ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2007/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 11 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ ĐƯỢC DỪNG, ĐỖ ĐỂ LÊN, XUỐNG HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Công chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phương tiện vận tải đường bộ được dừng, đỗ để lên, xuống hàng hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Ủy ban nhân dân thành phố trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ ĐƯỢC DỪNG, ĐỖ ĐỂ LÊN, XUỐNG HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định phương tiện vận tải đường bộ được dừng, đỗ để lên, xuống hàng hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động vận chuyển hàng hóa
Hoạt động vận chuyển hàng hóa phải đảm bảo thông suốt, trật tự, an toàn và tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 19 của Luật Giao thông đường bộ; chấp hành đúng theo biển báo hiệu và tải trọng cho phép của cầu, đường.
Việc dừng, đỗ để lên, xuống hàng hóa phải được quản lý chặt chẽ, thống nhất theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp thật cần thiết phải dừng, đỗ tại nơi có biển báo cấm dừng, cấm đỗ; vào đường quá tải trọng thì phải xin phép và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Đối với địa bàn quận Ninh Kiều
1. Một số tuyến quy định cụ thể như sau:
a. Đường Nguyễn Trãi chỉ cho phép phương tiện có tải trọng đến 05 tấn được phép dừng, đỗ để lên, xuống hàng hóa từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
b. Đường Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm:
- Đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Phan Đình Phùng cho phép phương tiện có tổng tải trọng đến 05 tấn dừng, đỗ lên xuống hàng hóa;
- Đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hòa Bình cho phép xe taxi dừng, đỗ đón khách.
c. Đường Võ Văn Tần và đường Nguyễn Thái Học:
- Đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hai Bà Trưng cho phép các xe chở khách du lịch (kể cả khách nghỉ ở các khách sạn) dừng, đỗ cho khách tham quan;
- Đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hòa Bình cho phép xe buýt dừng, đỗ.
d. Đường Nguyễn Văn Cừ, đường Trần Văn Khéo: các phương tiện có tổng tải trọng đến 08 tấn được dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
đ. Đường Trần Phú, đường Hùng Vương, đường Trần Hưng Đạo, đường Trần Văn Hoài: các phương tiện được dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
e. Tuyến Quốc lộ 91B: các phương tiện được dừng, đỗ để lên, xuống hàng từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; riêng đoạn từ Bến xe đến Trường Trung học Giao thông vận tải đường bộ Miền Nam, cho phép phương tiện dừng, đỗ thêm vào ban ngày như sau:
- Sáng từ 8 giờ đến 10 giờ;
- Chiều từ 14 giờ đến 16 giờ.
f. Đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ số nhà 74 đến ngang Sở Tài nguyên và Môi trường): các phương tiện được phép dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
g. Đường 3 Tháng 2 (đoạn từ Bảo hiểm Xã hội thành phố đến số nhà 36 theo hướng Cần Thơ về Đầu Sấu): các phương tiện dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
h. Đường Hòa Bình: các phương tiện có tổng tải trọng đến 05 tấn dừng đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
i. Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn từ Cầu Rạch Ngỗng 2 đến Quốc lộ 91B): các phương tiện có tổng tải trọng đến 08 tấn được dừng, đỗ theo các giờ sau đây:
- Sáng từ 8 giờ đến 10 giờ;
- Chiều từ 14 giờ đến 16 giờ;
- Tối từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
2. Đối với các tuyến đường còn lại: các phương tiện có tổng tải trọng đến 05 tấn dừng, đỗ theo thời gian sau:
- Sáng từ 8 giờ đến 10 giờ;
- Chiều từ 14 giờ đến 16 giờ;
- Tối từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Riêng đối với phương tiện có tổng tải trọng trên 05 tấn chỉ được phép dừng, đỗ lên xuống hàng hóa từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Điều 5. Đối với địa bàn quận Bình Thủy
1. Đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ Tòa án nhân dân quận Bình Thủy đến cách dưới cầu Bình Thủy 150 mét): các phương tiện được phép dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
2. Đường Lê Hồng Phong (đoạn từ Công ty Hải sản 404 đến Sân bay Trà Nóc; đoạn từ Ủy ban nhân dân phường Trà Nóc đến Nhà máy Sữa Cần Thơ): các phương tiện được phép dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
3. Đường Bùi Hữu Nghĩa (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi): các phương tiện có tổng tải trọng đến 05 tấn được dừng, đỗ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
4. Đường Trần Quang Diệu: các phương tiện có tổng tải trọng đến 08 tấn dừng, đỗ theo các giờ sau đây:
- Sáng từ 8 giờ đến 10 giờ;
- Chiều từ 14 giờ đến 16 giờ;
- Tối từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
5. Đường tỉnh 917: các phương tiện có tổng tải trọng đến 05 tấn dừng, đỗ theo các giờ sau đây:
- Sáng từ 8 giờ đến 10 giờ;
- Chiều từ 14 giờ đến 16 giờ.
Điều 6. Đối với các quận, huyện còn lại
Việc dừng, đỗ để lên, xuống hàng hóa phải thực hiện đúng quy định tại Điều 19 của Luật Giao thông đường bộ và tuân thủ theo hệ thống biển báo hiệu và tải trọng cho phép của cầu, đường.
Trong những trường hợp đặc biệt, cần thiết phải dừng, đỗ thì chủ phương tiện (chủ doanh nghiệp) phải làm đơn xin xác nhận của Phòng Quản lý đô thị (Phòng Hạ tầng kinh tế) và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Giao thông Công chính thành phố Cần Thơ.
Điều 7. Thẩm quyền cấp phép và thời gian dừng, đỗ trong các ngày lễ, Tết
1. Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Giao thông Công chính thành phố xem xét cấp phép quá tải cầu, đường và dừng, đỗ xe trên địa bàn thành phố trong những trường hợp cần thiết.
2. Để đảm bảo trật tự, an toàn và tránh ùn tắc giao thông trong những ngày lễ, Tết, việc dừng, đỗ xe để lên, xuống hàng hóa vào ban đêm chỉ được bắt đầu từ 24 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau đối với các tuyến đường thuộc địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Giám đốc Sở Giao thông Công chính chịu trách nhiệm kiểm tra lại hệ thống báo hiệu giao thông, lắp đặt, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với quy định này; có kế hoạch quy hoạch, xây dựng bãi đỗ xe tập trung để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của thành phố; chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông Công chính tăng cường công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Điều 9. Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Công an quận, huyện thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm giao thông đường bộ.
Điều 10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quy định này.
Điều 11. Các tổ chức, cá nhân tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải chấp hành nghiêm nội dung Quy định này; nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
- 1 Quyết định 07/2011/QĐ-UBND Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỉ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 2 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 3 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành