại và xử lý thông tin LLTP do các cơ quan, tổ chức cung cấp theo quy định của Luật LLTP và Nghị định 111/2010/NĐ-CP, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp còn bao gồm việc lập LLTP, cập nhật thông tin bổ sung vào LLTP đã được lập, cung cấp LLTP và thông tin bổ sung cho Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp khác.
Trong năm 2017, Sở Tư pháp lập 1.117 bản LLTP và tiến hành bổ sung thông tin đối với các bản LLTP đã lập, bao gồm: 1.523 bản án, 2.880 quyết định thi hành án. Tương tự, số liệu trong năm 2018 là 1073 bản LLTP, 1495 bản án, 3.364 quyết định thi hành án. So sánh về số lượng cập nhật thông tin LLTP vào LLTP đã được lập trong năm 2018 tăng 16,8% so với năm 2017.
Công tác lưu trữ hồ sơ LLTP bằng giấy được thực hiện song song với quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP. Sở Tư pháp tiến hành sắp xếp, lưu trữ thông tin LLTP do các cơ quan liên quan cung cấp từ 01/7/2010 theo hướng dẫn tại Thông tư 06/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về công tác lưu trữ LLTP.
c) Công tác cấp Phiếu LLTP
Cùng với sự phát triển năng động về kinh tế, thì các quan hệ xã hội diễn ra cũng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, việc cấp Phiếu LLTP ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết, LLTP cũng được đặt ra nhằm phục vụ cho các yêu cầu về quản lý nhân sự, xem xét khi cấp giấy phép kinh doanh hoạt động trong một số ngành nghề (thành lập doanh nghiệp, bảo hiểm, hành nghề y được tư nhân...); quản lý việc xuất nhập cảnh; nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam. Trên phiếu LLTP thể hiện người có yêu cầu cấp Phiếu có tiền án hay không, nếu có thì đã được xóa án tích hay chưa. Trong năm 2017, Sở Tư pháp đã cấp 6.230 Phiếu LLTP, trong đó có 2.873 phiếu số 1 và 3.357 phiếu số 2. Số lượng Phiếu LLTP đã cấp trong năm 2018 là 8.710 phiếu, trong đó có 3.470 phiếu số 1 và 5.240 phiếu số 2. Năm 2018 là năm có số lượng yêu cầu cấp phiếu LLTP tăng đột biến, đặt Sở Tư pháp vào cuộc đua với thời gian nhằm đảm bảo thời hạn cấp Phiếu LLTP cho công dân, tổ chức. So với năm 2017, số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP năm 2018 tăng 40%.
Trong 07 tháng đầu năm 2019, số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 7.824 phiếu, tính trung bình số lượng yêu cầu mỗi tháng là 1.000 phiếu. Dự kiến năm 2019 sẽ tiếp nhận 12.000 yêu cầu cấp Phiếu LLTP, dự kiến tăng 92,6% so với năm 2017 và 38% so với năm 2018.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về LLTP được Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp chú trọng trong việc tiếp nhận, số hóa hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu LLTP trực tuyến, nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả qua bưu chính. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân khi có yêu cầu nhằm giảm thời gian đi lại, tránh gây phiền hà. Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không có trường hợp nào vi phạm pháp luật về LLTP như làm giả mạo giấy tờ, việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP cho người khác được thực hiện đúng theo quy định của Luật LLTP.
Tính đến cuối tháng 5 năm 2019, trên 4.650 yêu cầu cấp Phiếu LLTP được chuyển tra cứu trên phần mềm theo Quy chế 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 giữa Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp và Cục V06 - Bộ Công an phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Số lượng phiếu LLTP được cấp đúng hạn đạt từ 95% đến 99%. Trung tâm LLTP quốc gia có trách nhiệm xác định kết quả tra cứu, xác minh trên cơ sở tổng hợp kết quả tra cứu, xác minh thông tin LLTP do V06 và phòng Hồ sơ gửi với kết quả tra cứu thông tin LLTP tại Cơ sở dữ liệu LLTP của Trung tâm.
Đối với những trường hợp kết quả trả lời của Trung tâm LLTP quốc gia vẫn chưa rõ ràng, đầy đủ thì Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc Tòa án đã xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ, nhằm khẳng định người được cấp Phiếu LLTP có án tích hay không có án tích. Thực tế thời gian qua khi Sở Tư pháp có đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc Tòa án đã xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ thì thời gian thường kéo dài hơn nhiều so với quy định.
