Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN “PHÒNG, CHỐNG BUÔN BÁN TRÁI PHÁP LUẬT CÁC LOÀI ĐỘNG, THỰC VẬT HOANG DÔ DO CƠ QUAN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ HOA KỲ (USAID) VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 03 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1159/BKHĐT-KTĐN ngày 16 tháng 02 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” do USAID viện trợ không hoàn lại, như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Dự án và nhà tài trợ:

- Tên Dự án: Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

- Tên nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

2. Tên và địa chỉ của Cơ quan chủ quản và Chủ Dự án:

- Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; địa chỉ liên lạc: 2 Ngọc Hà, Hà Nội;

- Chủ Dự án: Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã (CITES Việt Nam), Tổng cục Lâm nghiệp; địa chỉ liên lạc: 2 Ngọc Hà, Hà Nội.

3. Mục tiêu của Dự án:

a) Mục tiêu tổng quát: góp phần hỗ trợ Việt Nam ngăn chặn, tiến đến chấm dứt các hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao năng lực thực thi pháp luật, truy tố, xét xử tội phạm, củng cố công tác thực thi pháp luật, đào tạo về hệ thống pháp luật.

- Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tội phạm động vật, thực vật hoang dã phù hợp với quy định pháp luật của các nước trong khu vực và quốc tế.

- Tăng cường hợp tác liên ngành, liên vùng, liên quốc gia và phối hợp quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã.

- Giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã - thay đổi hành vi, ý thức của người sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong xã hội.

4. Kết quả chủ yếu của Dự án:

- Hợp phần 1: phát hiện các lỗ hổng về chính sách và pháp luật; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi được thông qua bởi các cơ quan thẩm quyền và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung; thực thi được luật, chính sách mới hoặc đã được sửa đổi.

- Hợp phần 2: các đơn vị thực thi pháp luật có đủ quyền hạn và cơ sở pháp lý để thực thi pháp luật, cấp quản lý có thể tin tưởng và trao quyền cho các cán bộ thực thi; các cơ chế hỗ trợ sẵn sàng để phục vụ công tác đào tạo và rèn luyện các kỹ năng thực thi pháp luật về động vật hoang dã; có đủ nguồn lực để thực thi có hiệu quả pháp luật về động vật hoang dã; các cán bộ học được và duy trì những kỹ năng trọng tâm và thực hiện hiệu quả công tác thực thi pháp luật trọng tâm.

- Hợp phần 3: người mua và sử dụng sản phẩm từ động, thực phẩm hoang dã trái pháp luật nhận được thông điệp từ Dự án, thay đổi quan điểm so với trước Dự án về những loài động vật hoang dã nguy cấp và sản phẩm từ chúng; số lượng người mua và sử dụng sản phẩm từ các động vật hoang dã nguy cấp giảm; rào cản thay đổi hành vi được dỡ bỏ, những yếu tố tạo thay đổi được thực hiện; giảm mua bán động vật hoang dã trọng yếu và sản phẩm từ chúng; tạo dựng sự ủng hộ cho chiến dịch giảm cầu.

5. Thời gian và địa điểm và địa điểm thực hiện Dự án:

- Thời gian thực hiện: 2017 - 2021.

- Địa điểm thực hiện: trên phạm vi cả nước Việt Nam.

6. Vốn ODA và vốn đối ứng:

- Vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (USAID) khoảng 10.000.000 USD, tương đương 222.500.000.000 đồng Việt Nam.

- Nguồn vốn đối ứng trong nước: 11.125.000.000 đồng Việt Nam chi cho các hoạt động của Dự án dựa trên thỏa thuận Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhà tài trợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA: không áp dụng.

7. Đề xuất cơ chế tài chính trong nước: Nhà nước cấp phát 100% đối với phần vốn viện trợ nước ngoài trị giá 10 triệu USD.

Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Văn kiện Dự án; tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định hiện hành về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTg;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, NN, NC, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT(3) HQ.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh