Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 308/2004/QĐ-UB

TP.Cần Thơ, ngày 27 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư số 21/2004/TTLB/BGD&ĐT-BNV ngày 23/7/2004 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 14/2004/QĐ-UB ngày 02/01/2004 của Ủy ban nhân dân lâm thời thành phố Cần Thơ về việc thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng:

Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo (trừ đào tạo nghề) trong phạm vi địa phương; về các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phân cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đã trình.

2. Trình Ủy ban nhân dân thành phố chương trình, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm, dự án phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

3. Trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc phân công, phân cấp hoặc ủy quyền quản lý giáo dục, đào tạo cho Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về giáo dục và đào tạo.

5. Về quản lý trường học:

5.1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch mạng lưới các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trường bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố;

5.2. Trình Ủy ban nhân dân thành phố mức thu học phí cụ thể trên địa bàn thành phố để Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm kiểm tra việc thu, chi học phí trên địa bàn;

5.3. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và phát huy quyền tự chủ hoạt động của các đơn vị: trường cao đẳng; trường trung học phổ thông; trường bổ túc văn hóa; trường phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố; trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp; trường, lớp, cơ sở giáo dục, đào tạo tại chức; trường, lớp dành cho người tàn tật; trường, cơ sở thực hành sư phạm và các trường học khác theo quy định của pháp luật và theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố;

5.4. Trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân quận, huyện và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện sau khi được ban hành;

5.5. Thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định các đề án, hồ sơ thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường trung học phổ thông và các trường thuộc thẩm quyền trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;

5.6. Quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh, thi cử, xét duyệt, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

5.7. Quản lý, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung kế hoạch và các hoạt động giáo dục đối với các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp ủy quyền cho Sở quản lý theo điều lệ, quy chế, tiêu chuẩn, định mức và các quy định của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố việc cấp phép hoạt động của các tổ chức dịch vụ du học tự túc trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoạt động của tổ chức này theo quy định của pháp luật và phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

7. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc lập kế hoạch biên chế; tổng hợp và lập kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục toàn thành phố theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế.

8. Tổ chức lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm của thành phố gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lập dự toán chi các chương trình, mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật. Sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố giao dự toán ngân sách, phối hợp với Sở Tài chính phân bổ và giao dự toán chi ngân sách, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

9. Trình Ủy ban nhân dân thành phố về chương trình, biện pháp và tổ chức thực hiện cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo địa bàn thành phố; giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục và đào tạo ở địa phương; hướng dẫn, kiểm tra cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật.

10. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, các cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc các Sở, Ban ngành khác.

11. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.

12. Tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến trong giáo dục, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương; quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ trong các trường, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở quản lý.

13. Hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về giáo dục trên địa bàn thành phố.

14. Trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về bảo quản, sử dụng tài sản cơ sở vật chất trường học, công tác phát hành sách giáo khoa, ấn phẩm giáo dục, thiết bị, thí nghiệm và các phương tiện giáo dục khác; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định đó sau khi đã ban hành.

15. Thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

16. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.

17. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

18. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục thuộc địa phương quản lý.

19. Quản lý tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.

20. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức, biên chế:

1. Lãnh đạo:

Sở Giáo dục và Đào tạo có Giám đốc và không quá ba (03) Phó Giám đốc.

Giám đốc là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố và pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về các nhiệm vụ công tác được phân công.

2. Cơ cấu tổ chức:

a. Đơn vị quản lý nhà nước:

1. Văn phòng;

2. Thanh tra;

3. Phòng Giáo dục Mầm non;

4. Phòng Giáo dục Tiểu học;

5. Phòng Giáo dục Trung học;

6. Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp;

7. Phòng Giáo dục Thường xuyên;

8. Phòng Khảo thí;

9. Phòng Kế hoạch - Tài chính;

Phòng Tổ chức Cán bộ.

b. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

1. Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố;

2. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tây Đô;

3. Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp;

4. Trường Dạy trẻ khuyết tật;

5. Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật;

6. Trường Cao đẳng sư phạm;

7. Trung tâm Vi tính – Ngoại ngữ;

8. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trường học;

9. Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng;

10. Trường THPT Thạnh An;

Trường THPT Thốt Nốt;

Trường THPT Trung An;

Trường THPT Hà Huy Giáp;

Trường THPT Thới Lai;

Trường THPT Trần Ngọc Hoằng;

Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa;

Trường THPT Nguyễn Việt Hồng;

Trường THPT Trà Nóc;

Trường THPT Phan Văn Trị;

Trường THPT Thới Long;

Trường THPT Dân tộc nội trú;

Trường THPT Châu Văn Liêm;

Trường THPT Lưu Hữu Phước;

Trường THPT Bán công Thốt Nốt;

Trường THPT Bán công Thạnh An;

Trường THPT Bán công Ô Môn;

Trường THPT Bán công An Bình;

Trường THPT Bán công Phan Ngọc Hiển;

Trường THPT Bán công Nguyễn Việt Dũng;

Trường THPT Bán công Nhơn Ái;

Trường THPT Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm.

3. Biên chế:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định số lượng biên chế hằng năm.

- Việc bố trí cán bộ, công chức của Sở phải căn cứ vào nhu cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức Nhà nước theo quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 473/QĐ.UBT.95 ngày 02/3/1995 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cần Thơ.

Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị phù hợp với Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố và các quy định hiện hành.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ
- Bộ Nội vụ
- Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VB)
- TT.TU, TT.HĐND và UBND TP
- UBMTTQ TP và đoàn thể
- VP Thành ủy và các Ban của Đảng
- Sở, Ban, ngành thành phố
- TT.HĐND, UBND quận, huyện
- Lưu TTLT
SoGDDT(Xuân)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TP. CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng