Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 305/2004/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHOÁ IX

BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX;
Theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Văn phòng, Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn và các uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này./.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
CHỦ TỊCH



 
Cù Thị Hậu

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN KHOÁ IX
(Ban hành kèm theo Quyết định số 305/2004/QĐ-TLĐ ngày 26/02/2004 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn LĐVN khoá IX)  

Chương 1:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP HÀNH TLĐ

Điều 1: Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX là cơ quan lãnh đạo của Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2003-2008, có trách nhiệm và quyền hạn:

1. Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; tuyên truyền, giáo dục và vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam và các Nghị quyết của Đảng.

2. Quyết định chương trình công tác công đoàn toàn khoá và hàng năm. Ra các Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam.

3. Quyết định chủ trương, biện pháp phát triển đoàn viên, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ và phương thức hoạt động công đoàn.

4. Quyết định phương hướng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

5. Quyết định phương hướng công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam.

6. Quyết định chủ trương quản lý tài chính, tài sản công đoàn và hoạt động kinh tế công đoàn. Thông qua dự toán, quyết toán ngân sách công đoàn hàng năm.

7. Đề xuất với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

8. Tham gia với Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành luật pháp và các chế độ, chính sách có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của CNVCLĐ.

9. Phối hợp với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội tổ chức phong trào hành động cách mạng trong CNVCLĐ, cùng các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

10. Lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn các cấp tiến hành Đại hội nhiệm kỳ; chuẩn bị Đại hội và quyết định triệu tập Đại hội X Công đoàn Việt Nam.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH TLĐ.

Điều 2: Đoàn chủ tịch TLĐ là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành TLĐ, thay mặt Ban Chấp hành chỉ đạo, điều hành các hoạt động của tổ chức Công đoàn giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành, có trách nhiệm và quyền hạn:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp Công đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội IX CĐVN và các nghị quyết của Ban Chấp hành TLĐ; chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành; tổ chức thực hiện chương trình công tác và các hoạt động của Ban Chấp hành; ra các Nghị quyết, Quyết định, Thông tri, Chỉ thị, Hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết Đại hội IX CĐVN và Nghị quyết của Ban Chấp hành TLĐ.

2. Thay mặt Ban Chấp hành tham gia quản lý Nhà nước; tổ chức các hoạt động phối hợp với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội; nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn và các chế độ chính sách, pháp luật liên quan đến CNVCLĐ.

3. Chỉ đạo công tác tổ chức - cán bộ công đoàn, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn và nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn; công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ; công tác vận động nữ CNVCLĐ.

4. Chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công nhân và công đoàn, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật BHLĐ.

5. Chỉ đạo công tác quản lý tài chính, tài sản và các hoạt động kinh tế Công đoàn.

6. Chỉ đạo và quản lý các hoạt động đối ngoại của tổ chức Công đoàn theo đường lối đối ngoại của Đảng và chương trình công tác đối ngoại của Tổng Liên đoàn.

7. Chỉ đạo công tác Pháp luật của Công đoàn, công tác kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

8. Chỉ đạo công tác xuất bản, báo chí, thông tin về phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết cho các uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ và các cấp Công đoàn; trả lời ý kiến chất vấn của các Uỷ viên Ban Chấp hành.

9. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan TLĐ và các đơn vị trực thuộc TLĐ.

Điều 3: Đoàn Chủ tịch TLĐ gồm Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch và các uỷ viên. Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch TLĐ.

Chương 3:

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ VIÊN BAN CHẤP HÀNH TLĐ

Điều 4: Gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, Chính sách, Pháp luật của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của công đoàn; tham gia đây đủ các kỳ họp của Ban Chấp hành; nghiên cứu đóng góp ý kiến xây dựng các Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành; tham gia các hoạt động của Ban Chấp hành do Đoàn Chủ tịch phân công.

Điều 5: Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, trên cương vị công tác của mình, có trách nhiệm cùng tập thể lãnh đạo của cấp mình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Đoàn Chủ tịch TLĐ; phát hiện, đề xuất với Đoàn Chủ tịch những nhân tố mới, những kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động công đoàn; phản ánh kịp thời nguyện vọng và những vấn đề mà đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quan tâm.

Điều 6: Được quyền chất vấn Đoàn Chủ tịch và các thành viên của Ban Chấp hành về những vấn đề có liên quan đến CNVCLĐ, đoàn viên và tổ chức công đoàn. Đồng thời có trách nhiệm trả lời khi có ý kiến chất vấn đối với mình; Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ là cán bộ không chuyên trách công đoàn được mời dự họp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở nơi mình công tác.

Điều 7: Được hưởng phụ cấp uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ; được cung cấp Báo Lao Động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, các tài liệu và thông tin cần thiết. Uỷ viên tham gia 1 nhiệm kỳ Ban Chấp hành TLĐ trở lên, được xem xét đề nghị tặng thưởng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn".

Chương 4:

NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 8: Ban Chấp hành TLĐ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Mọi hoạt động của Ban Chấp hành tiến hành công khai, dân chủ. Các Chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành được thảo luận và quyết định theo đa số. Các Uỷ viên Ban Chấp hành chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành về nhiệm vụ được phân công.

Điều 9: Ban Chấp hành TLĐ hoạt động theo chương trình công tác hàng năm và toàn khoá. Mỗi năm họp thường kỳ 2 lần. Trong các kỳ họp, ngoài việc thảo luận, quyết định chương trình công tác, Ban Chấp hành có thể ra các nghị quyết chuyên đề về các mặt công tác Công đoàn. Kỳ họp cuối năm, Ban Chấp hành thông qua dự toán và quyết toán ngân sáchCông đoàn.

Điều 10: Đoàn Chủ tịch TLĐ chuẩn bị nội dung, chương trình các kỳ họp của Ban Chấp hành, triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành. Các văn bản của từng kỳ họp phải được gửi trước tới các Uỷ viên Ban Chấp hành ít nhất 3 ngày để nghiên cứu. Trong kỳ họp, các Uỷ viên Ban Chấp hành có thể trực tiếp phát biểu ý kiến, hoặc ghi ý kiến của mình bằng văn bản gửi cho Đoàn Chủ tịch. Những ý kiến khác nhau được tổ chức thảo luận kỹ trước khi biểu quyết. Uỷ viên Ban Chấp hành được bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành.

Điều 11: Hội nghị Ban Chấp hành phải có ít nhất 2/3 tổng số Uỷ viên Ban Chấp hành đến dự họp và các Nghị quyết, quản lý tài chính, tài sản của Ban Chấp hành phải được quá 1/2 tổng số Uỷ viên Ban Chấp hành tán thành mới có giá trị.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN KIỂM TRA TLĐ

Điều 12: Uỷ ban Kiểm tra TLĐ là cơ quan kiểm tra của Ban Chấp hành TLĐ, thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của Điều lệ CĐVN. Ban Chấp hành TLĐ giao cho Đoàn Chủ tịch TLĐ chỉ đạo hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra TLĐ giữa 2 kỳ họp của Ban Chấp hành TLĐ.

Điều 13: Uỷ ban Kiểm tra TLĐ có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình hoạt động kiểm tra và báo cáo kết quả công tác kiểm tra với Ban Chấp hành TLĐ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được Điều lệ CĐVN quy định, Uỷ ban Kiểm tra có quyền chủ động tổ chức kiểm tra, báo cáo kết luận kiểm tra và kiến nghị với Đoàn Chủ tịch TLĐ về biện pháp xử lý, khắc phục những thiếu sót trong việc thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Điều 14. Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra TLĐ được mời dự họp, được cung cấp tài liệu cần thiết và tham gia ý kiến tại các hội nghị Ban Chấp hành TLĐ, được mời dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn toàn quốc, được Đoàn Chủ tịch và các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra.

Chương 6:

QUY ĐỊNH THỰC HIỆN QUY CHẾ

Điều 15. Quy chế này đã được Ban Chấp hành TLĐ khoá IX thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 ngày 26/12/2003. Các Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ có trách nhiệm thực hiện. Ban Chấp hành TLĐ giao cho Đoàn Chủ tịch TLĐ tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy chế và nghiên cứu trình Ban Chấp hành bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.