ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3075/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 12 tháng 10 năm 2007 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật xây dựng số 16/2003/QH11, được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003; Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 của Chính phủ, về quản lý đầu tư xây dựng các công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, ngày 29/9/2006 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 2321/QĐ-CT, ngày 18/7/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh hóa đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 2538/QĐ-CT ngày 08/8/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
Xét tờ trình số 384/TM-KHTH, ngày 29/8/2007 của Giám đốc Sở Thương mại Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa tại văn bản số 1243/KHĐT-CN&DV, ngày 01 tháng 10 năm 2007, về việc báo cáo kết quả thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với những nội dung cụ thể như sau:
I. Tên đề án: Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
II. Chủ đầu tư: Sở Thương mại Thanh Hóa
III. Cấp quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
IV. Hình thức quản lý và thực hiện đề án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý và thực hiện đề án.
V. Nội dung quy hoạch:
1. Mục tiêu quy hoạch:
- Đến năm 2010, hướng tới năm 2020: Toàn tỉnh sẽ có 307 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ( trong đó: đầu tư xây dựng mới 123 cửa hàng, tiếp tục tồn tại kinh doanh 184 cửa hàng); 8 kho xăng dầu (trong đó có 01 kho xăng dầu đầu mối tại Khu kinh tế Nghi Sơn).
- Tốc độ tăng trưởng khối lượng xăng dầu qua mạng lưới giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 18%-20%/năm; giai đoạn 2011-2020 đạt bình quân 17%-18%/năm.
- Đảm bảo quy mô tiêu thụ xăng dầu đến năm 2010 gấp từ 2,2 đến 2,3 lần năm 2005; năm 2020 gấp 4,5 đến 5,5 lần năm 2010.
- Đảm bảo các điều kiện cho mạng lưới kinh doanh xăng dầu đủ năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn, với tổng khối lượng xăng dầu các loại năm 2010 đạt 460.000 m3; năm 2020 đạt 2.400.000 m3.
- Hiện đại hóa thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến; mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
2. Quan điểm quy hoạch:
- Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố và quy hoạch của các ngành liên quan.
- Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu tận dụng tối đa những cơ sở kinh doanh hiện có đáp ứng được các điều kiện kinh doanh; những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh cần kiên quyết xử lý những tồn tại bất hợp lý không phù hợp với yêu cầu của kinh doanh xăng dầu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo các quy định về môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; không làm ảnh hưởng đến các công trình bảo tồn, bảo tàng, khu di tích, các danh lam thắng cảnh; không gần các khu trường học, bệnh viện, không vi phạm các quy định của nhà nước có liên quan khác.
- Quy hoạch cửa hàng xăng dầu không dàn trải. Các địa điểm được xem xét, lựa chọn, bố trí các cửa hàng xăng dầu có quy mô khác nhau phù hợp với từng tuyến đường, từng địa bàn cụ thể.
3. Định hướng quy hoạch:
- Giai đoạn 2006 - 2010: Ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện, xây dựng các cửa hàng xăng dầu ở nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu. Tập trung xây dựng mới một số cửa hàng xăng dầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã quy hoạch. Thực hiện xóa bỏ các cửa hàng chưa đảm bảo quy định về an toàn giao thông, vi phạm chỉ giới xây dựng và các vi phạm pháp luật khác.
- Giai đoạn 2011 - 2020: Nâng cấp và cải tạo hệ thống cửa hàng hiện có trong quy hoạch nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn; trước mắt là các cửa hàng ở Thành phố Thanh Hóa, trên tuyến quốc lộ 1A. Thực hiện cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện xây dựng các cửa hàng xăng dầu ở các địa điểm còn lại; xóa bỏ tất cả các cửa hàng không nằm trong quy hoạch, hoàn thiện mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh đúng với quy hoạch.
4. Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến 2010, hướng tới năm 2020.
4.1. Quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu
a. Phân loại cửa hàng bán lẻ xăng dầu:
- Cửa hàng loại I: có ít nhất 6 cột bơm, kèm theo các dịch vụ thương mại khác như rửa xe, sửa chữa nhỏ và bảo quản, cửa hàng bách hóa, ăn uống, nhà nghỉ và bãi đỗ xe qua đêm. Diện tích đất không dưới 10.000 m2, có chiều rộng mặt tiền khoảng 80 - 100m. Vị trí xây dựng: Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A.
- Cửa hàng loại II: có ít nhất 6 cột bơm, kèm theo các dịch vụ thương mại khác như rửa xe, sửa chữa nhỏ và bảo quản, cửa hàng bách hóa. Diện tích đất không dưới 4.000 m2, có chiều rộng mặt tiền khoảng 60- 80m. Vị trí xây dựng: Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A và Trung tâm tiêu thụ (thành phố Thanh hóa, thị xã, khu công nghiệp).
