ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3023/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 16 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Công văn số 7184/BCT- TMĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại địa phương giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Công văn số 7798/BCT-TMĐT ngày 04 tháng 8 năm 2010 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2011;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 89/TT-SCT ngày 03 tháng 11 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Công thương tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và theo dõi, đôn đốc các sở, ngành triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ 6 tháng, năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở; Thủ trưởng các ngành: Công thương, Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Cục Thống kê, Cục Hải quan tỉnh; các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| Tm. Ủy ban nhÂn dÂn |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3023/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH
- Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
- Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
- Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
- Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về thương mại điện tử;
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015;
- Công văn số 7184/BCT- TMĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại địa phương giai đoạn 2011 – 2015;
- Công văn số 7798/BCT-TMĐT ngày 04 tháng 8 năm 2010 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại địa phương giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2011.
II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2010, đến nay, Sở Công thương đang tiến hành thực hiện các nhóm giải pháp theo kế hoạch đề ra bao gồm:
- Xây dựng và đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh: Thiết lập một hệ thống thông tin hỗ trợ thương mại công nghiệp có hiệu quả, kết nối, phát huy đuợc các nguồn lực thông tin từ các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư địa phương. Địa chỉ của sàn giao dịch: www.brvtemart.com.vn, được công bố rộng rãi đến khắp cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Sở đã tiến hành xúc tiến đưa hơn 100 doanh nghiệp lên sàn giao dịch và thu thập thông tin chào bán, chào mua của hơn 50 mặt hàng chủ yếu về xuất khẩu hải sản, máy móc, thiết bị công nghiệp, nông sản, dịch vụ… Đồng thời quảng bá hình ảnh, giới thiệu thông tin về sàn giao dịch thương mại điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đó là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.
- Tiến hành khảo sát 50 doanh nghiệp nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phục vụ cho việc phát triển thương mại điện tử. Qua đó đã lựa chọn 5 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh để xây dựng website thương mại điện tử bằng nguồn kinh phí chương trình xúc tiến quốc gia năm 2009.
- Theo Quyết định số 37/2008/QĐ-BCT ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Công thương về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê về lĩnh vực thương mại điện tử, hiện tại Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiến hành thu thập, tổng hợp các biểu mẫu điều tra về thương mại điện tử theo quy định của Bộ Công thương. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử là lĩnh vực mới được hình thành sau quá trình sáp nhập hai Sở Thương mại và Công nghiệp. Do đó, chưa có đầy đủ số liệu thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Hiện nay, Sở Công thương đang phối hợp Cục Thống kê tỉnh thực hiện điều tra tình hình doanh nghiệp ứng dụng về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn tất trong quý IV năm 2010.
- Để giúp doanh nghiệp tiếp cận lĩnh vực thương mại điện tử, Sở Công thương đã phối hợp với Trung tâm phát triển thương mại điện tử Ecomviet – Cục thương Mại điện tử và công nghệ thông tin của Bộ Công thương tổ chức 02 lớp tập huấn cho gần 150 doanh nghiệp và cơ quan nhà nước kiến thức, kỹ năng và môi trường ứng dụng thương mại điện tử; vấn đề sở hữu trí tuệ trong môi trường giao dịch ảo; phổ cập các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Hướng dẫn áp dụng Luật giao dịch điện tử trong ký kết hợp đồng và thanh toán qua mạng; hướng dẫn chứng thực chữ ký số, con dấu điện tử, các trường hợp khiếu kiện có thể xảy ra và cách giải quyết khi ứng dụng thương mại điện tử.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia miễn phí sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó bao gồm khảo sát, xúc tiến, điều tra, thu thập số liệu, phim quảng cáo, hình ảnh của các doanh nghiệp để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Đồng thời lựa chọn những doanh nghiệp tiêu biểu để giúp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn hơn.
- Các dịch vụ công trực tuyến: Thực hiện Quyết định số 2332/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt kinh phí triển khai phần mềm quy trình một cửa tích hợp vào website tại Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2008. Sở đã tiến hành cho xây dựng và đưa vào sử dụng thử nghiệm phần mềm, bước đầu đã cập nhật đầy đủ hồ sơ của tất cả các tổ chức công dân khi đến làm việc với Sở. Hiện nay, 51 thủ tục hành chính theo Đề án 30 đang được cập nhật, sở đang tiến hành nâng cấp phần mềm một cửa, thực hiện chính phủ điện tử ở mức độ 3 đối với một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành Công thương.
III. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Căn cứ Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015. Mục tiêu phát triển thương mại điện tử đến năm 2015 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bao gồm 4 nhóm mục tiêu sau:
1. Tất cả doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó:
a) 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên hộp thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
b) 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp;
c) 70% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng (gọi tắt là website thương mại điện tử) để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
d) 5% doanh nghiệp tham gia các mạng kinh doanh điện tử theo mô hình trao đổi chứng từ điện tử dựa trên chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử;
e) 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.
2. Tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó:
a) 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất và kinh doanh;
b) 45% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp;
c) 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng, trong đó:
a) 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng;
b) 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử;
c) 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.
4. Phần lớn dịch vụ công liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh được cung cấp trực tuyến, trong đó:
a) Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 80% dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu trước năm 2013, 40% đạt mức 4 vào năm 2015;
b) Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên dịch vụ thủ tục hải quan điện tử trước năm 2013;
c) Cung cấp trực tuyến mức độ 3 trở lên các dịch vụ liên quan tới thuế, bao gồm khai nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trước năm 2013;
d) Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư trước năm 2013, bao gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;
e) Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 50% các dịch vụ công liên quan tới thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh trước năm 2014, đến hết năm 2015 có 20% đạt mức độ 4.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI
1. Triển khai pháp luật về thương mại điện tử:
- Tổ chức tuyên truyền trên địa bàn tỉnh để cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và công dân nắm vững các quy định của pháp luật về thương mại điện tử;
- Tổ chức các hoạt động rà soát, kiểm tra hàng năm nhằm nắm vững tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, làm cơ sở cho việc triển khai chính sách và thực thi pháp luật về thương mại điện tử tại địa phương;
- Tổ chức những hoạt động thanh tra liên ngành về lĩnh vực thương mại điện tử tại địa phương.
- Phối hợp với các tổ chức quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thanh tra thông tin truyền thông … xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai chính sách pháp luật về thương mại điện tử, kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn cũng như các quy định chưa hợp lý lên các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
2. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử:
a) Tổ chức các khóa tập huấn về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước:
Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ công chức tại các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng quan và lợi ích của thương mại điện tử; các mô hình thương mại điện tử trên thế giới; thương mại điện tử Việt Nam; hệ thống pháp luật về thương mại điện tử; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thống kê thương mại điện tử; lập kế hoạch triển khai thương mại điện tử; dịch vụ công trực tuyến; các kỹ năng khai thác, quản lý và cập nhật thông tin thương mại trực tuyến.
b) Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:
Nội dung tập huấn chủ yếu bao gồm: các mô hình thương mại điện tử trên thế giới và Việt Nam; lập kế hoạch ứng dụng và triển khai thương mại điện tử cho doanh nghiệp; các kỹ năng khai thác thông tin thương mại trực tuyến; các kỹ năng tìm kiếm khách hàng trên Internet; các doanh nghiệp triển khai và ứng dụng thương mại điện tử thành công; xây dựng và quản trị website thương mại điện tử; Ứng dụng marketing trực tuyến; sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet.
c) Tổ chức tuyên truyền cho người tiêu dùng về thương mại điện tử:
Tuyên truyền về thương mại điện tử cho người tiêu dùng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, các kênh truyền hình, phát thanh của địa phương; quảng bá các doanh nghiệp điển hình thành công trong ứng dụng và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; mở rộng một số cuộc thi tìm hiểu về thương mại điện tử trên truyền hình địa phương và khuyến khích mọi người tham gia.
3. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử:
a) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử:
Hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp. Với công cụ là website thương mại điện tử giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đồng thời là kênh truyền thông và công cụ kinh doanh hiệu quả với chi phí thấp.
Ngoài ra, Sở Công thương tổ chức, tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website;
b) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (www.brvtemart.com.vn) nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp:
- Lựa chọn những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiêu biểu có khả năng và mong muốn ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, tư vấn cách thức tham gia;
- Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thông qua việc khai thác các cơ hội giao thương hàng ngày. Đào tạo kỹ năng quản trị gian hàng trực tuyến.
c) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử theo mô hình B2C xây dựng quy trình thu thập thông tin khách hàng thông qua chứng nhận website thương mại điện tử uy tín (TrustVn:)
Phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phổ biến, giới thiệu rộng rãi chương trình cấp giấy chứng nhận website thương mại điện tử uy tín (TrustVN), hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia TrustVN và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế trong thương mại điện tử.
4. Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp thương mại:
- Xây dựng, nâng cấp hệ thống phần mềm, phần cứng để chuyển các thủ tục cấp giấy phép hiện nay ở Sở Công thương lên môi trường trực tuyến, triển khai dịch vụ công ở mức độ 2, 3, 4.
- Căn cứ vào các thủ tục hành chính đã được rà soát, hoàn thiện theo đề án 30 của Sở Công thương, từng bước triển khai những thủ tục đơn giản cho phép đăng ký trực tuyến (từ mức độ 3) trở lên.
- Hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp các công cụ chữ ký số, xác thực chữ ký số nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật.
5. Điều tra ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch điều tra thống kê hàng năm về thương mại điện tử;
- Tổ chức điều tra, thu thập số liệu thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với Bộ Công thương xử lý và công bố các số liệu thống kê định kỳ về thương mại điện tử;
Các chỉ tiêu thống kê bao gồm:
- Các chỉ tiêu nhận dạng doanh nghiệp điều tra: tên doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại, fax, năm thành lập, email, website, ...
- Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh: mức doanh thu; loại hình doanh nghiệp; loại hình kinh doanh của doanh nghiệp; số nhân viên, trong đó nhân viên trực tiếp sử dụng công nghệ thông tin.
- Thông tin về mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử: tổng số máy tính; tỷ lệ nhân viên sử dụng máy tính thường xuyên; tham gia đào tạo về thương mại điện tử; mục đích sử dụng Internet; xây dựng hệ thống mạng nội bộ;
- Thông tin về mức độ ứng dụng thương mại địên tử: nhân viên chuyên trách về thương mại điện tử; dự án hoặc chiến lược về thương mại điện tử; mức độ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; ...
- Các thông tin khác liên quan đến việc ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp điều tra.
6. Triển khai vận hành và nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử:
- Nhằm duy trì hiệu quả hoạt động của website sàn giao dịch thương mại điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu, từng bước đưa website trờ thành một địa chỉ tin cậy, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như toàn quốc và thế giới.
- Tổ chức thực hiện nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh www.brvtemart.com.vn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn của môi trường marketing trực tuyến đồng thời thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và vận hành một cách có hiệu quả hơn.
- Tổ chức cập nhật thông tin thường xuyên cho sàn giao dịch thương mại điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu.
7. Khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình triển khai thương mại điện tử các tỉnh:
- Tổ chức đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch thương mại điện tử đạt kết quả tốt, khảo sát một số doanh nghiệp ứng dụng thành công.
- Học tập, trao đổi kinh nghiệm điều hành, quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử thành công cũng như các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với lĩnh vực thương mại điện tử.
- Trao đổi những kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại điện tử cũng như những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện thương mại điện tử.
V. NGUỒN KINH PHÍ:
Tổng hợp kinh phí thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2015:
Đơn vị tính: triệu VNĐ
Stt | Nội dung | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 |
1 | Tổ chức các khóa tập huấn về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước. | 22 | 22 | 22 | 22 | 22 |
2 | Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. | 60 | 60 | 60 | 60 | 60 |
3 | Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
4 | Chương trình hỗ trợ cập nhật thông tin doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (www.brvtemart.com.vn) nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. | 50 | 50 | 50 | 50 | 50 |
5 | Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp thương mại | 200 | 100 | 100 | 100 | 100 |
6 | Điều tra ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh | 120 | 100 | 100 | 100 | 100 |
7 | Chương trình triển khai vận hành và nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử | 168 | 132 | 100 | 50 | 50 |
8 | Chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm | 50 | 50 | 50 | 50 | 50 |
Tổng cộng | 770 | 614 | 582 | 532 | 532 |
Tổng kinh phí phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 – 2015 là 3.030 triệu đồng (Bằng chữ: Ba tỷ, không trăm ba mươi triệu đồng).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2015 sau khi Kế hoạch này được phê duyệt.
2. Các sở, ngành căn cứ vào chức năng của cơ quan và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong quý I giai đoạn 2011 - 2015 nhằm thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2015 đạt hiệu quả.
3. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí và phê duyệt kinh phí kịp thời phục vụ công tác triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2015.
4. Các Sở, ngành được phân công nhiệm vụ tại Chương trình này có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Công thương theo định kỳ hàng quý, năm.
5. Sở Công thương theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong công tác triển khai thực hiện chương trình này, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2015./.
- 1 Quyết định 1396/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014
- 2 Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 3 Chỉ thị 08/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013
- 4 Quyết định 2615/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Phước
- 5 Quyết định 1759/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 6 Quyết định 2749/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2011 - 2015
- 7 Quyết định 1073/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 316/2009/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2009 - 2010
- 9 Quyết định 37/2008/QĐ-BCT về hệ thống chỉ tiêu thống kê về lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 10 Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 11 Luật Công nghệ thông tin 2006
- 12 Nghị định 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử
- 13 Luật Giao dịch điện tử 2005
- 14 Luật Thương mại 2005
- 15 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1759/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2 Quyết định 2749/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2011 - 2015
- 3 Quyết định 2615/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Phước
- 4 Quyết định 316/2009/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2009 - 2010
- 5 Chỉ thị 08/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013
- 6 Quyết định 1396/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014
- 7 Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội