ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2020/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 11 tháng 11 năm 2020 |
QUY ĐỊNH VỀ CANH TÁC HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;
Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 175/TTr-SNN ngày 21 tháng 9 năm 2020, Báo cáo 369/BC-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2020, Báo cáo thẩm định số 130/BC-STP ngày 17 tháng 9 năm 2020 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này quy định về canh tác hữu cơ trong vùng canh tác hữu cơ, bao gồm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm cây trồng hữu cơ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất sản phẩm cây trồng hữu cơ (gọi tắt là cơ sở); cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất sản phẩm cây trồng hữu cơ.
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Canh tác hữu cơ là quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các sản phẩm cây trồng hữu cơ.
2. Vùng canh tác hữu cơ là vùng canh tác đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
3. Sản phẩm cây trồng hữu cơ là bộ phận thu hoạch của cây trồng (không bao gồm cây lâm nghiệp, cây cảnh) được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Điều 4. Nguyên tắc canh tác hữu cơ
1. Thực hiện theo Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 4 của Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ.
2. Sản phẩm cây trồng hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm cây trồng hữu cơ.
3. Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến môi trường xung quanh và tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh. Khu vực canh tác hữu cơ phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt; cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế.
Điều 5. Môi trường đất, nước, không khí trong vùng canh tác hữu cơ
1. Môi trường đất
a) Đất canh tác trong vùng canh tác hữu cơ phải đáp ứng QCVN 03-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất và QCVN 15:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.
b) Canh tác hữu cơ cần đảm bảo duy trì hoặc tăng cường độ phì và hoạt tính sinh học của đất; áp dụng các biện pháp canh tác nhằm chống thoái hóa đất, xói mòn đất, xâm nhập mặn và các rủi ro liên quan khác gây mất đất, thoái hóa đất và ô nhiễm đất.
2. Môi trường nước
a) Nước sử dụng trong vùng canh tác hữu cơ phải đáp ứng QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, QCVN 09-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.
b) Nước sử dụng trong canh tác hữu cơ cần được sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí. Phải áp dụng các biện pháp bảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm.
3. Môi trường không khí
Chất lượng môi trường không khí trong vùng canh tác hữu cơ phải được kiểm soát đảm bảo không vượt quá giới hạn cho phép tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) theo quy định.
Điều 6. Quản lý sinh vật gây hại
Áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật gây hại:
1. Luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng đối với đất và cây trồng.
2. Vệ sinh để loại bỏ các mầm bệnh, hạt cỏ dại và môi trường sống cho sinh vật gây hại.
3. Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường.
4. Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi: Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh; trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ thiên địch; dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động.
5. Sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh; Được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nêu trong tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và có biện pháp ngăn chặn sự tiếp xúc với sản phẩm cây trồng hữu cơ.
Điều 7. Quản lý trang thiết bị và vật tư nông nghiệp
1. Quản lý trang thiết bị: Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng trong canh tác hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Các thiết bị phòng trừ sinh vật gây hại đã được sử dụng trong sản xuất thông thường không được sử dụng trong sản xuất hữu cơ;
2. Vật tư đầu vào trong canh tác hữu cơ đảm bảo theo quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; chất diệt cỏ, sinh vật biến đổi gen, chất kích thích sinh trưởng cây trồng.
a) Giống cây trồng phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan;
b) Phân bón và chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật và chất kiểm soát sinh vật gây hại, chất hỗ trợ chế biến, chất phụ gia và các vật tư đầu vào khác sử dụng trong canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc được sản xuất từ các nguyên liệu và phương pháp phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Điều 8. Thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm
1. Sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm phải được đảm bảo và duy trì trong quá trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm. Cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm cây trồng hữu cơ với sản phẩm cây trồng không hữu cơ.
2. Không sử dụng các công nghệ có hại cho sản xuất cây trồng hữu cơ; sản phẩm, vật tư, nguyên liệu có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh vật gây hại.
3. Quá trình chế biến phải tuân thủ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định khác có liên quan.
Điều 9. Bao gói, ghi nhãn và logo sản phẩm
1. Bao gói sản phẩm
Quá trình bao gói đảm bảo không được gây ô nhiễm cho sản phẩm. Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm theo QCVN 12-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp, QCVN 12-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng cao su, QCVN 12- 3:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng kim loại, QCVN 12-4:2015/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh, gốm, sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
2. Ghi nhãn và logo sản phẩm
Thực hiện theo Điều 11, Điều 12 của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
Điều 10. Bảo quản và vận chuyển sản phẩm
1. Sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm phải được duy trì trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm do sản phẩm phơi nhiễm với các chất không được phép sử dụng; có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm cây trồng hữu cơ với sản phẩm cây trồng không hữu cơ.
2. Kho chứa sản phẩm cây trồng hữu cơ được bảo quản rời phải tách biệt với kho chứa sản phẩm cây trồng không hữu cơ và phải được nhận diện.
3. Khu vực bảo quản và các phương tiện vận chuyển sản phẩm cây trồng hữu cơ phải được làm sạch bằng các phương pháp và vật liệu được phép dùng trong sản xuất hữu cơ; đối với các chất làm sạch, chất khử trùng có thể tiếp xúc với thực phẩm chỉ sử dụng các chất được cho phép theo quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
4. Trước khi sử dụng khu vực bảo quản hoặc phương tiện vận chuyển không chuyên dùng cho các sản phẩm cây trồng hữu cơ, cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm các chất không được phép sử dụng theo quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Điều 11. Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm
Thực hiện theo Điều 13 của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ.
Điều 12. Thu gom, xử lý, sử dụng chất thải và phụ phẩm cây trồng
1. Thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng áp dụng Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
2. Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
b) Xây dựng đề án xác định vùng canh tác hữu cơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và thông báo rộng rãi các vùng canh tác hữu cơ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố.
c) Đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền các quy định về canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố.
d) Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện theo quy định.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan trên địa bàn;
b) Tổ chức hội thảo, diễn đàn giới thiệu về công nghệ thiết bị, tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng trong canh tác hữu cơ. Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trong canh tác hữu cơ theo quy định.
4. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sản phẩm trồng trọt hữu cơ theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, quận
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định canh tác hữu cơ trên địa bàn.
6. Tổ chức, cá nhân canh tác hữu cơ
Tuân thủ các quy định về canh tác hữu cơ; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cây trồng hữu cơ theo quy định.
Điều 14. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Điều 15. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị về phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 2 Quyết định 2987/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 3 Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác
- 4 Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định về việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Quyết định 2573/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2022
- 7 Luật Trồng trọt 2018
- 8 Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ
- 9 Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 11 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 1 Quyết định 2987/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 2 Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị về phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 3 Quyết định 2573/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2022
- 4 Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2020 về xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025
- 5 Quyết định 14/2021/QĐ-UBND quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang