ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2020/QĐ-UBND | Phú Thọ, ngày 30 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Thuỷ lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản;
Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Thông tư số 13/2018/TT-BXD ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì tại Tờ trình số 3685/TTr-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2021.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Việt Trì chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2020/QĐ-UBND ngày tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Việt Trì.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước;các tổ chức, cá nhânnước ngoài có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Điều 2. Hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Việt Trì
1. Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng.
2. Đối với các khu đô thị đã có hệ thống thoát nước, khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, làng nghề: Tùy điều kiện cụ thể để quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước chung, riêng hoặc chung riêng kết hợp nhưng phải được thu gom xử lý phù hợp với quy mô xả nước thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn tiếp nhận. Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải tách riêng hệ thống thoát nước thải sản xuất với nước thải sinh hoạt và phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận ngoài môi trường.
Điều 3. Chủ sở hữu công trình thoát nước
1. Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì là chủ sở hữu đối với hệ thống thoát nước thải trên địa bàn quản lý, cụ thể: Được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; nhận bàn giao lại từ các tổ chức kinh doanh, phát triển khu nhà ở, khu đô thị mới; nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư để kinh doanh khai thác công trình thoát nước có thời hạn, trừ các hệ thống thoát nước được quy định tại Khoản 2, Điều này.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ sở hữu hệ thống thoát nước tại các khu dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn do mình quản lý trừ các hệ thống thoát nước được quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu nhà ở, khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề là chủ sở hữu hệ thống thoát nước thuộc khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề do mình quản lý đến khi bàn giao theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
4. Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình thoát nước do mình bỏ vốn đầu tư đến khi bàn giao theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Điều 4. Quy định về tiêu chuẩn dịch vụ
1. Chất lượng nước thải sau xử lý phải đảm theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy định này.
2. Đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước phải xây dựng “Mục tiêu chất lượng dịch vụ thoát nước” đồng thời công bố với hộ thoát nước làm căn cứ để đánh giá chất lượng dịch vụ.
Điều 5. Quy định về đấu nối và miễn trừ đấu nối
1. Yêu cầu về cao độ điểm đấu nối: Điểm đấu nối là các điểm xả nước của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Cao độ của điểm đấu nối phải đảm bảo tiêu thoát nước từ hộ gia đình tới điểm đấu nối và từ điểm đấu nối tới hố kiểm tra hoặc hệ thống thoát nước chung.
2. Quy định về hộp đấu nối và trách nhiệm thực hiện đấu nối
a) Hộp đấu nối là nơi đấu nối hệ thống thoát nước bên trong khuôn viên của hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước công cộng. Vị trí hộp đấu nối được xác định nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước và được xác định nằm trên phần đất công tiếp giáp với phần đất của hộ thoát nước; bảo đảm ổn định lâu dài, an toàn, thuận lợi cho việc thi công đấu nối thoát nước và công tác kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng hoặc xử lý sự cố, sửa chữa rò rỉ nước thải của đơn vị thoát nước.
b) Hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư tuyến ống thu gom và hộp đấu nối để vận chuyển nước thải từ các điểm xả trong khuôn viên của hộ thoát nước đến hộp đấu nối. Các hộ thoát nước lân cận có thể đấu nối cùng vào một hộp đấu nối nếu đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và được đơn vị thoát nước chấp thuận;
c) Việc thi công tại hộp đấu nối do hộ thoát nước tự thực hiện hoặc có thể thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện và trong quá trình đấu nối phải chịu sự giám sát của đơn vị thoát nước nhằm đảm bảo thi công đúng thiết kế đã được chấp thuận. Sau khi đấu nối hoàn thành phải lập biên bản nghiệm thu thi công đấu nối giữa đơn vị thoát nước, hộ thoát nước và đại diện chủ sở hữu công trình thoát nước làm cơ sở ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ thoát nước;
d) Đối với hệ thống thoát nước khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung chưa bàn giao cho UBND Thành phố quản lý được xem là một hộ thoát nước lớn đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố; chủ sở hữu công trình thoát nước và chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung về đấu nối tại Quy định này.