- Cửa hàng loại III: có ít nhất 4 cột bơm, kèm theo các dịch vụ sửa chữa nhỏ, rửa xe. Diện tích đất không dưới 2.000 m2, có chiều rộng mặt tiền khoảng 50m. Vị trí xây dựng: Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A, 45, 47, 217, 10; các trung tâm tiêu thụ (thành phố Thanh hóa, thị xã, khu công nghiệp).
- Cửa hàng loại IV: Bao gồm cửa hàng xăng dầu có ít nhất từ 3 cột bơm trở lên, kèm theo các dịch vụ bán hàng, rửa xe. Diện tích đất không dưới 500 m2, có chiều rộng mặt tiền khoảng 30 m. Vị trí xây dựng: Trung tâm tiêu thụ (thành phố Thanh hóa, thị xã, khu công nghiệp), các thị trấn, trên đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ.
- Cửa hàng loại V: Bao gồm cửa hàng xăng dầu còn lại có ít nhất 02 cột bơm, khuyến khích có các dịch vụ và bán các sản phẩm hóa dầu. Diện tích đất không dưới 300 m2, có chiều rộng mặt tiền tối thiểu 15 m. Vị trí xây dựng: Được bố trí ở thị tứ, trên đường tỉnh lộ, đường huyện, liên xã; các điểm tiêu thụ khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, các trung tâm cụm xã miền núi và vùng ven biển.
b. Nguyên tắc bố trí các cửa hàng xăng dầu:
- Địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu phải cách khu danh lam thắng cảnh ít nhất là 500m; cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 200 m; cách cửa hàng xăng dầu khác tối thiểu 2km đối với các đô thị, khu kinh tế; cách cửa hàng xăng dầu khác tối thiểu 12 Km đối với các tuyến Quốc lộ.
- Trên các trục giao thông quốc lộ: tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, cửa khẩu Quốc gia và Quốc tế bố trí các cửa hàng xăng dầu phục vụ phương tiện vận tải đường dài (chủ yếu cửa hàng loại I và loại II). Các tuyến quốc lộ khác khuyến khích xây dựng cửa hàng loại I đến loại III.
- Trục giao thông tỉnh lộ: Xây dựng cửa hàng loại III đến loại IV; khoảng cách giữa các cửa hàng tối thiểu là 5 km.
- Tại các trung tâm tiêu thụ (thành phố, thị xã, khu công nghiệp) kết hợp bố trí cửa hàng trên đường quốc lộ tại các điểm ngoại vi. Những điểm tiêu thụ không có đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ chạy qua (các thị tứ, khu vực nông thôn, miền núi, ven biển) bố trí cửa hàng loại V. Khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng tại các trung tâm điểm tiêu thụ là 2 km.
- Ở các huyện đồng bằng và các huyện trung du: Các xã không có đường quốc lộ, Tỉnh lộ đi qua, bố trí từ 1 đến 2 xã có 1 cửa hàng xăng dầu. ở các huyện miền núi, ngoài các cửa hàng ở các thị trấn, bố trí tại mỗi trung tâm cụm xã miền núi và mỗi thị tứ (theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi Thanh Hóa) một cửa hàng xăng dầu loại IV hoặc V. Tại các cửa lạch lớn bố trí mỗi cửa lạch 2 điểm kinh doanh xăng dầu ở 2 ven bờ và một số phương tiện nổi để phục vụ cho số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Riêng tại ven biển và vùng núi cao do đặc thù riêng sẽ bố trí điểm bán cho phù hợp với thực tế, không nhất thiết phải tổ chức xây dựng theo các loại cửa hàng nêu trên, nhưng phải đảm bảo kinh doanh xăng dầu bằng cột bơm, loại bỏ đong múc hoặc bằng các phương tiện thủ công khác.
c. Quy hoạch cụ thể hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu từng tuyến đường và địa bàn các huyện, thành phố, thị xã (theo Phụ lục: Quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020).
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 279 cửa hàng và điểm kinh doanh xăng dầu; gồm: 252 cửa hàng đang kinh doanh, 17 điểm đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục xây dựng, 25 điểm chưa thỏa thuận.
Quy hoạch đến năm 2010, hướng tới năm 2020 toàn tỉnh có 307 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu; gồm: 184 cửa hàng được tồn tại kinh doanh xăng dầu, 123 cửa hàng xây dựng mới; cụ thể như sau:
- Xóa bỏ 85 cửa hàng và điểm kinh doanh xăng dầu, gồm: 68 cửa hàng đang kinh doanh, 3 điểm đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục xây dựng, 14 điểm chưa thỏa thuận.
- Được tồn tại tiếp tục kinh doanh 184 cửa hàng.
- Xây dựng mới 123 cửa hàng; gồm: 98 điểm bổ sung mới, 14 điểm đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục xây dựng, 11 điểm chưa thỏa thuận.
d. Quy hoạch Hệ thống cửa hàng xăng dầu trên sông, biển
Hiện tại đã có 4 tàu bán lẻ xăng dầu cung cấp xăng dầu cho nhu cầu của các phương tiện đường thủy. Đến năm 2010 cần phát triển thêm từ 10 đến 15 tàu bán lẻ xăng dầu trên sông biển.
e. Quy hoạch xây dựng cửa hàng dầu diezen tại các huyện ven biển phục vụ cho ngư dân
Quy hoạch đến năm 2010 cấp phép kinh doanh dầu Diezen tạm thời cho 22 điểm ven biển (cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh năm một ), xóa bỏ 20 điểm, nâng cấp 01 điểm. Giai đoạn từ 2011 đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn không còn điểm kinh doanh dầu Diezen cấp phép tạm thời, chuyển kinh doanh mặt hàng khác
f. Khái toán vốn đầu tư để xây dựng mới cửa hàng xăng dầu
Ước toán vốn đầu tư xây dựng các cửa hàng xăng dầu mới là 115.306 triệu đồng. Nguồn vốn chủ yếu do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự huy động
4.2. Quy hoạch hệ thống kho chứa, kho dự trữ xăng dầu
a. Phân loại kho xăng dầu
+ Kho tiếp nhận đầu mối: Có sức chứa từ 10.000 m3 trở lên; có bến cảng chuyên dụng cho tàu thủy có trọng tải từ 10.000 DWT trở lên neo đậu và bơm rót xăng dầu vào kho; có nhiệm vụ bảo đảm nguồn xăng dầu cho một khu vực lãnh thổ hoặc điều chuyển đến các khu vực khác trên cả nước; đáp ứng các tiêu chuẩn và quy phạm xây dựng kho xăng dầu hiện hành, các tiêu chuẩn Quốc gia về an toàn và môi trường.
+ Kho tuyến sau: bổ sung sức chứa của hệ thống kho xăng dầu ở từng khu vực và phạm vi cả nước; có khả năng tiếp nhận xăng dầu từ kho đầu mối, từ các kho khác hoặc từ nhà máy lọc dầu trong nước và có khả năng nhập, xuất xăng dầu theo đường thủy và/hoặc đường ống, đường bộ, đường sắt để cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong khu vực địa lý nhất định; đáp ứng các tiêu chuẩn và quy phạm xây dựng kho xăng dầu hiện hành, các tiêu chuẩn Quốc gia về an toàn và môi trường.
b. Quy hoạch địa điểm kho xăng dầu đến năm 2010 hướng tới năm 2020.
Giai đoạn từ nay đến 2010 tiếp tục hoàn chỉnh xây dựng và đưa vào sử dụng kho xăng dầu tại cảng Lễ Môn của Công ty Thương mại & Đầu tư Phát triển Miền Núi; giữ tạm thời kho xăng dầu tại cảng Lệ Môn của Công ty Hoàng Sơn (công ty này có kế hoạch thu hồi vốn để đến 2010 di dời đi nơi khác); xóa bỏ kho xăng dầu Nam Ngạn (Cty Hoàng Sơn) và kho xăng dầu tại Ga Thanh Hóa của Công ty CP Điện máy Hóa chất (Công ty Xăng dầu Thanh Hóa đang thuê); nâng cấp cải tạo kho cảng Lễ Môn của Công ty CP DVTM Petec (nếu không được nâng cấp trong giai đoạn 2006-2010 thì phải xóa bỏ). Xóa bỏ kho xăng dầu tại Tây Ga Thanh Hóa của Công ty Thương mại & Đầu tư Phát triển Miền Núi và khai thác có hiệu quả kho Đình Hương đã có của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa.
Xây dựng 01 kho đầu mối tại Khu kinh tế Nghi Sơn với quy mô 65 đến 80 ngàn m3; xây dựng kho trung chuyển hoặc kho phân phối (kho tuyến sau) tại Ngọc Lặc và thị xã Bỉm Sơn.
5. Các chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch
5.1. Các chính sách chủ yếu:
- Chính sách về vốn: nguồn vốn để đầu tư xây dựng các cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu chủ yếu do các doanh nghiệp và cá nhân tự huy động; nhà nước tạo điều kiện cho thương nhân trong việc vay vốn xây dựng mới các cơ sở kinh doanh xăng dầu vùng sâu, vùng xa.
- Chính sách về đất đai: doanh nghiệp xây dựng mới cơ sở kinh doanh xăng dầu tại các vùng miền núi được hưởng chính sách về đất đai theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; Nghị định số 02/2002/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 20/1998/NĐ-CP.
5.2. Các giải pháp:
- Giải pháp xây dựng quỹ đất để thực hiện quy hoạch: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp với tiêu chuẩn từng loại cửa hàng xăng dầu, kho chứa, kho dự trữ và theo nguyên tắc khoảng cách tối thiểu của các cửa hàng xăng dầu, được quy định tại điểm b, tiết 4.1, mục V, Điều 1 Quyết định này.