Do Cơ sở dữ liệu LLTP hiện nay chưa đầy đủ, chưa đảm bảo cho việc khai thác thông tin để cấp phiếu LLTP nên hầu hết việc cung cấp thông tin về án tích đều phụ thuộc vào kết quả tra cứu, xác minh từ Trung tâm LLTP quốc gia. Sở Tư pháp chưa chủ động được về mặt thời gian, ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nói chung và Sở Tư pháp nói riêng.
d) Biên chế, cơ sở vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin
Ngày 09/3/2015, Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTP về việc tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP, trong đó, yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp chủ động kiện toàn, bổ sung cán bộ làm công tác LLTP bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại địa phương.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ nên số lượng công chức càng giảm, trong khi đó khối lượng công việc lại tăng nên Sở Tư pháp gặp khó khăn trong việc bổ sung, điều động biên chế. Ngoài ra, nhu cầu cấp phiếu LLTP của công dân ngày càng tăng, với biên chế hiện tại thì chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, trong khi mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP chưa đồng đều và chưa bảo đảm sự đồng bộ về dữ liệu giữa Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật được trang bị theo đề án “Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn từ năm 2012 - 2015” đến nay đã có một số dấu hiệu hư hỏng, cần trang cấp bổ sung thêm do nhu cầu công việc, trang cấp để thay thế thiết bị đã cũ.
đ) Công tác xóa án tích tại cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Với Phiếu LLTP được cấp, trong đó có ghi "Không có án tích”, nếu thuộc các trường hợp đương nhiên xóa án tích và đã có đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định, cũng sẽ là một loại giấy tờ chứng minh người có án đã được xóa án tích. Vấn đề xóa án tích được quy định tập trung tại Chương X của Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 5 điều luật (từ Điều 69 đến Điều 73), theo đó, trách nhiệm xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để cấp Phiếu LLTP thuộc về cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên của người bị kết án, đồng thời, rút ngắn thời hạn xóa án tích và điều chỉnh mốc tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định pháp luật hình sự đã ban hành. Đây là những quy định làm cơ sở cho việc điều chỉnh các quy định có liên quan đến việc xác minh điều kiện xóa án tích; cập nhật thông tin về án tích.
Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và các điều kiện quy định về không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Từ 01/01/2018 đến hết tháng 5 năm 2019, Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xóa án tích cho gần 200 trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tiến hành xác minh tại nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án hình sự, Trại giam, Ủy ban nhân dân cấp xã… và các cơ quan, đơn vị khác trên phạm vi cả nước.
Mặt khác, Điều 44 Luật LLTP quy định: "Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý tịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điền kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý tịch tư pháp", theo số liệu thống kê tại cơ sở dữ liệu LLTP của Sở Tư pháp, từ năm 2010 đến năm 2018, số trường hợp thuộc diện đương nhiên được xóa án tích là 2.284 trường hợp. Dự kiến số trường hợp thuộc diện đương nhiên được xóa án tích từ năm 2019 đến năm 2022 là 2.741 trường hợp (Ước tính trường hợp thuộc diện đương nhiên được xóa án tích từ 2019 đến năm 2022 tăng khoảng 30% mỗi năm so với giai đoạn 2010 - 2018). Do vậy, tổng số trường hợp thuộc diện đương nhiên được xóa án tích từ năm 2010 đến năm 2022 là 5.025 trường hợp.
Thực tế việc xác minh các điều kiện thuộc các trường hợp đương nhiên xóa án tích tại Sở Tư pháp gặp nhiều khó khăn do đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích phải thực hiện tại nhiều cơ quan. Nguồn lực và kinh phí thực hiện công tác xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích còn thiếu và yếu, đặc biệt là áp lực về mặt thời gian nhằm đảm bảo thời hạn cấp phiếu LLTP liên quan. Một số trường hợp người dân không còn lưu giữ được các giấy tờ cần thiết để chứng minh đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ dân sự trong bản án, trong khi đó một số các cơ quan cũng không còn lưu giữ sổ sách, hồ sơ để thực hiện việc xác minh...
