Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2023/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TỶ LỆ QUAY VÒNG VỐN, TRÌNH TỰ LUÂN CHUYỂN, QUY TRÌNH THEO DÕI, GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐƯỢC GIAO VỐN THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ CÁC NỘI DUNG KHÁC VỀ QUẢN LÝ LUÂN CHUYỂN CỦA CỘNG ĐỒNG THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ điểm c khoản 7 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 60/TTr-SNN ngày 23 tháng 3 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về tỷ lệ quay vòng vốn, trình tự luân chuyển, quy trình theo dõi, giám sát của cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và các nội dung khác về quản lý luân chuyển cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Tỷ lệ quay vòng vốn

1. Dự án, phương án sản xuất thực hiện trên địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn: Tỷ lệ vốn quay vòng tối thiểu 3% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

2. Dự án, phương án sản xuất thực hiện trên địa bàn khó khăn: Tỷ lệ vốn quay vòng tối thiểu 4% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

3. Dự án, phương án sản xuất thực hiện trên địa bàn xã, thôn, bản còn lại: Tỷ lệ vốn quay vòng tối thiểu 5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

Điều 3. Trình tự luân chuyển vốn

1. Thu hồi vốn quay vòng:

a) Khi kết thúc chu kỳ sản xuất, đại diện cộng đồng thực hiện thu hồi 100% số vốn quay vòng nhập vào quỹ quay vòng của cộng đồng để xem xét, hỗ trợ cho các hộ gia đình khác trong cùng dự án, phương án có nhu cầu sử dụng vốn quay vòng để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Trường hợp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp tục có nhu cầu sử dụng vốn quay vòng để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất (thực hiện chu kỳ sản xuất tiếp theo), thì nộp đơn đề nghị tiếp tục sử dụng vốn quay vòng đến đại diện cộng đồng để được cộng đồng xem xét, cho tiếp tục sử dụng vốn quay vòng.

b) Khi dự án, phương án kết thúc, đại diện cộng đồng có trách nhiệm thu nộp toàn bộ quỹ quay vòng cộng đồng của dự án, phương án sản xuất vào tài khoản tiền gửi của cơ quan, đơn vị được giao quản lý nguồn vốn tại Kho bạc nhà nước để luân chuyển vốn hỗ trợ thực hiện các dự án mới trên địa bàn.

c) Thời gian thu vốn quay vòng:

Trường hợp quay vòng bằng tiền: Sau khi thu tiền từ các hộ gia đình, đại diện cộng đồng nộp về tài khoản mở tiền gửi tại kho bạc nhà nước của cơ quan, đơn vị được giao vốn. Thời gian chậm nhất là 05 ngày kể từ khi nhận đủ tiền của hộ gia đình.

Trường hợp quay vòng bằng hiện vật: Đại diện cộng đồng giao cho các hộ gia đình tự nuôi dưỡng, bảo quản cho đến khi tiến hành luân chuyển cho hộ gia đình khác, thời gian chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày kết thúc chu kỳ sản xuất được hỗ trợ.

2. Tổ chức họp bình xét danh sách hộ được luân chuyển:

a) Thành phần cuộc họp: Đại diện cộng đồng, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã; trưởng thôn; bản; các hộ gia đình tham gia dự án, phương án.

b) Cách thức tiến hành: Tổ chức họp cộng đồng (có ít nhất 2/3 số hộ gia đình tham gia dự án, phương án có mặt) để thảo luận lựa chọn danh sách được luân chuyển trong số các hộ gia đình tham gia.

c) Chọn lựa hộ gia đình được luân chuyển vốn quy vòng: Căn cứ nội dung cuộc họp, đại diện cộng đồng tiến hành lập biên bản họp cộng đồng và danh sách hộ gia đình được lựa chọn trình cơ quan, đơn vị được giao vốn để thẩm định, phê duyệt. Trường hợp có 02 hộ gia đình cùng đăng ký thì cuộc họp biểu quyết để quyết định chọn hộ gia đình được nhận quay vòng vốn; trong đó, ưu tiên cho người đăng ký là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

3. Luân chuyển vốn quay vòng:

a) Tiền và hiện vật quay vòng được luân chuyển cho đối tượng tham gia dự án, phương án nhưng đảm bảo không vượt quá định mức hỗ trợ tối đa do cấp có thẩm quyền quy định.

b) Đối với thu hồi bằng tiền mặt, cơ quan, đơn vị được giao vốn căn cứ biên bản họp cộng đồng và danh sách hộ gia đình được luân chuyển đã phê duyệt, tiến hành luân chuyển khoản tiền thu hồi tại điểm a khoản 1 Điều này cho các hộ gia đình theo mục tiêu của dự án.

c) Đối với thu hồi bằng hiện vật, cộng đồng căn cứ biên bản họp cộng đồng dân cư và danh sách hộ gia đình được luân chuyển đã phê duyệt trực tiếp luân chuyển hiện vật thu hồi tại điểm b khoản 1 Điều này cho hộ gia đình được bình chọn. Trường hợp đối tượng được lựa chọn luân chuyển không có nhu cầu sử dụng hiện vật quay vòng thì cơ quan, đơn vị được giao vốn quyết định bán thu tiền nộp vào tài khoản tiền gửi của cơ quan, đơn vị được giao vốn quản lý.

d) Thời hạn thực hiện luân chuyển tiền mặt hoặc hiện vật chậm nhất là 3 ngày làm việc, đối với hiện vật là 5 ngày làm việc đối với tiền mặt sau khi đã có kết quả họp bình xét danh sách hộ được luân chuyển.

Điều 4. Cơ chế xử lý rủi ro vốn quay vòng

1. Trường hợp trong quá trình triển khai dự án, phương án sản xuất phải tạm dừng, hủy bỏ hoặc triển khai không có hiệu quả do các nguyên nhân khách quan: Thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn dẫn đến không có thu nhập theo kế hoạch, cơ quan, đơn vị được giao vốn xem xét, quyết định thu hẹp phạm vi gia hạn thời gian thu hồi vốn hoặc tạm dừng dự án, hủy bỏ quay vòng và hủy bỏ thu hồi vốn quay vòng theo các phương án xử lý rủi ro.

2. Xác định mức độ rủi ro: Cộng đồng dân cư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập tổ kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại do các nguyên nhân khách quan nêu trên gây ra.

3. Trên cơ sở biên bản kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại của dự án, phương án sản xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức độ rủi ro vốn quay vòng, luân chuyển trong cộng đồng như sau:

a) Mức thiệt hại từ 30% đến 50% theo mức độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn thực hiện thu hồi 60% số kinh phí quay vòng theo dự án, phương án được phê duyệt.

b) Mức thiệt hại từ 50% đến 70% theo mức độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn thực hiện thu hồi 30% số kinh phí quay vòng theo dự án, phương án được phê duyệt.

c) Mức thiệt hại trên 70% theo mức độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn ra quyết định dừng dự án, phương án hủy bỏ thu hồi vốn quay vòng của dự án, phương án sản xuất.

Điều 5. Quy trình quản lý vốn, theo dõi, kiểm tra, giám sát

1. Quản lý vốn quay vòng, luân chuyển trong cộng đồng:

a) Cộng đồng tự quản lý, tổ chức thực hiện việc quay vòng vốn trong cộng đồng. Trường hợp cộng đồng không đủ năng lực quản lý (không cử được người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý vốn), Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn cùng cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã cử cán bộ hỗ trợ cộng đồng quản lý, tổ chức quay vòng vốn. Lập sổ sách, chứng từ theo dõi, quản lý, sử dụng và thu nộp quỹ quay vòng cộng đồng của dự án, phương án sản xuất để làm căn cứ thanh quyết toán theo quy định.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận, quản lý, sử dụng quỹ quay vòng, luân chuyển vốn hỗ trợ thực hiện các dự án, phương án sản xuất mới (nếu có) hoặc thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

c) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý vốn quay vòng định kỳ thông báo số dư của quỹ quay vòng đến các địa phương, để cộng đồng tiếp cận, đăng ký tham gia thụ hưởng hỗ trợ theo quy định.

d) Quản lý thu, chi, thanh quyết toán nguồn vốn quay vòng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Theo dõi, kiểm tra, giám sát

a) Nội dung:

Theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của quyết định hỗ trợ với nội dung Quyết định này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

Theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư tổ chức triển khai, tiến độ thực hiện hoạt động quản lý, tổ chức quay vòng, luân chuyển vốn trong cộng đồng của từng dự án, phương án sản xuất trên địa bàn và chấp hành các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán dự án.

b) Trình tự, thủ tục, quy trình giám sát:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan: Thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng dự án, phương án sản xuất; thành phần của Ban ít nhất 5 người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, đại diện tổ chức chính trị - xã hội và đại diện người dân trên địa bàn; lập kế hoạch giám sát của cộng đồng đối với dự án, phương án sản xuất hằng năm trên địa bàn xã. Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng thực hiện dự án về kế hoạch giám sát chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện giám sát; tổ chức giám sát, lập và gửi Báo cáo giám sát tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án, phương án sản xuất và thông báo tới đối tượng được giám sát.

Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị được giao vốn: Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến giám sát và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2023.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tự pháp (Cục KTVBQPPL,);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ pháp chế);
- Bộ Tài chính;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban Dân tộc;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Như Điều 7;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Lâm Đồng;
- TT tích hợp DL và chuyển đổi số tỉnh;
- TT lưu trữ lịch sử tỉnh;
- TT Công báo - Tin học tỉnh;
- Trang TTĐT HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp