Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3048/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TỔ CHỨC CÁN BỘ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ Y TẾ TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 07/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2021;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 3354/TTr-SYT ngày 09/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tổ chức cán bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa (có Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Y tế dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh kèm theo Phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, gửi Bộ Y tế, Bộ Tư pháp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định;
- Bộ Y tế (để b/c);
- Bộ Tư pháp (để b/c);
- Cục Kiểm soát TTHC-VPCP (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, KSTTHCNC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thi

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TỔ CHỨC CÁN BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số:    /QĐ-UBND ngày    /8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

I. Thủ tục hành chính: Bổ nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Nội dung đơn giản hóa

1.1. Tên TTHC: Sửa lại tên TTHC là“Thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần”.

Lý do: Tại Luật Giám định tư pháp 2012, Điều 9 có tiêu đề là “Điều 9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp”. Tuy nhiên, theo Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung việc cấp thẻ vào tiêu đề của Điều 9 là “Điều 9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp”. Dẫn đến, tên thủ tục hành chính này cũng cần phải bổ sung thêm cụm từ “cấp thẻ” cho phù hợp, cụ thể là: “Thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần”.

1.2. Trình tự thực hiện: Sửa đổi, bổ sung việc cấp thẻ vào trình tự thực hiện TTHC.

Lý do: Trình tự thực hiện được quy định tại các văn bản QPPL cũ không phù hợp với văn bản QPPL mới và giữa các văn bản QPPL mới với nhau cũng có mâu thuẫn. Cụ thể:

- Theo Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Thông tư số 11/2020/TT-BTP ) có quy định thêm trình tự cấp thẻ giám định mà Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 của Bộ Y tế (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2014/TT-BYT) thì chưa có quy định việc cấp thẻ.

- Việc bổ nhiệm và cấp thẻ được quy định tại Khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT- BTP có nhiều điểm không hợp lý. Theo quy định thì trình tự thực hiện như sau: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tiếp nhận hồ sơ, xin ý kiến Sở Tư pháp; Sau đó, cơ quan chuyên môn trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ gửi về Sở Tư pháp và Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc cấp thẻ giám định viên. Như vậy, cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu chính về hồ sơ bổ nhiệm (thẩm định, lưu trữ hồ sơ bổ nhiệm), còn việc cấp thẻ do Sở Tư pháp thực hiện (phôi thẻ, số thẻ). Cùng một TTHC nhưng do 02 cơ quan phụ trách tham mưu thì không hợp lý. Và việc cơ quan chuyên môn nhận hồ sơ mà Sở Tư pháp lại trả kết quả là không phù hợp với quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.

- Theo quy định tại Điều 6 và Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP, việc cấp mới thẻ thực hiện đồng thời với TTHC bổ nhiệm giám định viên nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (ví dụ: Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ...) nhưng cấp lại thẻ giám định viên nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp là hoàn toàn không hợp lý.

- Để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đơn vị tham mưu, giảm áp lực cho người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh và phù hợp với định hướng chung của Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ 13 về tăng cường phân cấp, ủy quyền. Xét từ tính chất, mức độ ảnh hưởng thì việc cấp thẻ giám định viên nên giao cho các Sở chuyên ngành thực hiện sẽ phù hợp và thuận lợi hơn. Đặc biệt khi thực hiện cấp lại thẻ không phải trình Chủ tịch UBND tỉnh ký mà Sở chuyên ngành sẽ thực hiện luôn.

Xuất phát từ những lý do trên, kiến nghị sửa lại trình tự thực hiện theo hướng giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham mưu phụ trách thẩm định hồ sơ bổ nhiệm và thực hiện cấp mới và cấp lại thẻ theo ngành, lĩnh vực quản lý, ví dụ: Giám định viên pháp y, giám định viên tâm thần do Sở Y tế phụ trách; giám định viên về xây dựng do Sở Xây dựng phụ trách; Sở Tư pháp chỉ tham gia phối hợp, cho ý kiến, thực hiện quản lý nhà nước chung về lĩnh vực giám định tư pháp (nhận báo cáo từ các cơ quan chuyên môn để báo cáo Bộ Tư pháp); Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định bổ nhiệm. Việc quy định theo hướng này cũng đảm bảo phù hợp, thống nhất từ Trung ương vì theo quy định tại Luật Giám định sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Thông tư số 11/2020/TT-BTP thì tại Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp mới, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên theo lĩnh vực quản lý mà không phải do Bộ Tư pháp thực hiện.

1.3. Thành phần hồ sơ: Bỏ Lý lịch tư pháp, bỏ Giấy xác nhận thời gian hoạt động thực tế, quy định rõ ràng cụ thể các loại văn bằng chứng chỉ liên quan, như sau:

- Sửa lại thành phần hồ sơ tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT- BYT của Bộ Y tế, cụ thể như sau “Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị và danh sách trích ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp”.