3. Thời điểm đấu nối: Thực hiện theo thỏa thuận đấu nối giữa đơn vị thoát nước và hộ thoát nước.
4. Chất lượng, khối lượng nước thải xả thải vào điểm đấu nối
a) Chất lượng nước thải xả vào điểm đấu nối: Thực hiện theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 4 và Điều 32 Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
b) Khối lượng nước thải xả vào điểm đấu nối:
- Đối với nước thải sinh hoạt: Trường hợp hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được tính bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước;Trường hợp các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được xác định bằng lượng nước sạch tiêu thụ bình quân đầu người 120 lít/người/ngày đêm (3,6m3/người/tháng);
- Đối với loại nước thải khác: Trường hợp các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, nếu không có đồng hồ đo lưu lượng nước thải thì khối lượng nước thải được tính bằng 80% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước; Trường hợp các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được xác định thông qua đồng hồ đo lưu lượng nước thải.Trường hợp không lắp đặt được đồng hồ đo lưu lượng nước thải thì chủ sở hữu hệ thống thoát nước cùng đơn vị thoát nước, hộ thoát nước thống nhất xác định khối lượng nước thải làm căn cứ ký kết hợp đồng dịch vụ thoát nước.
5. Kinh phí đấu nối, nghĩa vụ tài chính đấu nối của chủ sở hữu hệ thống thoát nước và hộ thoát nước
a) Hộ thoát nước tự chịu kinh phí đầu tư xây dựng và quản lý công trình thoát nước thải trong phạm vi công trình, nhà ở của mình đến hộp đấu nối (bao gồm đường ống thoát nước, đồng hồ đo lưu lượng nước thải đối với hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, các thiết bị bảo vệ).
b) Đơn vị thoát nước có trách nhiệm xác định vị trí các điểm đấu nối vàhướng dẫn hộ thoát nước thực hiện đấu nối đúng theo thiết kế được chấp thuận. Kinh phí xây dựng điểm đấu nối và lắp đặt đấu nối do chủ sở hữu chi trả.
6. Thỏa thuận và miễn trừ đấu nối
a) Thỏa thuận đấu nối là biên bản thỏa thuận giữa đơn vị thoát nước và hộ thoát nước trên cơ sở văn bản chấp thuận đấu nối của chủ sở hữu công trình thoát nước, trong đó cụ thể một số nội dung về: vị trí, cao độ, chiều dài, đường kính, vật liệu ống đấu nối, thời gian thực hiện, chất lượng, khối lượng nước thải xả vào điểm đấu nối.
b) Các trường hợp được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thoát nước:
- Gần nguồn tiếp nhận mà chất lượng nước thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường và việc đấu nối vào hệ thống thoát nước chung có thể gây những gánh nặng bất hợp lý về kinh tế cho hộ thoát nước;
- Tại địa bàn chưa có mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước tập trung.
Điều 6. Chính sách hỗ trợ đấu nối vào hệ thống thoát nước
a) Chi phí đấu nối bao gồm: Chi phí khảo sát, thiết kế, lập dự toán; chi phí vật tư (đường ống và phụ kiện); chi phí lắp đặt và hoàn trả mặt bằng từ điểm xả của hộ thoát nước đến điểm đấu nối.
b) Đối tượng được hỗ trợ:
- Đối tượng 1: Là gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, người hoạt động cách mạng trước khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
- Đối tượng 2: Là những người có tên trong danh sách người có công với cách mạng (trừ đối tượng 1) được cấp có thẩm quyền xác nhận;
- Đối tượng 3: Là những hộ thoát nước thuộc diện hộ gia đình nghèo có sổ chứng nhận hộ nghèo tại thời điểm thực hiện đấu nối.
- Đối tượng 4: Các hộ gia đình chấp hành và thực hiện đấu nối ngay khi được yêu cầu thực hiện đấu nối.
c) Mức hỗ trợ: Căn cứ vào điều kiện cụ thể, đơn vị thoát nước trình chủ sở hữu công trình thoát nước quyết định phương thức và mức hỗ trợ đấu nối cho các đối tượng cụ thể.
d) Nguồn vốn hỗ trợ: Từ ngân sách địa phương, từ nguồn vốn của đơn vị thoát nước, từ nguồn vốn của dự án đầu tư xây dựng hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.
e) Các hộ thoát nước không thuộc đối tượng tại Khoản b Điều này có trách nhiệm chi trả 100% chi phí để thực hiện đấu nối.
Điều 7. Điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật về xả nước thải
1. Điều kiện về xả nước thải
Chủ các nguồn nước thải phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước hoặc có giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi theo quy định tại Điều 44 Luật thuỷ lợi đối với trường hợp nguồn tiếp nhận nước xả thải là công trình thuỷ lợi.
2. Quy chuẩn kỹ thuật về xả nước thải áp dụng
a) Thông số và giá trị tối đa các thông số ô nhiễm của nước thải khi xả vào nguồn tiếp nhận phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải áp dụng đối với loại nước thải và chức năng của nguồn nước tiếp nhận.
b) Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.
c) Trường hợp nguồn tiếp nhận là công trình thuỷ lợi thì chất lượng nguồn nước xả thải phải thực hiện theo quy định tại Điểm 3 Mục 1 - Tiêu chuẩn kỹ thuật TCKT 01:2008/TCTL ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-BNN-TCTL ngày 15/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định kỹ thuật nước xả thải vào công trình thuỷ lợi.
1. Quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và từ bể tự hoại thực hiện theo các quy định tại Điều 25 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại.
2. Chi phí thông hút, vận chuyển và xử lý bùn thải bể tự hoại do các chủ hộ gia đình, cơ quan hành chính, và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chi trả theo hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.
3. Nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức không có giấy phép tự ý thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải.
Điều 9. Quy định về xử lý nước thải tập trung và phi tập trung
1. Quy định về xử lý nước thải tập trung
Nước thải các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề phải được thu gom vào hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung tại khu xử lý nước thải. Nước thải sau khi được xử lý phải đảm bảo yêu cầu:
a) Chất lượng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng nước thải sau xử lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;
b) Trường hợp sử dụng nước thải sau xử lý thì nước thải đó phải được phân phối đến điểm tiêu thụ theo hệ thống riêng biệt, bảo đảm không xâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa bàn, khu vực.
2. Quy định về xử lý nước thải phi tập trung
a) Đối tượng áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung bao gồm các khu hoặc cụm dân cư, khu đô thị mới, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chợ, trường học, khu nghỉ dưỡng hoặc các khu vực bị hạn chế bởi đất đai, địa hình không có khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung;
b) Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng;
c) Khi áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phải tính đến khả năng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Chủ đầu tư hệ thống thoát nước căn cứ vào nguồn thải phát sinh, nguồn tiếp nhận, điều kiện kinh tế, địa hình, trình độ, năng lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước của đơn vị thoát nước lựa chọn giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phù hợp, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định.
Điều 10. Đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước
1. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải thực hiện theo kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước được phê duyệt. Kế hoạch thoát nước phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước, định hướng phát triển hệ thống thoát nước đã được phê duyệt.
2. Hệ thống thoát nước các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ hệ thống thoát nước phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước phải tuân theo các quy định của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
4. Các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải:
a) Được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
b) Được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương.
c) Ngoài các ưu đãi, hỗ trợ quy định trên, chủ đầu tư các dự án căn cứ các quy định của nhà nước trình Uỷ ban nhân dânTỉnh xem xét các ưu đãi, hỗ trợ khác theo các quy định pháp luật hiện hành.
Điều 11. Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước
Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước mưa, hệ thống hồ điều hòa, hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải thực hiện theo các quy định tại: Điều 20, Điều 21 và Điều 22 của Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Mục 7 - Tiêu chuẩn kỹ thuật TCKT 01:2018/TCTL ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-BNN-TCTL ngày 15/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kỹ thuật nước xả thải vào công trình thuỷ lợi đối với trường hợp nguồn tiếp nhận nước thải là công trình thuỷ lợi.
Điều 12. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước
1. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước (đơn vị thoát nước). Mẫu hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
2. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải có thời hạn ngắn nhất là năm (05) năm và dài nhất là mười (10) năm. Trường hợp muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng, trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng ít nhất là một (01) năm thì các bên tham gia hợp đồng phải tiến hành thương thảo việc kéo dài hợp đồng quản lý, vận hành và đi đến ký kết.
3. Tùy thuộc vào năng lực, một đơn vị thoát nước có thể ký nhiều hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước với nhiều chủ sở hữu khác nhau.
Điều 13. Lựa chọn đơn vị thoát nước
1. Việc lựa chọn đơn vị thoát nước thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
2. Đơn vị thoát nước được lựa chọn phải có đủ nhân lực, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật chuyên ngành cần thiết để thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ của công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
Điều 14. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị thoát nước
1. Quyền của đơn vị thoát nước
a) Ký hợp đồng dịch vụ thoát nước với các hộ thoát nước (trừ hộ thoát nước gia đình sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung) và thực hiện mọi hoạt động theo hợp đồng dịch vụ thoát nước đã ký kết;
b) Thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải với các hộ thoát nước đã ký hợp đồng dịch vụ thoát nước; thực hiện quản lý, thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định;
c) Từ chối nhận bàn giao công trình thoát nước và xử lý nước thải nếu chất lượng công trình không đảm bảo theo quy định.
d) Báo cáo với chủ sở hữu, các cơ quan hữu quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động thoát nước và xử lý nước thải;
đ) Giải quyết đấu nối, cho phép từ hai hộ thoát nước trở lên được đấu nối vào cùng một vị trí đấu nối và một hố kiểm tra;
e) Các quyền khác theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 của Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
2. Trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị thoát nước
a) Xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012; hoặc xin cấp phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi theo quy định tại Điều 44 Luật Thuỷ lợi nếu nguồn tiếp nhận nước thải là công trình thuỷ lợi;
b) Quản lý hệ thống thoát nước bao gồm quản lý các công trình từ hộp đấu nối, hố ga thu nước mặt đường, hố ga thăm, các tuyến cống dẫn nước mưa, các kênh mương thoát nước chính, các trạm bơm chống úng ngập, cửa điều tiết đến các điểm xả ra môi trường; quản lý nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm nước thải, tuyến cống áp lực, tuyến cống thu gom và chuyển tải nước thải;
c) Định kỳ thực hiện kiểm tra, nạo vét, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo hợp đồng quản lý vận hành đã ký kết với chủ sở hữu. Định kỳ hàng tháng kiểm tra, đánh giá chất lượng các tuyến cống, các công trình thuộc mạng lưới để đề xuất phương án thay thế, sửa chữa;
d) Thiết lập quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định;
đ) Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới thoát nước theo lưu vực;
e) Định kỳ thực hiện quan trắc chất lượng nước thải trong hệ thống thoát nước phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường; trường hợp nguồn tiếp nhận là công trình thuỷ lợi thì tần suất quan trắc, lấy mẫu quan trắc tại hiện trường và lập báo cáo quan trắc thực hiện theo quy định tại Mục 6.2 - Tiêu chuẩn kỹ thuật TCKT 01:2008/TCTL ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-BNN-TCTL ngày 15/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quy định kỹ thuật nước xả thải vào công trình thuỷ lợi.
f) Thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ khác theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ thoát nước có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 29 của Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
2. Trách nhiệm chi trả dịch vụ thoát nước: Hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ thoát nước. Hộ thoát nước đã thanh toán theo giá dịch vụ thoát nước không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
1. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước có trách nhiệm lập và quản lý cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước do mình quản lý.
2. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải được sự đồng ý của chủ sở hữu hệ thống thoát nước.
1. Đơn vị thoát nước có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu hệ thống thoát nước về tình hình hoạt động của hệ thống thoát nước đã được giao cho mình quản lý.
2. Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (đối với hệ thống tiêu nước, xả nước thải vào công trình thuỷ lợi)và Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì về tình hình hoạt động dự án do mình làm chủ đầu tư.
Điều 18. Giá dịch vụ thoát nước
1. Giá dịch vụ thoát nước được xác định theo phương pháp quy định tại Thông tư 13/2018/TT-BXD ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
2. Trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ thoát nước: Theo Điều 41 Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
Điều 19. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành tỉnh
1. Sở Xây dựng
a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về công tác lập quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Việt Trì;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn thành phố Việt Trì;
c) Chủ trì thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố Việt Trì;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng giá dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ ngân sách nhà nước, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;
đ) Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được đầu tư từ nguồn vốn khác không thuộc ngân sách nhà nước;
e) Phối hợp cho ý kiến thỏa thuận về giá dịch vụ thoát nước trong khu công nghiệp làm cơ sở để chủ đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng khu công nghiệp thỏa thuận với các chủ đầu tư trong khu công nghiệp và quyết định về mức giá dịch vụ thoát nước;
g) Thực hiện chức năng, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp theo quy định;
h) Hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hoạt động xả nước thải từ các hộ thoát nước, khu công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước đô thị;
i) Quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Việt Trì;
k) Định kỳ hàng năm kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý thoát nước đô thị và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Thực hiện chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đối với các công trình thoát nước và xử lý nước thải;
b) Hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hoạt động xả nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào nguồn tiếp nhận;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào nguồn tiếp nhận. Tổ chức quản lý các điểm xả, chất lượng nước thải xả vào nguồn tiếp nhận theo lưu vực theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
d) Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo kết quả thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, báo cáo đề án xả nước thải vào nguồn nước của các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, phê duyệt. Thẩm định, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định;
đ) Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về tiêu chuẩn, quy định về hoạt đông xả nước thải vào nguồn tiếp nhận theo lưu vực theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
3. Sở Tài chính
a) Tổ chức thẩm định phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn được đầu tư từ ngân sách nhà nước, chi phí kiểm tra chất lượng nước thải của các hộ thoát nước được miễn trừ đấu nối trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định giá dịch vụ thoát nước do chủ sở hữu hệ thống thoát nước tổ chức lập đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ các nguồn vốn khác, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Cho ý kiến thỏa thuận về giá dịch vụ thoát nước trong khu công nghiệp làm cơ sở để chủ đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng khu công nghiệp thỏa thuận với các chủ đầu tư trong khu công nghiệp và quyết định về mức giá theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan thẩm định giá dự toán hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;
d) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bảo đảm cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn vốn cho công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải;
đ) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý về tài chính đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Hàng năm tổng hợp, cân đối nhu cầu vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch bố trí vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng các dự án công trình thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và theo các hình thức đầu tư khác ngoài ngân sách nhà nước;
d) Là đầu mối đăng ký với các Bộ, ngành Trung ương kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải;
đ) Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp để mời gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý hệ thống các công trình thủy lợi liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp phối hợp với đơn vị thoát nước trong việc bảo đảm yêu cầu về cao độ, vị trí xả thải nhằm thoát nước, chống úng ngập và bảo vệ công trình thủy lợi;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan giám sát chất lượng nước thải của các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giấy phép của tổ chức, cá nhân được cấp phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi và xử lý vi phạm theo quy định;
c) Hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hoạt động xả nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung vào hệ thống công trình thủy lợi; hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục xin cấp phép, gia hạn và điều chỉnh nội dung giấy phép đối với hoạt động xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Tổ chức thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ xử lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị của các dự án đầu tư xử lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị;
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát về công nghệ, thiết bị trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải của các dự án đầu tư.
7. Sở Giao thông vận tải
Chủ trì và phối hợp với các cơ đơn vị liên quan trong việc quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh có liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định hiện hành.
8. Sở Y tế
Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải của các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.
9. Công an tỉnh
Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải theo quy định hiện hành.
10. Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ
a) Trực tiếp quản lý và chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng khai thác có hiệu quả hệ thống thoát nước được giao chủ sở hữu;
b) Xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, nạo vét hệ thống thoát nước được giao trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải theo quy định;
d) Báo cáo nội dung công các quản lý hệ thống thoát nước được giao chủ sở hữu theo định kỳ hàng năm và đột xuất về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 20. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì
1. Thẩm định, xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải theo quy định.
2. Trực tiếp quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống thoát nước được giao chủ sở hữu.
3. Xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, nạo vét hệ thống thoát nước được giao, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn được giao theo quy định.
5. Báo cáo nội dung công tác quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn theo định kỳ hàng năm và đột xuất về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 21. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân xã, phường
1. Trực tiếp quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống thoát nước được giao chủ sở hữu.
2. Xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, nạo vét hệ thống thoát nước được giao, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn được giao theo quy định.
4. Báo cáo công tác quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn theo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố Việt Trì để tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng.
1. Các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dântỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ; Các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Việt Trì có trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm kịp thời phản ánh bằng văn bản về Ủy ban nhân dân Thành phố Việt Trì để tổng hợp, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.