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
Căn cứ Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20/7/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Việc xây dựng Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019-2022” nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả "Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030" được Ban hành theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1713/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ Tư pháp, Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 03/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2010, tầm nhìn 2030" trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực thi Luật LLTP và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ trên phương diện cơ bản là xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
- Đảm bảo tổ chức thực hiện công tác LLTP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp thực hiện phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Sở Tư pháp và chất lượng thông tin trong cơ sở dữ liệu LLTP.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
- Đảm bảo phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, phù hợp với tình hình và dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động liên quan đến LLTP.
b) Mục tiêu cụ thể
- Từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP trên địa tỉnh, bảo đảm về chất lượng, số lượng và tính kịp thời để chủ động trong việc khai thác thông tin LLTP, phục vụ cấp Phiếu LLTP và xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích.
- Bảo đảm giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng thông tin LLTP, nâng cao chất lượng thông tin trong Cơ sở dữ liệu LLTP.
- Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.
- Có phương án bổ sung nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng các điều kiện về công tác LLTP trong tình hình mới.
1. Tăng cường nguồn nhân lực xử lý thông tin LLTP, xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích
Do lượng thông tin LLTP tương đối lớn, nhu cầu cấp Phiếu LLTP của các cá nhân, tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng tăng, đồng thời phát sinh nhiệm vụ xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, do vậy, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và quản lý nhà nước về LLTP trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp sử dụng tổ chức hiện có của Sở là Phòng Hành chính tư pháp, xem xét, bổ sung 01 biên chế chuyên trách làm công tác LLTP từ nguồn biên chế sự nghiệp, trước mắt có thể hợp đồng thời vụ nhân công để xử lý thông tin án tích.
Công chức làm công tác tại Phòng Hành chính Tư pháp phải có trình độ chuyên môn về pháp luật, thông thạo về tin học văn phòng và được đào tạo nghiệp vụ LLTP.
2. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác LLTP
a) Bố trí kho lưu trữ hồ sơ LLTP riêng để đảm bảo nguyên tắc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP phù hợp với quy định của Luật LLTP và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ.
b) Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc như: bàn, ghế, tủ hồ sơ chuyên dụng, máy tính cá nhân, máy in, máy chủ, các thiết bị mạng, máy fax, máy photocopy..., đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý cơ sở dữ liệu LLTP tại địa bàn tỉnh.
3. Hoàn thiện cơ chế đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP
a) Sở Tư pháp chủ trì tổng kết, đề xuất sửa đổi Quy chế phối hợp liên ngành số 1069/QCPHLN-STP-TAND-VKSND-CA-CTHADS ngày 08/10/2014 giữa Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh về tiếp nhận, cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin, lập LLTP và cấp Phiếu LLTP tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
b) Xây dựng văn bản hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế.
c) Xây dựng quy trình về việc tiếp nhận, cung cấp, cập nhật nguồn thông tin LLTP; lập LLTP; cấp Phiếu LLTP và lưu trữ hồ sơ, giấy tờ LLTP tại Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP
Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin việc sử dụng phần mềm quản lý LLTP của Bộ Tư pháp để phục vụ việc cung cấp, trao đổi và tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin LLTP chính xác nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc cấp Phiếu LLTP cho cơ quan, tổ chức và công dân; cung cấp thông tin LLTP cho Trung tâm LLTP quốc gia; được thực hiện theo từng giai đoạn đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất cho việc lưu trữ tài liệu LLTP tại Sở Tư pháp.
1. Năm 2019
a) Tập trung xử lý thông tin LLTP còn tồn đọng, tăng cường xử lý, tích hợp thông tin vào Cơ sở dữ liệu LLTP, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh chóng.
b) Sắp xếp, lưu trữ thông tin LLTP và số hóa dữ liệu LLTP đã tiếp nhận để khai thác, phục vụ cho cá nhân và tổ chức có yêu cầu.
c) Bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.
d) Tiến hành rà soát, lập danh sách các trường hợp có đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
đ) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LLTP.
2. Năm 2020
a) Tăng cường nguồn nhân lực làm công tác LLTP nhằm giải quyết triệt để thông tin LLTP tồn đọng và đáp ứng các điều kiện khác trong tình hình mới.
b) Bố trí kho lưu trữ hồ sơ LLTP, hồ sơ cấp Phiếu LLTP tạm thời đảm bảo việc tra cứu yêu cầu cấp Phiếu LLTP trong thời hạn phù hợp trước khi chuyển lưu tại kho chính thức.
c) Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP. Số hóa toàn bộ dữ liệu LLTP để khai thác, phục vụ cho cá nhân và tổ chức có yêu cầu.
d) Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham gia thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP điện tử”.