Lý do: Để phù hợp với quy định mới tại Khoản 4 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020.

- Lý lịch tư pháp: Được quy định tại Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT- BYT của Bộ Y tế không còn phù hợp với quy định mới tại Khoản 4 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020. Cụ thể:

Thứ nhất: Tại Luật quy định “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp”. Trong trường hợp Bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần thì đều là công chức, viên chức, sĩ quan công an nhân dân thuộc các cơ quan Công an cấp tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, Bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội nộp hồ sơ về Sở Y tế. Vậy, theo quy định của Luật giám định tư pháp sửa đổi năm 2020, thì đương nhiên các đối tượng nộp hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định pháp y, pháp y tâm thần không cần phải nộp Lý lịch tư pháp.

Thứ hai: Trong Sơ yếu lý lịch đã có thông tin về khen thưởng, kỷ luật có xác nhận của cơ quan đơn vị nên việc công chức, viên chức có án tích hay đang trong thời gian thi hành án thì cơ quan, đơn vị sẽ nắm được. Bên cạnh đó, yêu cầu Lý lịch tư pháp trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y/pháp y tâm thần không có thời hạn. Do vậy việc yêu cầu lý lịch tư pháp sẽ không có ý nghĩa khi xác nhận tư pháp quá xa thời điểm đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y/pháp y tâm thần.

=> Do đó, việc bỏ Lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ là hoàn toàn phù hợp với quy định mới của Luật và thực tế.

- Giấy xác nhận thời gian thực tế hoạt động chuyên môn: Đề nghị bỏ giấy xác nhận thời gian thực tế hoạt động chuyên môn trong thành phần hồ sơ.

Lý do: Các nội dung trong Giấy xác nhận này bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, chỗ ở hiện nay, đơn vị công tác, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đã thể hiện tại Sơ yếu lý lịch.

- Sửa đổi thành phần hồ sơ “Bản sao chứng thực các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần” thành “Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm” và “Bản sao hợp lệ Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định trừ trường hợp người đã có văn bằng đúng chuyên ngành về Pháp y, Pháp y Tâm thần đối với các loại hình đào tạo, bồi dưỡng: chuyên khoa sau đại học; định hướng chuyên khoa hoặc chứng chỉ đào tạo ngắn hạn đúng chuyên ngành về pháp y, pháp y tâm thần với thời gian tối thiểu từ đủ 03 tháng trở lên trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa được bổ nhiệm giám định viên Pháp Y hoặc Pháp y tâm thần thì không phải qua đào tạo để cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần”.

Lý do:

Thứ nhất: Theo quy định tại Chỉ thị 17 thì cần tăng cường nộp bản sao kèm bản chính đối chiếu do đó thay vì quy định bản sao chứng thực thì chỉ cần quy định bản sao hợp lệ để công dân có quyền lựa chọn hình thức phù hợp (như bản sao chứng thực, bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao chứng thực điện tử để nộp hồ sơ).

Thứ hai: Việc quy định “các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn bổ nhiệm...”cần thiết quy định rõ ràng, cụ thể văn bằng gì và chứng chỉ gì và đảm bảo phù hợp với Khoản 2, 5 Điều 8 Luật giám định tư pháp năm 2012.

1.4. Số lượng hồ sơ: Kiến nghị cắt giảm từ 02 bộ xuống còn 01 bộ hồ sơ.

Lý do: Đã được quy định tuy nhiên chưa thống nhất. Cụ thể là: Tại Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT-BYT quy định nộp 02 bộ hồ sơ; tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định nộp 01 bộ hồ sơ. Xét thấy thủ tục này chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ, trong quá trình thẩm định giải quyết nếu cần thiết cơ quan sẽ thực hiện phô tô hoặc scan để gửi bản điện tử. Do đó, kiến nghị sửa đổi số lượng bộ hồ sơ từ 02 bộ thành 01 bộ để tiết kiệm chi phí cho đối tượng, đảm bảo thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan và phù hợp với thực tiễn.

1.5. Thời hạn giải quyết: Bổ sung thời gian thực hiện cấp thẻ giám định viên và phù hợp với quy định mới của Luật Giám định tư pháp sửa đổi bổ sung năm 2020 và Thông tư số 11/2020/TT-BTP.

Lý do:

- Tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 02/2014/TT-BYT quy định thời hạn giải quyết là 15 ngày làm việc. Thời gian này là thời gian bổ nhiệm mà chưa có thời gian thực hiện cấp thẻ giám định viên.

- Tại Khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi bổ sung năm 2020, có quy định thời gian bổ nhiệm là 20 ngày và tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP quy định thời gian cấp thẻ là 10 ngày. Như vậy tổng là 30 ngày. Để thuận tiện cho việc giải quyết trên thực tế cần quy đổi từ ngày sang ngày làm việc. Do đó, sửa đổi thời hạn giải quyết là 25 ngày làm việc là hoàn toàn phù hợp đủ thời gian để giải quyết công việc.

