BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3025/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2022 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trên phạm vi cả nước về: bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thông tin, dữ liệu về môi trường; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật.
2. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Dự thảo chiến lược, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học, kiểm soát tác động đến đa dạng sinh học, thông tin, dữ liệu về môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
b) Kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chế, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học, kiểm soát tác động đến đa dạng sinh học, thông tin, dữ liệu về môi trường.
2. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, chương trình, đề án, dự án, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học, kiểm soát tác động đến đa dạng sinh học, thông tin, dữ liệu về môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức lập, trình phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và đánh giá việc thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia theo quy định của pháp luật; đề xuất nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; hướng dẫn xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh.
4. Về bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái tự nhiên:
a) Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn, triển khai và kiểm tra các hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tổ chức lập, thẩm định và trình Bộ trưởng ban hành danh mục vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi cả nước;
c) Hướng dẫn tổ chức điều tra, đánh giá xác định mức độ suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; tổ chức phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái thuộc trách nhiệm của Bộ theo quy định của pháp luật;
d) Hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học và chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, không bao gồm chi trả dịch vụ môi trường rừng;
đ) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển dựa vào giá trị của thiên nhiên theo quy định của pháp luật.
5. Về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên:
a) Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức hội đồng thẩm định liên ngành dự án thành lập khu bảo tồn có diện tích thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan lập dự án và tổ chức quản lý sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, khu di sản thiên nhiên theo phân công của Bộ trưởng;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực tự nhiên chưa đủ điều kiện thành lập khu bảo tồn;
đ) Trình Bộ trưởng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập hoặc giao ban quản lý hoặc giao tổ chức quản lý di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; xác định mô hình quản lý hoặc giao tổ chức quản lý di sản thiên nhiên thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật;
e) Chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu Dự trữ sinh quyển thế giới và các di sản thiên nhiên khác được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn việc xác lập, công nhận, điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật;
h) Hướng dẫn việc xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; tổ chức xây dựng và phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thuộc trách nhiệm của Bộ theo quy định của pháp luật;
i) Xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện tiêu chí về năng lực quản lý và bảo vệ môi trường của Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên; xây dựng, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên và thực hiện chương trình đánh giá hiệu quả quản lý.
6. Về quản lý, bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thành lập và quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không bao gồm giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ sinh sống tại khu vực tự nhiên chưa đủ điều kiện thành lập khu bảo tồn;
b) Lập, trình ban hành danh mục, chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, không bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tổ chức biên soạn Sách Đỏ Việt Nam;
c) Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và mẫu vật di truyền theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc quản lý, giám sát hoạt động tiếp cận nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen, sử dụng các lợi ích được chia sẻ từ việc tiếp cận nguồn gen do Nhà nước quản lý, tri thức truyền thống về nguồn gen;
d) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen; lập danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học;
đ) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; điều tra, đánh giá, lập và công bố danh mục loài ngoại lai xâm hại; hướng dẫn đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai đối với môi trường và đa dạng sinh học;
e) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng.
7. Về kiểm soát tác động đến đa dạng sinh học:
a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc kiểm soát tác động tới các di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia ý kiến về nội dung đánh giá tác động tới đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật;
8. Về điều tra, quan trắc, thống kê, kiểm kê, quản lý thông tin, dữ liệu, lập báo cáo về đa dạng sinh học; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, cơ sở dữ liệu môi trường chuyên ngành và cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia:
a) Hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng và thực hiện các chương trình điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, kiểm kê về đa dạng sinh học; chỉ đạo xây dựng, và thống nhất quản lý số liệu quan trắc đa dạng sinh học; chủ trì lập và công bố báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học, báo cáo vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc, báo cáo hiện trạng môi trường chuyên đề về đa dạng sinh học; hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương lập báo cáo về đa dạng sinh học, báo cáo về các vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu môi trường chuyên ngành về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; triển khai tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai tích hợp vào cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia theo quy định của pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, đa dạng sinh học tại các bộ, ngành và cấp tỉnh theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức thu nhận, lưu trữ, quản lý và cung cấp thông tin về môi trường, đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật; xây dựng, vận hành trung tâm triển lãm, trưng bày về thiên nhiên, đa dạng sinh học quốc gia và Trang thông tin quốc gia về thiên nhiên và đa dạng sinh học Việt Nam;
d) Tổ chức điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo các chỉ số, chỉ tiêu, chỉ thị về đa dạng sinh học theo phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
đ) Tổ chức thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của các loài chim di cư.
9. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký, công nhận, cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
10. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
11. Về hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:
a) Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia tham gia, thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và các Nghị định thư trong khuôn khổ của Công ước; Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar), Diễn đàn Liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, Nhóm công tác đa phương về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội Đông Nam Á (AWGNCB) trong khuôn khổ Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (ASOEN Việt Nam), Trung tâm Ramsar Đông Á, Đối tác đường bay chim di cư tuyến Úc - Đông Á (EEAFP), Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN và các điều ước, tổ chức, chương trình quốc tế khác có liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, thông tin, dữ liệu môi trường theo phân công của Bộ trưởng;
b) Làm nhiệm vụ của cơ quan đầu mối thông tin, liên lạc với các tổ chức quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận cơ quan thường trực thực hiện Cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới về thiên nhiên nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ngày 30 tháng 9 năm 2020 và các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, thông tin, dữ liệu môi trường theo phân công của Bộ trưởng.
c) Đề xuất việc tham gia các tổ chức, điều ước quốc tế liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; việc quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, thông tin, dữ liệu môi trường.
12. Làm đầu mối phối hợp với các hội, tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển trong việc thực hiện các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; theo dõi, báo cáo Bộ trưởng về hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
13. Tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ.
14. Tổ chức thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật và theo chương trình, kế hoạch của Bộ.
15. Quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
16. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo phân công của Bộ trưởng.
17. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế; công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng; thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
18. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo phân công của Bộ trưởng và theo quy định của pháp luật; thực hiện trách nhiệm của đơn vị dự toán ngân sách đối với các đơn vị dự toán trực thuộc Cục theo quy định của pháp luật.
19. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
20. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác do Bộ trưởng phân công.
1. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng.
2. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục; ban hành quy chế làm việc và điều hành hoạt động của Cục; ký các văn bản về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các văn bản khác theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.
3. Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
1. Văn phòng.
2. Phòng Kế hoạch - Tổng hợp.
3. Phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên.
4. Phòng Quản lý Di sản thiên nhiên.
5. Phòng Bảo tồn Loài, Nguồn gen và An toàn sinh học.
6. Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học.
Tại Điều này, các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 5 là các tổ chức hành chính giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tổ chức quy định tại khoản 6 là tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Cục.
Văn phòng và tổ chức quy định tại khoản 6 Điều này là đơn vị sử dụng ngân sách, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục; ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng và các phòng trực thuộc Cục.
Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp
Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học được Bộ trưởng ban hành có hiệu lực thi hành.
Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |