Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2006/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 17 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực pháp luật ngày 01/6/2006;

Căn cứ Quyết định số: 30/2006/QĐ - TTg ngày 06/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “ Chương trình hành động thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng ”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Anh Lộc

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 30 /2006/QĐ-UBND ngày 17/11/2006 của UBND tỉnh Bạc Liêu)

Thời gian qua, công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, song, tệ nạn tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, một số lĩnh vực có chiều hướng tăng, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi. Để chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm luật phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động với những nội dung cơ bản sau đây:

I/. Mục đích, yêu cầu:

* Mục đích: Làm cho các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; từng bước làm chuyển biến, tạo điều kiện cho tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

* Yêu cầu: Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện có hiệu quả thiết thực pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tham nhũng. Đồng thời, kiên quyết xử lý mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với bất kỳ ai, ở bất kỳ cấp nào, ngành nào.

II/. Nội dung và giải pháp:

1. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng:

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã tổ chức triển khai quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng và các chính sách pháp luật khác về công tác này đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp triển khai quán triệt cho cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, đồng thời, tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Trách nhiệm quản lý và chỉ đạo thực hiện:

- Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, kể cả đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác này nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực lớn. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện pháp luật về phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở địa phương, đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

- Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy chế làm việc, quy trình công tác để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đồng thời, kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay những nội dung, quy định không còn phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng có kế hoạch chỉ đạo cụ thể để hệ thống hóa các quy định một cách rõ ràng, cụ thể về thủ tục và thời hạn giải quyết công việc, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cho mọi tổ chức và cá nhân biết để thực hiện và giám sát. Tuyệt đối không được tùy tiện đặt ra những thủ tục giấy tờ, những khoản thu trái với quy định của Nhà nước, dễ tạo điều kiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

- Tất cả cán bộ Đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt ở các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải gương mẫu thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng; công khai đầy đủ, minh bạch về tài sản theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, đồng thời, quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở địa phương.

3. Công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng:

- Các cấp, các ngành phải thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra ở địa phương, đơn vị, ngành mình quản lý. Trước mắt, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: về quản lý nhà, đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất; đăng ký kinh doanh; xét duyệt dự án; xét duyệt trúng thầu; cấp vốn ngân sách, tín dụng Ngân hàng; quản lý, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu; thuế. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội đối với các trường hợp cố tình vi phạm, không được để lại xử lý hành chính, xử lý nội bộ những sai phạm đã đến mức khởi tố, đặc biệt là hành vi tham nhũng, tiêu cực đã rõ ràng hoặc có kết luận.

- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thuộc phạm vi và trách nhiệm của mình khẩn trương rà soát toàn bộ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở địa phương, đơn vị, ngành do mình quản lý để chỉ đạo xử lý dứt điểm từng vụ việc cụ thể; đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tổ chức phối hợp, tham khảo ý kiến ngành chức năng liên quan và báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, các tổ chức Thanh tra xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội (hàng năm) cần phải hướng vào trọng tâm, trọng điểm, vào những vấn đề bức xúc, nhạy cảm mà dư luận đang quan tâm, đặc biệt là công tác đầu tư xây dựng ở những công trình lớn, giá trị cao, chất lượng và hiệu quả kém. Báo cáo đề xuất với lãnh đạo cùng cấp làm rõ để xử lý ngay những vụ việc có dư luận phản ánh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng; Trong thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra kinh tế - xã hội, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo phải gắn chặt với việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

- Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm làm rõ về các vụ, việc tham nhũng liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình; có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, đề nghị của cơ quan báo chí, cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận về nội dung liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý.

- Các cơ quan Báo, Đài phải có những biện pháp nhằm đảm bảo việc đưa tin, bài nhanh chóng, chính xác.

4. Công tác phối hợp:

- Các cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc Thông tư liên bộ số: 03 ngày 23/5/2006 giữa Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Chánh Thanh tra tỉnh trong phạm vi trách nhiệm của mình chỉ đạo tiến hành kiểm tra lại các vụ việc đã và đang thanh tra hoặc trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra nếu phát hiện vụ việc đó có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ ngay sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

- Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh kiểm tra và chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng kết thúc điều tra, truy tố những vụ việc tham nhũng do cơ quan Thanh tra hoặc do cơ quan khác chuyển đến sớm đưa ra xét xử. Nếu không đủ chứng cứ khởi tố vụ án thì có sự phối hợp thu thập thêm chứng cứ hoặc thông báo cho cơ quan điều tra biết rõ lý do.

- Các tổ chức Thanh tra trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực nhưng không do cơ quan Thanh tra trực tiếp làm rõ thì yêu cầu nơi đó báo cáo bằng văn bản cho cơ quan Thanh tra và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, nếu xét thấy có dấu hiệu phạm tội thì đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối, kết hợp với ngành chức năng xử lý nhanh chóng mọi thông tin liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là tố cáo về hành vi tham nhũng. Bảo vệ tuyệt đối bí mật cho người tố cáo, mọi tổ chức và cá nhân để lộ người tố cáo về hành vi tham nhũng với tổ chức và cá nhân khác không có trách nhiệm đều phải được xem xét và xử lý nghiêm khắc.

- Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, kết hợp Chánh Thanh tra tỉnh xây dựng quy chế bảo mật đối với người tố cáo về hành vi tham nhũng trình UBND tỉnh xem xét quyết định ban hành. Thường trực Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh kết hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng chính sách khen thưởng thỏa đáng đối với người có công phát hiện, người tố cáo, tổ chức và cá nhân có công trong việc làm rõ hành vi tham nhũng trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

5. Về công tác giám sát:

Tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi tổ chức và cá nhân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân, để mọi tổ chức, cá nhân qua công tác giám sát mà phát hiện, phản ảnh, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực cho các cơ quan chức năng để làm rõ và xử lý triệt để hành vi tham nhũng, tiêu cực.

III/. Biện pháp tổ chức thực hiện:

1. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng có kế hoạch cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Căn cứ vào chương trình hành động thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng của tỉnh, trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành chương trình hành động hoặc xây dựng kế hoạch về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng tại cấp, ngành mình cho phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể.

3. Sở Tư pháp kết hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng; phối kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu, Báo Bạc Liêu xây dựng chương trình phổ biến những nội dung cơ bản của pháp luật phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ vào trách nhiệm và nội dung quy định tại chương trình này mà đề ra biện pháp chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở từng địa phương, đơn vị.

5. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 01 Tỉnh ủy viên ( hoặc tương đương ) làm Phó ban thường trực và các thành viên. Giao cho Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực, bản lĩnh trong đấu tranh chống tham nhũng để phân công làm công tác tiếp nhận và xử lý mọi thông tin liên quan đến tham nhũng; Thông báo công khai số điện thoại “ đường dây nóng ” và họ tên, địa chỉ người phụ trách công tác này. Khi tiếp nhận được thông tin người phụ trách báo cáo và đề xuất ngay với Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh để có sự phối kết hợp trong tổ chức thực hiện công tác chống tham nhũng. Đối với những thông tin về vụ việc phức tạp, liên quan đến cán bộ lãnh đạo thuộc diện Tỉnh ủy quản lý thì báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ.

6. Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi toàn tỉnh. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã hàng quý, 06 tháng, 09 tháng, năm báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo, phản ánh với Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời./.