1.6. Cơ quan giải quyết: Sửa lại theo hướng cơ quan thẩm định và cấp thẻ là Sở Y tế, Cơ quan phối hợp là Sở Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh.

Lý do: Việc bổ nhiệm đã quy định phù hợp, rõ ràng. Tuy nhiên, việc cấp thẻ giám định viên theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTP thì Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh việc cấp thẻ. Trong cùng 01 TTHC mà quy trình bổ nhiệm thì do Sở Y tế tham mưu trình Chủ tịch ký quyết định; còn quy trình cấp thẻ lại do Sở Tư pháp (quản lý phôi thẻ, số thẻ) trình Chủ tịch UBND tỉnh là rất bất hợp lý. Để thuận tiện, tránh chồng chéo trong quản lý và giải quyết cùng một TTHC, đề nghị theo hướng giao cho cơ quan chuyên môn (TTHC này là Sở Y tế) tham mưu cả việc bổ nhiệm và cấp thẻ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra Quyết định bổ nhiệm và Sở Tư pháp chỉ tham gia phối hợp và quản lý nhà nước chung về giám định viên tư pháp.

- Cơ quan thực hiện thẩm định và cấp thẻ: Sở Y tế;

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp;

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm.

1.7. Mẫu đơn, tờ khai: Bỏ phần ký tên và đóng dấu của thủ trưởng cơ quan trong Danh sách trích ngang (Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BYT); Bãi bỏ mẫu giấy xác nhận thời gian hoạt động thực tế (Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BYT).

Lý do:

- Về mẫu Danh sách trích ngang (Phụ lục 01): Phần ký tên và đóng dấu của Người lập biểu và Thủ trưởng của cơ quan, đơn vị là không cần thiết vì Danh sách này đính kèm theo với Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên mà văn bản này đã được Thủ trưởng đơn vị ký, đóng dấu. Do đó kiến nghị bỏ phần ký, đóng dấu trong Danh sách.

- Về bỏ mẫu Giấy xác nhận thời gian thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần (Phụ lục 03): Vì các thông tin trong giấy xác nhận thời gian thực tế này đã được nêu tại Sơ yếu lý lịch.

2. Kiến nghị thực thi

2.1. Kiến nghị sửa đổi Điểm c Khoản 5 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020, như sau:

“c) Bổ sung Khoản 4 vào sau Khoản 3 như sau:

“4. Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

- Mẫu thẻ được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định của các Bộ, Cơ quan ngang bộ theo từng ngành, lĩnh vực quản lý.”

2.2. Kiến nghị sửa đổi Điều 3, Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 của Bộ Y tế như sau:

Điều 3. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên được làm thành 01 bộ bao gồm:

1. Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị và danh sách trích ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp;

2. Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm;

3. Bản sao hợp lệ Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định trừ trường hợp Người đã có văn bằng đúng chuyên ngành về Pháp y, Pháp y Tâm thần đối với các loại hình đào tạo, bồi dưỡng: chuyên khoa sau đại học; định hướng chuyên khoa hoặc chứng chỉ đào tạo ngắn hạn đúng chuyên ngành về pháp y, pháp y tâm thần với thời gian tối thiểu từ đủ 03 tháng trở lên trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa được bổ nhiệm giám định viên Pháp Y hoặc Pháp y tâm thần thì không phải qua đào tạo để cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần;

4. Bản sơ yếu lý lịch tự thuật theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này, có dán ảnh màu 4cm x 6cm chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 06 tháng, đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

5. 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất).

Điều 4. Thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần

...

2. Địa phương:

a) Công an cấp tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, Bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa tâm thần đối với tỉnh chưa có Bệnh viện Tâm thần hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội hoặc cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp xem xét, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp gửi về Sở Y tế.

Sở Y tế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Y tế có văn bản hướng dẫn đơn vị hoặc cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế thẩm định hồ sơ và xin ý kiến phối hợp Sở Tư pháp về hồ sơ bổ nhiệm và thẻ giám định viên. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Tư pháp có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản gửi Sở Y tế.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản tham gia ý kiến của Sở Tư pháp, Sở Y tế nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định bổ nhiệm, Sở Y tế thực hiện cấp thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần. Trường hợp không được bổ nhiệm và cấp thẻ thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

2.3. Kiến nghị sửa đổi Mẫu đơn Danh sách trích ngang tại Phụ lục số 01 (được đính kèm theo Quyết định này) và bãi bỏ Mẫu giấy xác nhận thời gian thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 của Bộ Y tế.

2.4. Kiến nghị bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp.

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 57,6%.

- Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 10.840.630 đồng/năm.

- Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 4.598.185 đồng/năm.

- Tổng chi phí tiết kiệm: 6.242.445 đồng/năm.

II. Thủ tục hành chính: Miễn nhiệm giám định viên pháp y và pháp y tâm thần thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

1. Nội dung đơn giản hóa

1.1. Tên TTHC: Sửa lại tên TTHC là “Thủ tục miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần”.

Lý do: Tại Luật Giám định tư pháp 2012, Điều 10 có tiêu đề là “Điều 10. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp”. Tuy nhiên, theo Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung việc thu hồi thẻ vào tiêu đề của Điều 10 là “Điều 10. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp”. Dẫn đến, tên thủ tục hành chính này cũng cần phải bổ sung thêm cụm từ “thu hồi thẻ” cho phù hợp là: “Thủ tục miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần”.

1.2. Trình tự thực hiện: bổ sung thêm việc thu hồi thẻ giám định viên vào trình tự thực hiện của TTHC này.

Lý do: Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định bổ sung trình tự thu hồi thẻ. Do đó, trình tự thủ tục miễn nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần được quy định tại Điều 6 Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 của Bộ Y tế cần thiết phải bổ sung thêm bước thu hồi thẻ giám định viên để đảm bảo phù hợp với Luật.

1.3. Thành phần hồ sơ:

- Bổ sung thêm thành phần hồ sơ là “đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp đối với cá nhân đã là giám định viên”

Lý do: Để phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020.

- Bổ sung trong thành phần hồ sơ “Thẻ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần đã được cấp”.

Lý do: Việc miễn nhiệm giám định viên đi kèm với việc thu hồi thẻ, để thực hiện được việc thu hồi thẻ thì cần bổ sung trong thành phần hồ sơ “Thẻ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần đã được cấp”.

1.4. Số lượng hồ sơ: Sửa đổi số lượng bộ hồ sơ từ 02 bộ thành 01 bộ.

Lý do: Đã được quy định tuy nhiên chưa thống nhất. Cụ thể là: Tại Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT-BYT quy định nộp 02 bộ hồ sơ; tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định nộp 01 bộ hồ sơ.

Đồng thời, xét thấy không cần thiết phải nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên pháp y/pháp y tâm thần vì trong quá trình thẩm định giải quyết nếu cần thiết cơ quan sẽ thực hiện phô tô hoặc scan để gửi bản điện tử và hiện nay đang đẩy mạnh thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Do đó, kiến nghị sửa đổi số lượng bộ hồ sơ từ 02 bộ thành 01 bộ để phù hợp, thống nhất với quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ và tiết kiệm chi phí cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.

2. Kiến nghị thực thi

2.1. Kiến nghị sửa đổi Khoản 6 Điều 1 Luật giám định viên sửa đổi, bổ sung năm 2020, như sau:

“6. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

Điều 10. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp

...

2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức quản lý giám định viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp đối với cá nhân đã là giám định viên;

b) Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.

c) Thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần đã cấp.”

2.2. Kiến nghị sửa đổi Điều 5, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2014/TT-BYT, như sau:

“Điều 5. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần:

Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên được làm thành 01 bộ,

a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức quản lý giám định viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp đối với cá nhân đã là giám định viên;

b) Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.

c) Thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần đã cấp” Điều 6. Thủ tục miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần

“2. Địa phương

a) Công an cấp tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa Tâm thần đối với tỉnh chưa có Bệnh viện Tâm thần hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội hoặc cá nhân xem xét, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp gửi về Sở Y tế.

Sở Y tế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Y tế có văn bản hướng dẫn đơn vị hoặc cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ;

b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp pháp, Sở Y tế có văn bản xin ý kiến phối hợp với Sở Tư pháp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, Sở Tư pháp có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi Sở Y tế.

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần và điều chỉnh danh sách giám định viên trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.

d) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định miễn nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế thực hiện thu hồi thẻ giám định viên. Trường hợp không miễn nhiệm, không thu hồi thẻ thì Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 23,8%.

- Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.162.368 đồng/năm.

- Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 885.776 đồng/năm.

- Tổng chi phí tiết kiệm: 276.592 đồng/năm./.

 

PHỤ LỤC 1

MẪU DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP
(Kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

ĐƠN VỊ……………..

DANH SÁCH

ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN PHÁP Y, GIÁM ĐỊNH VIÊN PHÁP Y TÂM THẦN

(Kèm theo Công văn số:     / ngày    tháng    năm 20... của………. )

Số TT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Trình độ chuyên môn

Cấp bậc Mã số ngạch CC,VC

Chức vụ

Đơn vị công tác

Chứng chỉ ĐT, BD

Ghi chú

Pháp y

Pháp y tâm thần

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Cột số 5 đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ghi rõ cấp bậc quân hàm (Trung úy, Đại úy...)