đ) Phối hợp liên ngành kiểm tra hoạt động cung cấp, tiếp nhận, xác minh thông tin LLTP, phục vụ công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP theo quy định tại Quy chế số 1069.
c) Trên cơ sở các văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua hoặc có hiệu lực trong thời gian tới như Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật LLTP (sửa đổi)... Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan liên quan Tổng kết Quy chế phối hợp liên ngành số 1069/QCPHLN-STP-TAND-VKSND-CA-CTHADS ngày 08/10/2014 giữa Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh về tiếp nhận, cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin, lập LLTP về cấp Phiếu LLTP tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Năm 2021
a) Tăng cường, chú trọng xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP, đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh.
b) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác LLTP; duy trì, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP hiện có phục vụ cấp Phiếu LLTP, đảm bảo 80% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP không chuyển tra cứu theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 giữa Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp và Cục V06 - Bộ Công an phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP; Phấn đấu rút ngắn 20% - 30% thời gian cấp Phiếu LLTP cho công dân, tổ chức so với quy định.
c) Tiếp tục bổ sung kinh phí đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc, cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.
d) Hoàn thiện mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP.
4. Năm 2022
a) Bổ sung 01 biên chế chuyên trách làm công tác LLTP.
b) Phấn đấu 80% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP không chuyển tra cứu theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 giữa Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp và Cục V06 - Bộ Công an phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP; Phấn đấu rút ngắn 30% thời gian cấp Phiếu LLTP cho công dân, tổ chức so với quy định.
c) Báo cáo, đánh giá hiệu quả thực hiện của Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022”.
d) Từ thực tế công tác LLTP và nhu cầu thực tế của địa phương nghiên cứu, xây dựng các Đề án về LLTP, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kinh phí thực hiện Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022" trên cơ sở dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, dự kiến là 609.602.200 đồng (Bằng chữ: Sáu trăm lẻ chín triệu, sáu trăm lẻ hai nghìn, hai trăm đồng) (Chi tiết tại Phụ lục dự toán kinh phí kèm theo Đề án này).
1. Sở Tư pháp
a) Chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP theo quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn liên quan tại địa phương. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về LLTP trong phạm vi địa bàn tỉnh.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 -2022".
c) Căn cứ nội dung của Đề án có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch, lập dự toán kinh phí bảo đảm việc triển khai Đề án và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán ngân sách để triển khai Đề án theo đúng tiến độ.
d) Chủ trì tổng kết, báo cáo, đánh giá tác động của Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022" trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế cho Sở Tư pháp đảm bảo công tác LLTP.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ khả năng ngân sách tỉnh hàng năm, bố trí ngân sách để thực hiện Đề án.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan triển khai các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế
a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện việc cung cấp thông tin LLTP, tra cứu, xác minh thông tin LLTP theo quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Khi ban hành Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có trách nhiệm gửi bản sao Quyết định đó cho Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã khi cấp giấy chứng tử cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có trách nhiệm gửi bản sao giấy chứng tử đó cho Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi có yêu cầu.
6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, cơ quan và tổ chức có liên quan
a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện việc cung cấp thông tin LLTP về án tích, thông tin LLTP về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đầy đủ, chính xác cho Sở Tư pháp, Trung tâm LLTP quốc gia để phục vụ việc xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP cho cá nhân, tổ chức theo quy định.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi có yêu cầu.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan cấp huyện trong việc thực hiện công tác LLTP theo đúng quy định tại Luật LLTP, Quy chế phối hợp liên ngành số 1069/QCPHLN-STP-TAND-VKSND-CA-CTHADS ngày 08/10/2014 giữa Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh về tiếp nhận, cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin, lập LLTP về cấp Phiếu LLTP tại tỉnh Thừa Thiên Huế và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2019 - 2022”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2992/QĐ-UBND ngày 25/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
ĐVT: đồng
STT | ĐƠN VỊ, NỘI DUNG | CHIẾT TÍNH | THÀNH TIỀN | GHI CHÚ |
I | Kinh phí năm 2019 | 48.000.000 |
| |
1 | Thuê nhân công xử lý án tích tồn đọng | 02 nhân công x 3.500.000 đồng/tháng x 04 tháng | 28.000.000 | Khoán trung bình tháng theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước |
2 | Bìa dựng hồ sơ | 2000 bì x 10.000 đồng/bì hồ sơ | 20.000.000 |
|
II | Kinh phí năm 2020 | 202.262.000 | ||
1 | Thuê nhân công xử lý án tích tồn đọng | 01 nhân công x 3.500.000 đồng/tháng x 12 tháng | 42.000.000 | Khoán trung bình tháng theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước |
2 | Chi phí làm ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP | 20.000.000 | Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức | |
3 | Tiền làm ngoài giờ để vận chuyển, lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp lên kho lưu trữ (tầng 1 lên tầng 4) | 10.000.000 | ||
4 | Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật |
|
| |
4,1 | 01 máy tính | 01 x 20.000.000 đồng/máy | 20.000.000 |
|
4,2 | 01 máy in | 01 x 7.000.000 đồng/máy | 7.000.000 |
|
4,3 | 01 máy scan | 01 x 10.000.000 đồng/máy | 10.000.000 |
|
5 | Bố trí kho lưu trữ tạm thời thông tin, hồ sơ LLTP, hồ sơ cấp Phiếu LLTP |
|
| |
| Kệ sắt đựng hồ sơ 05 tầng | 05 kệ x 5.000.000 đồng/kệ | 25.000.000 |
|
6 | Chi phí phối hợp liên ngành kiểm tra hoạt động cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP theo quy định tại Quy chế số 1069: Dự kiến kiểm tra 05 đơn vị tại địa bàn tỉnh: thành phố Huế, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới |
|
| |
6,1 | Thuê xe đi kiểm tra | 05 đơn vị x 02 ngày/đơn vị x 1.500.000 đồng/chuyến/ngày | 15.000.000 |
|
6,2 | Khoán tiền ngủ tại A Lưới | 200.000 đồng/ngày/người x 03 người x 02 đêm | 1.200.000 | Áp dụng theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của UBND tỉnh quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế |
6,3 | Công tác phí tại A Lưới | 03 người tham gia kiểm tra x 150.000 đồng/ngày x 02 ngày | 900.000 | |
7 | Kinh phí thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, số trường hợp cần xác minh: 1.675 trường hợp |
| ||
7,1 | Chi phí xác minh qua đường công văn | 1.675 trường hợp x 11.440 đồng/công văn | 19.162.000 | Đơn giá thực tế tại Bưu điện |
7,2 | Chi phí xác minh trực tiếp trong trường hợp đi và về trong ngày | 02 người x 150.000 đồng/ngày/người x 40 ngày xác minh | 12.000.000 | Áp dụng theo Quyết định 28/2018/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của UBND tỉnh quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế |
7,3 | Tiền khoán thuê phòng ngủ trong trường hợp xác minh tại các địa điểm A Lưới, Nam Đông cần nghỉ lại qua đêm | 02 người x 200.000 đồng/ngày/người x 20 ngày | 8.000.000 | |
7,4 | Thuê xe phục vụ xác minh tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh | 4 đơn vị x 2 ngày/đơn vị x 1.500.000 đồng/chuyến/ngày | 12.000.000 |
|
III | Kinh phí năm 2021 | 190.162.000 |
| |
1 | Thuê nhân công xử lý án tích tồn đọng | 01 nhân công x 3.500.000 đồng/tháng x 12 tháng | 42.000.000 | Khoán trung bình theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước |
2 | Chi phí làm ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP | 20.000.000 | Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức. | |
3 | Tiền làm ngoài giờ để vận chuyển, lưu trữ hồ sơ án tích, hồ sơ cấp Phiếu LLTP lên kho lưu trữ (tầng 1 lên tầng 4) | 10.000.000 | ||
4 | Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật: “Trang cấp bổ sung thêm do nhu cầu công việc, trang cấp để thay đổi thiết bị đã cũ, hư hỏng; |
|
| |
4,1 | 01 máy tính | 01 x 20.000.000 đồng/máy | 20.000.000 |
|
4,2 | 01 máy photocopy | 01 máy x 25.000.000 đồng/máy | 25.000.000 |
|