- Đến 31/12/2008, các cửa hàng thuộc diện nâng cấp cải tạo không đáp ứng được quy mô diện tích đất để đảm bảo các quy định (về an toàn giao thông, về an toàn phòng cháy, về diện tích và quy mô cửa hàng), thì phải thực hiện xóa bỏ.
- Việc xây dựng cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu phải tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định này. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện cưỡng chế tháo dỡ đối với cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu xây dựng vi phạm quy hoạch; cửa hàng, kho xăng dầu quá thời hạn phải xóa bỏ nhưng chủ đầu tư chưa tự tháo dỡ.
6. Tổ chức thực hiện quy hoạch
- Sở Thương mại: Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh trực tiếp quản lý theo dõi thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phổ biến công khai quy hoạch; thẩm định và thỏa thuận địa điểm xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho chứa xăng dầu theo phân cấp quản lý và theo nguyên tắc quy định tại Quyết định này; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho thương nhân theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ; thẩm định, cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh tạm thời 01 năm cho thương nhân bán một mặt hàng dầu Diezen ven biển; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, nhớt; tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch, chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan định kỳ rà soát trình điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo quy định của Nhà nước.
- Sở Xây dựng: Trực tiếp thẩm định và cấp giấy phép xây dựng cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho xăng dầu theo quy hoạch. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về xây dựng kho và cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo phân cấp.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất để xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch được phê duyệt; trực tiếp thẩm định các điều kiện về môi trường và cấp chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Thực hiện công tác kiểm định đối với tất cả cột đo xăng dầu của thương nhân theo quy định của pháp luật. Chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đo lường, chất lượng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, các tổng đại lý và địa lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
- Sở Giao thông vận tải: Hướng dẫn thương nhân xây dựng các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên các tuyến giao thông thực hiện đúng quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị định số 186/2004/NĐ-CP, ngày 05/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
- Công an tỉnh: Chỉ đạo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng chống cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu theo quy định. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra điều kiện về an ninh trật tự trong kinh doanh xăng dầu, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định 08/2001/NĐ-CP, ngày 22/02/2001 của Chính phủ.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Có trách nhiệm hướng dẫn, cấp đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; chủ trì phối hợp với các sở, ngành khác xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư xây dựng các cửa hàng xăng dầu, kho chứa, kho dự trữ, các chính sách cho các thương nhân trong việc xây dựng các cửa hàng xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với sở Thương mại, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng các cơ chế về cho thuê đất, miễn tiền sử dụng đất và các chính sách ưu tiên khác cho các thương nhân đầu tư xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở trung tâm cụm xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Trực tiếp quản lý quy hoạch trên địa bàn, phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, sở Xây dựng trong việc quy hoạch quỹ đất cho việc xây dựng mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch được phê duyệt. Trực tiếp thẩm định mặt bằng quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trên các tuyến đường liên huyện, liên xã trên địa bàn thuộc quyền quản lý đã được UBND tỉnh phân cấp. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành khác trong việc giải toả, xóa bỏ các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép, các cửa hàng xăng dầu thuộc diện xóa bỏ theo lộ trình đã quy định; xử lý dứt điểm các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao sở Thương Mại Thanh Hóa căn cứ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định này, chủ trì phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo thực hiện việc quản lý, đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo mạng lưới kinh doanh theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các quyết định trước đây về quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Thương mại, Thủ trưởng các ngành chức năng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu tránh nhiệm thi hành quyết này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định số 4033/2011/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 2 Quyết định 3869/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 3 Quyết định 3869/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 1 Quyết định 1806/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu tỉnh An Giang đến năm 2020
- 2 Quyết định 666/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020
- 3 Quyết định 512/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới Cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020
- 4 Quyết định 1632/QĐ-UBND năm 2008 điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 5 Nghị định 55/2007/NĐ-CP về việc kinh doanh xăng dầu
- 6 Nghị định 112/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 7 Quyết định 2221/QĐ-UBND năm 2005 phê duyệt đề cương Dự án quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 8 Nghị định 16/2005/NĐ-CP về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 9 Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 10 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 11 Luật xây dựng 2003
- 12 Quyết định 2321/QĐ-CT năm 2003 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010
- 13 Nghị định 02/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- 14 Nghị định 08/2001/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
- 15 Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc
- 1 Quyết định 1632/QĐ-UBND năm 2008 điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 2 Quyết định 666/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020
- 3 Quyết định 512/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới Cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020
- 4 Quyết định 1806/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu tỉnh An Giang đến năm 2020
- 5 Quyết định 2221/QĐ-UBND năm 2005 phê duyệt đề cương Dự án quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020