4,3 | 01 máy in | 01 x 7.000.000 đồng/máy | 7.000.000 |
|
4,4 | 01 máy scan | 01 x 10.000.000 đồng/máy | 10.000.000 |
|
4,5 | Thiết bị mạng, đường truyền internet | 5.000.000 đồng | 5.000.000 |
|
5 | Kinh phí thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, số trường hợp cần xác minh: 1.675 trường hợp |
|
| |
5,1 | Chi phí xác minh qua đường công văn | 1.675 trường hợp x 11.440 đồng/công văn | 19.162.000 | Đơn giá thực tế tại Bưu điện |
5,2 | Chi phí xác minh trực tiếp trong trường hợp đi và về trong ngày | 02 người x 150.000 đồng/ngày/người x 40 ngày xác minh | 12.000.000 | Áp dụng theo Quyết định 28/2018/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của UBND tỉnh quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế |
5,3 | Tiền khoán thuê phòng ngủ trong trường hợp xác minh tại các địa điểm A Lưới, Nam Đông cần nghỉ lại qua đêm | 02 người x 200.000 đồng/ngày/người x 20 ngày | 8.000.000 | |
5,4 | Thuê xe phục vụ xác minh tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh | 4 đơn vị x 2 ngày/đơn vị x 1.500.000 đồng/chuyến/ngày | 12.000.000 |
|
IV | Kinh phí năm 2022 | 169.178.200 |
| |
1 | Thuê nhân công xử lý án tích tồn đọng | 01 nhân công x 3.500.000 đồng/tháng x 12 tháng | 42.000.000 | Khoán trung bình theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước |
2 | Chi phí làm ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP | 20.000.000 | Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức. | |
3 | Tiền làm ngoài giờ để vận chuyển, lưu trữ hồ sơ án tích, hồ sơ cấp Phiếu LLTP lên kho lưu trữ (tầng 1 lên tầng 4) | 10.000.000 | ||
4 | Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật: Trang cấp bổ sung thêm do nhu cầu công việc, trang cấp để thay đổi thiết bị đã cũ, hư hỏng: |
|
| |
4,1 | 01 máy tính | 01 x 20.000.000 đồng/máy | 20.000.000 |
|
4,2 | 01 máy in | 01 x 7.000.000 đồng/máy | 7.000.000 |
|
4,3 | 01 máy scan | 01 x 10.000.000 đồng/máy | 10.000.000 |
|
5 | Kinh phí thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. |
|
| |
| Dự kiến tăng 10% so với năm 2021 | 51.162.000 + (51.162.000 x 10%) | 56.278.000 |
|
6 | Tổ chức hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019 - 2022” (Thành phần tham dự: 40 người là đại diện các cơ quan tham gia thực hiện Đề án) |
|
| |
6,1 | Ma két Hội nghị | 500.000 đồng/tấm | 500.000 |
|
6,2 | Tài liệu | 15.000 đồng/tài liệu/người x 40 người | 600.000 |
|
6,3 | Tham luận tại Hội nghị | 500.000 đồng/bài x 04 bài | 2.000.000 |
|
6,4 | Nước uống, giải khát giữa giờ | 20.000 đồng/buổi/người x 40 người | 800.000 |
|
TỔNG KINH PHÍ | 609.602.200 |
|
Bằng chữ: Sáu trăm lẻ chín triệu, sáu trăm lẻ hai nghìn, hai trăm đồng./.
- 1 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 2 Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2019 về Quy chế phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 3 Công văn 2739/BTP-KHTC năm 2019 về bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành
- 4 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 5 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
- 6 Quyết định 699/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án Tăng cường thực hiện công tác xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 7 Bộ luật hình sự 2015
- 8 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 9 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 10 Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015 tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 11 Chỉ thị 02/CT-BTP năm 2015 tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành
- 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế
- 13 Luật Phá sản 2014
- 14 Kế hoạch 26/KH-UBND thực hiện "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" tại tỉnh Thừa Thiên Huế
- 15 Quyết định 1713/QĐ-BTP năm 2013 Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 16 Quyết định 338/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17 Thông tư 06/2013/TT-BTP hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành
- 18 Thông tư 194/2012/TT-BTC hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 19 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành
- 20 Quyết định 2369/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 21 Nghị định 111/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp
- 22 Luật thi hành án hình sự 2010
- 23 Luật Lý lịch tư pháp 2009
- 24 Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành
- 25 Bộ Luật Hình sự 1999
- 1 Quyết định 699/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án Tăng cường thực hiện công tác xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 2 Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2019 về Quy chế phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 3 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu